'Đập cánh giữa không trung': Bên lề, ngoại lệ và đương đại

14/10/2014 14:50 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Điệp bảo đã dần làm quen và thích chữ “bên lề” như một số báo chí loan tin về giải thưởng mà cô nhận được tại Tuần lễ phê bình liên hoan phim (LHP) Venice vừa qua, nhấn mạnh tới tính chất của chương trình độc lập này. Nhưng từ góc độ một khán giả của bộ phim, người viết muốn nói tới hai chữ khác: Ngoại lệ và Đương đại.

Ngoại lệ

Ngoại lệ, bởi nó là bộ phim đầu tay của đạo diễn nữ trẻ. Kể từ Síu Phạm với Đó... hay đây (2011), điện ảnh Việt Nam mới lại có phim đầu tay của một tác giả nữ.

Ngoại lệ, bởi để làm được tác phẩm này, Điệp đã thuyết phục được 4 quỹ hỗ trợ lớn về điện ảnh trên thế giới, ba nhà đồng sản xuất quốc tế, tất cả đều nói bằng ngôn ngữ không cùng với ngôn ngữ mẹ đẻ của cô.

Ngoại lệ, bởi Điệp đã dám chấp nhận những mạo hiểm. Cô thay diễn viên nữ chính vào phút chót, dù đã chốt vai diễn từ hai năm trước khi khởi quay. Lý do: ”diễn viên không được phép đặt ra giới hạn, vì như vậy vô hình trung sẽ đặt ra giới hạn với bộ phim, giới hạn của sự sáng tạo”.

Ngoại lệ, bởi cho đến ngay trước khi phim ra mắt thế giới ở LHP Venice, Điệp còn hồi hộp về số phận của bộ phim ở khâu kiểm duyệt.

Ngoại lệ, bởi suy nghĩ ban đầu của tôi rằng có thể liên hệ so sánh được bộ phim với những tác phẩm đương đại khác, ngay sau khi xem phim đã lập tức tan biến. Điệp làm Đập cánh giữa không trung với một ê kíp tương tự như Bi, đừng sợ! (chỉ khác hai họa sĩ thiết kế đảm nhiệm phần mỹ thuật). Nội dung cơ bản phim của Điệp cũng là hai cô bạn cùng nhau tìm cách để phá một cái thai như trong phim đầu tay 4 tháng, 3 tuần và 2 ngày từng được giải Cành cọ vàng năm 2007 của nhà làm phim Cristian Mungiu (Romania). Nhưng Đập cánh giữa không trung là một đương đại khác.

Đương đại

Huyền 17 tuổi, xuất thân từ một vùng quê và đang học trung học ở Hà Nội. Cô sống một mình trên một gác trọ tối tăm, ẩm thấp và ồn ào bên cạnh đường ray xe lửa. Chia sẻ thế giới nhỏ bé này với cô có hai người: người yêu cô tên Tùng - một công nhân điện lực chuyên đi sửa đèn đường có sở thích chơi gà chọi cá độ; người bạn thân của cô tên Linh - một gái điếm chuyển giới thường xuyên mất chìa khóa nhà. Huyền có thai ngoài ý muốn với Tùng, và cô tìm cách để phá thai. Vì không đủ tiền, Linh tìm cách giúp cô kiếm tiền. Huyền bước vào thế giới của một người đàn ông lạ mặt không tên có sở thích kỳ lạ với cái bụng bầu của cô. Những sự việc diễn ra liên tiếp làm cô luôn phải dời lại ngày phá thai, trong khi cô càng vướng vào một mớ bòng bong của hiện thực và siêu thực, lơ lửng và vô định.

Bức tranh của hiện thực dửng dưng một cách đau đớn được chấm phá một cách tài tình và tế nhị theo cách của một họa sĩ trường phái ấn tượng. Đây ngôi trường của Huyền với người thầy ve vãn trách cứ trò (Phan Đăng Di xuất hiện vài giây), những cô gái trẻ tìm cách làm vừa lòng thầy để xin đủ điểm được nhận học bổng, đôi khi chỉ là một cái cúc áo bật rộng hơn hay núm vú giả sau lần áo bằng hai quả dâu da xoan. Đây bãi sông Hồng và cây cầu xây dang dở của những trận cá độ và băng nhóm đầu gấu trẻ. Đây cuộc sống bên lề giữa thành phố đông đúc của một quán cháo quẩy, những đứa trẻ chơi trên đường ray. Bộ phim bắt đầu bằng những cảnh quay tối tăm trong đêm, phảng phất đâu đó là một thứ ánh sáng vàng vọt và lạnh lẽo. Nhưng ngay cả những cảnh ban ngày cũng là một thứ ánh sáng đầy bất an của một cơn giông sắp đến, hay của một luồng sáng lóa mắt khó chịu. Điệp nói rằng dù Hà Nội nóng, ồn ào và đầy rẫy điều vớ vẩn, nhưng chính những thứ đó tạo cho cô cảm giác an toàn và gần gũi. Và vì thế cô muốn đưa hiện thực đó vào phim.

Để tạo nên được bức tranh có không khí đầy chất đương đại đó là công sức rất lớn của quay phim, ánh sáng, họa sĩ thiết kế bối cảnh và âm thanh. Những khuôn hình đạt đến mẫu mực với bối cảnh chi tiết kỹ lưỡng. Âm nhạc của bộ phim chính là âm thanh đường phố, đầy hơi thở và sống động. Nhưng để truyền tải được tâm lý buồn chán của nhân vật, dựng phim là yếu tố mấu chốt tạo nên sức hấp dẫn trong vẻ lê thê và lững thững, dù nhịp cắt liên tục.

Tính siêu thực của Đập cánh giữa không trung có lẽ là điểm quan trọng tạo nên phong cách riêng của Điệp và giá trị của bộ phim. Người đàn ông bí ẩn kia là thực hay là mơ? Mỗi lần anh ta xuất hiện, có tiếng nhạc vang vọng đầy bất an, nhưng cũng đầy mê hoặc. Những trường đoạn Huyền một mình khám phá ngôi biệt thự giữa cao nguyên với các vật thể lập dị, ma quái, chuyến đò tới quán cháo thuốc độc trong ánh sáng ma mị, những bong bóng khí chở người bất động trôi theo dòng nước, cánh rừng vương vất khói sương mờ khuất bóng người ra đi,... Tất cả tạo nên một không khí ảo diệu khôn lường, khoảng cách giữa nguy hiểm và an toàn chỉ là sợi dây mỏng manh. Và trong mối tơ vò đó là một cô gái trẻ, Huyền, cứ thế trôi và lướt đi, trong một tâm thế vừa sợ hãi, vừa bất lực, vừa phập phồng chút hy vọng hão huyền.

Thể hiện vai diễn Huyền chất chứa nội tâm là Thùy Anh - một diễn viên trẻ lần đầu đóng phim điện ảnh nhưng có mẫn cảm tuyệt vời. Cô vừa có nét thơ ngây đầy hấp dẫn, vừa có nỗi buồn ẩn sâu trong ánh mắt, diễn cảm bất động của gương mặt và ngay cả trong dáng đi, dáng đứng. Tạo thế cân bằng với vai Huyền là Linh của Thanh Duy - tươi sáng, tự nhiên, hoạt náo bên ngoài trong sự trải đời và đầy tâm sự bên trong. Mỗi lần Linh xuất hiện đều giúp cho không gian của bộ phim mở ra một chút, trong cái chật hẹp vốn dĩ chạy xuyên suốt phim.

Với những gì Đập cánh giữa không trung thể hiện, cá nhân tôi tin rằng đây là một bước tiến rõ rệt của điện ảnh độc lập Việt Nam. Không còn là những khuôn hình duy mỹ, không còn là những cảm xúc ngồn ngộn, đó là tinh thần đương đại được thể hiện một cách đầy tự tin, khoan thai, mạch lạc mà cũng đầy lôi cuốn.

Phim Đập cánh giữa không trung sẽ tham dự LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ 3 (từ ngày 23 đến ngày 27/11/2014). Đạo diễn Hoàng Điệp cho biết trước khi phim tham dự LHP này, chị muốn Đập cánh giữa không trung được phát hành ngoài rạp, hiện phương án phát hành đang trong thời gian thương thảo.

Mạnh Cường Vũ (người sáng lập Tiệc phim YxineFF)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm