Ca khúc 'Idioteque' của Radiohead: Khúc vui lạ kỳ

03/05/2022 13:00 GMT+7 | Giải trí

Radiohead là ban nhạc alternative rock được nhiều nhà phê bình chấm điểm tuyệt đối với bố cục âm thanh phức tạp, nhạc cụ nhiều lớp và sự đột phá. Với mỗi album mới phát hành, âm thanh của họ dường như tiến hóa.

Ca khúc 'Creep' của Radiohead: Niềm vui trong nỗi buồn 'quy hồi vĩnh cửu'

Ca khúc 'Creep' của Radiohead: Niềm vui trong nỗi buồn 'quy hồi vĩnh cửu'

“Thánh ca” "Creep" rõ ràng là hit lớn nhất của Radiohead nhưng nó cũng là niềm đau lặp lại vô tận với ban nhạc.

Những album đầu, Pablo Honey (1993) và The Bend (1995) tập trung chủ yếu vào kết cấu guitar và giọng giả thanh. OK Computer (1997) lại chứa âm mênh mang kỳ vĩ và mô-típ cô lập mãnh liệt.

Tới album thứ tư, Kid A (2000), Radiohead bắt đầu tích hợp một lượng đáng kể nhạc điện tử. Nhưng ngay cả giữa âm thanh điện tử lan tỏa khắp ở đây, một ca khúc đặc biệt, Idioteque, vẫn đứng nổi bật, tách biệt hoàn toàn so với phong cách thường thấy ở Radiohead.

Quá trình sáng tạo khác thường

Idioteque thường được nhận định là nhạc electronic dance, gần như không còn là rock. Nó sở hữu beat điện tử, chuỗi hợp âm do máy tính tạo cùng vô số âm thanh, hiệu ứng bổ sung - lạc ra khỏi tiếng guitar, trống và synthesizer thường thấy của Radiohead. Dù vậy, bất chấp bước đột phá sáng tạo một thể loại mới, Idioteque vẫn mang hơi thở bản sắc Radiohead, một không khí u sầu phi thực.

Idioteque bắt đầu bằng giai điệu do tay guitar Jonny Greenwood ngẫu hứng tạo ra sau khi thử nghiệm một số âm thanh thú vị trên mô-dun synthesiser. Đoạn thu âm dài 50 phút này sau đó được đưa cho giọng ca chính Thom Yorke. Yorke đã tìm thấy ở đó “một đoạn 40 giây đặc biệt thiên tài” và cắt lấy để làm ra Idioteque.

Chú thích ảnh
Thom Yorke (phải) và Jonny Greenwood - hai người tạo nên kiệt tác “Idioteque”

Tuy vậy, trên thực tế, Idioteque không hoàn toàn do Radiohead sáng tạo mà là nâng cao thử nghiệm từ nền tảng sáng tạo có trước.

Cốt lõi của ca khúc xoay quanh 4 hợp âm kỳ lạ. Những hợp âm này lấy sample từ một bản nhạc máy tính lạ thường do Paul Lansky dựng, mang tên Mild und Leise - mà Greenwood vô tình tìm thấy ở một cửa hàng băng đĩa cũ khi Radiohead sang Mỹ lưu diễn. Lansky đã viết bản nhạc này năm 1973 trên máy tín IBM ở Đại học Princeton. Đây là bản nhạc đầu tiên sử dụng phương pháp FM synthesis, sau này sẽ phổ biến trong giới làm nhạc tổng hợp. Mild Und Leise cũng thúc đẩy việc sử dụng âm nhạc thuật toán máy tính để tạo ra những âm thanh và kết cấu tinh vi, là nền tảng cho nhạc electronic ngày nay.

Tuy nhiên, bản thân hợp âm này lại dựa trên một cấu trúc sáng tạo khác: Hợp âm Tristan. Được đặt tên theo hợp âm đầu tiên trong vở opera Tristan And Isolde của Wagner, đây là hợp âm vô cùng sáng tạo và gan dạ, thay vì đi theo sự hài hòa âm sắc truyền thống, lại nhấn mạnh cấu trúc của âm thanh.

Lansky đã dùng hợp âm Tristan cùng phiên bản đảo ngược của nó để soạn tác phẩm này. Tới lượt Radiohead, họ lại dùng sáng tạo của Lansky để tạo nên phiên bản của riêng mình. Hiệu ứng tổng hợp, kế thừa này đã mang tới một âm thanh khác biệt, không giống âm nhạc trước đó.

Chú thích ảnh
Bìa album “Kid A”- album đột phá, thuộc hàng vĩ đại nhất mọi thời đại

Bằng cách đó, Radiohead đã làm nên cuộc cách mạng trong dòng nhạc vốn thường bị bão hòa bởi những đoạn lặp đi lặp lại.

Nhưng chuỗi hợp âm chưa phải khía cạnh đặc biệt duy nhất trong Idioteque mà Radiohead phá vỡ truyền thống electronic dance, phần trống của họ cũng sai biệt. Thông thường, trống của nhạc dance chắc, phân chia đều đặn. Ở Idioteque, trống có nhiều biến thể, tạo ra âm thanh phức tạp hơn nhiều và không đều. Radiohead nổi tiếng với cách sử dụng nhịp bất thường như 10/4, 5/4 và lần này họ cũng vậy.

Cuối cùng, mối quan hệ đặc biệt giữa nhạc và giọng hát. Sau hơn 1 phút nhạc, giọng Yorke mới xuất hiện. Vì vậy, khi vang lên, nó có vẻ khẩn trương có tính toán và đầy háo hức khi được tham gia. Một khi đã nhập cuộc, trước những biến dị bất thường của âm nhạc, giọng hát lại phối hợp nhuần nhuyễn như một người cưỡi sóng tài ba. Cũng như nhạc, phần giọng cũng có nhiều lớp, khi ẩn khi hiện và giọng Yorke được coi là đã thăng hoa tới mức chưa từng có.

Ca khúc đa tầng “Idioteque” của Radiohead:

Nội dung kỳ lạ

Luôn là rất khó ở việc làm rõ từng câu chữ trong âm nhạc của Radiohead. Idioteque thì cơ bản là bất khả khi Yorke viết nó theo cách cắt - ghép, một kỹ thuật văn học trong đó văn bản được viết ra rồi cắt và sắp xếp lại thành nội dung mới. Kỹ thuật này bắt nguồn từ chủ nghĩa Dadai ở thập niên 1920 và phổ biến trong nhiều giai đoạn. Chính xác thì Yorke đã cắt những mảnh giấy bỏ vào mũ và bắt đầu như nhà ảo thuật lôi ra những chú thỏ. Hơn thế, tiêu đề “Idioteque” cũng không hề có nghĩa và cũng chẳng xuất hiện trong ca khúc. Đây là một từ hoàn toàn do Radiohead sáng tạo, có thể ngụ ý tới từ “idiotic” - ngu ngốc. Tuy nhiên, không ai biết chắc chắn bởi Radiohead thường không giải thích các ca khúc của mình.

Nhưng đặt trong một bối cảnh chung của album Kid A, Idioteque là mảnh ghép điềm báo về sự mê hoặc của album - một cái nhìn thoáng qua về không gian phản địa đàng trên nền beat điện tử lạnh lẽo. Cũng như âm thanh đi trước thời đại, nội dung Kid A phản ánh nỗi lo sợ về tương lai (mà sau này được chứng thực là đúng) về sự phát triển của công nghệ, chiến tranh, hạt nhân…

Mở đầu album là không gian hòa bình và thịnh vượng. Sau đó là sự ra đời của Kid A - quả bom nguyên tử. Tiếp theo đó là toàn những tàn phá đúng như thế giới phản địa đàng. Các lát cắt trong xã hội lướt nhanh qua các ca khúc, tràn đầy sự hỗn loạn trước giờ tận thế. Tới Idioteque, đứng thứ 8 trong tổng 10 ca khúc của Kid A, là cảnh chui rúc trong một boongke, sợ hãi trước ngày tàn của nhân loại.

Điểm kỳ dị nằm ở chỗ Yorke lại miêu tả Idiotque là “ca khúc vui vẻ nhất chúng tôi từng viết”! Làm sao có thể vui vẻ giữa cảnh sinh tử như vậy? Lý thuyết phổ biến nhất là Idioteque được kể thông qua lời một anh ngốc (hoặc có lẽ là người thông thái nhất) khi vào thời khắc khó khăn vẫn tìm ra niềm vui cuộc sống. Bất chấp ngoài kia có mưa bom bão đạn, con người này vẫn tách mình ra khỏi bối cảnh để hưởng thụ hiện tại. Thái độ lạc quan này lan ra 2 ca khúc cuối khi con người nhận ra mình vẫn còn sống và hạnh phúc giờ đã nằm trong tầm tay.

Tất nhiên, không thể biết chính xác Thom Yorke nghĩ gì trong văn bản bị xé ra và ném vào mũ, nhưng bằng cách nào đó, Idioteque luôn mang lại cảm giác phi lý, ngược đời – thứ có thể là liều thuốc giải giữa thế giới điêu tàn.

Luôn là quái vật

Radiohead đã phải chấp nhận rủi ro lớn khi phát hành Idioteque, có khả năng chịu sự ghẻ lạnh ngay từ những người hâm mộ. Nhưng như Nietzsche nói: “Thứ gì không giết được ta sẽ làm ta mạnh mẽ hơn”, Idioteque đã nâng tầm thành công của Radiohead và theo nhiều nhà phê bình, họ là một trong những nhóm nhạc vĩ đại và ảnh hưởng nhất thập niên 1990.

Pitchfork chọn Idioteque là một trong những ca khúc hay nhất thập kỷ còn Rolling Stone xếp nó thứ 48 trong danh sách 500 Ca khúc vĩ đại nhất mọi thời đại.

Radiohead không được yêu cầu tái tạo alternative rock hay dấn thân vào electronic dance, nhưng bằng sự sáng tạo của mình, họ đã làm nên điều vô cùng mới mẻ và độc đáo. Bản thân album mẹ Kid A cũng là một kỳ tài. Ra mắt ở No.1 Billboard 200 Mỹ, album thắng giải Grammy cho Album Alternative hay nhất và được đề cử Album của năm. Album được Pitchfork đánh giá là album hay nhất thập kỷ còn Rolling Stone xếp thứ 20 trong danh sách 500 Album hay nhất mọi thời đại.

Thêm một điều đáng kinh ngạc nữa cần nói về Idioteque và Radiohead: Đó là phiên bản live của ca khúc. Với phần nhạc chủ yếu là điện tử cùng giọng hát như phiêu du chốn nào, vô cùng khó để thổi vào sự sống cho nó, dễ dẫn tới sự nhàm chán. Nhưng Radiohead đã làm được bằng cách đưa giọng hát vào sớm hơn và tăng nhịp, đồng thời phát huy hết mọi tiềm lực của trống. Tất nhiên, còn nhiều thủ thuật khác khó mà tường tận nhưng có một điều chắc chắn, bằng cách nào đó, Idioteque luôn là khoảnh khắc live quái vật trong những buổi biểu diễn sân vận động của Radiohead, thổi luồng sinh khí tươi mát tới khán giả luôn cuồng nhiệt chờ đợi và cổ vũ nó.

Thư Vĩ (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm