Ca khúc đã và sắp đưa vào vũ trụ (Kỳ 4): 'Jaat Kahan Ho' - đẹp đến ám ảnh

29/09/2019 19:32 GMT+7 | Giải trí

(Thethaovanhoa.vn) - Ngoài ca khúc kỳ trước, Johnny B. Goode của Chuck Berry, một ngoại lệ của dòng nhạc hiện đại với sức trẻ tuôn trào, phần lớn các tác phẩm được lựa chọn vào hai đĩa vàng Voyager Golden Record để gửi ra ngoài không gian, giới thiệu Trái đất với “người ngoài hành tinh”, đều mang màu sắc thiên nhiên hoặc cổ xưa.

Ca khúc đã và sắp đưa vào vũ trụ (Kỳ 3): 'Johnny B. Goode'- Khúc khải hoàn của người hùng mù chữ

Ca khúc đã và sắp đưa vào vũ trụ (Kỳ 3): 'Johnny B. Goode'- Khúc khải hoàn của người hùng mù chữ

Khi lựa chọn nhạcđể gửi vào vũ trụ, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã vô cùng cẩn trọng bởi nó là đại diện cho lịch sử văn hóa và thông điệp kết nối của loài người. Bởi vậy, họ đã hướng tới chủ yếu là nhạc cổ điển, dân ca, phúc âm, nhạc nghi lễ… - những âm thanh đã qua kiểm định lâu bền của thời gian.

Trong số những ca khúc xưa cũ này, Jaat Kahan Ho (nhạc truyền thống Ấn Độ) đặc biệt không chỉ bởi sức mạnh tiềm ẩn bên trong nó mà còn bởi người thể hiện, Kesarbai Kerkar - giọng ca có sức mê hoặc như quê hương Ấn Độ kỳ bí của bà.

Gốc rễ văn hóa

Theo các nhà phân tâm học, mỗi con người chúng ta không chỉ nhận di truyền từ tổ tiên về mặt gien, mà còn ở cả lối sống và văn hóa. Mỗi con người là một trái đất. Chỉ một con người duy nhất cũng có thể tái tạo lại được toàn bộ Kinh thánh hay di sản văn hóa. Tức là, trong phạm vi chủ đề âm nhạc, một người từ khi sinh ra có thể chưa bao giờ được nghe những ca khúc dân gian xa xưa, nhưng ở trong họ, có lẽ thuộc tiềm thức, vẫn luôn tồn tại dòng âm thanh đó.

Thế nên, hẳn chẳng phải vô cớ khi Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), khi chọn nhạc để đại diện văn hóa người Trái đất vào năm 1977, lại chọn những tác phẩm từ thời rất xưa.

Chú thích ảnh
Huyền thoại âm nhạc Ấn Độ Kesarbai Kerkar lưu danh muôn thuở trên đĩa vàng của NASA

Trong tổng cộng 31 bản ghi thuộc hai đĩa vàng Voyager Golden Record, bên cạnh những âm thanh tự nhiên trên trái đất hay lời chào hỏi của loài người, chủ yếu là nhạc dân gian. Đây đều là những cái nôi của văn hóa, mà hơi ấm của nó có thể đã biến mất trong tri thức của ta và lui về nương náu trong tiềm thức. Và bởi tiềm thức luôn ẩn chứa sức mạnh to lớn, nên những tác phẩm của cha ông này, không có gì sai khi nói nó là đại diện cho con người, ở thời hiện đại.

Sự lựa chọn của NASA cũng rất đa dạng. Đó là nhạc nghi lễ thổ dân hòa trộn giữa âm thanh núi rừng với tiếng hò reo, một bài dân ca dịu dàng sâu lắng, một ca khúc ngắn trong đám cưới xưa, một bản hùng ca mừng chiến thắng ở thế kỷ 18…có thể có lời hoặc không, tới từ rừng rậm hay thảo nguyên, từ phương Đông huyền bí hay phương Tây hào hùng.

Trong số những bản nhạc này, như đã giới thiệu, đặc biệt phải kể tới Jaat Kahan Ho do Kesarbai Kerbar thể hiện bởi giá trị kép của nó.

Thoát đời kỹ nữ, hóa huyền thoại

Jaat Kahan Ho là tác phẩm xưa của người Hindu, mang vẻ đẹp đến ám ảnh qua giọng hát của Kesarbai Kerbar, giọng ca huyền thoại của Jaipur-Atrauli - dòng nhạc đặc trưng bởi giọng hát có tính thẩm mỹ cao, điệu nhạc raga và kỹ thuật thiên bẩm.

Sinh ra trong một làng đồi núi hẻo lành ở Goa vào năm 1892, bà thoát ra khỏi truyền thống devadasi (các thánh nữ, bị buộc phụng sự cho nữ thần sinh sản) vào đầu những năm 1900 và dần trở thành nghệ sĩ nổi tiếng nhất thời đó, được nhiều nhà thơ, vua chúa, tướng lĩnh… tôn kính.

Chú thích ảnh
Kesarbai Kerkar nhận giải Sangeet Natak Akademi vào tháng 3/1953

Trong thời thơ ấu, Kesarbai được đào tạo dưới tay nhiều bậc thầy âm nhạc như Abdul Karim Khan, Ramakrishnabuva Veza, Barkatulla Khan và Bhaskarbua Bakhle. Tuy nhiên, quãng thời gian này ngắn ngủi và bà khao khát nhiều hơn thế.

Kesarbai săn tìm một người thầy có thể đưa bà tới đỉnh cao nhất của nhạc Hindu cổ xưa và cuối cùng, bà đã được huyền thoại Alladiya Khan nhận làm học trò năm 1920. Được tôn vinh là Gauri-Shankar (đỉnh Everest của Âm nhạc kinh điển Ấn Độ), Khan chính là người sáng lập ra dòng Jaipur-Atrauli và nổi tiếng khi sáng tạo ra nhiều điệu raga hiếm.

Thú vị là, trong thời gian thử thách ba tháng, Kesarbai không làm chủ được phong cách của thầy nên đã bị Khan từ chối. Chỉ tới khi Kesarbai nhờ Shahu Maharaj, người cai trị vùng Kolhapur, mở lời giúp thì bậc thầy vĩ đại mới nhận bà.

Trong suốt 25 năm tiếp theo, bà không ngừng học tập, trau dồi từ Alladiya Khan, đồng thời đi biểu diễn khắp cả nước. Thành công lớn lao của bà với tư cách danh ca dòng khyal, cùng với Hirabai Barodekar, Gangubai Hangal và Mogubai Kurdikar đã mở đường cho thế hệ các giọng ca nữ tiếp theo.

Kesarbai sở hữu quãng âm rộng tới ba saptaka (chuỗi bảy nốt trong thang âm nhạc Ấn Độ) và bà có thể chuyển giọng dễ dàng trong phạm vi này. Các ca khúc của bà đều là tuyệt phẩm công phu, thể hiện qua giọng dày, trầm nhưng luôn thanh thản và trang trọng. Đi kèm với nó là vẻ đẹp trong chủ đề âm nhạc, khiến người nghe càng say lòng.

Bà cũng nổi tiếng là người cầu kỳ, không bao giờ nhận một buổi độc tấu vội vàng. Giọng hát, người đệm nhạc, đến cả lời giới thiệu, tất cả đều phải hoàn hảo, là bí mật của những buổi hòa nhạc thành công của bà.

Năm 1938, bà nhận giải Surshri (Nữ hoàng Âm nhạc) từ chính tay nhà thơ vĩ đại Ấn Độ Rabindranath Tagore. Năm 1953, bà nhận giải Sangeet Natak Akademi - sự công nhận lớn nhất cho nghệ sĩ biểu diễn Ấn Độ - từ thay Tổng thống Ấn Độ Rajendra Prasad. Năm 1969, chính phủ Ấn Độ trao giải Padma Bhushan, giải dân sự cao thứ ba ở Cộng hòa Ấn Độ cho bà.

Tại quê nhà Goa, một lễ hội âm nhạc vinh danh bà vẫn được tổ chức hàng năm vào tháng 11 và một học bổng âm nhạc mang tên bà được trao thường niên cho một sinh viên Đại học Mumbai. Ngôi nhà nhỏ nơi bà sinh ra hơn 100 năm, cũng được gìn giữ như một di tích lịch sử về một huyền thoại.

Trường tồn cùng tuế nguyệt

Giọng ca ma thuật của Kesarbai đã chiếm được trái tim của vô vàn người nghe trên thế giới. Một trong số này là nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc Robert E. Brown, người tin rằng bản raga Bhairavido bà thể hiện, có thể coi là ví dụ xuất sắc nhất của âm nhạc kinh điển Ấn Độ. Ông chính là người đã đề xuất đưa ca khúc vào đĩa vàng Voyager Golden Record. Năm 1977, đúng năm Kesarbai qua đời, hai tàu vũ trụ Voyager, mang theo giọng hát của bà, đã bay vào vũ trụ.

Theo tác giả Bhairavi B, Jaat Kahan Ho là tác phẩm Bhairavi đầy chua xót, chứa đựng câu hỏi muôn thuở, “Jaat khan ho akeli gori?” (Đi đâu một mình vậy, cô gái). Phải chăng đôi chân của cô cũng chẳng biết? Và cô gái đáp rằng thần Krishna đang gọi, chơi đùa trong lễ hội sắc màu ở những cánh đồng nghệ tây. Đây là lễ hội mừng mùa Xuân tới, mừng sự nở rộ của tình yêu và cũng là nơi để gặp gỡ, quên lãng và tha thứ, cũng như xây đắp lại những quan hệ tan vỡ. Một lễ hội của hy vọng, thứ người con gái kiếm tìm.

Nhà sản xuất cặp đĩa vàng, Timothy Ferris, từng viết về đóng góp của Ấn Độ cho sứ mệnh nhân loại trong Murmurs Of Earth, cuốn sách phát hành năm 1978 về bản ghi này: “Một trong những chuyển tiếp âm nhạc yêu thích của tôi trong bản ghi Voyager là khi Flowing Stream kết thúc và chúng ta di chuyển, nhanh như một cái nhún chào, băng qua dãy Himalaya tới phía Bắc Ấn Độ, từ âm thanh của một thiên tài âm nhạc Kuan Ping-hu tới một thiên tài khác, Surshri Kesar Bai Kerbar. Bản raga này được chỉ định chính thức cho biểu diễn buổi sáng, nhưng sự nổi tiếng khiến nó được biểu diễn hết lần này tới lần khác, cho những buổi nhạc của cả ngày lẫn đêm”.

Tuy nhiên, để đưa giọng Kesarbai ra ngoài vụ trụ hóa ra không phải chuyện đơn giản. Say đắm chất giọng thần bí của bà, NASA đã đi tìm nguồn của bản thu nhưng dường như không ai biết được phải tìm nó ở đâu. Mọi người khăng khăng rằng không có bản thu nào được công khai vì Kesarbai không cho phép.

Cuối cùng, sau khi lùng sục các thư viện và cửa hàng âm nhạc, họ lại tìm được bản ghi ở một cửa hàng Ấn Độ bụi bặm ở ngay New York. Giữa những con nhện đáng sợ, giữa đám mây bụi, bên cạnh nhiều chiếc đĩa cũ đã vỡ, là ảnh một người phụ nữ đáng yêu, với mái tóc rẽ ngôi và chuỗi ngọc trai trên cổ. Bên dưới đó là dòng chữ: Bai Kesarbai Kerkar. Chủ cửa hàng đã bán lại gia tài nhân loại này cho NASA với cái giá thấp nực cười.

Âu cũng là cái vô ngã của kiếp người. Nhưng giờ đây, tuy chẳng thể vĩnh cửu nhưng Jaat Kahan Ho với giọng hát của Kesarbai sẽ tồn tại trong ít nhất một tỷ năm nữa trên đĩa vàng, ở ngoài không gian kia.

Thư Vĩ (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm