Ca khúc 'Comfortably Numb' của Pink Floyd: Hai mảng đối lập kỳ vĩ

24/04/2022 19:00 GMT+7 | Giải trí

Cố gắng định hình một ban nhạc và thành tựu của họ chỉ qua một ca khúc là điều rất vô nghĩa. Pink Floyd - ở đỉnh núi đặc biệt bậc nhất trong thế giới âm nhạc, tạo ảnh hưởng và cảm hứng lan rộng và ăn sâu - lại càng khó nắm bắt. Thế nhưng, nếu nhất định phải tìm một ca khúc đại diện cho họ thì đó có lẽ là Comfortably Numb.

Ca khúc 'Wish You Were Here' của Pink Floyd: Mặt tối của Syd Barrett

Ca khúc 'Wish You Were Here' của Pink Floyd: Mặt tối của Syd Barrett

"Wish You Were Here" của Pink Floyd thường được hiểu theo nghĩa “Ước gì em ở đây”, nhưng sự thật, đây là bài hát về những người đàn ông, những người đã cùng nhau đi qua bao thăng trầm để rồi lạc nhau trên đỉnh cao danh vọng.

Comfortably Numb không chỉ mang tới cái nhìn nền tảng về âm nhạc của Pink Floyd, ca khúc còn lộ thiên những tranh cãi, căng thẳng, tầm nhìn, sự rung động và tài năng thuần khiết mà hoang dại của những người làm nên nó. Một vẻ đẹp tráng lệ kỳ vĩ.

Cơn tê cứng êm dịu

Comfortably Numb là một chương trong vở opera rock kinh điển, album The Wall của Pink Floyd, khám phá cảm giác bị bỏ rơi và cô độc, tượng trưng bằng hình ảnh bức tường.

Các ca khúc trong album kể về cuộc đời của Pink, nhân vật dựa trên cựu thành viên Pink Floyd là Syd Barrett và Roger Waters - bassist đồng thời là phát ngôn mới của nhóm sau khi Barrett ra đi. Pink dựng nên bức tường bảo vệ quanh mình sau rất nhiều nỗi đau cuộc đời, bắt đầu với việc người cha bị giết ở Thế chiến II, người mẹ bao bọc con quá kỹ, giáo viên bạo hành ở trường, và sự sa ngã trong đời sống của một rocker khi trưởng thành…

Chú thích ảnh
Bìa đĩa mang nhiều biểu tượng của “Comfortably Numb” - một đặc trưng trong âm nhạc và hình ảnh của Pink Floyd

Comfortably Numb có thể coi như khoảng lặng trước cơn bão, một cơn tê cứng dịu êm khi Pink không còn cảm thấy gì nữa, kể cả nỗi đau. Tất cả mọi ồn ào bỗng câm bặt, anh như trôi dạt giữa không gian với tất cả quá khứ lướt qua nhanh như một ánh chớp. Trong cốt truyện, đó là khi người quản lý của Pink phát hiện ra anh nằm không phản ứng trong khách sạn. Một nhân viên y tế đã tiêm thuốc để vực anh lên sân khấu biểu diễn. Khi thuốc phát tác, anh rơi vào trạng thái ảo giác, tưởng mình là một tên phát xít độc tài còn khán giả là những người biểu tình. Giữa họ là bức tường vô hình không thể vượt qua. Pink giơ tay ra cầu cứu, mọi người đổ xô tới anh, nhưng họ không thể chạm tới nhau.

Ngoài đời, đó là một trải nghiệm tương tự với Waters. “Đó là hai giờ dài nhất của đời tôi” - Waters nhớ lại đêm diễn năm 1977 ở Philadelphia, “cố gắng diễn hết show khi mà tay không nhấc lên nổi”. Không chỉ tay, mà cả tứ chi của bassist chẳng muốn nhúc nhích vì anh vừa phải uống một liều an thần nặng trước buổi diễn để chống lại cơn đau bụng dữ dội.

“Chuyện đó cụ thể là ở đêm diễn tại Spectrum ở Philadelphia (ngày 29/7/1977)” - anh kể - “Tôi bị chứng rút ruột tồi tệ tới mức tôi nghĩ mình không thể diễn. Một bác sĩ ở hậu trường đã cho tôi một liều mà tôi thề có Chúa rằng nó có thể quật cả một con voi. Tôi đã diễn cả show, hầu như không thể giơ tay cao hơn đầu gối. Bác sĩ nói đó là một loại thuốc giãn cơ. Nhưng nó khiến tôi gần như tê cứng. Nó tồi tệ tới mức ở cuối show, khi khán giả gào lên đòi diễn thêm, tôi không thể làm nổi. Họ đã làm phần encore mà không có tôi”.

Bên cạnh đó là một khoảnh khắc từ tuổi thơ, như Waters kể: “Tôi nhớ mình bị cúm hay gì đó, nhiễm trùng, mê sảng và sốt lên tới hơn 40 độ C. Tay không to tới mức như quả bóng [như lời ca khúc] nhưng nó nhìn siêu to, rất đáng sợ. Rất nhiều người nghĩ những câu đó là về thủ dâm. Lạy Chúa”.

Màn live đỉnh cao “Comfortable Numb” năm 1980 của Pink Floyd:

Cuộc đối đầu

Những trải nghiệm tồi tệ này được đặt lên trên bản demo nhạc không lời của David Gilmour - guitar của nhóm. Gilmour vốn viết nó cho dự án solo năm 1978.

Một trong những điều làm nên tiếng tăm của Pink Floyd là các show của họ như trải nghiệm bước vào thế giới âm nhạc đặc thù. Tất cả đều vươn tới tầm nghệ thuật khi âm nhạc được kích thích bằng cả thị giác.

Trong khi Comfortably Numb là khoảnh khắc đẹp bậc nhất The Wall, phần diễn live của ca khúc cũng là điểm sáng của các show với đoạn solo của Gilmour một lần nữa là trung tâm ánh sáng.

Sau đoạn nhạc intro, Roger Waters xuất hiện trong đốm sáng rọi vào anh, thể hiện phiên khúc đầu. Khi phiên khúc vừa kết thúc, đốm sáng của Waters mờ tắt rồi bất ngờ, ở lơ lửng trên cao cả chục mét, một đốm sáng khác xuất hiện và Gilmour đắm mình trong ánh sáng đó, bắt đầu phần solo sẽ định hình sự nghiệp của anh. Ánh sáng sau đó sẽ tắt bật thêm một lần nữa ở phiên khúc sau.

“Đó là một khoảnh khắc diệu kỳ” - Gilmour hồi tưởng lại ngày đó, khi đứng ở sân khấu trên cao, tự do ứng biến đoạn solo của mình - “Tôi đứng trên đó, chờ Waters hoàn thành phần của anh. Chìm trong bóng tối, không ai biết tôi ở đó. Khi Waters bước xuống, kết thúc phần của mình, tôi bắt đầu phần của tôi và ánh sáng chói lòa rọi từ phía sau và mọi thứ lại tiếp tục. Khán giả khi đó đang cúi xuống, nhìn thẳng về sân khấu, thì đột ngột tất cả ngẩng lên và âm thanh vang dội. Mỗi đêm có khoảng 150.000 người như vậy. Một điều đáng kể”.

Chú thích ảnh
Bất chấp những tranh cãi, Gilmour (phải) và Waters có sự nghiệp gắn bó lâu dài với nhau

Cứ thế, khán giả hết ngẩng lên lại cúi xuống, choáng váng trước hình ảnh, giai điệu, ca từ như từ một thế giới khác hẳn của Pink Floyd. Gilmour và Waters cũng cứ thế chuyển đổi qua lại các mô-típ nhạc, phối hợp hài hòa như thủy triều lên xuống, tạo nên một hình ảnh phi thực. Điều khán giả không biết, đó là phía dưới làn sóng đẹp huyền ảo này là rất nhiều lốc xoáy.

Thật ra, quá trình hoàn thiện Comfortably Numb của họ khá suôn sẻ. Họ lấy nhạc trong album solo của Gilmour, thay đổi khóa từ E sang B, các phiên khúc giữ nguyên, chỉ thêm vào đôi chút khi Watersmuốn có câu “I have become comfortably numb”. Thế nhưng, khi bước vào phòng thu, vận hành trơn tru này bỗng gặp ma sát lớn.

Trong cuốn sách Comfortably Numb: The Inside Story Of Pink Floyd năm 2008 của Mark Blake, Gilmour thú nhận ca khúc là những ấm áp cuối cùng trong “khả năng cộng tác giữa tôi với Waters”. Còn theo Waters: “Dave và tôi, khi cùng ở miền Nam nước Pháp - nơi chúng tôi thu âm phần lớn The Wall, chúng tôi đã có bất đồng nghiêm trọng về việc thu âm Comfortable Numb”.

Anh nói tiếp: “Có lẽ đó là chuyện mà trong ký ức của tôi và của cậu ấy gần như y hệt nhau. Đó là chúng tôi đã cùng làm phần thu nhạc cụ. Tôi thích nó nhưng cậu ấy lại nghĩ nó chưa đủ chuẩn, nên chúng tôi làm lại đoạn trống và câu ấy nói nó hay hơn. Tôi thì: Không, tôi ghét điều đó”.

Theo đồng sản xuất Bob Ezrin, phiên bản của Waters có dàn nhạc, màu sắc và tráng lệ hơn. Trong khi đó, bản của Gilmour giảm thiểu và khó hơn. Lẽ tự nhiên, Waters muốn dẫn dắt nó theo ca từ anh viết còn Gilmour lại thích đi theo dòng chảy âm nhạc anh sáng tạo. Nhưng chính Gilmour sau này lại thú nhận: “Tôi có thể chẳng chỉ ra nổi sự khác biệt nếu giờ bạn đưa hai phiên bản đó cho tôi nghe”. Theo Gilmour: “Trên tất cả, đó là vấn đề về bản ngã. Chúng tôi đối đầu chỉ vì một việc nhỏ nhặt như thế đấy”.

Cuối cùng, cùng lùi bớt cái tôi, họ đã có được thỏa thuận “đình chiến”: Cho phép phần biên soạn dàn nhạc đẹp đẽ nằm ở thân ca khúc còn đoạn outtro theo phiên bản bốc lửa của Gilmour. Một sự kết hợp mà giờ khán giả nhiều thế hệ đều biết tới với vẻ đẹp hùng vĩ và dị biệt của nó.

Vĩ thanh

Sau khi rơi xuống điểm thấp nhất, nhân vật Pink (trong album The Wall) cuối cùng cũng vực dậy, tự đưa mình ra xét xử những lỗi lầm chồng chất. Ở ca khúc cuối cùng, bức tường được phá bỏ và Pink bước ra ngoài thế giới. Tuy nhiên, câu cuối cùng ở ca khúc cuối cùng lại chính là câu đầu của ca khúc đầu, gợi ý rằng cuộc khủng hoảng hiện sinh này sẽ không bao giờ thật sự kết thúc.

Gilmour và Waters cũng vậy, họ sẽ lại tiếp tục đối đầu ở hậu trường nhưng mang tới những kết hợp đỉnh cao nhất trên sân khấu. Pink Floyd không còn hoạt động liên tục nhưng liên tục tái hợp. Gần nhất, năm 2011, hai người đã cùng diễn Comfortably Numb tại London, trong chuyến lưu diễn phá vỡ nhiều kỷ lục thế giới của Waters, The Wall Live. Trước đó, năm 2005, Comfortably Numb là ca khúc cuối cùng mà cả bốn thành viên Pink Floyd biểu diễn cùng nhau.

Thư Vĩ (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm