'Bình minh đỏ' – Thời để nhớ của những cô lái xe Trường Sơn

26/04/2022 13:30 GMT+7 | Giải trí

Hình ảnh những cô gái lái xe trên đường Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đã được tái hiện sống động, giản dị mà chân thực trong phim Bình minh đỏ của đạo diễn NSND Nguyễn Thanh Vân.

Phim chiến tranh 'Người trở về' tung trailer dữ dội

Phim chiến tranh 'Người trở về' tung trailer dữ dội

Điện ảnh Quân đội vừa chính thức giới thiệu bộ phim chiến tranh "Người trở về", của đạo diễn Đặng Thái Huyền. Bộ phim sẽ ra mắt trong dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

Lấy cảm hứng từ những chiến công và gương chiến đấu anh dũng của Trung đội nữ lái xe đầu tiên trên tuyến đường Trường Sơn, bộ phim vừa có suất chiếu đặc biệt tại Trung tâm chiếu phim Quốc gia (Hà Nội) tối 23/4 và thu hút khá đông khán giả.

Tôn vinh những nữ lái xe anh hùng

Bình minh đỏ lấy bối cảnh sau Tết Mậu Thân 1968, khi chiến sự ngày càng khẩn trương, ác liệt. Nhu cầu cung cấp nhân lực, vật lực cho chiến trường miền Nam trở nên cấp bách. Bộ Tư lệnh Đoàn 559 giao nhiệm vụ cho Binh trạm 9, Binh trạm 12 tuyển gấp một số nữ thanh niên xung phong để đào tạo lái xe vận tải trung chuyển cho chiến trường. Trung đội nữ lái xe mang tên nữ anh hùng quân giải phóng miền Nam Nguyễn Thị Hạnh ra đời với tuyến hoạt động chủ yếu từ Bến Thủy (Nghệ An) đến Tây Trường Sơn.

Chú thích ảnh
Nữ diễn viên Bảo Hân vai Sa trong một cảnh phim "Bình minh đỏ". Ảnh: ĐPCC

4 nhân vật Châu, Hân, Sa và Thương trong phim là những cô gái còn rất trẻ được giao nhiệm vụ lái xe vận chuyển hàng hóa, lương thực, nhu yếu phẩm từ hậu phương ra tiền tuyến và chở thương bệnh binh, tử sĩ từ các chiến trường về hậu phương.

Đến chiến trường bởi những lý do riêng, vào đội lái xe ngày đêm xuyên qua mưa bom bão đạn, những cô gái mỏng manh, yếu đuối ấy dần phải trưởng thành và quen với những đặc thù của chiến tranh. Như lời đội trưởng Hân (Hoàng Bích Phượng) nói: “Vào đây mà cái gì cũng sợ thì chúng ta không thể làm gì được nữa”.

Chú thích ảnh

Sự hi sinh lần lượt của Hân, Thương (Hà Phương Anh), Sa (Phạm Bảo Hân) và anh trai trên hành trình làm nhiệm vụ đã để lại nỗi đau lớn đối với Châu. Nhưng với quyết tâm của mình, cô vẫn tiếp tục ra chiến trường để thực hiện nhiệm vụ còn dang dở trên những cung đường Trường Sơn đầy khói lửa ấy.

Trailer phim "Bình minh đỏ":

Xúc động nhưng không bi lụy

Cốt truyện phim Bình minh đỏ không quá phức tạp, không có nhiều tình tiết gay cấn nhưng vẫn chạm tới cảm xúc người xem khi gắn hiện thực chiến tranh khốc liệt với những cuộc đời, cá tính và số phận riêng.

Chú thích ảnh

Bối cảnh phim gần như chỉ xoay quanh tuyến đường Trường Sơn, không quá cầu kỳ nhưng vẫn khắc họa được sự khốc liệt chiến tranh. Cách kể chuyện khiến người xem cảm nhận sự mất mát của người lính, khi người hôm nay bên cạnhmình có thể ngã xuống bất cứ lúc nào - trong đó có cả những người thân ruột thịt hoặc những chàng trai, cô gái vừa bén duyên nhau.

Không giấu giếm nỗi sợ hãi rất thật, câu hỏi thường trực của các nữ thanh niên xung phong khiến người xem ấn tượng: “Khi nào thì mình sẽ chết và mình sẽ chết như thế nào nhỉ?”. Nó cũng giống như những lời thoại hồn nhiên mà xúc động trong phim: “Trăng đẹp quá, ước gì ngồi trong ca bin này là người yêu mình nhỉ?”; “Hòa bình rồi tha hồ mà ngắm trăng với người yêu”, “Mày và người yêu đã hôn nhau chưa?”.

Chú thích ảnh
Phạm Bảo Hân vai Sa

Dù là khắc họa một giai đoạn chiến tranh đã qua từ lâu, nhưng những khán giả trẻ xem phim cũng dễ dàng hiểu và đón nhận câu chuyện bởi sự gần gũi, giàu xúc động và không quá bi lụy. Gạt đi những giọt nước mắt, lòng dũng cảm và nghị lực của những nữ lái xe đầu tiên trên tuyến đường Trường Sơn vẫn đủ khiến người xem ấm lòng.

Chú thích ảnh
Phạm Quỳnh Anh vai Châu

Dàn diễn viên trẻ với diễn xuất tự nhiên, cảm xúc của Phạm Quỳnh Anh (vai Châu), Phạm Bảo Hân (vai Sa), Hà Phương Anh (vai Thương), Hoàng Bích Phượng (vai Hân)… cũng là điểm cộng của Bình minh đỏ. Lần đầu “chạm ngõ” điện ảnh trong một bộ phim về chiến tranh, diễn viên trẻ Bảo Hân bày tỏ: "Có rất nhiều cảm xúc, nhiều kỷ niệm đáng nhớ đối với em khi quay phim. Đó là những khó khăn khi phải tập lái chiếc xe Gaz rất nặng; là việc ở trong rừng săng lẻ Hương Sơn, Hà Tĩnh để quay suốt 2 tháng trời. Nhưng trên tất cả, em thấy tự hào khi được xuất hiện trong một bộ phim về chiến tranh như Bình minh đỏ”.

Đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân cũng cho biết: Anh cảm thấy may mắn khi Bình minh đỏ vẫn có thể thực hiện trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn ra phức tạp. “Từng thành viên, từng cộng sự của đoàn phim đã cống hiến, tận tâm khiến cho phim hoàn thành trong điều kiện đầy khó khăn. Chúng tôi làm phim về sự hy sinh trong thời điểm dịch bệnh cũng đang cướp đi nhiều sinh mạng, đó là áp lực lớn, niềm vui xen lẫn những nỗi buồn, lo lắng” - anh nói - “Mỗi thành phần của ê-kíp làm phim đều đã vượt lên chính mình, với mong muốn mang đến cho khán giả một tác phẩm điện ảnh chất lượng về đề tài chiến tranh cách mạng.

Tại suất chiếu đặc biệt phim Bình minh đỏ còn có sự xuất hiện của các nguyên mẫu - các cựu nữ lái xe Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trung đội trưởng Trung đội nữ lái xe Trường Sơn - bà Nguyễn Thị Hòa - xúc động cho biết, cô và các đồng đội không nghĩ những năm tháng tuổi trẻ đầy khó khăn gian khổ của họ lại được tái hiện sống động đến như thế trên phim.

"Bình minh đỏ tái hiện chiến tranh khốc liệt, để thế hệ sau không quên những cô gái lái xe Trường Sơn một thời để nhớ, không quên những cống hiến, hy sinh của thế hệ cha anh và sẽ trân trọng những năm tháng hòa bình" - người nữ lái xe Trường Sơn năm xưa chia sẻ ước nguyện của mình.

Phim Bình minh đỏ do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt hàng Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam sản xuất năm 2021, trong tình hình dịch bệnh Covid bùng phát phức tạp, đã giành Giải thưởng Ban Giám khảo Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22 tại thành phố Huế.

Tiểu Phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm