“Quốc tế hóa” ngành Việt Nam học theo hướng nào?

03/12/2008 15:00 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Là đối tượng nghiên cứu của nhiều học giả quốc tế, nhưng Việt Nam cho đến nay vẫn chưa có vị trí xứng đáng trong chuyên ngành Việt Nam học của thế giới - đó là lời nhận xét của GS.TSKH Vũ Minh Giang, trong buổi họp báo giới thiệu về Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ III (sẽ diễn ra tại Hà Nội từ 5-7/12). Và theo lời ông, việc tổ chức hội thảo với sự có mặt của hơn 700 chuyên gia quốc tế cũng không nằm ngoài mục đích từng bước khắc phục nhược điểm “ngược” ấy.

Ngành “Việt Nam học”: Từ chỗ dành cho “Tây”…

Tất nhiên, ai cũng hiểu Việt Nam học là ngành khoa học nghiên cứu về… Việt Nam. Chỉ có điều, như lời nhận xét của GS Nguyễn Quang Ngọc (Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển), ngành học này ra đời xuất phát từ nhu cầu của các nước phương Tây, khi muốn tìm hiểu về Việt Nam nói riêng và các nước Phương Đông nói chung. Tương ứng với nhu cầu ấy, ngành Việt Nam học đã dần được hình thành tại nhiều cơ quan nghiên cứu và đào tạo trong nước, bắt đầu từ việc giúp người nước ngoài học tiếng Việt và phát triển dần tới cái đích hỗ trợ họ tìm hiểu VN ở nhiều góc độ: lịch sử, văn hóa, kinh tế…
 
Năm 2008 có 68 thí sinh nước ngoài thi vào chuyên ngành
Việt Nam học của ĐH Quốc gia TP.HCM. Ảnh TT

“Những năm gần đây, rất nhiều chuyên gia nước ngoài đã và đang có mặt tại Việt Nam - GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Giám đốc ĐH Quốc Gia HN cho biết - Việc họ hiểu biết về đất nước chúng ta là rất quan trọng. Tôi không chỉ nói về vấn đề hợp tác kinh tế hoặc văn hóa, giáo dục. Thực tế đã cho thấy: ở một số thời điểm nhạy cảm về mối quan hệ với VN, chính phủ của một số nước thường tham khảo ý kiến và nhận định của các chuyên gia VN học, và nhận định của họ có một sức nặng đáng kể tới những quyết sách mà chính phủ các nước đó đưa ra.

Thế nhưng, với các học giả trong nước, việc đào tạo chuyên ngành VN học cho các sinh viên trong nước lại là điều gây tranh cãi. Theo lời GS Phan Huy Lê, nhiều học giả cho rằng: việc xây dựng chuyên ngành VN học cho người Việt trong nước là chưa hợp lý. Bởi, nói cho cùng, khi xét ở điều kiện VN, bản thân các ngành nghiên cứu trong nước đã mang tính chất “VN học” đậm đặc rồi. Thay vì nghiên cứu chuyên sâu, chúng ta lại xây dựng một ngành học tổng quát như vậy là không cần thiết.

“Những ý kiến ấy cũng có lý phần nào. Nhưng xét tổng thể, điều mà chúng ta cần là việc xây dựng một chuyên ngành VN học mang tính liên ngành - chứ không phải như một ngành nghiên cứu độc lập - GS Phan Huy Lê cho biết. Theo lời ông, thực tế cho thấy: đến nay trên thế giới đã có hàng vạn công trình viết về Việt Nam theo nhiều khuynh hướng khác nhau. Trong khi đó, sự hiểu biết của VN về quá trình này còn rất hạn chế, mới chỉ dừng lại ở mức những thông tin rời rạc qua quan hệ cá nhân theo từng lĩnh vực học thuật.

Chưa nói tới sự khác biệt về phương pháp luận, chỉ riêng ở góc độ tư liệu thì nhiều nước đã có những kho tư liệu về VN rất phong phú và “độc”. Chẳng hạn, ở Pháp có rất nhiều tư liệu về Việt Nam giai đoạn cuối TK 19 đầu TK 20, ở Viện nghiên cứu Moskva có rất nhiều tư liệu về phong trào quốc tế cộng sản tại Việt Nam… Chúng ta có thế mạnh về con người và cuộc sống tại Việt Nam, nhưng mối liên kết với các chuyên gia VN học quốc tế còn rất lỏng lẻo. Chuyên ngành VN học tại VN cần có mục đích tạo sự liên kết ấy.

Xây dựng một mạng lưới nghiên cứu quốc tế về VN
 

Số học giả Nhật Bản tham dự đông nhất

Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ 3 do Viện KHXH VN và ĐH Quốc gia HN tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình trong thời gian từ 5-7/12/2008. Hiện tại, đã có 371 học giả trong nước và 174 học giả quốc tế đăng kí tham dự Hội thảo, trong đó đông nhất là Nhật Bản (46 người) và Mỹ (29 người). Nội dung Hội thảo sẽ được chia theo 18 tiểu ban, với các chủ đề khác nhau về Lịch sử VN, Văn hóa VN, giao lưu văn hóa, Pháp luật VN, Ngôn ngữ và tiếng Việt...

Hội thảo Quốc tế về Việt Nam học đã từng 2 lần được tổ chức vào các năm 1998 và 2004.

Từ đầu thập niên 90 thế kỷ trước, bộ môn Việt Nam học đã hình thành ở một số trường đại học trên toàn quốc, đặc biệt là trong các mô hình trường đại học có chuyên ngành về văn hóa và lịch sử như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Quốc gia TP. HCM…Thậm chí, từ năm 1994, một Viện Viện Nam học thuộc ĐH QG Hà Nội cũng đã được hình thành.Thế nhưng, một mạng lưới các viện nghiên cứu Việt Nam học trên thế giới lại chưa có (tương tự như mô hình Viện Goeth hoặc L’Escape tại Việt Nam). Đa phần, Việt Nam học chỉ là môn nghiên cứu trực thuộc ngành văn hóa phương Đông tại một số nước và được xây dựng bởi các chuyên gia của bản địa.

GS Vũ Minh Giang cho biết: “Trung Quốc có nhiều trung tâm nghiên cứu văn hóa của họ trên thế giới. Chỉ riêng nghiên cứu về Khổng Tử và Đạo Khổng, họ đã có hàng loạt trung tâm khác nhau tại Châu Âu. Cách đây 20 năm, GS Phan Huy Lê đã nói với tôi rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ phải có một cuộc hội thảo quốc tế về Việt Nam học. Điều đó được thực hiện sau 10 năm, với Hội thảo Quốc tế Việt Nam học đầu tiên năm 1998. Lần này, cái đích được đặt ra: chúng ta phải cố gắng xây dựng một mạng lưới nghiên cứu quốc tế”

Theo lời ông Giang, hiện tại chúng ta mới chỉ liên kết xây dựng trung tâm Việt Nam học duy nhất tại Viêng Chăn (Lào) với sự giúp đỡ của Bộ Văn hóa Lào. Ngoài ra, một trung tâm Việt Nam học tại Pháp cũng đang manh nhà được hình thành. Ngoài ra, các chuyên ngành VN học khác trên thế giới đều có quy mô nhỏ, trực thuộc các bộ môn nghiên cứu về văn hóa phương Đông. Hội thảo Quốc tế lần đầu năm 1998 đã thu hút sự có mặt của một số chuyên gia nghiên cứu Việt Nam học tại Nga. Họ sang đây bằng nguồn kinh phí do Trung tâm kinh tế Sông Hồng tại Nga hỗ trợ. Tuy nhiên, do điều kiện làm ăn khó khăn, trung tâm kinh tế này đã dần không còn khả năng hỗ trợ cho Trung tâm Việt Nam học tại Nga.

“Với hội thảo lần này,chúng tôi sẽ cố gắng hướng mạnh hơn tới cái đích phát triển và quốc tế hóa mạng lưới các trung tâm Việt Nam học trên thế giới”- GS Phan Huy Lê cho biết.

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm