25/03/2023 16:52 GMT+7 | Văn hoá
Sáng 25/3, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) đã tổ chức lễ tổng kết và trao Giải thưởng Văn học trẻ Đại học Quốc gia TP.HCM. Các giải Nhất thuộc về Cầm Văn Lương (truyện ngắn), Trần Thị Thùy Dung (tản văn), Trần Văn Thiên (thơ).
Giải thưởng này do Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) tổ chức, với sự đồng hành của Hội Nhà văn TP.HCM, nhà xuất bản Hội Nhà văn, tạp chí Văn nghệ TP.HCM. Cuộc thi đã nhận được 1.039 tác phẩm, trong đó có 249 truyện ngắn, 260 bài tản văn và 530 bài thơ các học sinh, sinh viên của 36 tỉnh, thành trong cả nước.
Nhà văn Bích Ngân (Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM, Trưởng BGK Giải thưởng Văn học trẻ Đại học Quốc gia TP HCM 2022) viết bài Khởi nghiệp văn chương - Vạch xuất phát tạo nhiều hứng khởi cho sáng tạo. Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) trân trọng giới thiệu bài viết này.
Giải thưởng Văn học trẻ 2022 với chủ đề Khởi nghiệp văn chương, do Đại học Quốc gia TP.HCM đăng cai, đã khép lại trong sự hài lòng nhất định của ban tổ chức lẫn ban giám khảo. Từ những tác phẩm dự thi của học sinh - sinh viên trên cả nước, giải thưởng đã thu được kết quả tương đối khả quan ở cả ba thể loại: tản văn, truyện ngắn và thơ.
Văn chương vốn là một hành trình không có đích đến cuối cùng, nhưng lại có thời điểm bắt đầu với nhiều hứng khởi, hy vọng, lẫn kỳ vọng. Khởi nghiệp văn chương xem như một vạch xuất phát - vạch xuất phát đánh dấu một hành trình mới vừa tạo sự hưng phấn để chúng ta cùng chào đón những tìm kiếm mới, những tiếng nói mới, những gương mặt mới.
Thanh xuân, quãng đời quý báu trong cuộc đời mỗi người. Thanh xuân mơ mộng, thanh xuân bồng bột, thanh xuân vấp váp, thanh xuân hăm hở và thanh xuân cũng nhiều những trăn trở, hoang mang... tất cả, đều trở thành chất liệu rạo rực và mơn mởn trên từng trang viết.
Đọc tác phẩm của họ, vẫn còn không ít chập chững, vụng về không thể tránh khỏi của bước đi ban đầu, nhưng thực sự quyến rũ bởi sự chân thành, sự trong trẻo và cả sự bộn bề, ngổn ngang của cuộc sống, của hiện thực mà không chỉ những người trẻ mới đối diện và tìm cách xoay trở.
Những ý tưởng không rập khuôn, những suy tư không ngần ngại, những câu chữ không diêm dúa nhằm diễn đạt một cách chân thật... cho thấy một thế hệ người Việt đầy khát khao và đầy hoài bão, trước kỷ nguyên hội nhập toàn cầu.
Khởi nghiệp văn chương đã mở một cánh cửa, và họ ùa đến với văn chương bằng sự sôi nổi trẻ trung khiến không khí háo hức lan tỏa. Không chỉ từ hai đô thị lớn Hà Nội và TP.HCM, mà từ nhiều địa phương khác như An Giang, Hưng Yên, Quảng Trị… cũng tụ hội với những bút danh mới lạ cùng những bày tỏ, gửi gắm, tha thiết, ân cần. Không chỉ sinh viên khoa văn mà sinh viên ngành ngoại thương, sinh viên ngành y dược, sinh viên ngành cảnh sát... cũng góp mặt với nhiều sáng tác mang đậm dấu ấn cá nhân.
Ở thể loại tản văn, nhiều cây bút trẻ đã trải lòng mình với con chữ không chỉ để bộc bạch mà còn muốn được gởi gắm và sẻ chia. Cây bút trẻ Trần Thị Thùy Dung có Uống trà với lòng mình, có nhiều thao thức tuổi trẻ. Đâu phải người già tìm đến chén trà để trầm tư, mà người trẻ cũng có cách uống trà khá thú vị.
"Một con người khi đứng trước gian khó của cuộc đời cũng như khi lá trà bắt gặp nước nóng vậy. Nếu can đảm đối mặt thì lá trà ấy sẽ tạo nên thứ nước trà đậm vị, ngát hương. Nhưng nếu lá trà ấy không dám xông pha cùng nước nóng thì lá trà vẫn sẽ chỉ là lá trà, không hơn không kém".
Cây bút trẻ Trần Thị Thùy Dung không lạm bàn trà đạo, mà mượn chuyện uống trà để bày tỏ khí chất dám sống của người trẻ trước cuộc đời "kẻ không dám nếm thử vị đắng chát, sao có thể thưởng thức được dư vị ngọt thanh, tinh tế đằng sau đó".
CÁC HẠNG MỤC GIẢI THƯỞNG
Truyện ngắn: giải Nhất thuộc về tác phẩm Chuyến bay tháng 12 (Cầm Văn Lương (Aiden); giải Nhì thuộc về các tác phẩm Rời Bình Đa (Võ Đăng Khoa), Thả tận (Phạm Nhã Chi); giải Ba thuộc về các tác phẩm Cô gái nước (Minh Châu), Phế truất (Thụy Khải), Nếp nhà (Bảo Khang), Gió đưa bông sậy (Lê Văn Nhân), Vạn lý (Du).
Tản văn: giải Nhất: Uống trà với lòng mình (Trần Thị Thùy Dung); giải Nhì: Bước qua mùa gió (Nguyễn Thanh Phú), Suối nguồn (Châu Minh Trọng), Ngoại ơi! (Mai Bảo Trân); giải Ba: Quá khứ, hiện tại và tương lai (Nguyễn Đỗ Thục Linh), Người hùng thầm lặng (Nguyễn Trần Vân Anh), Về một quyền mà một ngày chúng ta sẽ được trao (Hồ Nguyễn Quỳnh Trang), Nhớ mùa nước nổi (Lê Thanh Chạt).
Thơ: giải Nhất: Soi mình lên nước mắt, Giữa lòng đêm, Bay trên đồi dương liễu (Trần Văn Thiên); giải Nhì: Xứ mình (Nguyễn Hoài Nam), Đã nở rộ rồi… (Đoàn Trí Nhân), Đồng bào Xê-đăng, Tiệm hoa màu nắng (Phạm Như Hảo); giải Ba: Tôi, em và gió (Trương Tấn Sang), Nhớ (Nguyễn Minh Tuấn), Hoa hồng có gai (Huỳnh Hằng Ny), Để tìm ra sự vô nghĩa, Những cái ghế bay, Sẽ còn tiếp (Nguyễn Đỗ An Khương).
Ngoài ra, còn có 20 giải Khuyến khích cho các tác giả Biện Tiểu Vy, Ngọc Linh, Tê Tê, Trương Phương Nhi, Nguyên Nguyễn, Trần Trọng Đoàn, Nguyễn Vũ Thảo Uyên, Nguyễn Thị Lan Phương, Trương Thành Nhân, Huỳnh Thanh Thắng, Mai Trần Mỹ Dung, Nguyễn Tâm Như, Nguyễn Ngọc Thu Ngân, Nguyễn Thu Hương, Nguyễn Ngọc Thư Kỳ (Lam), Đinh Thị Thu Thảo, Mai Trần Khánh Ninh, Lê Nguyễn Hải Nam (Rắn), Võ Dương Huyền Linh (Mặc Nhỏ Xíu), Huỳnh Thị Kim Phụng (Dạ Cổ Hoài Lang).
Ở thể loại truyện ngắn, cho thấy người viết trẻ nỗ lực tìm những hình thức thể hiện phù hợp với những ý tưởng, không những tránh lối mòn quen thuộc mà còn mạnh dạn tìm kiếm lối đi mới mẻ mà mình háo hức khám phá. Các thành viên giám khảo ở thể loại truyện ngắn ít nhiều bối rối khi chấm điểm và xếp thứ hạng. Bởi sự chênh lệch giá trị văn chương giữa nhiều truyện ngắn có thứ hạng liền nhau là khá nhỏ, thậm chí là rất nhỏ.
Sau nhiều cân nhắc, chúng tôi chọn cây bút trẻ Cầm Văn Lương (Aiden) với Chuyến bay tháng 12, ngổn ngang thương nhớ, thương người bạn gái bên cạnh và nhớ người cha đã khuất. Cái bối cảnh ngỡ chừng ngột ngạt trong tác phẩm, đã không giam cầm đôi chân tuổi trẻ mà lại chắp cánh cho những dằn vặt trưởng thành. Bóng dáng người cha và con ngựa Bạch Lộ trên cánh đồng tối thẫm nơi cố hương thơ ấu, cứ hiện lên trong tâm trí chàng trai như những thước phim âm bản về chuỗi ngày cơ cực âu lo.
Thế nhưng, ký ức buồn bã càng khiến chàng trai thêm trân trọng người bạn gái thích trải nghiệm để có được câu chuyện chính mình, dẫu chông gai và thử thách vẫn chưa thể tiên liệu phía trước. "Chuyến bay tháng Mười Hai" là chuyến bay được chọn lựa của tuổi trẻ với niềm tin ở hành trình phía trước.
Ở thể loại thơ, dễ nhận ra nỗi niềm day dứt của thanh xuân trước mưa nắng cuộc đời. Cây bút trẻ Trần Văn Thiên có một chùm thơ viết từ những nỗi ám ảnh. Không cần uốn lượn từ ngữ cũng không cần cầu kỳ hình ảnh, ba bài thơ Soi mình lên nước mắt, Giữa lòng đêm, Bay trên đồi dương liễu thuyết phục người đọc bằng nhịp điệu run rẩy của trái tim đa cảm.
"Kẻ nhà quê trong xiêm áo thị thành" đã hồi tưởng "Mẹ gội giấc mơ bằng hương cau nở muộn" mà nghe bao hoài nhiệm dắt mình đi qua tháng năm bịn rịn. Tác giả trẻ Trần Văn Thiên chắt chiu khoảnh khắc "Nơi đôi mắt làng chỉ một ô cửa còn thức/ Đóa hoa nở nghẹn từng cánh phù dung" để tự mình thảng thốt "Ngày mai vun vút đoàn tàu xé gió/ Buổi sáng rỗng những khuôn mặt người/ Giữa vời xa tìm đâu khuôn mặt mẹ" và để cùng mọi người bâng khuâng "Bóng chiều trôi từ vạn kiếp trước/ Những vạt rừng trong sương vọng bài thơ nhân nghĩa".
Giải thưởng Văn học trẻ 2022 như món quà văn chương đầu đời, có lẽ không chỉ của những cây bút trẻ. Nâng niu món quà văn chương đầu đời, để hiểu rằng Khởi nghiệp văn chương là một dấu ấn khó phai trên con đường sáng tạo rất dài và rất xa. Không thể đoán định bao nhiêu cây bút trẻ hôm nay sẽ còn theo đuổi nghiệp viết trong tương lai, nhưng các bạn đã rời vạch xuất phát, hãy mạnh dạn tiếp tục bước đi với văn chương.
Hãy mạnh dạn tiếp tục bước đi với văn chương, để tìm giá trị bản thân, để thấy tri âm hạnh ngộ, để gặp duyên nợ nhân gian.
Thủ Đức, tháng 3/2023
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất