29/03/2011 08:35 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH Cuối tuần) -Giải thưởng của Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh năm nay được trao trong những giờ khắc thế giới kinh ngạc và ngưỡng mộ tinh thần tự chủ Nhật Bản trước động đất, sóng thần. Ít ai biết, cách đây cả trăm năm, cụ Phan Châu Trinh đã nhìn ra căn nguyên văn hóa của sức mạnh, con đường hình thành sức mạnh ấy. Con đường hình thành sức mạnh từ văn hóa, qua văn hóa mà cụ Phan Châu Trinh chủ trương - giờ đã trở thành tôn chỉ của giải thưởng văn hóa mang tên ông. Nhân dịp giải thưởng vừa được trao chiều qua tại TP.HCM, TT&VH Cuối tuần có cuộc trao đổi với Chủ tịch Hội đồng khoa học Quỹ, nhà văn Nguyên Ngọc.
Nhà văn Nguyên Ngọc - Ảnh: Ngô Vương Anh
* Tiền thân là một giải thưởng dịch thuật, giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh sau này vẫn rất gần với những tác phẩm dịch thuật. Vì sao vậy, thưa ông?
- Về dịch thuật, nên nói đến trường hợp Nhật Bản, nước có lẽ đã dịch nhiều nhất thế giới với chiến lược quốc gia. Ngay từ thời Minh Trị, người Nhật đã lên kế hoạch dài để dịch rất nhiều tác phẩm lớn của nhân loại. Từ thời đó, họ đã dịch và xuất bản tác phẩm Bàn về tự do (On Liberty) của John Stuart Mill chỉ mấy năm sau khi nó ra đời ở Anh, và in đến 2 triệu bản trong khi dân số nước Nhật bấy giờ mới chỉ có 32 triệu người. Sức lan tỏa của những tư tưởng đó, như cụ Phan Châu Trinh đã nghiền ngẫm, đúc kết, đã mang lại sức mạnh kỳ diệu cho đất nước này.
Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh - trước đây là Quỹ dịch thuật Phan Châu Trinh - chủ trương một danh mục những tác phẩm kinh điển của thế giới nhất thiết phải dịch, qua nhà xuất bản Tri Thức. Danh mục đó được chia theo khoảng thời gian từng năm, 5 năm, 10 năm, 20 năm, 50 năm, hình thành Tủ sách Tinh hoa của nhà xuất bản này. Hội đồng khoa học của Quỹ họp hàng năm rà soát và thẩm định danh mục ấy, giúp nhà xuất bản tìm dịch giả. Dịch giả không chỉ cần có ngoại ngữ giỏi, mà còn phải có nền tảng văn hóa tốt, giỏi tiếng Việt, có hiểu biết nhất định về chuyên môn được đề cập đến trong tác phẩm. Chẳng hạn, anh Phạm Văn Thiều là nhà vật lý nên có thuận lợi khi dịch những tác phẩm của nhà vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận, nhưng anh còn có một nền tảng văn hóa và triết học vững vàng, văn lại rất hay, nên các tác phẩm dịch của anh có chất lượng rất tốt.
Ngoài lực lượng dịch giả trong nước hiện nay, chúng tôi cũng cố gắng tận dụng sự hợp tác của nhiều trí thức người Việt ở nước ngoài. Được biết, ở Nhật Bản có một nhóm dịch sách rất hay và rất công phu, chúng tôi đang cố gắng nối kết với họ. Và cũng đang bằng nhiều cách cố gắng triển khai việc đào tạo những người dịch mới, trẻ.
* Trên thực tế, Tủ sách Tinh hoa bán có chạy không, thưa ông?
- Anh Chu Hảo, Giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức, vẫn kêu trời vì các sách đó thường khó bán, bán chậm, đọng vốn nhiều. Nhưng cũng có những cuốn bán chạy, chẳng hạn như Nhiệt đới buồn của Claude Levi-Strauss, khi xuất bản, chúng tôi rất lo, nhưng thực tế ngược lại, thậm chí sách còn bị in lậu. Đây là một tác phẩm dân tộc học nổi tiếng, nội dung rất hấp dẫn và văn chương cũng tuyệt hay. Đến nỗi khi Nhiệt đới buồn ra đời, nó còn được đề nghị tặng giải Goncourt, giải thưởng văn học danh giá nhất ở Pháp. Nhưng sau rồi Ủy ban giải Goncourt đành phải thôi vì nội quy giải chỉ cho phép tặng các tiểu thuyết…
Quả thật các dịch giả đã làm việc rất tận tụy, âm thầm và vô tư, với tinh thần cống hiến cho công cuộc khai hóa. Nhuận bút đúng ra không bù được công sức lớn của họ, và lại được trả rất chậm, có khi đến mấy năm. Quỹ và nhà xuất bản đang rất khó khăn về tài chính. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn cố gắng thực hiện Tủ sách Tinh hoa. Chúng tôi quan niệm có thể hiện nay người đọc chưa nhiều, nhưng không thể để tài sản văn hóa của đất nước không có những tác phẩm kinh điển của nhân loại ấy bằng tiếng Việt. Chúng tôi coi đó là trọng trách, là tiếp tục sự nghiệp khai hóa mà Phan Châu Trinh từng khởi xướng một trăm năm trước. Chúng tôi mong sẽ được sự ủng hộ của xã hội ngày càng rộng rãi và phong phú.
Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh 2010 vừa trao cho 6 nhà nghiên cứu và dịch giả thuộc các lĩnh vực: Giải thưởng giáo dục trao cho GS Hoàng Tụy với những nghiên cứu và đề xuất của ông về cải cách giáo dục suốt hơn mười năm qua. Giải thưởng nghiên cứu trao cho nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân với các công trình nghiên cứu về văn học Việt Nam và đặc biệt là văn bản học tiếng Việt. Giải thưởng dân tộc học dành cho hai học giả nước ngoài: nhà văn, nhà phê bình Kevin Bowen (Mỹ) - người có rất nhiều đóng góp trong việc giao lưu, tìm hiểu văn hóa và thúc đẩy ngành Việt Nam học tại Mỹ và nhà dân tộc học Ivo Vasiliev (Séc) - người đã công bố nhiều nghiên cứu giá trị về ngữ pháp Hán - Việt và di sản Việt cổ. Giải thưởng dịch thuật trao cho dịch giả Phạm Văn Thiều với các bản dịch tác phẩm của nhà vật lý Trịnh Xuân Thuận và dịch giả Nguyễn Đôn Phước với các đầu sách kinh điển về kinh tế.
* Nói đến Phan Châu Trinh, hầu như người Việt Nam nào cũng biết, nhưng không phải ai cũng hiểu về tinh thần Phan Châu Trinh. Ông có thể nói rõ hơn về tinh thần này, điều mà Quỹ và Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh đã nêu lên làm phương hướng?
- Những năm gần đây các nghiên cứu về Phan Châu Trinh được đẩy mạnh hơn, đã dần soi sáng được ngày càng rõ hơn một số điểm cốt lõi trong tư tưởng và sự nghiệp của ông. Như chúng ta đều biết, đầu thế kỷ XX, sau khi phong trào Cần Vương thất bại và tan rã, đã có sự khủng hoảng nghiêm trọng về đường lối cứu nước, làm thế nào để có thể đưa dân tộc thoát ra khỏi vòng nô lệ tàn khốc. Trong tình hình vô cùng bức xúc đó, như sau này học giả Hoàng Xuân Hãn nói, Phan Châu Trinh là người đầu tiên đi tìm và đã tìm ra nguyên nhân mất nước ở trong văn hóa, trong sự thua kém về văn hóa của chúng ta so với đối thủ của mình cả một thời đại. Suốt hàng nghìn năm trước, chúng ta đã phải liên tục chống ngoại xâm và rất nhiều lần phải chống lại đối thủ đông mạnh hơn ta nhiều lần. Nhưng dẫu đông lớn đến mấy, về mặt lịch sử, đối thủ đó là cùng một thời đại với ta, ngang bằng ta về thời đại…
Có thể nói Phan Châu Trinh là người đầu tiên nhận diện được hết sức rõ ràng “đối thủ mới”, khác hẳn đối thủ truyền thống suốt nghìn năm trước. Hoặc nói như ngôn ngữ thời nay, ông là người đầu tiên nhận ra tình thế “toàn cầu hóa”, cuộc toàn cầu hóa lần thứ nhất, có thể gọi như vậy, khi chúng ta giáp mặt với phương Tây, tức với toàn thế giới rộng lớn mà từ nay ta bắt buộc phải sống trong đó, tồn tại và phát triển trong thế giới đó, hay suy vong và mãi mãi chịu nô lệ. Như vậy cách đặt vấn đề của Phan Châu Trinh khác hẳn những chí sĩ đương thời chỉ thấy và chủ trương một cuộc chiến đấu chống ngoại xâm hệt như tổ tiên đã chiến đấu chống xâm lược Trung Hoa suốt lịch sử trước. Phan Châu Trinh chủ trương nâng dân tộc mình lên cho ngang bằng đối thủ mới, bằng một cuộc khai hóa lớn, mà ông gọi là “khai dân trí”, để từ đó mới chấn hưng được dân khí, và đi đến làm cho đất nước phồn vinh phát triển (hậu dân sinh). Nếu bằng cách nào đó giành được độc lập, mà dân trí vẫn lạc hậu u muội, thì độc lập đó cũng chẳng có nghĩa gì và không thể vững chắc…
Chúng ta đã biết, do những điều kiện éo le và khắc nghiệt, chương trình sáng suốt của Phan Châu Trinh bị dở dang. Vậy nên công cuộc khai hóa mà vị tiền bối anh minh đã chỉ ra một trăm năm trước ngày nay nhất thiết phải được tiếp tục, càng phải sâu sắc, cơ bản và khẩn trương hơn, trong điều kiện toàn cầu hóa đầy thách thức ngày nay.
Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh và Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh lấy mục tiêu góp phần vào công cuộc tiếp tục khai hóa đó làm tôn chỉ cao nhất của mình.
* Mấy năm trước có được nghe nói Quỹ sẽ thành lập Học viện nhân dân. Việc này hiện ra sao, thưa ông?
- Đây là một ý tưởng mà chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu. Trước mắt, trong điều kiện còn hạn chế về nhiều mặt, chúng tôi sẽ tập trung vào việc đào tạo đội ngũ dịch thuật, bằng nhiều hình thức linh hoạt. Ngoài ra, còn có các sự kiện văn hóa sẽ được liên tục tổ chức, như các hội thảo, các hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật thích hợp…
* Xin cảm ơn ông!
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất