Giải tán chính phủ Thái Lan: Người giàu lại thắng?

03/12/2008 11:31 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan đã lại có thêm diễn biến xấu sau khi Tòa án Hiến pháp nước này giải tán chính phủ và đảng cầm quyền. Một số nhà quan sát cho rằng hành động này có thể khiến tình hình phức tạp hơn.
 
Chiến thắng thứ hai của người giàu
 
Sau khi lật đổ Thủ tướng Thaksin Shinawatra, quân đội đã giải tán đảng TRT (Người Thái yêu người Thái) của ông vì gian lận bầu cử. Đó đã là một trong những đảng thành công nhất ở Thái Lan. Những viên tướng đã lật đổ Thaksin sau đó viết nên một bản hiến pháp mới với quy định: dù chỉ một thành viên điều hành của một đảng phái tiến hành gian lận phiếu, toàn bộ đảng sẽ bị giải tán và những người điều hành sẽ bị cấm hoạt động chính trị trong 5 năm.
 
Những người ủng hộ chính phủ tuần hành tại Bangkok

Đó là những gì đã diễn ra ngày 2/12 với đảng Quyền lực nhân dân (PPP). Đảng này cùng hai đảng khác trong liên minh cầm quyền là Dân chủ trung lập (Matchima) và Dân tộc Thái (Chart Thai) bị giải tán vì gian lận trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2007. Các thành viên của PPP giờ phải chạy tới núp dưới một cái vỏ mới là đảng Puea Thai (Vì nước Thái). Tòa cũng cấm Thủ tướng Somchai Wongsawat hoạt động chính trị trong 5 năm tới. Ít giờ sau, Thủ tướng Somchai Wongsawat đã tuyên bố chấp nhận phán quyết này.

Tiến sĩ Giles Ungpakorn, một nhà khoa học chính trị ở Đại học Chulalongkorn nhận xét việc giải tán đảng PPP là "chiến thắng thứ hai của người giàu", theo sau việc lật đổ ông Thaksin hai năm trước.

Nội chiến trên đất chùa vàng?

Cựu Thủ tướng Thaksin có thể là một doanh nhân tỷ phú, nhưng đảng của ông đã gây dựng sự thành công nhờ việc ban hành các chính sách hỗ trợ người nghèo, vốn chiếm số đông trong xã hội Thái, như dịch vụ chăm sóc y tế giá rẻ và vay vốn nhỏ.

Trong khi đó phong trào chống chính phủ hiện nay, với đại diện là Liên minh Dân chủ vì Nhân dân (PAD), lại toàn các trí thức, người dân thành thị giàu có ở Bangkok. PAD không muốn Thaksin cũng như bất kỳ ai liên quan tới ông trở lại nắm quyền. Hoạt động đấu tranh của họ đã khiến hai chính phủ do người nghèo bầu lên bị giải tán.

Người nghèo sẽ phản ứng như thế nào với chiến thắng mới này của PAD? Lần đầu tiên trong suốt thời gian qua, nhóm Liên minh Dân chủ chống độc tài (DAAD) ủng hộ chính phủ đã biểu dương lực lượng tại trung tâm thủ đô Bangkok. Họ bao vây Tòa án Hiến pháp và đe dọa trừng phạt phe chống chính phủ. Lãnh đạo DAAD, ông Veera Musikapong nói rằng vụ xét xử tại Tòa án Hiến pháp chỉ là "một hình thức đảo chính bằng tư pháp". Ông từng tuyên bố lực lượng "áo đỏ" của mình sẽ xuống đường nếu phán quyết của tòa gây bất lợi cho ông Somchai. DAAD còn gợi ý rằng chính phủ nên cho phép phe “áo đỏ” giải tán phe "áo vàng” nếu cảnh sát không làm được điều đó.

Nhận xét về những diễn biến mới, trong bài xã luận ra ngày 2/12, tờ Bangkok Post viết: "Giờ đây bạo lực dường như không thể tránh khỏi. Một số người thậm chí còn dự báo rằng điều chưa từng xảy ra trong suốt 700 năm qua sẽ diễn ra: một cuộc nội chiến"

Cả hai bên cần lùi bước

Thực tế thì nội chiến không thể xảy ra trong thời điểm hiện nay bởi ở Thái Lan vẫn chỉ có một đạo quân. Tuy nhiên sự chia rẽ trong nước đã diễn ra rất sâu sắc, giữa một bên là những người DAAD áo đỏ, một bên là người PAD áo vàng.

"Chúng tôi đang ở trong tình huống rất khó tìm ra một lối thoát để tất cả đều vui vẻ" - Rungrawee Chalermsripinyorat, chuyên gia phân tích về Thái Lan của công ty International Crisis Group, cho biết - "Tôi nghĩ rằng cả hai bên, PAD và phe ủng hộ chính phủ, cần phải lùi bước và nghĩ về lợi ích quốc gia".

Quân đội đã kêu gọi người Thái chấm dứt khủng hoảng trước sinh nhật của Quốc vương Bhumibol. Nhưng xem ra với những diễn biến mới trên chính trường Thái, điều này sẽ khó có thể được thực hiện.
 
Gia Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm