04/02/2025 18:36 GMT+7 | Bóng đá Quốc tế
Thị trường chuyển nhượng mở cửa hai lần một năm – vào tháng 1 và tháng 6 – và khi đó, hệ sinh thái giao dịch bóng đá bắt đầu hoạt động. Nhưng làm thế nào để một thương vụ chuyển nhượng cầu thủ từ câu lạc bộ này sang câu lạc bộ khác được thực hiện và ai là những người tham gia vào quá trình đó?
"Ngày nay, có rất nhiều mảnh ghép trong bức tranh chuyển nhượng", Scott Parker, huấn luyện viên trưởng của câu lạc bộ Championship Burnley, chia sẻ với The Athletic.
Parker là một trong bảy vị trí then chốt trong một vụ chuyển nhượng. Ngoài huấn luyện viên trưởng của câu lạc bộ mua, còn có cầu thủ – nhân vật quan trọng nhất, bộ phận tuyển trạch và chiêu mộ của đội bóng, đại diện cầu thủ, giám đốc điều hành, luật sư và bác sĩ.
The Athletic đã dành thời gian trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông 2025 để trò chuyện với những người có kinh nghiệm trong từng vai trò này, nhằm tìm hiểu cách họ tham gia vào quá trình chuyển nhượng.
Cầu thủ: "Bạn phải thật sự cởi mở"
"Nói chung, bạn sẽ chuyển đến nơi xứng đáng với mình nhờ vào những màn trình diễn trên sân", cựu tiền vệ Premier League Ben Watson chia sẻ. "Đại diện cầu thủ không phải là ảo thuật gia. Họ không thể biến điều không thể thành có thể."
Watson từng thi đấu cho Crystal Palace, Watford và Wigan Athletic – đội bóng mà anh ghi bàn thắng quyết định giúp họ giành Cúp FA năm 2013 trước Manchester City – và đã chuyển đội 6 lần trong sự nghiệp 19 năm, với 3 lần chuyển nhượng diễn ra vào tháng 1.
"Bạn phải thật sự cởi mở", anh nói. "Bạn có thể ở một nơi 6 tháng, 1 năm, hay 10 năm, nhưng việc gắn bó với một câu lạc bộ suốt đời rất hiếm khi xảy ra."
"Tháng 1 còn khó khăn hơn, vì một vụ chuyển nhượng có thể xảy ra chỉ trong một đêm. Hôm nay bạn còn ở câu lạc bộ cũ, ngày mai đã ở đầu kia đất nước, ký hợp đồng với đội bóng mới. Dù bạn muốn hay không, đôi khi mọi thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn."
Các vấn đề về huấn luyện viên, chấn thương, hợp đồng – hoặc sự quan tâm từ một câu lạc bộ khác – có thể là nguyên nhân dẫn đến chuyển nhượng. Watson cho biết: "Bạn dễ bị phân tâm trong kỳ chuyển nhượng. Một chút quan tâm nhưng không có gì chắc chắn có thể ảnh hưởng đến tâm lý của bạn. Bạn nghe tin đồn rằng câu lạc bộ X, Y, Z thích bạn, nhưng cho đến khi câu lạc bộ đó liên hệ và nói, 'Chúng tôi muốn làm điều này', mọi thứ vẫn chỉ là tin đồn."
Kế hoạch dài hạn cũng là một yếu tố cần cân nhắc. "Đây là một nghề nghiệp không kéo dài lâu. Đến năm 35 tuổi, sự nghiệp của bạn gần như kết thúc, và bạn vẫn còn rất trẻ. Tôi không nói rằng tất cả chỉ là tiền bạc – đó là tình yêu với bóng đá – nhưng bạn phải tận dụng tối đa thời gian của mình."
Gia đình cũng cần linh hoạt. Watson nói: "Cầu thủ bóng đá khá ích kỷ trong khía cạnh này. Bạn có thể nhận được cuộc gọi về một cơ hội tuyệt vời (tại câu lạc bộ khác), và điều đầu tiên bạn nghĩ là, 'Ừ, tôi muốn đi'. Đó là trước khi bạn nói chuyện với bất kỳ ai khác, kể cả gia đình. Bạn làm điều mình cảm thấy đúng cho sự nghiệp, và sau đó mới thảo luận mọi thứ."
Vậy, điều đó ảnh hưởng thế nào đến người thân của cầu thủ?
Marie-Louise Hudson, vợ của cựu cầu thủ Premier League Mark Hudson, giải thích: "Có rất nhiều sự hy sinh về mặt cá nhân, nghề nghiệp và cảm xúc. Đó là một viên thuốc đắng mà Mark phải nuốt… khi anh ấy thừa nhận rằng công việc của mình luôn được đặt lên trên hết."
Hudson đã có 4 lần chuyển nhượng trong sự nghiệp từ năm 2004 đến 2014, cùng với 3 lần cho mượn. Vậy, quá trình chuyển nhượng ảnh hưởng thế nào đến người thân của cầu thủ?
"Lo lắng," cô nói. "Là một người vợ, bạn biết những điều mà người khác – truyền thông, người hâm mộ – không biết: những khó khăn, chấn thương, thăng trầm. Vì vậy, bạn gần như đã chuẩn bị sẵn sàng, trừ khi điều gì đó đột ngột xảy ra và, 'Bất ngờ!'.
"Bạn phải thu xếp mọi thứ, tìm nhà mới, trường học, nhà trẻ, người trông trẻ và cả công ty vận chuyển. Đó là việc gói gém mọi thứ và chuyển đến một nơi khác, rồi lại bắt đầu dỡ đồ."
Tuyển trạch viên: "Chúng tôi cần mọi thứ – từ quan sát đến dữ liệu"
"Mô hình của tôi rất đơn giản, với 5 bước", Leonardo Gabbanini, cựu trưởng phòng tuyển trạch của Tottenham Hotspur, chia sẻ từ ngôi nhà ở Florence.
Gabbanini - từng làm việc tại Udinese và Watford thuộc sở hữu của gia đình Pozzo – đã hợp tác chặt chẽ với huấn luyện viên Ange Postecoglou trong mùa Hè đầu tiên của ông tại Spurs vào năm 2023, khi họ ký hợp đồng với Micky van de Ven, Guglielmo Vicario, Destiny Udogie, Pedro Porro và James Maddison.
"Bước đầu tiên của tôi là chuẩn bị sơ bộ về tuyển trạch: dữ liệu, kế hoạch đội hình, vị trí ưu tiên cho các thị trường sắp tới và chuẩn bị mọi kịch bản cho thị trường", Gabbanini nói.
"Bước thứ hai là phân tích tuyển trạch chuyên sâu, kiểm tra chéo các mục tiêu, so sánh dữ liệu kỹ thuật và thể chất giữa các mục tiêu và trong nội bộ. Bước thứ ba là khả năng tài chính của cầu thủ, trước khi chuẩn bị một video trình bày cho huấn luyện viên trưởng hoặc chủ sở hữu – giao tiếp và thống nhất là yếu tố then chốt trước khi đưa ra lựa chọn.
"Bước thứ tư là tiếp tục thảo luận với các thành viên hội đồng quản trị để xác nhận những gì có thể thực hiện và thiết lập liên hệ với các bên liên quan: câu lạc bộ, đại diện cầu thủ và người đại diện. Bước thứ năm là kiểm tra y tế, bao gồm cả chấn thương trong quá khứ. Ngoài ra, một nhà tâm lý học sẽ theo dõi các trận đấu khác nhau: khi (cầu thủ) thua, thắng, ghi bàn và các tình huống khác để xem phản ứng của họ. Kiểm tra mạng xã hội giúp hiểu rõ hơn về họ.
"Tất cả những điều này diễn ra trước khi hoàn thiện hợp đồng và giúp cầu thủ hòa nhập vào môi trường mới. Đó là phương pháp của tôi."
Một số câu lạc bộ – như Brighton và Brentford – sử dụng các thuật toán riêng trong cách tiếp cận dựa trên dữ liệu. Nhưng vẫn có chỗ cho phương pháp tuyển trạch truyền thống.
"Tôi ủng hộ phương pháp kết hợp giữa quan sát và dữ liệu", Gabbanini nói. "Chúng ta cần mọi thứ. Tại sao một tuyển trạch viên 60 tuổi lại bị coi là quá già? Tôi luôn có một hoặc hai tuyển trạch viên cao cấp, vì họ đã chứng kiến một số lượng lớn cầu thủ. Tại sao lại vứt bỏ kinh nghiệm đó?
"Tất cả mọi người cần gặp nhau hàng tuần, người phụ trách dữ liệu phải được thông báo về hoạt động của bộ phận tuyển trạch. Người phụ trách dữ liệu phải đi xem các trận đấu để cảm nhận".
Huấn luyện viên trưởng: "Cuộc trò chuyện với cầu thủ là yếu tố then chốt"
"Tôi đã tham gia vào lĩnh vực này từ rất lâu, ngay cả với những cầu thủ bạn thường xuyên liên lạc hoặc các câu lạc bộ bạn đang đàm phán, mọi thứ có thể thay đổi từng giờ", Parker, huấn luyện viên trưởng của Burnley, người từng làm việc trong các cơ cấu khác nhau tại Fulham, Bournemouth và Club Brugge, cho biết.
"Hiện nay, quy trình đã trở nên bài bản hơn. Bộ phận tuyển trạch sẽ tìm kiếm và giới thiệu cầu thủ với tôi, và tôi cũng có ý tưởng về một số cầu thủ mà tôi thích. Cả nhóm chúng tôi liên tục họp bàn.
"Tôi không nghĩ sẽ có một cầu thủ nào được ký hợp đồng mà tôi hoàn toàn phản đối, và tương tự, nếu bộ phận tuyển trạch phản đối một cầu thủ mà tôi thích, điều đó cũng khó xảy ra. Bạn cần phải đồng thuận và thống nhất. Sau đó, vấn đề sẽ phụ thuộc vào chủ sở hữu và liệu chúng tôi có thể hoàn tất thương vụ hay không do vấn đề tài chính và liệu cầu thủ có muốn đến hay không."
Parker nói rằng ông "dựa vào dữ liệu" nhưng đó "không phải là yếu tố quyết định" trong việc lựa chọn mục tiêu.
"Với 25 năm kinh nghiệm, tôi có thể nhanh chóng hiểu được kiểu cầu thủ mà mình sẽ ký hợp đồng", Parker, người từng thi đấu cho Chelsea, Tottenham và West Ham United và có 18 lần khoác áo đội tuyển Anh trước khi chuyển sang làm huấn luyện viên, chia sẻ. "Việc nói chuyện với cầu thủ là rất quan trọng, vì tính cách và khía cạnh tâm lý. Một cuộc trò chuyện 30 phút sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về con người của họ, và tham khảo ý kiến từ những người khác cũng là yếu tố then chốt."
Còn với những cầu thủ ra đi thì sao?
"Tôi rất thoải mái khi có những cuộc trò chuyện thẳng thắn và chân thành với những cầu thủ không còn được sử dụng nhiều và khi việc chia tay là tốt nhất cho cả hai bên", Parker nói.
"Những tình huống khó khăn hơn là khi một cầu thủ không có nhiều thời gian thi đấu, nhưng bạn với tư cách là huấn luyện viên vẫn cần họ. Đó là lúc khía cạnh con người cũng được đưa vào. Áp lực hoặc cam kết từ phía chủ sở hữu, những người đôi khi cần phải thực hiện các giao dịch, không phải là điều lý tưởng, và đôi khi việc bán một cầu thủ là điều cuối cùng bạn muốn làm, nhưng tôi hoàn toàn hiểu điều đó."
Người đại diện: "Chúng tôi có thể mâu thuẫn với CLB –nhưng không lâu"
"Kỳ chuyển nhượng tháng Giêng không phải là thời điểm tốt nhất để làm việc, nó đầy rẫy sự hoảng loạn và các yêu cầu ngắn hạn", Mark Gottlieb, giám đốc quản lý tại General Sports Worldwide – một công ty đại diện có hợp đồng kéo dài hai năm với khoảng 70 cầu thủ – cho biết.
Vào ngày trò chuyện với The Athletic, ông đang chủ trì một cuộc họp để thảo luận về các ưu tiên của công ty trong kỳ chuyển nhượng.
Các người đại diện thường kiếm khoảng 5% tổng thu nhập đảm bảo của cầu thủ, nhưng họ có thể nhận được phần lớn hơn thông qua các hợp đồng thương mại hoặc khi làm việc trực tiếp với các CLB.
Gottlieb nói: "Tôi muốn một CLB gọi cho tôi và nói, 'Chúng tôi quan tâm đến thân chủ của anh'. Mỗi CLB phải xác định liệu một cầu thủ có sẵn sàng rời đi trước khi họ tham gia các cuộc đàm phán chính thức giữa hai đội bóng.
"Chúng tôi có thể gọi điện cho mọi CLB trên thế giới và đề xuất một cầu thủ, nhưng nếu bạn luôn thể hiện xuất sắc, thì điện thoại sẽ tự đổ chuông. Khi đó, chúng tôi phải xem xét: 'Những đội nào có thể mua cầu thủ này? Cầu thủ có thể rời đội hiện tại không? Liệu cậu ấy có được tự do hay phải thông qua dạng cho mượn? HLV ở CLB mới có phù hợp để đưa cậu ấy lên tầm cao mới không? Đây có phải là dự án phù hợp không?'.
"Nếu chúng tôi xác định được những điều đó ngay từ đầu, chúng tôi có thể bước vào đàm phán với cam kết đầy đủ, vì chúng tôi biết đó là CLB phù hợp và cầu thủ về cơ bản đã gật đầu đồng ý.
"Chúng tôi có thể có mâu thuẫn với CLB trong một thương vụ, nhưng không kéo dài lâu. Chúng tôi sẽ bắt tay và lại tiếp tục hợp tác vào lần sau."
Những đánh giá tiêu cực về người đại diện trong bóng đá có công bằng không?
"Họ nghĩ chúng tôi kiếm quá nhiều tiền, rút tiền ra khỏi bóng đá, rằng chúng tôi là ký sinh trùng. Sự thật là chúng tôi không phải vậy", Gottlieb khẳng định. "Chúng tôi là một phần của hệ sinh thái và có giá trị đối với các CLB. Chúng tôi gặp gỡ các CLB thường xuyên và có mối quan hệ tốt. Công việc của chúng tôi là hỗ trợ các thân chủ để họ có sự nghiệp tốt nhất có thể.
"Có rất nhiều người đại diện thực sự giỏi, làm việc đúng cách, có sự chính trực và xây dựng niềm tin với thân chủ của họ. Tôi tin rằng chúng tôi thuộc nhóm đó."
Các CEO: "Hiếm khi một kỳ chuyển nhượng diễn ra đúng kế hoạch"
"Để làm công việc này, bạn cần nhanh chóng tìm ra sự rõ ràng trong những hoàn cảnh luôn thay đổi", Christian Nourry, giám đốc điều hành của CLB Queens Park Rangers (hạng Nhất Anh), chia sẻ. Ở tuổi 27, ông là một trong những CEO trẻ nhất trong bóng đá. "Bạn phải yêu thích ý tưởng chiến đấu hết mình vì CLB, để có được những thương vụ tốt nhất trong giới hạn ngân sách."
Trước đây, Nourry là đối tác quản lý tại Retexo, một công ty Mỹ chuyên về dữ liệu, thực hiện các thương vụ mua lại và tái cấu trúc CLB.
"Bên cạnh nền tảng về tuyển dụng dựa trên dữ liệu, công việc của tôi là hiểu rõ các con số đằng sau mỗi thương vụ và kết hợp với thông tin thực tế", ông nói. "Thường xuyên, bạn phải có nhiều cuộc trò chuyện với các CLB cùng lúc để hiểu xem thương vụ nào khả thi về mặt tài chính.
"Nếu chúng tôi thực sự nghiêm túc với một cầu thủ, chúng tôi sẽ liên hệ với người đại diện hoặc CLB để tìm hiểu điều kiện. CLB đó cần gì trong kỳ chuyển nhượng này? Điều đó ảnh hưởng thế nào đến thỏa thuận của chúng tôi? Có hiệu ứng dây chuyền nào không? Liệu có điều gì ở QPR có thể hấp dẫn họ trong bối cảnh thương vụ này không? Bạn cần thu thập tất cả thông tin trước khi gửi lời đề nghị chính thức đầu tiên."
Paul Barber, CEO của CLB Brighton tại Premier League, chia sẻ: "Hiếm khi một kỳ chuyển nhượng diễn ra đúng như kế hoạch, vì vậy bạn phải linh hoạt và sẵn sàng thích ứng.
"Mô hình của chúng tôi dựa vào việc mua các cầu thủ trẻ từ khắp nơi trên thế giới, những người mà có thể các CLB khác không chú ý đến. Chúng tôi đầu tư rất nhiều thời gian, tiền bạc và công sức để huấn luyện họ đạt đến trình độ Premier League. Và khi đến lúc bán đi, điều quan trọng là chúng tôi phải có mức giá phù hợp.
"Chúng tôi cố gắng mang về cầu thủ trước khi thực sự cần họ. Bởi vì khi bạn đã bán một cầu thủ và mọi người nghĩ rằng CLB đang có rất nhiều tiền, thì việc đàm phán mua cầu thủ mới sẽ trở nên khó khăn."
Bí quyết để có một cuộc đàm phán thành công?
"Là sự tôn trọng lẫn nhau. Hiểu rõ quan điểm của CLB khác, của cầu thủ và người đại diện, đồng thời đảm bảo HLV của bạn vẫn có đủ thời gian để tìm phương án dự phòng nếu không đạt được mục tiêu chính", Barber nói. "Đó là việc giữ sự hợp lý, công bằng, sáng suốt và bình tĩnh, ngay cả khi áp lực đang dồn dập."
Luật sư: "Tôi không muốn thân chủ ký vào hợp đồng rủi ro"
"Khi giúp đỡ các CLB, người đại diện hoặc cầu thủ, tôi luôn cố tránh những khu vực có áp lực cao – sân vận động, trung tâm huấn luyện hoặc những địa điểm công cộng hay bán công khai", Daniel Geey, một luật sư thể thao hàng đầu tại công ty luật Sheridans, chia sẻ từ văn phòng của ông ở London. "Thông thường, những công việc khó khăn nhất lại được thực hiện ở những nơi kín đáo. Văn phòng này chính là nơi an toàn của tôi."
Geey từng tham gia vào nhiều thương vụ lớn, bao gồm cả việc tư vấn cho tiền vệ tuyển Anh Declan Rice trong vụ chuyển nhượng trị giá 105 triệu bảng Anh từ West Ham sang Arsenal vào mùa hè năm 2023.
"Thông thường, các CLB sẽ chuẩn bị hợp đồng sẵn và nói: 'Đây là điều khoản tiêu chuẩn, không có gì đáng lo, chỉ cần ký vào đây'. Vai trò của tôi là cân bằng lại và giải thích: 'Điều này không phù hợp', 'Chỗ này cần được làm rõ', hoặc 'Bạn chưa bao gồm điều khoản quan trọng này'.
"Tôi không thích đặt mình vào các tình huống áp lực cao, vì điều đó có thể tạo ra lợi thế không công bằng trong đàm phán. Điều tôi luôn cẩn trọng là tránh làm trật bánh một thương vụ. Nhưng đồng thời, tôi cũng không muốn thân chủ của mình ký vào một hợp đồng có quá nhiều rủi ro không cần thiết."
Hợp đồng cầu thủ tại Premier League phần lớn tuân theo một mẫu tiêu chuẩn không thể thay đổi, ngoại trừ phần 'Mục 2', Geey giải thích:
"Phần đó bao gồm tất cả các điều khoản về thanh toán, tiền thưởng, điều khoản giải phóng hợp đồng và những điều khoản đặc biệt khác mà bạn có thể tưởng tượng trong một thương vụ cá nhân."
Trong hợp đồng, có hai loại điều khoản phụ: Điều khoản phụ về phí chuyển nhượng và Điều khoản phụ trong hợp đồng cầu thủ.
"Với các điều khoản phụ về phí chuyển nhượng – thường được gọi là khoản biến phí hoặc điều khoản phụ thuộc, CLB bán cầu thủ luôn muốn các điều khoản này dễ đạt được. Ví dụ, nếu bán cho Manchester City, bạn sẽ muốn có một điều khoản phụ thuộc vào việc họ giành suất tham dự Champions League mỗi mùa."
"Còn trong hợp đồng cầu thủ, tại các CLB lớn, thông thường sẽ có mức lương cơ bản đảm bảo cộng với nhiều khoản thưởng biến động. Chẳng hạn, một cầu thủ sẽ nhận được tiền thưởng khi đá chính và đội bóng của anh ấy giành chiến thắng."
"Ví dụ, trong một thương vụ trị giá 50 triệu bảng, có thể chỉ một phần nhỏ được trả ngay sau khi ký hợp đồng, phần còn lại sẽ được thanh toán thành nhiều đợt tùy theo điều kiện cụ thể."
Bác sĩ: "Kết quả kiểm tra y tế là thời khắc căng thẳng"
"Đây là khoảnh khắc quan trọng nhất", Geoff Scott, người đã có 20 năm làm trưởng bộ phận y tế và khoa học thể thao tại Tottenham, chia sẻ.
"Tại Tottenham, chúng tôi có một khách sạn dành riêng cho cầu thủ – với phòng tập gym và khu vực điều trị – được phong tỏa hoàn toàn, chỉ những người có liên quan trực tiếp đến thương vụ mới được phép vào. Chúng tôi có tất cả trang thiết bị cần thiết để tiến hành kiểm tra y tế ngay trong ngày."
Quy trình kiểm tra y tế diễn ra như sau:
Buổi sáng, ngay khi đến nơi, cầu thủ phải nhịn ăn để làm xét nghiệm máu.
Sau đó là một loạt các bài kiểm tra y tế tổng quát, bao gồm kiểm tra mắt, thính giác và thần kinh.
Bác sĩ sẽ dành khoảng một giờ trò chuyện với cầu thủ để tìm hiểu về tiền sử chấn thương cá nhân và gia đình.
"Sau đó, chúng tôi bước vào giai đoạn khám sức khỏe thực tế. Mọi thứ đều được xem xét cẩn thận: sưng đầu gối, vết sẹo phẫu thuật không được khai báo trong phần hỏi đáp, hoặc những dấu hiệu bất thường mà cầu thủ chưa từng đề cập.
"Đây là một ngày quan trọng, và khi gia nhập một CLB như Tottenham, cầu thủ sẽ ký hợp đồng lớn và chịu áp lực rất lớn. Vì vậy, một phần quan trọng trong kiểm tra y tế là tìm ra các yếu tố giúp cải thiện thể trạng cầu thủ."
Tiếp theo, chuyên gia dinh dưỡng sẽ đo các chỉ số cơ thể: chiều cao, cân nặng, tỷ lệ mỡ và các số liệu sinh trắc học cơ bản.
Sau đó, cầu thủ sẽ trải qua chụp MRI trong khoảng ba giờ để kiểm tra toàn bộ khớp. "Phần này thường khá nhàm chán và gây cảm giác ngột ngạt."
Cuối cùng, cầu thủ trở lại trung tâm huấn luyện để thực hiện kiểm tra tim mạch.
"Đây là phần có vẻ ấn tượng nhất", Scott nói. "Có rất nhiều máy móc, dây nối và thiết bị để thực hiện siêu âm tim. Tại Tottenham, chúng tôi còn thực hiện bài kiểm tra gắng sức kéo dài 15 phút, trong đó cầu thủ đi bộ trên máy chạy bộ với độ dốc tăng dần, đến khi đạt nhịp tim tối đa."
Thời khắc quyết định:
"Kết quả kiểm tra y tế luôn là khoảnh khắc căng thẳng: 'Tôi có đậu không? Tôi có trượt không?' – nhưng không hoạt động theo kiểu đỗ/trượt đơn thuần. Nếu có vấn đề rõ ràng, chúng tôi sẽ cảnh báo CLB để tránh ký hợp đồng. Nhưng điều đó khá hiếm.
"Thay vào đó, chúng tôi phân tích rủi ro, cung cấp thông tin chi tiết cho ban lãnh đạo CLB để họ hiểu rõ về cầu thủ mà họ sắp mua."
Cuối ngày, thường vào buổi tối, cầu thủ sẽ rời phòng y tế, gặp gỡ gia đình và người đại diện, rồi cùng nhau ăn mừng khi ký hợp đồng chính thức.
"Đây là phần thú vị nhất trong ngày, khi thương vụ đạt đến hồi kết."
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất