05/03/2020 08:24 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Một tháng rưỡi trước khi giải Kiến trúc Pritzker được công bố (ngày 3/3 vừa qua), nữ kiến trúc sư Yvonne Farrell nhận được một cuộc điện thoại khi đang làm bếp. Ở tuổi 68, bà không bao giờ hình dung mình sẽ là chủ nhân của giải thưởng được xem là “Nobel của giới kiến trúc”.
“Một bất ngờ không thể tin nổi. Chúng tôi rất vui mừng về giải thưởng và sự công nhận đầy ngạc nhiên này” - Farrell nói với RECORD. Cùng với Farrell, người cũng được tôn vinh năm nay là McNamara (67 tuổi), đồng sáng lập của Công ty Kiến trúc Grafton ở Ireland. Họ là những chủ nhân thứ 47 và 48 của giải thưởng.
Những “thám tử kiến trúc”
Ban giám khảo giải Pritzker 2020 ca ngợi hai gương mặt này vì sự hiểu biết sâu sắc của họ và việc “dùng khả năng của mình để sáng tạo các dự án hoành tráng nhưng lại thân thiện với môi trường và kết nối cộng đồng”.
Gắn với nhận định ấy, khuôn viên của Trường Đại học De Ingeniería & Tecnologia (UTEC), hoàn thành năm 2015 tại Lima (Peru), cho thấy năng lực của Farrell và McNamara trong việc tìm kiếm các giải pháp thiết kế ở một vị trí đầy thách thức. Đó là khuôn viên thẳng đứng của một không gian mở và kín - mà các thành viên Ban giám khảo giải Pritzker gọi là “Machu Picchu thời hiện đại”.
Một bên là đường cao tốc và bên kia là một khu dân cư, UTEC là công trình bê tông cao 10 tầng, có hình dáng trông như các vách đá bên bờ biển của thành phố. Các kiến trúc sư đoạt giải đã đặt các không gian lớn (chủ yếu là các phòng thí nghiệm) ở các tầng thấp, trong khi các lớp học và văn phòng của giảng viên có diện tích nhỏ nằm ở tầng trên.
Cấu trúc phần lớn nằm ngoài trời này, với nhiều sân thượng và sân hiên phù hợp với khí hậu ôn hòa ở Lima, cũng cho thấy khả năng sáng tạo của các kiến trúc sư trong việc thiết kế các kết cấu phức tạp để liên kết các không gian bên trong với ngoài trời.
Ban giám khảo giải Pritzker 2020 nhận định đây là một sự thay đổi liên tục trong cách tiếp cận của 2 nữ kiến trúc sư: “Họ chú ý đến tần suất ánh sáng của các luồng ánh sáng chiếu vào không gian bên trong của công trình, mang lại sự ấm áp và tầm nhìn thú vị, giúp người dùng dễ dàng tự định hướng trong các không gian, đồng thời vẫn có sự kết nối cần thiết với bên ngoài”.
Farrell và McNamara cho biết, quả thật họ đã được truyền cảm hứng từ Machu Picchu (khu tàn tích Inca thời tiền Columbo) cho công trình này, đặc biệt là các sân thượng xếp chồng lên nhau và kết hợp cùng phần đá trông như những tấm đệm.
“Chúng tôi tìm thấy những gợi ý từ những gì sẵn có ở địa phương. Việc tìm kiếm ấy khiến chúng tôi giống như những thám tử trong nghề kiến trúc” - Farrell nói.
Trước đó, 2 nữ kiến trúc sư này đã gây tiếng vang với nhiều dự án. Điển hình, đó là North King Street Housing ở Dublin (2000), công trình bảo vệ các nhà kho xung quanh với bề ngoài rất phóng khoáng. Còn với Đại học Luigi Bocconi ở Milan, (Italy - 2008), họ đã tạo ra một không gian công cộng ở tầng trệt và tầng thấp hơn với những tầm nhìn bên trong từ vỉa hè.
Ở Toulouse (Pháp), Khoa Kinh tế thuộc Đại học Toulouse 1 Capitole (2019) do Farrell và McNamara thiết kế lại có sức hút về lịch sử. Họ sử dụng các vật liệu, gồm bê tông và đá có nguồn gốc địa phương, đồng thời thiết kế các trụ, đường dốc và sân trong có dáng dấp gợi lại những cây cầu, bức tường và tháp của thành phố này thời Trung cổ.
Kiến trúc giúp bạn xóa đi sự xa cách với thiên nhiên
Farrell và McNamara đã làm việc cùng nhau trong suốt 40 năm qua. Họ gặp nhau tại Trường Đại học Dublin hồi năm 1974 và thành lập Công ty Kiến trúc Grafton ở Dublin vào năm 1978. Công ty hiện có 38 nhân viên.
Trước khi được trao giải Pritzker đầy uy tín, Công ty Kiến trúc Grafton đã đoạt nhiều giải cao quý khác. Mùa Thu năm 2019, Viện Kiến trúc Hoàng gia Anh đã trao cho Công ty Kiến trúc Grafton Huy chương Vàng Hoàng gia 2020, giải thưởng kiến trúc hàng đầu của Vương quốc Anh. Trước đó, năm 2018, Công ty Grafton được Viện Kiến trúc Hoàng gia Ireland trao giải James Gandon Thành tựu trọn đời. Năm 2016, công trình UTEC đoạt giải Quốc tế RIBA. Năm 2012, Farrell và McNamara được tôn vinh với giải Sư tử Bạc tại Triển lãm Kiến trúc Venice.
Năm 2018, Farrell và McNamara là giám tuyển phiên thứ 16 của triển lãm kiến trúc quốc tế Venice xoay quanh chủ đề “Freespace” (Không gian tự do). Trải nghiệm này giúp Farrell và McNamara có cơ hội thể hiện rõ cách tiếp cận của họ trong nghề thiết kế. Bản tuyên ngôn “Freespace” này gắn với ý tưởng cung cấp “những món quà tặng miễn phí của không gian và thiên nhiên cho người sử dụng nó, đặc biệt là các tài nguyên như ánh sáng mặt trời, ánh trăng, không khí”.
“Có rất nhiều tòa nhà bạn ghé thăm và bạn thực sự ngưỡng mộ nhưng vẫn còn thiếu một thứ gì đó” - McNamara nói. “Kiến trúc không chỉ là việc thiết kế. Nó còn phải giúp bạn xóa được sự xa cách giữa bản thân mình và thiên nhiên.”
“Tưởng phức tạp, nhưng điều này rất dễ dàng. Bởi, kiến trúc không chỉ là ý tưởng, mà còn là việc triển khai các ý tưởng theo những quy tắc về vật lý” – Farrell nói thêm – “Kiến trúc là ngôn ngữ im lặng nhưng lại biết nói. Và con người không chỉ cần một tòa nhà để tránh mưa, họ cần ở đó cả những nhu cầu khác mà chúng phải hiểu.”
Trong mối quan hệ đối tác sáng tạo lâu dài của Farrell và McNamara, họ đã tạo ra nhiều giá trị được cộng hưởng với nhau. Tuy nhiên, 2 nữ kiến trúc sư này còn nhắc tới các đồng nghiệp đã góp phần định hình nên hành trình đầy thành công của họ.
“Vì chúng tôi đã biết nhau rất lâu, nên thực sự tin tưởng nhau” - McNamara nói với RECORD. “Nhưng không phải chỉ có chúng tôi đồng hành bên nhau mà còn có một nhóm đồng nghiệp tuyệt vời. Chúng tôi học được nhiều từ tài năng và niềm đam mê của họ”.
Giải thưởng kiến trúc Pritzker là giải thưởng thường niên của quỹ Hyatt nhằm vinh danh kiến trúc sư còn sống với những đóng góp của họ. Giải thưởng được doanh nhân Mỹ Jay A. Pritzker lập ra từ năm 1979 và do dòng họ Pritzker điều hành. Lễ trao giải năm nay được tổ chức vào ngày 5/5. |
Việt Lâm (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất