Giải Nobel Hóa học 2013: Chiến thắng nhờ sức mạnh công nghệ máy tính

10/10/2013 08:05 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Giải Nobel Hóa học 2013 vừa vinh danh 3 giáo sư đến từ các trường Đại học danh tiếng của Mỹ, nhờ những đóng góp giúp tái hiện cấu trúc và hoạt động của các tế bào protein một cách chính xác, dựa trên những lập trình sẵn của máy tính.

Các giáo sư Martin Karplus, Michael Levitt và Arieh Warshel đã đưa máy tính trở thành công cụ để tái lập quá trình phản ứng hóa học trên các protein và phân tử.

Công cụ “mô phỏng” hoàn hảo

Nghiên cứu này giúp mở ra một hướng đi mới trong lĩnh vực hóa học. Các nhà khoa học giờ đây đã có thể sử dụng máy tính để tái lập những hình ảnh về quá trình phản ứng hóa học giữa các phân tử, các tế bào.

Để làm được điều đó, Giáo sư Martin Karplus, Michael Levitt và Arieh Warshel đã tái hiện một cách chi tiết nhất cấu trúc cơ bản của các tế bào, những thành phần cấu tạo nên tế bào.

Lễ xướng tên các nhà khoa học đoạt giải Nobel Hóa học 2013
Từ đó các nhà khoa học sử dụng máy tính như một công cụ giả lập quá trình hoạt động của các tế bào này, sự biến đổi của chúng nếu có những tác nhân đã định sẵn từ bên ngoài. Có thể hiểu rằng trong một số loại tế bào, phân tử nhất định đã được đưa cấu trúc lên máy tính, các nhà khoa học có thể trực tiếp thử nghiệm chúng trên máy tính một cách đơn giản hơn, thay vì nghiên cứu qua ống kính hiển vi trong phòng thí nghiệm.

Giáo sư Arieh Warshel trả lời câu hỏi một cách vắn tắt những thắc mắc của các phóng viên trong lễ vinh danh người đoạt giải Nobel Hóa học ở Stockhom: "Nói đơn giản, chúng tôi đã phát triển một cách đầy đủ và chính xác nhất cấu trúc của protein, cách thức hoạt động của chúng. Nhưng không phải trong phòng thí nghiệm mà là qua một chương trình trên máy tính". Trong khi đó giáo sư Michael Levitt đã trả lời khá khiêm tốn rằng quá trình nghiên cứu trong suốt 50 năm qua sẽ không thể thành công nếu thiếu đi những chiếc máy tính ngày càng được nâng cấp mạnh mẽ như ngày nay.

Giải Nobel thứ 2 chia 3

Nghiên cứu của 3 giáo sư hóa học có tác động trực tiếp đến việc bào chế và thử nghiệm những loại thuốc mới. Bằng cách đưa vào trong máy tính thông số và phương thức hoạt động đầy đủ của các tế bào protein, các nhà khoa học có thể trực tiếp thử nghiệm những loại thuốc mới, thông qua việc nhập số liệu những phương thuốc này vào chương trình. Máy tính sẽ trực tiếp xử lý, giả lập quá trình xúc tác phản ứng hóa học và đưa ra kết quả một cách chính xác nhất.

Cả 3 giáo sư Martin Karplus, Michael Levitt và Arieh Warshel đều sinh ra tại những quốc gia khác nhau nhưng cuối cùng, họ đã làm việc tại các trường đại học danh tiếng của Mỹ. Giáo sư Martin Karplus hiện đang công tác tại Trường Đại học Havard, giáo sư Michael Levitt đến từ Trường Đại học Stanford và giáo sư Arieh Warshel đến từ Trường Đại học Nam California.

Đây là lần thứ 2 trong lễ công bố giải thưởng Nobel năm nay có cả 3 nhà khoa học cùng đoạt giải. Lễ công bố giải thưởng Nobel Y học vào ngày thứ Hai vừa qua đã vinh danh 2 nhà khoa học Mỹ và 1 nhà khoa học Đức do những đóng góp trong việc tìm hiểu cách thức các tế bào vận chuyển phân tử qua lại lẫn nhau.

Những điều thú vị quanh Nobel Hóa học

Kể từ năm 1901, Ủy ban Nobel đã trao tổng cộng 105 giải thưởng Nobel trong lĩnh vực Hóa học. Người trẻ tuổi nhất từng nhận giải thưởng Nobel Hóa học năm 1935, ông Frederic Joliot khi ông vừa bước sang tuổi 35. Người cao tuổi nhất từng nhận giải thưởng Nobel Hóa học là ông John B. Fenn khi ông đã 85 tuổi trong buổi lễ trao giải Nobel năm 2002.

Trong lịch sử giải Nobel, chỉ có duy nhất 1 cá nhân từng đoạt giải Nobel Hóa học 2 lần liên tiếp. Giáo sư Frederic Sanger đoạt 2 giải Nobel Hóa học năm 1958 và 1980 nhờ những nghiên cứu chi tiết hình thành nên cấu trúc của các phân tử ADN.

Trong lĩnh vực khoa học, hóa học thường có mối liên kết chặt chẽ với vật lý và sinh học. Bởi vậy mà nhà khoa học nổi tiếng Marie Curie đến từ nước Pháp đã đoạt giải Nobel Vật lý năm 1903 và giải Nobel Hóa học năm 1911.

Hồng Đăng (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm