Giải mã những bí ẩn trong mộ Hoàng đế hoang dâm bậc nhất Trung Quốc

06/12/2016 15:04 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Khi cuộc khai quật mộ Hoàng đế Trung Quốc Lưu Hạ (92-59 trước Công nguyên) ở tại lăng mộ Haihunhou đang hoàn tất, các nhà khảo cổ sẽ tiến hành khai quật mộ của vợ ông, dự kiến bắt đầu vào nửa đầu năm 2017.

Theo tin của tờ Nanchang Daily, ngôi mộ này, được gọi là mộ số 2, đã bị hư hại nặng và cần được khai quật khẩn cấp để cứu nguy.

Lưu Hạ là vị hoàng đế ngôi ngai vàng ngắn nhất trong đời Tây Hán (206 trước Công nguyên – 24 sau Công nguyên) và sử sách ghi lại rằng ông có 16 bà vợ và thê thiếp tuy nhiên không hề ghi ông có hoàng hậu hay không hoặc ai là hoàng hậu.


Hoàng đế Lưu Hạ, vị vua hoang dâm bậc nhất Trung Quốc

Năm 74 TCN, Hán Chiêu Đế qua đời khi mới 21 tuổi và không có con nối nghiệp, đại thần phụ chính là Hoắc Quang lập Xương Ấp Vương lên ngôi.

Lưu Hạ được mô tả vốn là người có bản tính lưu đãng, khi về Tràng An làm vua đã mang theo 200 thủ hạ.

Lưu Hạ cùng các thủ hạ ăn chơi sa đọa, không lo việc triều chính. Ông quan hệ với các cung nữ của Chiêu Đế. Sử chép rằng Lưu Hạ chỉ làm vua 27 ngày đã gây ra 1127 việc xấu xa, làm rối loạn cung cấm.

Các chuyên gia cho rằng Lưu Hạ không có hoàng hậu, "chủ nhân" của ngôi mộ số 2 vẫn là một bí ẩn và nhiều khả năng sẽ được giải mã trong cuộc khai quật vào năm 2017.


Hình ảnh trong quá trình khai quật tại lăng mộ Hoàng đế Lưu Hạ

Trong quá trình khai quật mộ Lưu Hạ, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một dấu triện bằng ngọc thuộc về ông nên qua đó họ đã xác nhận được ông chính là chủ nhân của ngôi mộ.

Dấu triện này khắc tên Lưu Hạ bằng chữ Hán, là dấu triện hình vuông dài 2,1cm và cao 1,5cm vốn là kiểu phổ biến trong triều Hán (206 trước Công nguyên-220).

Theo các phát hiện khảo cổ mới đây, dấu triện của Lưu Hạ có hình con cú. Những chi tiết hết sức sinh động trên dấu triện cho thấy sự khéo léo, tinh tế của các nghệ nhân đời Hán. Đây là lần đầu tiên một dấu hiện hình có hình con cú được tìm thấy tại một di chỉ khảo cổ đời Hán.


Dấu triện của Hoàng đế Lưu Hạ có hình một con chim cú

Thực tế, hình ảnh con cú xuất hiện khá sớm trong nền văn học cổ đại Trung Quốc. Trong bộ tổng tập thơ ca vô danh Kinh Thi, một trong 5 bộ sách kinh điển của Nho giáo, có bài mô tả cảnh trong đó một con chim mẹ đang hoảng loạn và buồn khi nhìn thấy chim con của mình bị cú bắt.

Theo Sử ký Tư Mã Thiên, khi nhà phê bình chính trị nổi tiếng Giả Nghị (201-169 trước Công nguyên) bị giáng cấp, ông thấy một con cú bay vào nhà mình và coi đây là điềm xấu, bởi vậy ông viết bài thơ Ca ngợi con cú để tự an ủi, giải tỏa mình.

Trong số ít tư liệu về Lưu Hạ, chim cú cũng được nêu trong đó. Theo Hán thư, tài liệu cổ viết về giai đoạn lịch sử đời Tây Hán (206 trước Công nguyên-25), khi Lưu Hạ bị truất ngôi và bị giam trong cung Changyi, Hoàng đế Hàn Huyền (151-209) đã cử một vị quan tới canh chừng. Trong một bức thư mà viên quan viết gửi cho Hoàng đế, viên quan này tâu rằng ông muốn kiểm tra tình trạng cảm xúc của Lưu Hạ và nói "Changyi có rất nhiều cú".

Lưu Hạ đáp: "Trước đây khi ta tới phía Tây Trường An, ở đó không có nhiều cú. Khi ta tới phía Đông Tế Dương, ta nghe thấy rất nhiều cú kêu la".

Mọi người có những cách hiểu khác nhau về những lời nói của Lưu Hạ. Một số người cho rằng Lưu Hạ nói một cách bình thường, còn một số người lại cho rằng ông thận trọng một cách khôn ngoan.


Mặt trước của dấu triện cho thấy nó là của Hoàng đế Lưu Hạ

Các chuyên gia cho rằng việc sử dụng loài chim vốn bị coi là điềm xấu trong dấu triện là điều bất thường. Song để giải mã được lý do khiến Lưu Hạ sử dụng chim cú trên dấu triện thì cần phải nghiên cứu thêm.

Wu Shunqing, một chuyên gia về bảo vệ gỗ sơn màu, người đang có mặt tại di chỉ khảo cổ lăng mộ Haihunhou cho biết, các nhà khảo cổ đã khai quật được hàng ngàn miếng gỗ sơn dầu và thẻ tre.

"Nhiều miếng gỗ sơn dầu vốn đã khô, nhưng sau khi trải qua vụ động đất mạnh trong đời Đông Tấn (317-420) lăng mộ bị ngập trong nước khiến các thẻ tre bị hư hỏng nặng và giờ rất khó phục chế" -  Wu Shunqing cho biết.

Sau một thời gian làm việc cần mẫn, cẩn thận, các nhà khảo cổ đã làm sạch hơn 5.000 thẻ tre và quét tia hồng ngoại để có thể đọc được những chữ viết tay đã bị mờ.

Kết quả ban đầu cho thấy phần viết trên các thẻ tre mang nội dung của nhiều cuốn sách cổ như Luận ngữ của Khổng Tử, Kinh Dịch Kinh lễ. Giai đoạn đầu bảo vệ các thẻ tre sẽ được hoàn tất vào cuối năm nay và việc giải mã, nghiên cứu các chữ viết trên thẻ tre sẽ được bắt đầu vào năm 2017.

Tuấn Vĩ
Theo China Daily

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm