Giải mã cuộc gọi FlashAI, "nghe máy 3 giây mất luôn 800 triệu": Dư luận hoang mang - Là thật hay giả?

09/04/2023 09:30 GMT+7 | HighTech

Nhiều người lo lắng trước thông tin lan truyền về cuộc gọi từ FlashAI khiến người nghe chỉ cần bắt máy đã mất tiền một cách bất ngờ.

Cuộc gọi của FlashAI khiến người nghe mất sạch tiền?

Cư dân mạng những ngày gần đây xôn xao về thông tin có nhiều người nhận được cuộc gọi có tên FlashAI, khiến người nghe chỉ cần bắt máy là bị lấy mất hàng trăm triệu đồng trong tài khoản.

Thông tin này được chia sẻ trên Facebook cũng như được một số người dùng có ảnh hưởng trên TikTok lên tiếng khẳng định, khiến không ít người hoang mang không dám nghe máy hoặc thấp thỏm lo lắng sẽ bị FlashAI gọi điện.

Trước những đồn đoán nói trên, chuyên gia công nghệ Ngô Minh Hiếu (HieuPC) đã lên tiếng giải thích và trấn an người dùng rằng đây là thông tin hoàn toàn sai và chỉ là tin giả để tăng view, tăng tương tác. 

Một tài khoản TikTok có hàng chục nghìn người theo dõi đã đưa ra nhiều clip nói về FlashAI, cho rằng cuộc gọi rất nguy hiểm, có nguy cơ "mất trắng cơ ngơi, tài sản", đồng thời dẫn thông tin một bình luận nói rằng đã mất "800 triệu trong 3 giây".

Theo chuyên gia Ngô Minh Hiếu, việc nhận cuộc gọi từ FlashAI hay nhiều cuộc gọi với hình thức tương tự mà không làm gì đã bị mất tiền mất thông tin ngay lập tức là không đúng sự thật.

"Bạn chỉ bị mất tiền qua cuộc gọi điện thoại khi thực hiện thao tác hướng dẫn của cuộc gọi. Ví dụ bấm phím 1, phím 2 thì có thể sẽ bị mất tiền cước viễn thông. Ngoài ra, người dùng bị cuộc gọi dẫn dụ nhấn vào đường link lừa đảo, hoặc tải file có nguy cơ đánh cắp thông tin, cũng như bị dẫn dụ đầu tư tài chính hoặc thực hiện lệnh chuyển tiền theo hướng dẫn của cuộc gọi", chuyên gia này chia sẻ.

Sự nổi lên của trí tuệ nhân tạo (AI) trong thời gian qua đã mang lại những tiện ích lớn, đồng thời khiến công chúng kinh ngạc về sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo, có khả năng làm những việc không tưởng so với trước đây.

Giải mã cuộc gọi FlashAI, "nghe máy 3 giây mất luôn 800 triệu": Dư luận hoang mang - Là thật hay giả? - Ảnh 1.

Bài viết chia sẻ về FlashAI của một diễn viên nổi tiếng.

Tuy nhiên, cũng có người lợi dụng sự tiến bộ của AI để bày trò bịp bợm, lừa lọc những đối tượng ít am hiểu về công nghệ để trục lợi, đánh bóng tên tuổi.

Chuyên gia Ngô Minh Hiếu đưa ra lời khuyên rằng, tuyệt đối khi nhận những cuộc gọi dạng FlashAI hay có những tên gọi vô nghĩa, khó hiểu khác, chúng ta không nên bắt máy.

"Đầu tiên là để đỡ tốn thời gian, thứ hai là để tránh bị dẫn dụ bởi những đòn tâm lý của kẻ lừa đảo. Không nhấp vào bất kỳ đường link qua tin nhắn hay qua cuộc gọi, không cung cấp mật khẩu và mã OTP và luôn chậm lại, kiểm chứng và xác thực mọi thông tin", anh nói. "Các chiêu lừa này vốn không phải mới nhưng càng biến tướng tinh vi hơn".

Việc các thông tin sai lệch được chia sẻ, lan truyền bởi những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội là tác nhân khiến sự việc trở nên nghiêm trọng hơn. Chính vì vậy, người dùng cần cẩn trọng trong việc đón nhận thông tin từ các nguồn phù hợp, nên lắng nghe lời khuyên từ các chuyên gia trong ngành, có trình độ chuyên môn tương ứng.

Giải mã cuộc gọi FlashAI, "nghe máy 3 giây mất luôn 800 triệu": Dư luận hoang mang - Là thật hay giả? - Ảnh 2.

TikTok cũng lan truyền sai về FlashAI.

Để chung tay cảnh báo chống lừa đảo, chuyên gia Ngô Minh Hiếu cho biết, người dùng có thể phản ánh cuộc gọi và tin nhắn rác qua hai hình thức gọi điện hoặc nhắn tin miễn phí đến đầu số 156.

Với tin nhắn rác, cú pháp soạn tin nhắn:

S (Số điện thoại phát tán tin nhắn rác- nội dung cuộc gọi rác) gửi 156 hoặc 5656

Với cuộc gọi có dấu hiệu là cuộc gọi rác, soạn tin nhắn:

V (số điện thoại phát tán cuộc gọi rác- nội dung cuộc gọi rác) gửi 156 hoặc 5656

Với cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, cú pháp gửi tin nhắn:

LD (Số điện thoại phát tán tin nhắn rác- nội dung cuộc lừa đảo) gửi 156 hoặc 5656

Giải mã cuộc gọi FlashAI, "nghe máy 3 giây mất luôn 800 triệu": Dư luận hoang mang - Là thật hay giả? - Ảnh 3.

Phòng tránh cuộc gọi lừa đảo thế nào?

Tình trạng số điện thoại rác hoặc lừa đảo gọi đến làm phiền hàng ngày đang trở nên phổ biến. Những số điện thoại đó có thể là chào mời cho vay, giả mạo ngân hàng, cơ quan chức năng để gian lận tiền hoặc đánh cắp thông tin cá nhân.

Giải quyết vấn đề này, người dùng có thể cài ứng dụng TrueCaller trên điện thoại. Truecaller là phần mềm hiển thị chi tiết người gọi đến là ai, thuộc đối tượng nào, từ đó người nghe có thể cân nhắc có nên nhấc máy hay không và thận trọng trước đối tượng từ đầu dây bên kia.

Cụ thể hơn, khi có số lạ gọi đến, TrueCaller sẽ hiển thị danh tính ví dụ như: "Chăm sóc khách hàng Viettel", "nhân viên giao hàng", hay thậm chí là "lừa đảo".

Ứng dụng dựa trên cơ chế cho và nhận thông tin từ người dùng để xác minh số điện thoại. Khi nhận được cuộc gọi rác hoặc lừa đảo, người dùng có thể gửi thông tin cho TrueCaller và ứng dụng này sẽ giúp cảnh báo số điện thoại trên cho những người khác.

Truecaller được đón nhận nồng nhiệt kể từ khi ra mắt vào năm 2009. Chỉ riêng trong năm 2021, Truecaller đã nhận dạng và chặn 37,8 tỷ cuộc gọi rác cũng như 182 tỷ tin nhắn rác.

TrueCaller hiện có sẵn trên các cửa hàng ứng dụng của Apple và Android.

Mạnh Kiên

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm