Giải mã Cố cung: 5 sự thật thường bị lầm tưởng về Tử Cấm Thành, đặc biệt là nơi Hoàng đế và quần thần thiết triều

20/02/2023 21:30 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247

Khi xem phim cổ trang Trung Quốc, chúng ta thường thấy những phi tần không được Hoàng đế sủng ái bị đày vào lãnh cung. Vậy lãnh cung ở đâu?

Tử Cấm Thành mà chúng ta thường thấy trên phim ảnh Trung Quốc hiện nay đã trở thành Bảo tàng Cố cung, mở cửa cho công chúng tham quan. Có vô số khách du lịch đã đến thăm Cố cung, nhưng bạn biết bao nhiêu về quần thể cung điện cổ kính này?

1. Thái Hòa điện có phải là nơi Hoàng đế thiết triều không?

Giải mã Cố cung: 5 sự thật thường bị lầm tưởng về các cung điện trong Tử Cấm Thành - Ảnh 1.

Bị ảnh hưởng bởi các bộ phim cổ trang Trung Quốc, nhiều người hiện nay nghĩ rằng Thái Hòa điện thường được sử dụng để ra thượng triều, nhưng thực tế không phải vậy.

Trong các triều đại nhà Minh và nhà Thanh, Thái Hòa điện được sử dụng để tổ chức các nghi lễ khác nhau, không phải là nơi giải quyết chuyện triều chính.

24 vị Hoàng đế của nhà Minh và nhà Thanh đã tổ chức các nghi lễ trọng đại trong Thái Hòa điện, chẳng hạn như Hoàng đế lên ngôi, đại hôn của Hoàng đế, lập Hoàng hậu và bổ nhiệm các tướng lĩnh, các dịp lễ đại thọ, Tết Nguyên đán, Đông chí hằng năm, bữa tiệc lớn của Hoàng đế và quan thần, yến tiệc chiêu đãi Hoàng tử và đại thần. Đầu nhà Thanh, kỳ thi cung đình cho tân Tiến sĩ cũng được tổ chức tại Thái Hòa điện, từ năm Càn Long thứ 54 (1789) mới chuyển sang tổ chức ở Bảo Hòa điện.

Nơi các Hoàng đế nhà Minh và nhà Thanh thượng triều chủ yếu là Thái Hòa môn, Càn Thanh môn (quần thần đứng trước ngự môn để nghe chính sự); và Càn Thanh cung (nơi Hoàng đế triệu tập các đại thần khi có sự kiện trọng đại hoặc quan trọng).

2. Hoàng đế chỉ sống trong Hoàng cung?

Không chỉ Thái Hòa điện không phải là nơi Hoàng đế thiết triều, mà Hoàng đế cũng không thích sống trong cung.

Để đảm bảo an toàn cho hoàng cung, các bức tường của Tử Cấm Thành được xây dựng rất cao lên tới 10m, tượng trưng cho uy quyền tối cao của giai cấp thống trị phong kiến. Bình thường cửa thành luôn đóng chặt, tường cao ngoại trừ một ít cửa sổ nhỏ thông gió, không có khe hở nào khác, cản trở không khí lưu thông.

Vào mùa hè, Tử Cấm Thành vô cùng nóng bức và ngột ngạt. Vì vậy, các Hoàng đế cùng hoàng thân quốc thích thường đến những khu vực có núi, nước, phong cảnh, không khí mát mẻ và trong lành.

Giải mã Cố cung: 5 sự thật thường bị lầm tưởng về các cung điện trong Tử Cấm Thành - Ảnh 3.

Trung Nam Hải ở phía tây của Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh là nơi yêu thích của các Hoàng đế Thuận Trị, Khang Hi và Ung Chính. Sau này Viên Minh Viên lại trở thành cung điện tránh nóng được Hoàng thất yêu thích. Càn Long, Gia Khánh, Đạo Quang và Hàm Phong dành 2/3 thời gian trong năm ở Viên Minh Viên.

3. Người trong cung có uống nước trong cung không?

Trong Tử Cấm Thành có rất nhiều giếng, nhưng người trong cung không uống nước giếng, mà là nước suối từ núi Ngọc Tuyền. Nước suối trong núi đương nhiên tốt hơn nước giếng, nhưng núi Ngọc Tuyền cách Tử Cấm Thành 20 dặm, tiêu hao rất nhiều tài lực, nên Hoàng đế thời đó có quy định mỗi ngày được dùng 50 thùng nước, Thái hậu có thể dùng 20 thùng, còn lại các cung nữ và thái giám chỉ có thể dùng 2 thùng.

Ngoài ra, việc không uống nước giếng trong cung còn xuất phát từ đồn đoán cho rằng nước trong cung không sạch. Hậu cung thâm sâu khó lường, việc cung nữ gieo mình xuống giếng tự vẫn được lan truyền rất nhiều, chẳng hạn như “Giếng Trân phi” nổi tiếng. Theo nhiều sử sách để lại, Trân phi bị Từ Hi Thái hậu ra lệnh cho thái giám đẩy xuống giếng, từ đó không một ai dám uống nước từ giếng trong cung.

Giải mã Cố cung: 5 sự thật thường bị lầm tưởng về các cung điện trong Tử Cấm Thành - Ảnh 4.

4. Lãnh cung ở đâu?

Khi xem phim cổ trang Trung Quốc, chúng ta thường thấy những phi tần không được Hoàng đế sủng ái bị đày vào lãnh cung. Vậy lãnh cung ở đâu? 

Trên thực tế, lãnh cung không phải là một địa điểm cố định. Thực ra “lãnh cung” chỉ là một thuật ngữ chung, phi tần bị thất sủng sẽ bị giam lỏng tại cung của mình hoặc một cung được chỉ định khác và Hoàng đế sau này không vào cung đó nữa.

Ví dụ như Vương Cung phi, phi tần của Vạn Lịch đế thời nhà Minh, bị giam cầm trong Cảnh Dương cung, nơi hẻo lánh nhất trong lục cung. Vì bị Vạn Lịch đế bỏ rơi, Vương Cung phi đã trải qua mười năm ở đây. 

5. Ngự thiện phòng ở đâu?

Thiện phòng, hay chính là nhà bếp trong Tử Cấm Thành. Chữ “Ngự” là từ được chuyên dùng cho tất cả mọi thứ liên quan đến Hoàng đế. 

Trong các cung điện lớn nhỏ nằm rải rác trong Tử Cấm Thành, mỗi cung điện đều có nhà bếp riêng. Trong số đó, lớn nhất là Ngự thiện phòng phục vụ Hoàng đế.

Giải mã Cố cung: 5 sự thật thường bị lầm tưởng về các cung điện trong Tử Cấm Thành - Ảnh 5.

Có 2 Ngự thiện phòng trong Tử Cấm Thành: một phòng ở bên ngoài Cảnh Vận Môn, được gọi là "Ngoại Ngự thiện phòng" hay "Ngự thái thiện phòng". "Ngự thái thiện phòng" không chỉ chuẩn bị "các bữa tiện kết hợp Mãn và Hán" cho các quan mà đôi khi còn chuẩn bị bữa ăn cho các đại thần đang thi hành công vụ. 

Nhà bếp còn lại ở bên cạnh Dưỡng Tâm điện, được gọi là "Nội Ngự thiện phòng" hay "Dưỡng Tâm điện Ngự thiện phòng", nơi làm ra vô số món ngon cung đình.

Ngự thiện phòng mặc dù không lớn, nhưng lại có sự phân công lao động tỉ mỉ, bao gồm 5 gian: món mặn, món chay, quay nướng, điểm tâm và cơm.

Hàng trăm người phục vụ các bữa ăn của Hoàng đế chỉ trong một Ngự thiện phòng của Dưỡng Tâm điện. Một bữa ăn trong Hoàng cung, đặc biệt là của Hoàng đế, xa xỉ đến mức bạn không thể tưởng tượng được.

Nguồn: Sohu

Trung Hạ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm