Giải mã bí ẩn cuối cùng của vụ 11/9

05/07/2008 11:02 GMT+7 | Trong nước

Sau khi tòa tháp đôi sụp đổ đến lượt Tháp 7 gần đó cũng sập xuống dù không bị máy bay đâm. Các nhà điều tra đang chuẩn bị đưa ra giải thích chính thức cho một trong những bí ẩn lớn nhất của vụ khủng bố năm 2001.

Hai tòa tháp đôi WTC đang lần lượt sụp xuống trong ngày 11/9/2001. (Ảnh: AP)
Báo cáo được chờ đợi từ lâu của Viện quốc gia về tiêu chuẩn và công nghệ Mỹ chưa được công bố, nhưng nhiều nguồn tin đều cho rằng, các nhà điều tra sẽ kết luận những đám cháy tại một số tầng chính là nguyên nhân khiến Tháp 7 sụp đổ.

Trưởng nhóm điều tra của viện nghiên cứu này là tiến sĩ Shyam Sunder tiết lộ trên truyền hình: "Giả thuyết của chúng tôi hiện nay là các đám cháy thông thường trong tòa nhà đã lan nhanh khắp các tầng và cuối cùng khiến tòa tháp bị sụp đổ hoàn toàn".

Kết luận trên sẽ khiến Tháp 7 trở thành tòa nhà chọc trời có kết cấu thép đầu tiên và duy nhất trên thế giới bị sập vì một đám cháy. Viện quốc gia về tiêu chuẩn và công nghệ Mỹ đã có hơn hai năm thực hiện cuộc điều tra này, nhưng tiến sĩ Sunder bác bỏ những chỉ trích rằng công việc của họ là quá chậm chạp.

Do không còn thép được lấy từ đống đổ nát tòa tháp để nghiên cứu, nên thay vào đó các nhà điều tra phải sử dụng 4 mô hình ở mức chi tiết tối đa dựng trên máy tính. Họ khẳng định Tháp 7 có một thiết kế khác thường vì được xây trên một trạm điện và đường tàu điện ngầm.

Trong ngày 11/9 định mệnh, tòa tháp đầu tiên trong tổ hợp tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới (WTC) sập xuống hầu như không tác động lớn đến Tháp 7. Nhưng khi tòa tháp thứ hai ở phía bắc đổ xuống đã văng nhiều mảnh vỡ về phía Tháp 7 vì chỉ cách nhau 106 mét và gây ra hư hại đáng kể.


Tháp 7 nguyên bản trước khi bị sập. Ảnh: Wikipedia.

Trước đó, những người theo thuyết âm mưu luôn cho rằng Tháp 7, tòa tháp thứ ba tại khu WTC bị giật đổ, là do bị gài mìn có chủ đích. Tòa nhà này không bị máy bay của bọn khủng bố lao vào nhưng vẫn thành đống gạch vụn, đúng 7 tiếng sau hai tòa tháp đôi WTC.

Tháp 7 cao 186 mét, gồm 47 tầng có mặt tiền bằng đá granite đỏ. Nó được khởi công năm 1983 và đến năm 1987 khánh thành và trở thành tòa nhà thứ 7 ở khu Trung tâm thương mại thế giới. Sau khi tòa tháp nguyên bản bị sập, công trình Tháp 7 mới nhanh chóng được dựng lên với kích thước lớn hơn, gồm 52 tầng và cao 226 mét.
Một nhóm có tên 9/11 Truth gồm các kiến trúc sư, kỹ sư và nhà khoa học Mỹ nghiêng về quan điểm rằng, việc đưa ra lời giải thích chính thức lấy lửa là nguyên nhân khiến Tháp 7 bị sập là không thuyết phục. Họ tiếp tục khẳng định công trình này cố tình bị giật đổ trong một vụ nổ có kiểm soát.
 
Người sáng lập nhóm 9/11 Truth là Richard Gage nhấn mạnh, Tháp 7 là ví dụ rõ ràng của việc sử dụng thuốc nổ để phá hủy một công trình trong sự kiểm soát. "Tòa nhà này đã sập xuống với tốc độ rơi tự do, cân xứng và rất trơn tru cho thấy đó không phải là một quá trình có nguyên nhân tự nhiên", ông nói thêm.

Những dữ liệu dẫn đến giả thuyết cho rằng Tháp 7 bị cố tình giật sập:

- Mặc dù sự kiện Tháp 7 bị sụp có khả năng mang tính chất lịch sử trong ngành kiến trúc cần nghiên cứu kỹ, nhưng toàn bộ hàng nghìn tấn thép từ tòa nhà này đã bị nhanh chóng đưa đi để nấu chảy.

 - Việc phá hủy của Tháp 7 không hề được nhắc đến trong báo cáo của Ủy ban điều tra về vụ 11/9. Cuộc điều tra chính thức đầu tiên về tòa nhà này do Cục quản lý khẩn cấp liên bang (FEMA) thực hiện lại không thể đưa ra được nguyên nhân khiến nó bị sập.

- Tháng 5/2002, FEMA từng đưa ra kết luận rằng tòa nhà bị sập do đám cháy dữ dội kéo dài nhiều tiếng với hàng nghìn lít dầu diesel trữ trong tháp. Nhưng họ cũng nhấn mạnh rằng "đây chỉ là giả thuyết ít có khả năng xảy ra" và cần thêm thời gian để nghiên cứu.
 
Theo VNE

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm