Nghiên cứu mới cho thấy danh họa Van Gogh là người lý trí

06/10/2009 20:41 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Online) - Một nghiên cứu mới về Vincent van Gogh chuẩn bị được xuất bản bao gồm 6 tập sách tập hợp hàng trăm bức thư có nội dung bàn luận về phong cách nghệ thuật do chính ông viết, kèm theo phác thảo của những tác phẩm ông đang thực hiện, cùng hơn 2 nghìn minh họa những công trình nghệ thuật. Nghiên cứu này đã vẽ nên bức tranh rõ ràng nhất từ trước đến nay về những tư tưởng đằng sau các tác phẩm của danh họa người Hà Lan này.

Bức thư với phác thảo bức tranh
“Người gieo hạt”
Alex Ruger, giám đốc bảo tàng Van Gogh cho biết: “Đây là lần đầu tiên bạn được đọc những bức thư này và  cùng lúc đó bạn cũng có thể được chiêm ngưỡng thế giới trực quan mà ông ấy có trong đầu. Là một họa sỹ tự đào tạo, ông ấy không ngừng nghiên cứu và cố gắng nâng cao trình độ. Tất cả những điều này đều được đề cập trong thư”.

Song song với ấn bản sắp được phát hành, bảo tàng cũng sẽ trưng bày một số bức thư hiếm khi được đưa ra công chúng vì lý do bảo quản. Khách tham quan sẽ có cơ hội được chứng kiến tận mắt quá trình thực hiện các tác phẩm của danh họa và so sánh những phác thảo trong thư với tác phẩm hoàn thiện của ông.

Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng kho tàng thư từ của Van Gogh, nhà tổ chức trưng bày Leo Jansen cho biết họ đã phát hiện ra phương pháp luận và sự khổ luyện bên trong con người vốn từ trước đến nay vẫn bị xem là có tâm hồn luôn bị dằn vặt và cả đời phải vật lộn với những vấn đề sức khỏe.
 
“Hóa ra ông ấy lại là một người sống rất lý trí, chứ không phải là một thiên tài lập dị như chúng ta vẫn tưởng. Ông ấy nhận thức rõ ràng những gì ông ấy đang làm, ông ấy xác định những mục tiêu cụ thể và đạt được chúng bằng những bước đi tuần tự”.

Jansen cho biết thêm, nghiên cứu thư của ông song song với việc tham khảo các tác phẩm tranh vẽ, đồ họa, phác thảo cũng giúp làm sáng tỏ sự liên kết chặt chẽ giữa tư duy nghệ thuật của Van Gogh và văn học. Ông đã viết trong một bức thư gửi em trai năm 1883: “Đối với anh, sách, thực tế và nghệ thuật là một”. Trong bức thư gửi đồng nghiệp Emile Bernard vào năm 1888, ông viết: “Em có nghĩ rằng để nói ra một điều trôi chảy như vẽ ra nó vừa thú vị lại vừa khó khăn”.

Giống như rất nhiều họa sỹ khác, Van Gogh nghèo khó và không được biết đến cho đến tận lúc ông qua đời, khi đó ông đã được vinh danh là một nhà cách mạng với tầm ảnh hưởng lan sang cả thế kỷ 20.

Một phần không nhỏ trong các mối quan hệ thư từ của Van Gogh là  những bức thư ông viết cho người em trai Theodorus, một nhà buôn tranh tại Paris, đồng thời là người chu cấp tài chính cho ông. Trong những bức thư này ông thường giải thích kỹ những gì ông đang làm và kèm theo phác thảo của những dự án mới nhất.

Ruger nói: “Người em trai Theo chính là bạn tâm tình của ông ấy, ông ấy gần như viết cho em mình hàng ngày, tuy nhiên điều này là bình thường vào thời gian này bởi đó là phương tiện liên lạc đáng tin cậy nhất khi chưa có điện thoại và thư điện tử”.
 
Bức tranh “Người gieo hạt” sau khi đã hoàn thiện

Theo đã khuyên Van Gogh chuyển đến Paris vào năm 1886 để tham gia trào lưu Ấn Tượng thời bấy giờ, ông sau đó chuyển xuống miền nam nước Pháp và bắt đầu gặp phải những vấn đề về tâm thần. Bị đẩy đến bờ tuyệt vọng, ông đã tự bắn mình vào năm 1890 khi mới 37 tuổi và qua đời 2 ngày sau đó.

Những bức thư, chủ  yếu được viết bằng tiếng Hà Lan và Pháp, còn được Van Gogh viết cho các thành viên gia đình khác, cũng như các họa sỹ đương thời như Paul Gauguin, tuy nhiên ông chỉ được hồi đáp bằng 80 bức thư. Ruger cho biết: “Tất cả gần như chỉ là liên lạc một chiều. Bạn có thể coi đó là thảm họa vì có rất ít thư viết cho Van Gogh hiện còn tồn tại”.

Trần Việt (Theo Reuters)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm