19/09/2022 08:07 GMT+7 | Giải trí
Liên hoan Giai điệu mùa Thu lần thứ 13 với chuỗi hoạt động gồm 5 buổi biểu diễn và các workshop, tọa đàm đã diễn ra từ ngày 10/9 đến ngày 17/9 tại TP.HCM. Hậu dịch bệnh, để thực hiện được liên hoan lần này là một nỗ lực lớn của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM (HBSO).
Nghệ sĩ vẫn giữ được niềm say mê, khán giả lấp đầy khán phòng với những tràn pháo tay nhiệt tình, nhưng vẫn còn những ước mơ chưa thực hiện được.
Giai điệu mùa Thu lần thứ 13 dù mở màn bằng đêm một đêm hòa nhạc không nhiều ấn tượng, nhưng những đêm sau đó như buổi diễn thanh xướng kịch Carmina Burana, đêm hòa nhạc tài năng trẻ và dàn nhạc kèn - gõ, đêm Ballet Kiều và đêm bế mạc với sự chỉ huy của nhạc trưởng Trần Vương Thạch đều có sự cộng hưởng khá tốt từ nghệ sĩ và khán giả. Liên hoan đã khép lại bằng hình ảnh tuyệt đẹp của đêm bế mạc, từ 19h30, khán giả đã xếp hàng dài ra đến tận lòng đường để chờ vào nhà hát.
Từ mơ về một liên hoan nghệ thuật đỉnh cao
Mới mẻ nhất liên hoan lần này có lẽ là đêm thanh xướng kịch Carmina Burana - một tác phẩm nổi tiếng của nhà soạn nhạc Carl Orff, được nhạc trưởng Trần Nhật Minh dàn dựng và chỉ huy. Tiếp đến là các tác phẩm, tiết mục như: Vở Ballet Kiều, một đêm diễn cháy vé nhanh nhất; cặp vợ chồng nghệ sĩ Bùi Công Duy và Trinh Hương vẫn là những tên tuổi được khán giả chờ đợi để thưởng thức tiếng đàn của họ; đêm hòa nhạc tài năng trẻ và dàn nhạc kèn gõ đã được chỉ huy Nguyễn Tuấn Lộc mềm mại hóa bằng cách dàn dựng kết hợp hài kịch nhẹ nhàng và tương tác với khán giả, khi “rủ” họ bật đèn flash điện thoại trước khi vào diễn chính thức.
Vì tình hình dịch bệnh, nên năm nay thiếu vắng những nghệ sĩ người Việt tài năng đang hoạt động ở nước ngoài và chỉ có ba nghệ sĩ khách mời người Nga là Yury Rostotsky (tenor), Konstantin Brzhinsky (baritone), Dmitry Feygin (cello). Vì vậy, hơi tiếc một chút khi chúng ta thiếu những nghệ sĩ piano người Việt nổi tiếng, hoặc những đêm tứ tấu của các nghệ sĩ violin.
Năm nay, BTC Các ngày lễ lớn TP.HCM - Sở VH&TT TP.HCM đứng ra tổ chức đã nhấc bớt gánh nặng về việc “chạy” kinh phí cho HBSO - đơn vị sáng lập và thực hiện lâu nay. Vé thưởng thức liên hoan được phát miễn phí và rất nhanh các đường link đăng ký đã phải đóng lại vì đủ số lượng, nhiều khán giả chậm tay đã không kịp tìm cho mình một chiếc vé. Nghệ sĩ vẫn miệt mài tập luyện và biểu diễn đầy cảm xúc.
Thế nhưng, tất cả những điều đó chỉ là niềm vui vào thời điểm này và vẫn còn nhiều trăn trở, vì sau 13 mùa diễn, vẫn thấy ước mơ xây dựng Giai điệu mùa Thu thành một liên hoan mang tầm quốc gia hoặc khu vực thì hãy còn… “mơ về nơi xa lắm”.
Đặt câu hỏi về giấc mơ này với nhạc trưởng Lê Ha My (Giám đốc HBSO), ông nói: “Bản thân những người làm âm nhạc như chúng tôi sẽ cân nhắc, đánh giá và tham mưu cho các cấp lãnh đạo. Xây dựng một liên hoan nghệ thuật đẳng cấp quốc gia và xa hơn là khu vực là mục tiêu lâu dài, còn điều quan trọng ở hiện tại của chúng tôi là làm sao để chất lượng mỗi đêm diễn đều đạt được chất lượng cao nhất có thể”.
Và những câu chuyện còn nói mãi
Trong khuôn khổ liên hoan đã có buổi tọa đàm bàn về âm nhạc, nhiều vấn đề được đặt ra giữa các diễn giả và những người tham dự như: Làm thế nào để khán giả đến gần hơn với nghệ thuật hàn lâm; giáo dục âm nhạc như thế nào và xây dựng cơ sở vật chất xứng tầm văn hóa của một thành phố lớn… Thật ra, đây là những vấn đề rất cũ, đã được đặt ra từ những ngày mới thành lập HBSO, nhưng trải qua 13 mùa diễn Giai điệu mùa Thu, gần như chưa có khó khăn hoặc câu hỏi nào được giải quyết.
Năm nay, HBSO chỉ thở phào nhẹ nhõm về kinh phí và vẫn phải tìm cách truyền thông đến khán giả, chật vật thu xếp nơi tập luyện cho các đoàn. Ông Trần Vương Thạch (nguyên Giám đốc HBSO) chia sẻ cảm xúc sau khi liên hoan khép lại: “Tôi vui vì sau tổn thương của đại dịch Covid-19 mà Giai điệu mùa Thu vẫn được tiếp nối, trở thành lễ hội chính thức của TP.HCM và vẫn được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Điều này rất đáng trân trọng”.
Tuy vậy, là người gắn bó với Giai điệu mùa Thu từ những ngày đầu tiên, ông còn nhiều trăn trở: “Trên thế giới đã có rất nhiều liên hoan nghệ thuật hàn lâm được duy trì từ rất lâu đến nay như Proms (Anh) hoặc chưa lâu lắm như Classique au vert (Pháp)… đều được tổ chức rất tốt. Chúng ta muốn được như vậy phải học hỏi rất nhiều. Giai điệu mùa Thu muốn bay cao hơn, xa hơn cần phải được đầu tư nhiều hơn và đúng cách, chẳng hạn HBSO chỉ lo về chất lượng chuyên môn và có một BTC riêng vận hành một cách chuyên nghiệp. Nhưng dù đơn vị đầu tư là nơi nào thì tôi vẫn mong Giai điệu mùa Thu đi đúng con đường được vạch ra ngay từ đầu là một liên hoan nghệ thuật hàn lâm đúng nghĩa, là hoạt động mà các nghệ sĩ khắp nơi muốn được tham gia”.
Tại buổi tọa đàm, nghệ sĩ Tăng Thành Nam có nói một ý rất cảm động: “Nghệ sĩ dù có nhà hát hoặc không thì vẫn sẽ biểu diễn thôi. Vì vậy, xây dựng một hoặc vài phòng hòa nhạc đúng chuẩn là để cho khán giả - những người thụ hưởng nghệ thuật - chứ không phải cho chúng tôi. Bắt đầu từ đó, chúng ta mới có thể đăng cai được những lễ hội âm nhạc lớn mang tính khu vực hoặc thế giới. Còn hiện tại, tôi rất thương khán giả thành phố, họ không được thưởng thức âm nhạc trong một nhà hát hiện đại, đạt chuẩn”.
Ông Thạch cũng nói về sự cần thiết của nhà hát: “TP.HCM từ năm 1900 đến nay diễn nghệ thuật hàn lâm chỉ có một Nhà hát Thành phố. Nơi đó đã là một chiếc áo chật chội so với sự phát triển của các nghệ sĩ, dàn nhạc, đoàn vũ kịch… hiện nay. Đừng nói xây dựng nhà hát không kiếm được tiền, khi chúng ta có nhà hát chất lượng, những chương trình chất lượng thì sẽ thu hút được khán giả, sẽ thu được tiền, để bớt cảnh muốn coi một tác phẩm lớn thì phải sang Singapore chẳng hạn. Có nhiều khó khăn để thực hiện một ước mơ lớn, nhưng nếu chúng ta không bắt đầu thì sẽ không đi đến đâu”.
Qua đây, có thể thấy để Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng có được một nền âm nhạc hàn lâm phát triển thì còn rất nhiều điều phải làm ngay, thì thành quả mới mong thu hoạch được vào 10 hoặc 20 năm. Đương nhiên, cũng không thể bắt HBSO gánh quá nhiều trách nhiệm, như vừa làm chuyên môn cao, vừa phổ cập kiến thức âm nhạc cơ bản đến các trường học, mà cần phải có sự đồng bộ giữa nhà hát và các nhà quản lý giáo dục, văn hoá.
Lâm Hạnh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất