Giai điệu mùa Thu 2010: Quê nhà cũng lắm anh tài

10/08/2010 14:29 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Chương trình Giai điệu mùa Thu 2010 sẽ diễn ra vào 2 đêm 18 và 19/8/2010 tại Nhà hát TP.HCM, đây là ngày hội âm nhạc hàn lâm được tổ chức hằng năm của TP.HCM. 2 đêm này, chương trình sẽ trình diễn những tác phẩm kinh điển của nghệ thuật âm nhạc và múa của thế giới. Ngoài ra, còn có Concerto grosso viết cho violin, piano, bộ gõ và dàn nhạc dây của nhà soạn nhạc trẻ Nguyễn Mạnh Duy Linh.

Không lo được vé máy bay cho nghệ sĩ ở nước ngoài về

Được khởi xướng từ năm 2005, ban đầu chương trình Giai điệu mùa Thu do Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch và Sở VH,TT&DL TP.HCM phối hợp tổ chức. Đây là dịp hội tụ của các tài năng trẻ đang học tập hoặc làm việc ở nước ngoài trở về biểu diễn, giao lưu với lực lượng nhạc hàn lâm trong nước. Là dịp quy tụ nhiều anh tài nhạc hàn lâm của TP.HCM và những năm về sau là cả Hà Nội, chương trình đã có những đêm diễn có chất lượng nghệ thuật cao, gây được tiếng vang lớn trong công luận.


Chương trình Giai điệu mùa Thu đã trở thành ngày hội nhạc hàn lâm hằng năm
Hàng loạt những gương mặt nổi trội của âm nhạc hàn lâm TP.HCM (mà chủ yếu là 2 bộ môn piano và violin) đang học tập, làm việc ở nước ngoài đã trở về biểu diễn như: Bích Trà, Văn Hùng Cường, Nhật Quỳ (piano), Nguyễn Hữu Nguyên, Nguyễn Hữu Khôi Nam, Tạ Tôn, Trần Hữu Quốc, Nguyễn Quốc Trường, Hoàng Tuấn Cương, Hoàng Linh Chi (violin)... Giai điệu mùa Thu được xem là ngày hội nhạc hàn lâm tại TP.HCM, bạn bè đồng môn có dịp gặp gỡ, trao đổi về chuyên môn nghề nghiệp, khán giả nô nức đến nhà hát nghe hòa nhạc...

Nhưng từ năm 2009 do UBND TP.HCM không hỗ trợ kinh phí vé máy bay, số lượng các tài năng trẻ từ nước ngoài về dự chương trình giảm đáng kể. Năm ngoái chỉ có Văn Hùng Cường và Nhật Quỳ về tham gia chương trình với kinh phí tự túc. Năm nay có 2 cô cháu gái của nhạc sĩ Văn Cao (Lê Thu Quỳnh đang học piano ở Ba Lan và Lê Thanh Thảo, piano, Mỹ) cùng Đặng Phú Vinh (nghệ sĩ oboe, đang học tiến sĩ tại Mỹ) trở về tham gia Giai điệu mùa Thu với kinh phí tự túc.

Theo nhạc sĩ Võ Đăng Tín, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM thì: “Kể cả chúng tôi cũng có cảm giác Giai điệu mùa Thu ngày càng thu hẹp. Nhìn lại lịch sử Giai điệu mùa Thu, năm đầu tiên chỉ ở phạm vi các nghệ sĩ xuất thân từ TP.HCM, nhưng những năm sau có cả nghệ sĩ xuất thân từ Hà Nội và nghệ sĩ nước ngoài. Chúng tôi cũng có tham vọng xây dựng Giai điệu mùa Thu trở thành một festival âm nhạc hàn lâm có tầm quốc gia và quốc tế, nhưng từ khi có chủ trương Giai điệu mùa Thu phải xã hội hóa, chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Sự tài trợ của các thương hiệu đối với nhạc hàn lâm là rất hiếm hoi, nhất là trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế. Năm ngoái và năm nay, số tiền mà các thương hiệu tài trợ khoảng 200 triệu đồng, trong lúc chi phí chương trình khoảng 600 - 700 triệu đồng. Nhà hát phải tự xoay xở để duy trì chương trình”.

Thực tế, các nghệ sĩ đang học tập làm việc ở nước ngoài, có khi họ phải bỏ những “show” diễn để về tham gia chương trình, tiền bồi dưỡng gần như không đáng kể, chỉ cần lo cho họ một cặp vé máy bay. Rất tiếc một trung tâm kinh tế lớn như TP.HCM vẫn thiếu vắng những nhà tài trợ cho loại hình nghệ thuật “đẳng cấp”.

Lực lượng nhạc hàn lâm trong nước sẽ khẳng định?  

Tuy nhiên, không phải vì những nghệ sĩ ở nước ngoài không trở về được mà chương trình kém chất lượng.

Trong vài năm qua, lực lượng hàn lâm trẻ trong nước đã có sự bổ sung đáng kể: Những người du học đã trở về như: Nguyễn Việt Anh, Nguyễn Mạnh Duy Linh (sáng tác), Đỗ Kiên Cường, Đỗ Anh Sơn (chỉ huy dàn nhạc), Trần Nhật Minh (chỉ huy hợp xướng)... vợ chồng Đào Nhật Quang (clarinet) - Cho Hae Reyong (soprano) tốt nghiệp Liên Xô cũ đang làm việc tại Hàn Quốc đầu quân về nhà hát. Lĩnh vực múa có Hồng Châu, Phúc Hùng, Ngọc Khải trở về từ Hà Lan.

Tham gia Giai điệu mùa Thu lần này còn có cây violin nổi tiếng của Việt Nam - Bùi Công Duy từ Hà Nội vào, anh là người đã có nhiều năm học tại Nhạc viện TP.HCM. Về thanh nhạc, bên cạnh giọng soprano ngọt ngào, điêu luyện của Cho Hae Reyong (cô dâu của nhà hát) còn có Ngọc Tuyền, một trong những giọng soprano hàng đầu TP.HCM hiện nay. Ngoài ra, còn có những nghệ sĩ trẻ nhưng đã đạt nhiều thành tựu như Hồ Đăng Hội (violin), Phạm Trang (tenor) và đặc biệt là tài năng trẻ Trần Yến Nhi (piano).

Có một yếu tố khác, mà nó sẽ góp phần không nhỏ vào chất lượng của Giai điệu mùa Thu là lần này dàn nhạc sẽ sử dụng toàn bộ nhạc cụ “xịn” được sắm với 47 tỷ đồng, nhưng Giai điệu mùa Thu năm ngoái chưa kịp sử dụng. Theo nhạc sĩ Võ Đăng Tín: “Với dàn nhạc cụ này và với những nghệ sĩ, nhạc công của dàn nhạc trong những năm qua được rèn luyện với rất nhiều nhà chỉ huy nước ngoài nổi tiếng, những tác phẩm lớn mà các solist và dàn nhạc sắp biểu diễn hy vọng sẽ đem đến những đêm nhạc có chất lượng nghệ thuật cao, không phụ lòng mong đợi của công chúng nhạc hàn lâm thành phố”.

2 đêm Giai điệu mùa Thu

- Đêm 18/8:
Chương trình giao hưởng và múa ballet cổ điển - đương đại với các solist: Lê Thu Quỳnh, Lê Thanh Thảo (piano) Hồ Đăng Hội (violin). Phần múa đáng chú ý có 2 tác phẩm đương đại được dàn dựng bởi Phúc Hùng và Ngọc Khải từ Hà Lan trở về.

- Đêm 19/8: Chương trình giao hưởng và hợp xướng. Các solist: Bùi Công Duy (violin), Trần Yến Nhi (piano), Đặng Phú Vinh (oboe). Hợp xướng sẽ trình diễn các trích đoạn nhạc kịch nổi tiếng thế giới của các nhạc sĩ: G.Verdi, G.Puccini, V.Bellini, G.Pergolesi...

Hữu Trịnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm