Giải cứu 33 thợ mỏ mắc kẹt dưới lòng đất ở Chile - Hôm nay, mũi khoan chạm đích

10/10/2010 15:34 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Với việc khoan xuống lòng đất đã gần kết thúc, lực lượng cứu hộ Chile đang bước vào giai đoạn cuối của hoạt động giải cứu 33 thợ mỏ đang bị mắc kẹt dưới lòng mỏ vàng và đồng San Jose. Tuy nhiên đây cũng được xem là giai đoạn chứa đựng nhiều sự nguy hiểm nhất trong toàn bộ quá trình giải cứu.

Sau hơn 2 tháng sống khổ sở ở độ sâu 700m dưới lòng đất, 33 thợ mỏ Chile bị mắc kẹt giờ đây sẽ được giải cứu trong vài ngày tới. Nhà chức trách cho biết một chiếc khoan cực mạnh đang đi nhanh tới vị trí các thợ mỏ bị mắc kẹt và chỉ còn cách họ chừng 30m. Dự kiến khoan sẽ chạm tới đích vào sáng sớm hôm nay (10/10).

Bắt đầu phần nguy hiểm nhất

Chile đã tổ chức ba kế hoạch khoan xuống vị trí 33 thợ mỏ bị mắc kẹt, trong các kế hoạch A, B và C. Người ta đã từng dự tính phải tới tháng 12 việc khoan mới kết thúc. Tuy nhiên kết quả là kế hoạch B đã tiến nhanh hơn dự tính, dẫn tới việc có thể kết thúc sớm quá trình khoan trước thời hạn.


Gương mặt vui vẻ của các thợ mỏ Chile
trong một lần liên lạc với người thân

Nhưng ngay cả khi đã hoàn tất giai đoạn khoan xuống mỏ San Jose, việc cứu hộ các thợ mỏ vẫn còn phải mất nhiều ngày mới có thể diễn ra. Các quan chức Chile cảnh báo kể từ đây, hoạt động giải cứu sẽ đi vào giai đoạn nguy hiểm nhất. Mọi quyết định được đưa ra đều kèm theo những nguy cơ gây nên thảm họa, nếu người ta không cân nhắc kỹ lưỡng các tác động.

Theo kế hoạch, ở dưới lòng đất, các thợ mỏ sẽ phải gắn thuốc nổ để mở rộng miệng hố khoan ở đầu phía họ, để thiết bị cứu hộ có tên Phoenix có đủ không gian hoạt động. Các kỹ sư trên mặt đất cũng phải quyết định liệu có gia cố lỗ khoan bằng các ống thép hay không. Các ống này, ngoài việc giữ cho lỗ khoan ổn định, còn ngăn không cho đất đá rơi xuống lỗ khoan và cản đường lên xuống của Phoenix.

Bộ trưởng Khai khoáng Laurence Golborne, người tích cực chỉ đạo hoạt động cứu hộ, nói rằng việc đưa các thợ mỏ lên mặt đất có thể diễn ra sớm nhất là vào ngày thứ Ba (12/10) tuần tới. Nhưng nếu người ta quyết định phải dùng ống thép để gia cố lỗ khoan, việc cứu hộ có thể bị trì hoãn lâu hơn.

Một số gia đình các thợ mỏ đã nói rằng nếu vì lý do an toàn, việc trì hoãn thời điểm cứu hộ là hoàn toàn có thể chấp nhận. “Tôi thà chấp nhận tiến trình cứu hộ bị chậm lại thêm 2, 3 ngày nữa thay vì việc người ta không gia cố lỗ khoan” - Maria Cortez, em vợ của Mario Gomez, người thợ mỏ cao tuổi nhất trong các thợ mỏ bị mắc kẹt, thổ lộ. Tuy nhiên các quan chức nói rằng ngay cả việc gia cố lỗ khoan, trong đó sử dụng các ống thép với khối lượng nhiều tấn, cũng mang tới những nguy cơ nếu không may chúng bị đứt rời ra và rơi xuống phía dưới.

Tích cực chuẩn bị cho giờ G

Theo kế hoạch, sau khi lỗ khoan thông với phía các thợ mỏ, đội cứu hộ sẽ gửi xuống một máy quay phim để đánh giá toàn bộ hố khoan và bắt đầu tiến trình chuẩn bị cho hoạt động cứu hộ. Tuy nhiên trước khi bất kỳ thợ mỏ nào được kéo lên, ít nhất 2 thành viên lực lượng cứu hộ sẽ được cử xuống dưới mỏ để ở với những người thợ và hỗ trợ việc điều khiển khoang cứu hộ.


Thử nghiệm hoạt động của thiết bị cứu hộ Phoenix
Tiếp đó, người ta phải trả lời câu hỏi ai sẽ được cứu trước. Theo ông Golborne, các thợ mỏ hiện đang chia thành 3 nhóm, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe tinh thần, thể chất và kỹ năng cá nhân của họ. Nhóm đầu tiên gồm những người tài năng và khỏe mạnh nhất, sẽ ở lại hỗ trợ lực lượng cứu hộ. Trong số họ sẽ có Edison Pena, một thợ mỏ vẫn tập luyện bằng cách tập chạy vài cây số mỗi ngày trong nhiều đường hầm của mỏ San Jose. Nhóm thứ hai sẽ gồm những người yếu hơn như ông Mario Gomez, người bị bệnh về phổi và Jose Ojeda, một thợ mỏ bị tiểu đường. Nhóm cuối cùng gồm những cá nhân còn lại.

Dự kiến hành trình trong Phoenix sẽ mất từ 11 tới 12 phút để đi từ nơi các thợ mỏ bị mắc kẹt lên mặt đất. Các thợ mỏ sẽ phải đứng trong Phonenix và họ sẽ được theo dõi các dấu hiệu sức khỏe, bên cạnh việc được trang bị một chiếc điện thoại để bắt liên lạc với mặt đất. Phoenix sẽ được trang bị các con lăn để nó không vướng vào thành lỗ khoan.

Phoenix sẽ phải di chuyển trong một không gian hết sức chật hẹp. Đường kính của lỗ khoan chỉ rộng hơn 60cm và nó cũng không thẳng như người ta vẫn nghĩ. Điều đó có nghĩa Phoenix sẽ có khả năng bị mắc lại trong quá trình đi lên mặt đất. Ngoài ra, người ta cũng chỉ có thể cứu từng thợ mỏ một. “Khoang cứu hộ chỉ có các khe hở khoảng 5cm ở xung quanh nó” - John E. Urosek, giám đốc các hoạt động khẩn cấp thuộc Cơ quan quản lý về Y tế và An toàn mỏ Hoa Kỳ nhận xét - “Họ sẽ phải kéo khoang cứu hộ lên và xuống độ sâu lớn như vậy rất nhiều lần, tới mức nó có thể bị hỏng".

Chỉ còn lo... động đất

Một khi lên mặt đất, các thợ mỏ sẽ được đeo kính râm để bảo vệ mắt họ khỏi ánh nắng mặt trời. Họ cũng sẽ được sơ cứu tại chỗ trước khi được trực thăng đưa tới bệnh viện gần đó. Nhiều thợ mỏ đã than phiền về căn bệnh đau răng và những mẩn ngứa trên da nên họ sẽ được chữa trị ngay sau khi lên mặt đất.

Việc cứu các thợ mỏ hiện được xem là ưu tiên số một của Tổng thống Chile Sebastian Pinera và chính quyền của ông. Nhờ hoạt động cứu hộ, tỷ lệ ủng hộ ông Pinera đã đều đặn tăng lên. Theo các chuyên gia, nếu không có những sự cố bất thường xảy ra, cuộc giải cứu có thể diễn ra êm thấm. “Chúng tôi đã làm mọi thứ trong phạm vi kỹ thuật cho phép” - Miguel Fortt, một nhà tư vấn trong đội giải cứu nhận xét - “Nếu thượng đế không ‘tặng’ cho chúng tôi một vụ động đất, mọi chuyện sẽ ổn thôi”.

Bình Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm