Giải Âm nhạc Cống hiến lần 14- 2019, hạng mục Bài hát của năm: Những bài hát đầy cá tính

27/03/2019 07:14 GMT+7 | Giải Âm nhạc Cống hiến

Chú thích ảnh

  (Thethaovanhoa.vn) - Điểm đặc biệt đáng nói trong 5 đề cử hạng mục Bài hát của năm lần này là các bài hát đều có giai điệu mang cá tính, trong đó có những gương mặt mới như Thái Vũ, Phùng Khánh Linh... Trong 5 bài hát này thì chỉ có 1 bài do Tóc Tiên trình bày là của một nhạc sĩ. 4 bài còn lại là của những singer-songwiter - họ vừa sáng tác, vừa thể hiện bài hát của mình.

Công bố Đề cử Giải Âm nhạc Cống hiến lần thứ 14 - 2019: Trẻ và mới

Công bố Đề cử Giải Âm nhạc Cống hiến lần thứ 14 - 2019: Trẻ và mới

“Một nền âm nhạc quanh đi quẩn lại chỉ có vài gương mặt sẽ rất tẻ nhạt. Bởi thế, thay vì chúng tôi, hy vọng các nhà báo hãy chú ý tới những nhân tố mới ở giải lần này” – ca sĩ Mỹ Linh chia sẻ rất chân thành trong Lễ công bố đề cử giải Âm nhạc Cống hiến lần 14 - 2019.

Nhạc sĩ Minh Châu, người từng làm giám đốc âm nhạc cho nhiều chương trình truyền hình và cũng là người có nhiều ca khúc nổi tiếng được giới trẻ mến mộ đã có những nhận định về các đề cử của hạng mục này. Thể thao & Văn hóa (TTXVN) ghi lại ý kiến của anh.

Bài hát Em không thể (sáng tác + thể hiện: Tiên Tiên). Tiên Tiên có giọng hát nhiều cá tính nhưng đầy cảm xúc gợi nhiều thú vị cho người nghe. Bởi với giai điệu này, nếu một giọng khác hát thể hiện thì khó tạo được hiệu quả như Tiên Tiên.

Nghe Em không thể (sáng tác + thể hiện: Tiên Tiên):

Phần hòa âm khá đầy đặn, đặc biệt ở gần cuối bài dùng chuyển điệu liên tục tạo điểm nhấn cho bài hát. Đây là bài hát đầy chất riêng của Tiên Tiên, sự phát triển giai điệu không theo như thông thường mà có những nhảy quãng tạo nhiều bất ngờ. Tiên Tiên vẫn tiếp tục phong cách riêng của mình nhưng biết tạo ra những điểm nhấn mới.

Chú thích ảnh
Nhạc sĩ Minh Châu

Bài hát Hành tinh song song (sáng tác + thể hiện: Thái Vũ). Bài hát có âm vực rất rộng, được nâng đỡ bởi dàn dây tạo cho người nghe cảm giác như dạt trôi trên một không gian mênh mông, với nền tiết tấu như nhịp xoay của những hành tinh trong vũ trụ tạo nên cảm giác bềnh bồng của một cuộc du hành.

Phần phối khí khá nhiều sáng tạo đã đưa giai điệu vào một không gian rộng lớn. Giọng ca của Vũ cũng đầy cá tính, những chỗ chuyển từ giọng thật qua giọng giả thanh khá nhuần nhuyễn. Bài hát là sự cộng hưởng hiệu quả của các yếu tố: Giọng hát, giai điệu, hòa âm trong một chỉnh thể, tạo cho người nghe cảm giác về chiều rộng và chiều sâu của không gian vô tận. Đó cũng chính là mụcđích mà bài hát muốn đạt được.

Nghe Hành tinh song song (sáng tác + thể hiện: Thái Vũ):

Bài hát Hôm nay tôi buồn (sáng tác + thể hiện: Phùng Khánh Linh). Bài hát là những lời tự sự của một cô gái trẻ, với giai điệu dìu dặt nhiều cảm xúc đã dẫn dắt người nghe vào câu chuyện tình nhẹ nhàng, lãng đãng. Sự đóng góp của dàn dây trong phần phối khí là rất hiệu quả, nhất là cello ở âm vực trầm tạo thêm sự sâu lắng cho giai điệu và lời ca.

Nghe Hôm nay tôi buồn (sáng tác + thể hiện: Phùng Khánh Linh):

Những lời ca thương nhớ trên nền giai điệu dịu dàng cùng với tiến trình hòa thanh nhịp nhàng tạo nên một sự liền lạc cho bài hát. Hôm nay tôi buồn như những phút lắng đọng của một người khi hồi tưởng về ký ức và chính điều này tạo nên sự gần gũi cho người nghe.

Từ giai điệu đến hòa âm đều “chuẩn mực”, nhưng Phùng Khánh Linh đã tạo nên một bài hát rất riêng cho mình. Đây là một sự độc đáo, bởi trong sáng tác, những khuôn mẫu thì khó tạo nên cá tính.

Chú thích ảnh
Từ trái qua: Phan Mạnh Quỳnh, Thái Vũ, Tóc Tiên, Tiên Tiên và Phùng Khánh Linh

Bài hát Huyền thoại (sáng tác + thể hiện: Phan Mạnh Quỳnh). Từ những hình tượng và ý tưởng của bài thơ Đây thôn Vỹ Dạ của Hàn Mặc Tử như: Chiếc nón lá, áo dài, thuyền chở trăng… Phan Mạnh Quỳnh đã chắt lọc để đưa vào bài hát cùa mình nhằm diễn tả những nỗi niềm một cách đầy đặn.

Đây là sự sáng tạo mang dấu ấn riêng của Phan Mạnh Quỳnh. Trước đây, một số nhạc sĩ phổ nhạc bài thơ này nhưng thường sử dụng nguyên vẹn các câu thơ mà ít dám thêm thắt hoặc sửa đổi. Phan Mạnh Quỳnh chỉ đưa 2 câu thơ nguyên tác vào cuối bài, tạo nên sự “giải đáp” thỏa đáng cho người nghe, bởi những hình tượng quen thuộc từ đầu bài hát có thể người nghe chưa nhận rõ.

Nghe Huyền thoại (sáng tác + thể hiện: Phan Mạnh Quỳnh):

Cách vận dụng thơ của Phan Mạnh Quỳnh thật sáng tạo, bởi từ những hình tượng len lỏitrong những câu hát ban đầu, cuối cùng anh mới quy nạp về bài thơ. Bài thơ Đây thôn Vỹ Dạ qua cách làm của Phan Mạnh Quỳnh khiến người nghe hình dung một cách đầy đặn và nhiều cảm xúc hơn.

Tiết tấu và nhịp điệu bài hát khoan thai, nhưng nhiều kịch tính mang màu sắc riêng của tác giả, khiến không gian âm nhạc trở nên huyền ảo hơn. Giai điệu dẫn dắt người nghe càng lúc càng đi sâu vào nội tâm.

Bài hát Có ai thương em như anh (sáng tác: Bùi Công Nam; thể hiện: Tóc Tiên). Bài hát có giai điệu đẹp, dễ nghe, trải trên một âm vực rộng, cộng với giọng hát ngày càng vững vàng của Tóc Tiên và việc sử dụng sound effects (tiếng mưa, tiếng thủy tinh vỡ…) hiệu quả đã mang lại những rung động tinh tế cho người nghe.

Nghe Có ai thương em như anh (sáng tác: Bùi Công Nam; thể hiện: Tóc Tiên):

Những phần nhảy quãng ở giai điệu cùng với việc xử lý từ giọng thật qua giả thanh khá nuột nà đã tạo nên những điểm nhấn cho bài hát. Phần hòa âm “mẫu mực”, cùng với hiệu ứng âm thanh đúng chỗ đã tạo nên những cảm giác mong manh phù hợp với cảm xúc day dứt thể hiện qua ca từ.

Qua bài hát này, cũng cho thấy Tóc Tiên ngày càng có những sản phẩm âm nhạc chất lượng.

Hữu Trịnh (ghi)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm