15/01/2025 12:59 GMT+7 | Bóng đá Việt
Sau bài báo "Hữu xạ tự nhiên hương" ở số báo ra ngày 13/1/2025, Thể thao & Văn hóa nhận được nhiều ý kiến xây dựng của những người làm bóng đá Việt Nam, trong đó có các cựu cầu thủ và HLV.
Phần lớn đều cho rằng, chúng ta có quyền ước mơ cho mục tiêu tham dự World Cup, song tham vọng ấy cần được xây dựng một cách bài bản, có lớp lang. Phải thực tế một chút, với cơ thể của nền bóng đá vẫn còn hơi yếu và thiếu ở nhiều khâu.
Trước đây, bóng đá Việt Nam từng dự U20 World Cup 2017 diễn ra tại Hàn Quốc. Kỳ tích lần đầu tiên và duy nhất cho đến thời điểm này, thậm chí còn rất lâu nữa mới có thể lặp lại, đến từ suất chơi bán kết giải U19 châu Á 2016 dưới thời HLV Hoàng Anh Tuấn.
Nếu những năm tháng ngọt ngào nhất của nền bóng đá gói gọn trong 5 năm (2018-2022), với hàng loạt các cột mốc vô tiền khoáng hậu mà chúng ta hay gọi là lịch sử, thì nó phải bắt đầu từ trước đó, với thế hệ U19 của Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn..., từng làm nức lòng người hâm mộ những năm 2013-2014, kết hợp với lứa U19 của Hoàng Đức, Đức Chinh, Văn Hậu, Hồ Minh Dĩ..., đi U20 World Cup như đã nhắc.
Nhưng ngay cả 2 lứa cầu thủ tốt nhất của bóng đá Việt Nam trong khoảng hơn một thập niên qua, thậm chí tốt nhất trong lịch sử, cũng chỉ đi được tới Vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á, với một vị HLV xuất sắc bậc nhất lịch sử là Park Hang Seo.
Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay. Đào tạo trẻ và hệ thống giải thi đấu trẻ QG giữ vai trò cực quan trọng. Chân rết đào tạo, bao gồm cả bóng đá phong trào và học đường, càng rộng, chúng ta càng có nhiều cơ hội sàng lọc, để tìm được những viên ngọc thô. Cao hơn một chút là các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam cần được nâng cấp, như một nhu cầu tất yếu của thời đại, để từ đó, đầu ra là các ĐTQG mới có sự phát triển liên tục và bền vững.
Bình tâm mà luận, hệ thống các giải bóng đá Việt Nam hiện tại đều không có sự khác biệt nào, từ lượng cho đến chất, so với 13 năm đổ về trước. Thậm chí, nỗi ám ảnh còn trở lại với việc một số ông chủ nắm nhiều đội bóng và nắm cả giải đấu.
Sự phát triển thiếu đồng bộ và đồng đều, khiến hiện tượng giải tán đội bóng, sang nhượng CLB... xuất hiện trở lại. Hơn nửa thập niên qua, miền Tây sạch bóng các CLB ở V-League, vì không theo kịp cơ chế bóng đá chuyên nghiệp kiểu... Việt Nam.
Nói tóm lại, thành tích của các ĐTQG ở cấp và mức độ nào đó, trong một giai đoạn hay giải đấu cụ thể, chỉ là điều kiện cần, để hướng tới một đòn bẩy có điểm tựa, chứ không nói lên bản chất của nền bóng đá. Chúng ta không thể duy trì mạch kết quả tốt trong nhiều năm, mà chỉ có thể đánh trận lẻ.
Thế nên, giấc mơ World Cup như HLV Kim Sang Sik đề cập trên một số phương tiện truyền thông, kể từ sau khi trở về với chức vô địch ASEAN Cup 2024, chỉ là câu chuyện trong lúc cao hứng. Nền bóng đá cần thêm rất nhiều chất liệu để hiện thực hoá giấc mơ ấy.
Liên tục lọt vào các trận chung kết giải đấu khu vực như ASEAN Cup và bóng đá nam SEA Games, tham dự một cách đều đặn các VCK giải trẻ châu Á như U19 hay U23..., sẽ tạo được tính liên tục trong phát triển bóng đá trẻ, từ đó mới có thể nghĩ đến việc tự cường và nâng cấp năng lực chinh phục, cũng như tham vọng tầm cao của nền bóng đá.
Đấy cũng là nhận định được đưa ra bởi cựu HLV Henrique Calisto, từ cách đây 15 năm, và đến tận bây giờ điều đó vẫn đúng.
Mọi sự bắt đầu không bao giờ là muộn cả. Bóng đá là tích lũy và tính liên tục, chứ không thể đi tắt đón đầu.
AFF Cup, giải đấu bóng đá quan trọng nhất khu vực Đông Nam Á, vừa kết thúc vào đầu tháng 1/2024 với chức vô địch thuộc về ĐT...
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất