Bội thực tăng giá

16/08/2010 12:07 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Chưa bao giờ người ta thấy nhiều dự thảo, kiến nghị, đề xuất tăng giá đến vậy. Không phải những mặt hàng xa xỉ mà tăng giá đều đánh vào nhu cầu thiết thực của người dân: giá điện, giá xăng dầu, học phí, viện phí. Toàn những thứ “đặng chẳng đừng”.

* Việc tăng giá xăng dầu, cách đây vài ngày, đồng loạt 3 mặt hàng xăng dầu tăng từ 350 đến 410 đồng/lít. Đây là lần tăng giá đầu tiên kể từ khi Bộ Tài chính yêu cầu giãn tăng giá xăng để kiềm chế lạm phát. Nếu trước đây, chuyện xăng dầu - máu của nền kinh tế tăng giá, dân tình sẽ xôn xao, báo chí sẽ mổ xẻ những hệ lụy kéo theo. Nhưng lần này thì không, các báo chỉ đưa vài dòng tin ngắn. Sự “không” này không hẳn do mức “tăng giá thấp” mà do một nguyên cớ khác: Không chỉ người dân mà ngay cả báo chí cũng bội thực với chuyện tăng giá.

Tại văn bản 8984 ngày 21/7 Bộ Tài chính yêu cầu thay vì trong vòng 10 ngày, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải giãn cách các đợt tăng giá bán lẻ tối thiểu 30 ngày. Sự điều chỉnh này có mang lại lợi ích cho người dân, và kìm lạm phát hay vẫn tái diễn cảnh tăng nhiều giảm ít?


Người nghèo là đối tượng chịu áp lực nhiều nhất của những đợt tăng giá

Cái gốc của vấn đề vẫn ở chỗ thị trường xăng dầu Việt Nam, dù được coi là theo cơ chế thị trường, nhưng vẫn không phải là thị trường cạnh tranh thực sự. Theo luật quy định thì một doanh nghiệp chỉ cần nắm trên 35% thị phần đã là chi phối thị trường. Việt Nam hiện nay có 11 doanh nghiệp xăng dầu nhưng riêng Petrolimex đã chiếm tới hơn 60% thị phần. Bất cứ động thái nào của Petrolimex đều khiến thị trường phải chạy theo định hướng giá của họ.

Khi thời gian giữa hai lần điều chỉnh liền nhau tối thiểu là 30 ngày, thị trường xăng dầu có thể tránh được mật độ tăng giá dày đặc. Nhưng việc tăng giá vẫn là bình mới rượu cũ, thay vì tăng nhiều lần, mức tăng sẽ được dồn lại một lần bởi thực tế mức tăng do Doanh nghiệp nắm giữ thị phần chi phối đề xuất.

* Việc tăng viện phí, bệnh tật không phân biệt ai, người nghèo ốm càng khổ nhưng họ cũng không thể đừng ốm.

Chưa đầy một tháng trước, Bộ Y tế đã công bố dự thảo điều chỉnh giá viện phí, theo dự thảo, 362 dịch vụ có mức tăng 10 tới 20 lần, có dịch vụ tăng tới 70 lần như sinh thiết tủy xương từ 30.000 đồng lên 2 triệu đồng/lần. Trước đó, Bộ đã quy định tăng mức chi trả của người dân có BHYT từ 5% lên 20%. Việc đồng chi trả đang là nỗi lo của người nghèo và người mắc bệnh mãn tính thì nay lại lo giá viện phí tăng.

Để người dân không bị “sốc” khi công bố giá viện phí mới, Bộ Y tế đưa ra một loạt dẫn chứng giải thích: Giá viện phí hiện nay đang áp dụng đã 15 năm nay đã không còn phù hợp, khi một loạt vật tư, giá điện, giá xăng tăng.

Tuy nhiên, còn nhiều điều Bộ Y tế chưa nhắc tới trong dự thảo tăng giá. Ông Nguyễn Huy Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) thừa nhận: “Đúng là dự thảo này chưa dựa trên nghiên cứu kỹ lưỡng và có cơ sở khoa học”. Trước khi tính tới sự tăng giá, Bộ đã nhìn nhận hết những bất cập trong quản lý.

Người dân đang phải chịu giá thuốc “trên trời” từ những bất cập trên. Bộ không thể quản lý được giá thuốc khi 90% nguyên liệu để sản xuất thuốc phải nhập khẩu. Quá nửa số thuốc mà người bệnh dùng là của nước ngoài. Thuốc sản xuất trong nước chưa thoát khỏi những danh mục hoạt chất generic (thuốc được sản xuất sau khi thuốc phát minh hết hạn bản quyền), chưa sản xuất được thuốc chuyên khoa như thuốc tim mạch, tiểu đường, thần kinh, nội tiết... Các công ty dược nước ngoài tận dụng cơ hội đua nhau “làm thịt” thị trường Việt Nam. Thêm đó, việc tính tiền giường nằm là tính cho mỗi người nằm 1 giường nhưng trên thực tế, người bệnh phải nằm ghép 2 - 3 người/giường, nằm ngoài hành lang là phổ biến. Tăng viện phí, Bộ có thể khắc phục thỏa đáng những bất cập trên?

* Việc tăng giá điện, dù giá điện năm 2010 đã được Thủ tướng “chốt” là chỉ tăng 6,8% so với bình quân năm 2009 nhưng mới đây Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) vừa có văn bản kiến nghị tới Thủ tướng cần tăng giá điện từ 5 cent/kWh khoảng 1.000 đồng hiện hành lên mức 8 cent/kWh (khoảng 1.500 đồng) và xóa bỏ giá điện bậc thang, tức là mức tăng tới 50%. Còn nhớ trước đó ngày 24/2, VEA vẫn gửi văn bản “xin” tăng giá điện cao hơn, lên mức 10,7% so với 2009, tuy nhiên, Thủ tướng đã không phê duyệt đề nghị này.

VEA đề xuất 2 loại giá điện. Thứ nhất là giá điện có hỗ trợ của Nhà nước (50kWh đầu tiên). Nhà nước thiết lập một mức giá bán hợp lý (thấp hơn giá thị trường để bán cho các hộ nghèo, gia đình chính sách, đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, học sinh, sinh viên...) Thứ hai là giá điện theo thị trường. Các hộ sử dụng điện có mức sống trung bình trở lên áp dụng giá bán điện theo thị trường, mức giá 7 - 8 cent/kWh.

Lí do VEA đưa ra là do giá điện nước ta thấp hơn các nước trong khu vực, và cần tăng giá để để tăng vốn đầu tư và kêu gọi các dự án đầu tư nhà máy phát điện.

Tuy nhiên, việc so sánh giá điện phải dựa trên nhiều nhân tố như: Chất lượng và dịch vụ cung cấp điện, mức sống của người dân, thu nhập người làm công ăn lương... Theo ông Trần Đình Long, Phó chủ tịch Hiệp hội Điện lực Việt Nam, giá điện hiện nay so với tương quan thu nhập trên đầu người dân Việt Nam thì không chênh so với các nước là bao nhiêu. Vì vậy không thể có chuyện giá thấp hơn là tăng cho bằng mới chịu.

Việc VEA kiến nghị bỏ mức giá lũy tiến liệu có hợp lý? Việc áp dụng mức giá lũy tiến là đảm bảo sự công bằng xã hội trong cách tính giá điện. Người dùng ít điện hưởng mức giá thấp hơn, người dùng nhiều chịu mức giá cao hơn. Nếu tách ra từng đối tượng để tính giá thì sẽ dẫn đến hệ lụy xã hội sẽ gây khó khăn, tốn kém để phân biệt hộ giàu, nghèo, trung bình và dễ nảy sinh tiêu cực. Việc áp dụng giá điện lũy tiến là để phân biệt người dùng nhiều điện và người dùng ít chứ không phải để phân biệt người giàu người nghèo.

* Giáo dục cũng không hề kém cạnh, năm học 2010 là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT đưa ra dự thảo áp dụng mức tăng học phí đối với các trường đại học, cao đẳng, mức tăng từ 240 nghìn đồng đến 800 nghìn đồng/tháng. Mới đây, đề xuất ban đầu của Sở GD&ĐT Hà Nội, mức tăng học phí áp dụng từ năm học 2010- 2011 tăng từ 2-5 lần so với mức hiện hành. Tuy nhiên, ngày 13/7, tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội lần thứ 21, khóa XIII, UBND TP thông báo đã quyết định rút đề án tăng học phí này.

Việc rút đề án của Hà Nội cho thấy việc đưa ra các dự thảo tăng giá có tác động rất lớn đến đời sống xã hội. Các đơn vị cần tính toán thật kĩ và căn cứ vào chính sách điều tiết chung của Chính phủ mới nên đưa ra. Không vì lợi ích cục bộ của ngành, đơn vị mà gây ảnh hưởng chung tới xã hội. Cách làm của Hà Nội đáng để các bộ ngành phải suy nghĩ.

Nguyễn Gia

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm