Giá trị bóng đá qua những bức tượng bất tử

04/12/2023 05:46 GMT+7 | Bóng đá 24h

Bên cạnh tính lịch sử và kỷ niệm chương trong phòng truyền thống, một cách tôn vinh các huyền thoại bóng đá là những tác phẩm điêu khắc được dựng ở ngoài các sân vận động.

Những bức tượng bóng đá khá phổ biến ở Anh, đặc biệt là các đội như MU, Arsenal hay Man City. Riêng Johan Cruyff là trường hợp đặc biệt.

Những bức tượng ở Manchester

Man City vừa công bố bức tượng mới nhất được bổ sung vào số lượng tác phẩm điêu khắc tăng lên khá nhanh trong những năm gần đây ở sân Etihad. Nhiều huyền thoại của CLB sẽ nhận được vinh dự chỉ nửa năm sau khoảnh khắc lịch sử về cú "ăn 3". Nhà đương kim vô địch Champions League và Premier League tôn vinh các cầu thủ có những đóng góp lớn trong hai thập niên 1960 và 1970: Gồm Colin Bell, Francis Lee và Mike Summerbee. Bộ 3 này là những mắt xích làm nên chức vô địch First Division 1967-68, danh hiệu bóng đá Anh thứ hai của CLB, kể từ 1936-37.

Bell, Lee và Summerbee thi đấu tổng cộng hơn 1.000 trận, ghi gần 300 bàn thắng cho Man City. Cùng với danh hiệu kể trên, họ đóng vai trò quan trọng trong chức vô địch FA Cup 1968-69, League Cup 1969-70 và Cúp C2 1969-70 (dừng lại từ 1999). Hơn nửa thế kỷ sau những trang sử đầy tự hào, họ được bất tử hóa bằng các bức tượng ở Etihad, bên cạnh các huyền thoại trong thời đại mới. Ở đó, cố thủ môn Bert Trautmann là người đầu tiên được dựng tượng.

Khi lịch sử Man City thay đổi nhờ các khoản đầu tư từ UAE, biến đội trở thành thế lực của bóng đá Anh và châu Âu, đến lượt David Silva, Vincent Kompany và Sergio Aguero được vinh danh. Bộ 3 Bell, Lee và Summerbee trở thành tác phẩm thứ 5 bên ngoài Etihad dành cho người hâm mộ chiêm ngưỡng.

Với sự xuất hiện của các tác phẩm mới, Man City cân bằng số bức tượng huyền thoại của người hàng xóm MU. Cách Etihad không xa, bức tượng về bộ ba Sir Bobby Charlton, George Best và Denis Law, được biết đến với tên gọi "The Holy Trinity", chắc chắn là một trong những tác phẩm nghệ thuật bóng đá nổi tiếng nhất thế giới. Họ đại diện cho sự trỗi dậy của MU sau tai nạn máy bay thảm khốc tại Munich (Đức) năm 1958, trở thành CLB đầu tiên của nước Anh vô địch Cúp C1 (nay là Champions League).

Bản thân huyền thoại Denis Law, người đầu tiên trong bộ 3, cũng là cầu thủ MU đầu tiên trong lịch sử giành Quả bóng Vàng (1964), có bức tượng cá nhân riêng trong sân Old Trafford. "Vua của Stretford End", với 11 mùa khoác áo MU, cũng như có thời gian thi đấu cho Man City, là hình ảnh tồn tại mãi mãi cùng đội. Đứng hướng về "The Holy Trinity" là Sir Matt Busby, huyền thoại của Man City và Liverpool với tư cách cầu thủ, nhưng đóng vai trò đặt nền móng cho sự kiêu hãnh của MU. Thành công của ông lớn hơn so với 13 danh hiệu, bao gồm Cúp C1 1967-68.

Tôn vinh huyền thoại: Giá trị bóng đá qua những bức tượng - Ảnh 1.

Một trong những bức tượng nổi tiếng nhất bóng đá thế giới ở Old Trafford

Hồi đầu năm, MU cũng cho ra mắt bức tượng Jimmy Murphy, nhà quản lý tạm thời trong khi Matt Busby còn nằm viện vì vụ tai nạn máy bay, cướp đi sinh mạng 8 cầu thủ trong số 23 hành khách và phi hành đoàn. Chỉ trong thời gian ngắn, ông giúp CLB vượt qua nỗi đau để thể hiện mình trên sân cỏ. Tất nhiên, sẽ không thể thiếu Sir Alex Ferguson, nhà cầm quân có nhiều danh hiệu nhất lịch sử CLB trong gần 3 thập kỷ làm việc. Bức tượng Fergie, khánh thành 2012, là biểu tượng của niềm tự hào.

Kỷ lục của Arsenal

Không phải hai đại diện thành Manchester, mà Arsenal mới là CLB có nhiều tượng huyền thoại nhất: 6 tác phẩm. Bức tượng đầu tiên về nhà quản lý Ken Friar, được dựng ở Emirates từ 2011. Ông làm việc cho CLB từ năm 12 tuổi, trở thành thành viên HĐQT rồi giữ chức GĐĐH. Từ năm 2020, doanh nhân 89 tuổi người London cũng đồng ý vai trò chủ tịch danh dự "Pháo thủ".

Cũng trong năm 2011, nhân kỷ niệm 125 thành lập, Arsenal dựng 3 bức tượng về những cầu thủ quan trọng nhất của đội trong giai đoạn thành công rực rỡ cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21. Một trong đó là Thierry Henry, cựu tiền đạo ghi 228 bàn cho CLB. Cho đến nay, đây vẫn là kỷ lục tuyệt đối và bức tượng Henry là phong cách ăn mừng bàn thắng quen thuộc.

Bên cạnh Henry là Tony Adams, cầu thủ có số trận đấu nhiều thứ hai trong lịch sử Arsenal. Ông có 669 trận, còn kỷ lục là 722 trận thuộc về David O'Leary. Adams được Arsenal đào tạo rồi cống hiến mình chỉ với một màu áo. Ông làm đội trưởng khi mới 22 tuổi và giành 10 danh hiệu cùng "Pháo thủ". Tác phẩm thứ 3 trong dịp kỷ niệm 125 năm tôn vinh cựu HLV Herbert Chapman, người dẫn đội từ 1925 cho đến khi qua đời năm 1934, ở tuổi 55. Ông là kiến trúc sư cho chu kỳ vang dội của Arsenal thập niên 1930, nổi bật là "hat-trick" vô địch Anh 1933-1935.

Bức tượng thứ 5 xuất hiện tại Emirates là Dennis Bergkamp, năm 2014. Cựu tiền đạo người Hà Lan trải qua 11 năm khoác áo Arsenal, ghi 120 bàn sau 423 trận. Ông giành 3 chức vô địch Premier League và 4 FA Cup. Mới nhất, tháng 7/2023, Arsenal khánh thành bức tượng Arsene Wenger, người có 3 lần vô địch Premier League, bao gồm mùa giải bất bại 2003-04.

Hàng xóm của Arsenal, Chelsea có một bức tượng về Peter Osgood, tiền đạo chủ lực của danh hiệu FA Cup 1969-70 và Cúp C1 1970-71. Liverpool tôn vinh Bill Shankly, HLV vĩ đại nhất lịch sử CLB, với hình ảnh hai cánh tay dang rộng bên ngoài sân Anfield. Bức tượng thứ hai là khoảnh khắc Bob Paisley cõng Emlyn Hughes dính chấn thương rời sân trong trận đấu với Tottenham năm 1968. Khi ấy, Paisley là trợ lý kiêm bác sĩ trị liệu của đội. Ông từng là cầu thủ, rồi trở thành HLV với 6 chức vô địch Anh và 3 Cúp C1.

Tôn vinh huyền thoại: Giá trị bóng đá qua những bức tượng - Ảnh 2.

Tượng của các huyền thoại Colin Bell, Francis Lee và Mike Summerbee bên ngoài sân Etihad của Man City

Từ Cruyff đến Maradona

Luôn có những tranh cãi ai là cầu thủ vĩ đại nhất mọi thời đại. Nhưng có một điều không thể phủ nhận: Johan Cruyff có một không hai. Ông là nhà truyền giáo của bóng đá thế giới, với những triết lý mà cho đến nay vẫn còn mới mẻ, bất chấp những thay đổi liên tiếp của môn thể thao vua từ khía cạnh thể lực đến công nghệ. Hiếm có ai thành công với tư cách cầu thủ lẫn HLV ở hai CLB khác nhau. Cruyff làm được điều này với Ajax và Barcelona.

Ajax và Barca hiện là những đội có chất lượng đào tạo trẻ tốt nhất thế giới. Đây tất nhiên cũng là công của "Thánh Johan". Barca vinh danh ông bằng việc đặt tên cho sân của đội B và đội nữ, cũng như tượng đài khánh thành năm 2019. Trong khi đó, năm 2018, hai năm sau khi huyền thoại qua đời, Ajax vinh danh ông bằng cách đổi tên sân thành Johan Cruyff Arena. Năm 2020, bức tượng đồng lộng lẫy cũng được đặt trước sân.

Diego Maradona không để lại những nền móng kéo dài nhiều thập kỷ như Cruyff, nhưng dấu ấn của ông vượt xa bóng đá. Đó là lý do vì sao ông được dựng tượng ở Napoli. Đa số các sân bóng ở Italy thuộc về quản lý của chính quyền địa phương. Nhiều CLB cũng dùng chung sân. Vì thế, dù có những biểu tượng nổi tiếng mà thế giới ngưỡng mộ, nhưng Milan hay Inter không có bức tượng nào. Juventus chỉ xây sân riêng gần đây cũng không dựng tượng. Chỉ có chính quyền thành phố Napoli đổi tên sân thành Diego Armando Maradona, trong khi CLB dựng bức tượng đồng của ông bên ngoài.

Maradona được xem như vị thánh của Napoli. Vì thế, ngoài bức tượng khánh thành năm 2021, hình ảnh của ông xuất hiện khắp các ngả đường ở trung tâm thành phố.

Ở Allianz Arena, Bayern Munich cũng dựng tượng Gerd Muller để tôn vinh những giá trị mang tính biểu tượng của ông. Atletico có tượng Luis Aragones, người cống hiến từ cầu thủ đến HLV. Ở Camp Nou, ngoài Cruyff còn có Laszlo Kubala. Benfica đặt tượng HLV Bela Guttmann và cựu tiền đạo Eusebio, những người hùng nửa đầu thập niên 1960. 

Đẹp nhất và xấu nhất

Bức tượng Sir Alex Ferguson ở Old Trafford được xem là một trong những tác phẩm điêu khắc bóng đá đẹp nhất. Bức tượng khánh thành năm 2012, kỷ niệm 25 năm ngày ông dẫn MU.

Bước tượng Zidane húc đầu vào Materazzi ở Paris, tái hiện khoảnh khắc trận chung kết World Cup 2006, cũng được khen ngợi về tính nghệ thuật. Tác phẩm được thực hiện bởi Adel Abdesseme, nghệ sĩ người Algeria. Bức tượng Lev Yashin, được đặt tại Công viên Petrovsky, Moskva, là một tác phẩm đẹp khác.

Ngược lại, bức tượng Cristiano Ronaldo ở quê nhà Madeira bị nhiều chê bai. Chính gia đình Ronaldo yêu cầu thay thế bức tượng đủ nói lên nỗi thất vọng.

Tương tự, tượng Carlos Valderrama bên ngoài sân Eduardo Santos, Colombia, bị xem là thảm họa nghệ thuật.

 

Ngọc Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm