Họa sĩ Lý Trực Sơn: "Đi đâu chơi đó mấy hôm về"

25/09/2009 13:25 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Như TT&VH đã đưa tin, chiều qua, 24/9, tại Viet Art Centre (42 Yết Kiêu - Hà Nội) đã khai mạc triển lãm tranh sơn mài cá nhân lần đầu tiên của họa sĩ Lý Trực Sơn (sinh năm 1949). Triển lãm có cái tên rất ngắn gọn mà nhiều nỗi niềm là Chốn này, với 20 bức tranh sơn mài khổ vừa và lớn. Lý Trực Sơn nổi tiếng là một trong những “tài năng lứa đầu” của hội họa thời đổi mới, nhưng nổi tiếng nhiều hơn là những câu chuyện “thật như bịa” về tính cách nghệ sĩ rất mực bát ngát của ông...

1. Chuyện này không phải giai thoại, mà là chuyện thực. Ông vào học mỹ thuật, lớp trung cấp 7 năm từ khi còn nhỏ, mới 12 tuổi. 19 tuổi đầu, vừa tốt nghiệp xong thì được giữ lại trường (có lẽ là trẻ nhất). Trong những lứa ấy có hai họa sĩ trẻ được gọi đùa là “bách khoa toàn thư” và “tổng hợp toàn năng”. “Bách khoa toàn thư” là Lý Trực Sơn, “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”, cái gì cũng đọc cũng biết cũng bàn. “Tổng hợp toàn năng” là họa sĩ Thành Chương, cái gì cũng làm được, làm một cách say mê, làm đến nơi đến chốn. Cả hai sau đó đều nhập ngũ làm nghĩa vụ quân sự, một người là lính cao xạ pháo, một người là lính công binh, nếm bom đạn, vào sinh ra tử đủ cả...


Lý Trực Sơn cùng vợ - nữ họa sĩ Nguyễn Thị Quế đang vẽ tranh sơn mài

Sau khi rời quân ngũ, Lý Trực Sơn về trường học tiếp đại học, và lại được giữ lại làm giảng viên trẻ lần thứ hai. Ông dạy học sinh... ngoài quán nhiều hơn là trong lớp, thường nói trái với khuôn mẫu nghệ thuật được dạy dỗ lúc đó. Năm 1988, nhận một học bổng đi Pháp một năm, thì ông “quên” tất cả trường sở và gia đình, làm luôn một “cú” ngao du tới tận... 9 năm trời sau đó để sống lang thang ở Pháp và Đức. Quãng phiêu lưu này có lẽ cung cấp cho ông khá nhiều vốn sống phong phú về châu Âu đời thực, chứ không phải một châu Âu du lịch...

2. Trong tiểu thuyết Anh em nhà Karamazov của Dostoevsky, khi miêu tả về nhân vật Aleksey - “người con của Chúa”, tác giả có mượn lời một người khác nói như sau: “Đây có lẽ là người duy nhất trên thế gian mà nếu bỗng nhiên bị bỏ mặc một mình, không có chút tiền nong nào trong một thành phố lạ một triệu dân thì anh ta cũng không khốn đốn, không chết đói chết rét, bởi vì tức khắc sẽ có người cho ăn và thu xếp cho, mà nếu không ai thu xếp cho thì anh ta cũng sẽ tự thu xếp được ngay. Người giúp anh ta không hề cảm thấy đó là gánh nặng, trái lại có lẽ còn coi đó là niềm thích thú”.

Tôi nghĩ Lý Trực Sơn cũng có được những nét “thiên đồng” như vậy trong cá tính. Chính vì thế, nên ông mới có thể lưu lạc ở trời Tây lâu đến thế mà vẫn “sống ngon”. Nhưng kỳ lạ nhất là chuyện này: khi từ Pháp trở về nhà, ông gây cho mọi người cảm giác như thể ông vừa đi chơi đâu đó mấy hôm mà thôi. Như lời một nhà hiền triết nói: “Một người vợ tốt là người sinh ra chồng lần thứ hai...” thì người phụ nữ đã đón ông về nhà sau mười năm “phong lưu” nhưng vẫn điềm nhiên coi như chồng mình chỉ vừa “đi chơi đâu đó mấy hôm” là một người phụ nữ vĩ đại. Điều đó cũng dễ hiểu, vì bên cạnh bất cứ vinh quang nào của người đàn ông cũng đều thấp thoáng hoặc bao trùm bóng dáng của một người đàn bà nào đó.


Tác phẩm Sông Hồng I của Lý Trực Sơn

Đối với nghệ thuật của riêng mình, Lý Trực Sơn cũng có một thái độ “thiên đồng” hay hay như vậy. Là tài năng “mẻ đầu” của hội họa thời đổi mới, bẵng đi hàng chục năm vắng mặt trên quê hương, khi quay lại, ông vẫn vẽ như “vừa đi đâu đó mấy hôm về”, không bị ảnh hưởng bất kỳ cái gì từ phương Tây hậu hiện đại. Làm tranh sơn mài rất kỹ tính theo phương pháp được đào tạo, Lý Trực Sơn nhận xét về sơn mài rất tinh tế: “Người phập phù bất định thì mới vẽ được sơn mài. Tôi còn làm sơn mài vì nó vô cùng đỏng đảnh, tôi chưa hiểu nó là cái gì. Tôi làm việc chăm chỉ, đi đến tận cùng khả năng thì có được cảm giác hơi rồ dại là tôi sắp biết vẽ...”.

3. Dễ hiểu vì sao với tính nết “thiên đồng”, cộng với sự “phập phù bất định” như một “ca” bối rối đáng kính mến, tâm thức rất phức tạp mà lại hay quên nên họa sĩ chọn cho mình những hình ảnh hội họa là vẻ đẹp của những câu chuyện cổ tích, thiếu nữ khỏa thân ngắm trăng, hoa sen cổ tích, thiếu phụ gánh lúa, đứa trẻ mặc áo yếm chơi chim, thiếu nữ đội đèn dưới trăng... đều như trong cổ tích bước ra với dung nhan rất đẹp mắt và âu yếm cứ như Kim đồng - Ngọc nữ. Ông đưa ta vào không khí hoang hoải mộng như ta được đi đâu đó từ quá khứ trầm tích của văn hóa sông Hồng trở về. Họa sĩ có một “biệt tài nhớ nhung” khi vẽ ra những cảnh huống xưa ở thôn Trung Quân, mái đình Hồng Tiến bên sông cạnh cầu Long Biên... vào một loạt tranh phong cảnh sơn mài khổ lớn (3 tấm) có tên là Quê ngoại. Trông qua thì cứ như... học trò vẽ, có cả cầu vồng giăng ngang cầu... mới sợ! Thế nhưng trông mặt nước sông Hồng được chất liệu sơn mài làm lóng lánh bí ẩn, để lại những khoảng trống tinh diệu trong trí nhớ người xem rất lâu, mới hiểu cái tài tình thú vị của người vẽ nó...

Được xem và “nghe” Lý Trực Sơn làm tranh sơn mài thì rất là khoái trá. Ông sở hữu một sức tự tin phi thường, cộng khả năng biện luận biến hóa nhanh như một khối rubic, liên tục nói, liên tục phân tích và có kiến giải khác thường, rồi liên tục... quên! (Có lẽ ở một điểm nào đó ông đạt đến được cái điểm như nhà Phật dạy rằng: “Ưng vô sở trụ, nhi sinh kỳ tâm” - tạm dịch: Rũ bỏ thành kiến trói buộc, sẽ luôn sinh ra được giải pháp kỳ lạ).

Họa sĩ vừa cởi trần trùng trục ra mài tranh, kể chuyện phiếm và luận biện liến thoắng, thi thoảng ông lại: “ồ cái mảng này đẹp quá mày ạ”. Lúc sau lại: “à cái màu hồng cánh sen này nó “nhói” lên đẹp quá. Tao đi mua màu bọn bán màu nó gọi cái màu hồng này là “hồng ca - ve” (có lẽ vì cái màu này trông hơi “lẳng”- PV). Bảo cho hai lạng màu “hồng ca-ve” là nó lấy đúng, cân đủ, đưa mình ngay, mày thấy hay không?”.

Vũ Lâm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm