Liệu M.U còn cơ hội dự vòng knock-out Champions League?

22/12/2011 09:29 GMT+7

(TT&VH Online) - Đội bóng thành Manchester tự nhiên lại đứng trước cơ hội được trở lại thi đấu ở Champions League năm nay sau khi đội bóng đã xuất sắc loại họ khỏi vòng bảng, Basel, bị ảnh hưởng liên đới do những rắc rối mà CLB đồng hương Sion gây ra. Tuy nhiên, khả năng xảy ra điều thần kỳ này với M.U vẫn còn rất mơ hồ.



M.U hi vọng được trao suất dự vòng 1/8 của Basel - Ảnh Getty

Hãy cùng nhắc lại một chút về vụ việc. Hồi tháng 8, Sion đã bị UEFA loại khỏi Europa League bởi đội bóng này dám đưa vào sân 6 cầu thủ không đủ điều kiện thi đấu theo quy định của FIFA. Không chấp nhận hình phạt, Sion đã đi kiện cáo khắp nơi, trong đó có cả Tòa án thể thao thế giới (CAS), cơ quan được cho là nắm quyền lực tối cao trong làng thể thao (bao gồm cả bóng đá). FIFA đã bày tỏ sự ủng hộ với UEFA bằng tuyên bố: Liên đoàn bóng đá Thụy Sĩ phải dẹp yên vụ việc, giải quyết một cách êm thấm và buộc Sion phải im lặng, bằng không, tất cả các CLB Thụy Sỹ sẽ ngay lập tức không được phép tham gia bất kỳ giải đấu quốc tế nào, thậm chí cả đội tuyển quốc gia.

Thời hạn cuối cùng cho Liên đoàn bóng đá Thuy Sĩ xử lý vụ việc là ngày 13/01/2012, chỉ 4 ngày sau khi FIFA tổ chức Gala tổng kết một năm bóng đá thế giới và trao nhiều danh hiệu cá nhân cao quý mà nổi bật nhất là "Quả bóng vàng FIFA 2011". Trong trường hợp Liên đoàn bóng đá Thụy Sĩ không nghe theo và FIFA cương quyết xử lý mạnh tay thì Basel, niềm tự hào của xứ sở đồng hồ, chắc chắn sẽ bị loại khỏi vòng 1/8 Champions League mà phải rất nỗ lực họ mới giành được quyền tham dự. Lúc đó, M.U, bại tướng dưới tay Basel và là đội đứng thứ 3 trong bảng, sẽ nghiễm nhiên được thế chỗ.

Sở dĩ FIFA phải làm căng như vậy là vì họ không muốn tạo ra một tiền lệ xấu trong làng bóng đá. Tức là, mỗi khi có một sự việc nào liên quan đến bóng đá xuất hiện, thì các bên có liên quan đều tiến hành kiện cáo lên các tổ chức mà thực sự không liên quan trực tiếp đến môn thể thao Vua. Nếu thế, vô hình trung, quyền lực của FIFA đã bị "xâm hại" nghiêm trọng bởi lẽ ra, chính họ mới là tổ chức nắm mọi quyền sinh quyền sát trong lĩnh vực bóng đá. Chứ đằng này, họ lại phải bắt buộc chấp nhận nghe theo phán quyết của một tổ chức, đoàn thể khác dù có thể chẳng thích chút nào.

Tuy nhiên, Sion cũng không phải tay vừa. Christian Constantin, chủ tịch của đội bóng này tuyên bố sẽ theo đuổi vụ việc đến cùng, bất chấp kết quả ra sao bởi xét cho cùng, họ "chẳng còn gì để mất". Cũng theo Constantin, nếu FIFA quyết định trừng phạt toàn bộ bóng đá Thụy Sĩ chỉ vì lỗi của Sion thì đó sẽ là một sự áp đặt hết sức vô lý, bất công và mang màu sắc "khủng bố". Tuần trước, CAS đã chính thức xử Sion thua kiện song đội bóng này đã tiếp tục đưa vụ việc lên Tòa án Liên bang Thụy Sĩ.

Về phần Liên đoàn bóng đá Thụy Sĩ thì có vẻ họ đang ngồi im nghe ngóng tình hình nhưng theo chiều hướng ủng hộ Sion. Giả dụ, vào ngày 13/1 tới, FIFA cuối cùng chỉ cảnh cáo LĐBĐ Thụy Sĩ, cùng lắm là cấm Sion không được tham dự các giải đấu quốc tế chứ không phải "cấm vận" toàn bộ bóng đá Thụy Sĩ hay hình thức gì đó tương tự thì họ sẽ không phản kháng. Ngược lại, chắc chắn LĐBĐ Thụy Sĩ sẽ kiện FIFA lên CAS hay cấp cao hơn, bởi đời nào họ lại chịu sự trừng phạt khủng khiếp như thế.

Riêng với Man Utd, thời gian chính là "kẻ thù" lớn nhất của họ. Bề ngoài, FIFA nói rằng lệnh cấm có hiệu lực ngay tức thì, nhưng thực thế sẽ không đơn giản như vậy. Trên nguyên tắc, với mỗi án phạt, FIFA phải cho các bên liên quan có thời gian kháng cáo. Ngoài ra, LĐBĐ Thụy Sĩ rồi sẽ nhanh chóng khiếu kiện lên CAS, hoặc một Tòa án nào đó đứng trên CAS. Và như thế, đương nhiên bản án sẽ tạm thời bị treo và chưa có hiệu lực pháp lý. Thời gian xử lý sẽ không thể ngắn, mà đến khoảng tháng 2, vòng 1/8 Champions League sẽ khởi tranh. Thế nên Basel xem chừng không phải quá lo lắng. Cứ đặt giả thuyết FIFA thắng kiện và được quyền trừng phạt LĐBĐ Thụy Sĩ tùy thích, thì sự "cấm vận" may ra cũng chỉ có thể bắt đầu từ mùa tới.

Thêm một chi tiết không ủng hộ M.U. Cần lưu ý rằng, trụ sở chính của FIFA (cũng như UEFA) đang đóng trên đất Thụy Sĩ nên xét trên nhiều phương diện, chắc hẳn, họ cũng không muốn tạo ra mối bất hòa to lớn với giới chính trị gia nước này nếu xử lý thật sự mạnh tay bởi "vuốt mặt cũng phải biết nể mũi". Do đó, biết đâu đấy, họ sẽ "mềm mỏng" hơn chứ không đến mức độ ghê gớm như tuyên bố ban đầu.

Thiên Bình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm