Giã biệt 'Cọp' Nguyễn Huy Thiệp và 'Rồng' Hoàng Nhuận Cầm: 'Cái hạc bay lên vút tận trời'

28/04/2021 07:21 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Tháng trước, tháng sau trong mùa Xuân này có 2 văn nhân thi sĩ vào hàng tài danh thượng thặng của xứ sở ngàn năm văn vật- Nguyễn Huy Thiệp và Hoàng Nhuận Cầm- đã bước sang thế giới “Trời đất từ đây xa cách mãi…”.

Vĩnh biệt Hoàng Nhuận Cầm: 'Chiếc lá đầu tiên' đã bay về 'phương ấy'

Vĩnh biệt Hoàng Nhuận Cầm: 'Chiếc lá đầu tiên' đã bay về 'phương ấy'

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã ra đi chiều 20/4, thọ 70 tuổi. Hình như anh đã tiên liệu về cuộc ra đi này – cuộc ra đi nhẹ nhàng như một giấc ngủ an nhiên, thư thái, tự tại trong bài thơ Một mai: “Một mai chết thật tình cờ/ Thuốc trên tay khói vẫn dờ dật bay...”.

Hai người đều có quê gốc Hà Nội, ngẫu nhiên, một người tuổi Cọp (1950), một người tuổi Rồng (1952). Và cũng 99 năm trước, từ ngày Tản Đà vẽ cảnh Tống biệt: “Cái hạc bay lên vút tận trời” (2 chàng Lưu Nguyễn ngày xưa trong vở chèo Thiên thai tạm biệt tiên giới về chốn trần gian bẽ bàng), thì nay 2 nhà văn, nhà thơ yêu quý của chúng ta lại đi hướng ngược lại, từ trần gian về nơi tiên cảnh.

1. Chắc có lẽ tôi luôn ám ảnh họ là “trích tiên” thuở sinh thời nên giờ nói đến cuộc về trời của Nguyễn Huy Thiệp và Hoàng Nhuận Cầm, tôi lại nghĩ lan man chuyện “Hầu Trời” của Tản Đà đã ngót một thế kỷ. Nhà thơ phía Tây Hà Nội (huyện Ba Vì) đã kể cuộc lên trời của chính ông, mà tôi cứ tưởng kể về 2 hậu bối Hà Nội họ Nguyễn, họ Hoàng mới rời bỏ cuộc đắng cay ngọt bùi trên văn đàn Việt mùa Xuân này.

Nghe Trời bảo,Tản Đà đọc hết văn vần đến văn xuôi, văn thuyết lý đến văn chơi, tất tật nghiệp trước tác của mình, ông liền được các tiên nữ thướt tha nhất loạt thán phục, đồng điệu đắm đuối theo từng câu chữ lẫn hoàn cảnh “xuất bản, in, phát hành” khó khăn nơi hạ giới, còn không quên rủ “Anh gánh văn lên bán chợ Trời!”. Chư tiên thì nhất loạt vỗ tay,Trời lại phê cho: "Khí văn hùng mạnh như mây chuyển”.

Chú thích ảnh
Từ phải qua Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Huy Thiệp và Nguyễn Thanh Mừng (tác giả bài viết)

Tôi còn nhớ một lần, uống bia chiều trong một quán cóc với Hoàng Nhuận Cầm, chúng tôi cập nhật dòng thơ chống giặc của anh: “Thương yêu quá Việt Nam/ Lựu đạn bay lẫn trong bầy chim sẻ…/ Xin trao tôi khẩu súng/ Khi mà chưa xuôi tay/ Mẹ lại đưa ra trận/ Khu vườn hoa mướp bay”. Anh Cầm hứng chí tay cầm ly bia giơ cao, đứng dậy phiêu du:“Trả cho em nước mắt/ Lăn ngang ngực đàn bà/ Trả cho anh cát bụi/ Những đêm hành quân xa”… đến khi ngồi xuống thì chiếc ghế phàm trần bị cơn gió quái quỷ xê dịch khỏi tầm rơi điệu nghệ của mông, anh chòng chành tưởng bị ngã ngửa ra vỉa hè.

Nhưng không, phút loạng choạng qua nhanh chưa kịp để mọi người hoảng hồn, anh thoắt rơi trên cái ghế khác, và dòng thơ tiếp tục nối mạch không dừng như không việc gì xảy ra, không tàn cuộc: “Ta đã chán lời vu vơ giả dối/ Hót lên! Dù đau xót một lần thôi”.

Việc anh Cầm đọc thơ, không chỉ mồm miệng mà cả cơ thể anh, đầu mình tứ chi đều có “chức năng nhiệm vụ” cả, khiến không gian xung quanh anh nhập đồng theo, tôi đã biết từ lâu, nhưng mỗi lần đều thấy lạ.

Lần lâu nhất là hồi 1993, khi ấy Sự mất ngủ của lửa của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và Xúc xắc mùa Thu của anh mới vinh danh giải Hội Nhà văn, lúc tôi ngồi với anh Trúc Thông và anh, lúc với anh Phạm Xuân Nguyên và anh, uống rượu liên hồi kỳ trận.

Tôi không nhớ những quán nào, đêm hay ngày khu vực quanh 16 Hồng Phúc đến các loại 36 phố phường... Và chiếc xe đạp xanh nước biển mà nhà thơ Đoàn Tuấn cho tôi mượn vô thời hạn trở thành con thuyền mộng du,lúc anh ngồi sau yên, lúc anh ngồi trước ghi đông, có lúc không biết nó nằm đâu, chỉ thấy tôi ngồi sau xe thi sĩ Lâm Huy Nhuận chở về 37 Hàng Quạt. Đó là những ngày tháng sôi động và chân thành, vào cái thời mà chúng ta còn ở bên kia thiên niên kỷ thứ nhất, sống hoàn toàn trong bầu khí quyển thơ.

2. “Trích tiên” Rồng Hoàng Nhuận Cầm lại có nhận định rất lạ về “trích tiên” Cọp Nguyễn Huy Thiệp mà Phạm Xuân Nguyên ghi lại: “Theo tôi, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp là một nhà thơ - nhà thơ chưa thành. Không tin anh cứ đọc Thương nhớ đồng quê mà xem. Có 5 đoạn thơ mà Thiệp phải dùng đến 2 trang văn xuôi để "bảo hiểm". Nguyễn Huy Thiệp không những yêu thơ, mà còn kinh sợ thơ nữa”.

Chú thích ảnh
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm

Dù tác phẩm Hoàng Nhuận Cầm trình làng sớm và chói sáng ngay ở độ tuổi 20 tới nay, thì tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp trình làng muộn, từ 1987 trở đi, khi tác giả sắp tứ tuần, nhưng lập tức được chào đón tưng bừng hết cỡ, với 2 luồng cực mạnh, tán thưởng thì ngút trời và phản tán thưởng cũng rợp đất.

Cái khoảng cuối thập niên 1980 chuyển qua thập niên cuối cùng của thế kỷ 20, đi đâu ngồi đâu, cũng nghe người ta bàn tán về truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Ông xuất hiện như một sứ mệnh, chẳng khác gì một cuộc thiên tiên tiễn xuống cõi trần ai, với biện giải khéo léo từ miệng của Trời, mà Tản Đà từng “tường thuật trực tiếp”, tiên báo: “Trời rằng: Không phải là Trời đày/ Trời định sai con một việc này/ Là việc “thiên lương” của nhân loại/ Cho con xuống thuật cùng đời hay”.

Với tôi, ông có trái tim đầy ẩn ngữ của một thi nhân, cho nên ông viết về những nhân vật làm xoay chuyển vòng quay lịch sử và số phận dân tộc như Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ, Nguyễn Du, Nguyễn Ánh… đều như những định nghĩa dồn nén trong cái khung thi ca, với cơ cấu nền tảng triết học, nhân học, xã hội học, đạo đức học, mỹ học… của những mục từ lịch sử, một lịch sử kiểu Nguyễn Huy Thiệp.

Giữa một bối cảnh đất nước đầu thế kỷ 20, nghèo nàn, man rợ, guồng máy cai trị nửa thực dân phong kiến cồng kềnh lại vừa ngu vừa ác, thì nhà thơ đáng kể nhất trong mắt ông Đồ Hoạt (nhân vật trong truyện ngắn Mưa Nhã Nam của Nguyễn Huy Thiệp) chính là Hùm thiêng Yên Thế và dứt khoát phong cho Đề Thám danh hiệu đáng sợ là “một tên thi sĩ ma vương” mà “bọn văn chương suốt đời thèm muốn”vì không làm sao biến được ngọn bút thành ngọn giáo hay cái câu liêm mà Đề Thám có thừa.

Ngôn ngữ của nhà yêu nước, người anh hùng, thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa“ đại diện cho tâm hồn An Nam” cũng chính là chất liệu hào sảng mà Nguyễn Huy Thiệp móc từ tim mình ra giãi bày trong những tác phẩm quỷ khốc thần sầu trình cõi nhân gian: “Tôi biết một thứ ngôn ngữ giản dị như đất/ Thứ ngôn ngữ mộc mạc, thẳng băng/ Tựa như tiếng tù và/ Như tiếng kèn đồng/ Như tiếng chuông vọng/ Có một thứ ngôn ngữ thức tỉnh con người/ Buộc họ soi vào lòng mình như soi mặt xuống lòng hồ/ Có thứ ngôn ngữ của người anh hùng, của người chính trực/ Nó làm ta bối rối xúc động/ Ta không trốn được/ Thứ ngôn ngữ không hề phù phiếm, cũng chẳng tân kỳ/ Thứ ngôn ngữ của giống nòi truyền lại/ Thứ ngôn ngữ của lương tri không bao giờ mất…” (Trích Mưa Nhã Nam- Nguyễn Huy Thiệp).

Chú thích ảnh
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

Một chiều mưa, dù không thông thuộc đường sá, nhưng chiếc xe máy nữ sĩ Thiều Hạnh Nguyên đã giúp tôi vượt cầu sang Gia Lâm cùng anh em hội ngộ muộn ở nhà hàng Hoa Ban của chủ nhân những vần thơ “Mà vầng trăng kia xa lắc/ Vầng trăng kia lơ lửng trên đầu/ Có đôi mắt nào mở to trong tim ta/ Và mỗi cái chớp mắt đều khiến ta nhói lòng…”.

Phải nói, anh Thiệp nhọc nhằn quá, tính anh trầm tĩnh, ít nói, ít uống rượu, nhưng phải lên xuống qua lại giữa bao nhiêu bàn tiệc mà hầu như tửu đồ nào cũng đến đây là vì tên tuổi anh, thương hiệu văn chương của anh, luôn rối loạn mù mịt các tiếng gọi tác giả, rằng: ông Tướng về hưu ơi, ông Thung lũng Hua Tát ơi, ông Không có vua ơi,cụng em một chén, uống tôi một ly, chuyển máy anh nói chuyện với bạn tôi rằng tôi đã ngồi cạnh Nguyễn Huy Thiệp chính hiệu Trái tim hổ…

Tôi thấy anh lóng ngóng, lạc loài giữa đám đông, dù là cái đám đông mơ ước của anh khi chiếc áo văn nhân thay bằng áo doanh nhân. Tôi mơ màng nghĩ về những ý nghĩ Mưa Nhã Nam và liên hệ rằng dù nhà hàng của anh, nhưng anh chẳng khác nào cụ Đề Thám trong bữa tiệc trong dinh Công sứ Bắc Giang. Giá như với một con ngựa ô, anh phóng ra rừng mỡ, rừng lim, rừng nhội gai, tiếng côn trùng rỉ rắc, nồng nàn, mưa nhiệt đới đầu mùa bạo liệt, sấm vang chớp giật đùng đùng và cô Xoan trong trẻo sau lưng thỏ thẻ: “Em van ông… Ông hãy cho em đi theo. Đi đâu cũng được…”.

3. Tôi lại nhớ, trong Chén rượu vĩnh biệt, Tản Đà từng nói với Nguyễn Tuân rằng: “Con người ta ở đời, có hai thái độ đáng quý, một là làm thánh hiền, hai là làm hào kiệt. Nhưng đem so sánh thì làm hào kiệt vẫn sướng hơn. Cái cuộc đời ấy mới là ồ ạt”.

Nếu để tâm, chúng ta thấy ẩn sâu trong hồn của ông Rồng nhạc võ tươi tắn ngút trời của một tráng sĩ trẻ giữa thanh gươm yên ngựa sa trường, và của Ông Cọp tiếng thở của “Thế sự du du nại lão hà/ Vô cùng thiên địa nhập hàm ca” trong cõi trời văn hiến Việt với Nguyễn Trãi “cô đơn giữa đời như một hành tinh hoặc một ngọn gió” (từ trong ngoặc kép là lời của Nguyễn Huy Thiệp trong tác phẩm), Nguyễn Du “trong trẻo lạ thường, tâm hồn sạch như nước ở suối ra”, Nguyễn Ánh “Sứ mệnh đế vương thật là sứ mệnh khốn nạn, chỉ được quyền cao cả, không được quyền đê tiện”…

Ông Cọp Nguyễn Huy Thiệp và ông Rồng Hoàng Nhuận Cầm ở xứ sở rồng cuộn hổ ngồi, như hai vị “trích tiên” lưu lạc trong cõi thánh hiền và hào kiệt ấy, có những bơ vơ giữa đông đảo, bi kịch trong hài kịch, phong ba trong tĩnh lặng...Khi hai vị “trích tiên”không rủ mà cùng về trời, nước mắt của độc giả cõi trần ai dành cho, không phải là ít, cũng nhớ thương quyến luyến đâu khác chi cảnh chư tiên trong Tống biệt: “Trời đất từ đây xa cách mãi/ Cửa động/ Đầu non/ Đường lối cũ/ Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi”...

Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm