15/04/2012 14:04 GMT+7 | Văn hoá
1. Chúng ta có thể kê ra hàng loạt đại từ nhân xưng trong tiếng Việt như : Tôi, ta, tao, tớ, mày, anh, em, chị, cô, chú, bác, ông, cụ, nó…Nghĩa là ngoài một số đại từ cơ bản như tôi và anh, mày và tao, thì có vô số đại từ vốn chỉ thứ bậc và quan hệ huyết thống trong gia đình được đưa tuốt ra ngoài xã hội.
|
Nhưng tiếng Hán của người Hán vốn là một dân tộc sinh ra Nho giáo với nhiều nghi lễ phiền toái, lại chỉ có ba ngôi xưng hô thông dụng : Ủa, Nỉ và Tha (1,2,3 ).
Tất nhiên trong chốn quan trường, công sở, thi lễ thì tiếng Hán được dùng để xưng hô cũng phức tạp bậc nhất, người ta phải tùy từng địa vị, quan hệ, hoàn cảnh mà ăn nói cho đúng phép – một thứ kính ngữ sâu sắc và lôi thôi chưa từng có. Khi hai kẻ sỹ gặp nhau, họ nói là Thưa túc hạ (tôi chỉ dám nói với cái chân của ngài), gặp quan trên, bề trên thì Thưa các hạ (tôi chỉ dám nói với cái gác của ngài), gặp hoàng tử, thái tử thì nói Thưa Điện hạ (tôi chỉ dám nói với cung điện của ngài), yết kiến vua thì thưa Tâu Bệ hạ (tôi chỉ dám nói với cái bệ của nhà vua). Rồi gọi nhau là Đại nhân, Tiên sinh, Thượng quan, Tướng công, Đại phu, Tráng sỹ, Hiền sỹ, Tướng quân… tức là những chức tước cũng được dùng thành ngôi thứ hai ba để kính ái nhau. Ngược lại kẻ làm vua lại xưng khiêm tốn, ví dụ xưng Cô (kẻ cô đơn này), Quả nhân (kẻ cô độc này), trẫm (kẻ ngu tối này)… kèm theo lối ăn nói văn hoa, khen ngợi, xưng tụng, tâng bốc. Ví dụ: Nghe danh ngài như sấm dậy bên tai đã lâu, nay gặp mặt mới thỏa lòng mong ước/ Tôi gặp ngài khác nào quạ dám sánh với phượng hoàng, ngựa hèn sánh với kỳ lân/ Đức độ của ngài lan ra bốn bể, khắp hang cùng ngõ hẻm, ai ai cũng nghển cổ trông ngóng/ Lời của ngài chúng tôi đã phải rửa tai chín lần để chờ đợi…
Mặc dù kính ngữ phức tạp như vậy, nhưng trong khi nói chuyện, người ta chỉ cần thưa tôn kính lần đầu, còn những câu nói sau có thể quay lại Nhĩ – Ngã như bình thường. Giống như ta nói tiếng Anh : Thưa Tiến sỹ, anh có khỏe không? Điều này là hoàn toàn khác với tiếng Việt, người ta căn bản không thay đổi đại từ nhân xưng trong suốt cuộc nói chuyện, hoặc là phải dùng đại từ tương đương với tuổi tác của người đang nói.
2. Nghe những người thiểu số nói chuyện, tôi thấy hai ngôi tao, mày duy nhất cũng được dùng phổ biến, điều này cũng thấy cách đây ba bốn mươi năm ở các tỉnh từ Thanh Hóa đổ vào trong. Tất nhiên chênh lệch tuổi tác và có quan hệ họ hàng các ngôi vẫn phức tạp, nhưng quan hệ bình thường, việc dùng tao, mày và nói là mi với tau là rất phổ biến.
Cha mẹ nói với con cái, anh em gần tuổi nói với nhau, đàn ông đàn bà cùng trang lứa… tất cả phổ biến là mi và tau. Đó là ngữ âm cổ của người Việt, thấy khắp từ Thanh Hóa đến các xứ Quảng. Tôi nghi ngờ rằng vào một thời xưa nào đó người Việt cũng chỉ dùng phổ biến đại từ nhân xưng đơn giản tao và mày, rồi vì một lý do nào đó, thời nào đó, cách thức xưng hô thay đổi theo chiều hướng gia đình hóa cho tới hiện nay.
Chuyên mục do nhà phê bình Phan Cẩm Thượng thực hiện, xuất hiện vào số Chủ nhật hàng tuần. |
(còn tiếp)
Phan Cẩm Thượng
Chiều 21/4, tại thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, Ban Quản lý Di tích văn hóa Óc Eo tổ chức hội nghị triển khai...
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất