George Burchett: Cha, con và Hà Nội

12/02/2021 14:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - “Tôi đã gắn bó với Hà Nội từ một thập niên qua trong công việc của một họa sĩ. Và từ lâu, tôi cũng đã biết đến những bức tranh vẽ Hà Nội của Bùi Xuân Phái để hiểu rằng: Tình yêu mà mỗi người dành cho mảnh đất nơi họ lớn lên sẽ không phụ thuộc vào điều gì khác, ngoài trái tim và trí tuệ”- George Burchett chia sẻ.

Cảm hứng được khơi nguồn từ Bùi Xuân Phái

Cảm hứng được khơi nguồn từ Bùi Xuân Phái

Những tình yêu Hà Nội được tôn vinh chiều qua giống như nhiều dòng suối đổ về sông. Và dòng sông ấy đang chảy ra nơi biển lớn, với cảm hứng được khơi nguồn từ cái tên sinh ra cách đây 100 năm - Bùi Xuân Phái.

1. Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2020 của báo Thể thao và Văn hóa được trao cho George Burchett và 16 nghệ sĩ khác ở hạng mục Việc làm. Họ là những người triển khai dự án nghệ thuật Phúc Tân và biến một nơi vốn là khu tập kết rác của người dân địa phương thành một “con đường nghệ thuật” đặc biệt ven sông Hồng.

“George là một gương mặt đầy kinh nghiệm, nhiều khả năng sáng tạo và cũng rất hiểu Việt Nam bởi những mối liên hệ đặc biệt của mình. Do vậy, ông là một trong 2 nghệ sĩ quốc tế được tôi mời tham gia dự án này”, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, giám tuyển của Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân, chia sẻ với người viết.

“Mối liên hệ đặc biệt” mà Sơn nói không chỉ là quãng thời gian 10 năm George Burchett sống ở Hà Nội kể từ 2010. Xa hơn thế, 65 năm trước, Hà Nội cũng là nơi George sinh ra. Thậm chí, như lời kể, ở thời điểm chào đời, ông rất yếu và phải nhờ bác sĩ Phạm Ngọc Thạch chăm sóc sức khỏe để ổn định.

George Burchett  chụp cạnh bức chân dung cha mình – nhà báo Wilfred Burchett- tại Bảo tàng Hồ Chí Minh
George Burchett  chụp cạnh bức chân dung cha mình – nhà báo Wilfred Burchett- tại Bảo tàng Hồ Chí Minh

Chẳng có gì lạ về câu chuyện này: Cha của George chính là Wilfred Burchett (1911-1983), nhà báo quốc tế nổi tiếng người Australia và cũng là người bạn lớn của Việt Nam suốt 2 cuộc kháng chiến. Từ Điện Biên Phủ tới ATK Thái Nguyên, từ Hà Nội cho tới địa đạo Củ Chi và các căn cứ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, đó đều là những điểm nóng mà Wilfred Burchett từng đặt chân để thực hiện những bài phóng sự nổi tiếng của mình.

George chỉ sống ở Việt Nam cho tới năm 2 tuổi. Rồi cùng gia đình, ông sang Liên Xô, Campuchia, Pháp, Bulgaria và trở về Australia định cư khi đã ở tuổi 30. Thế nhưng, với George, cảm xúc về Việt Nam không dễ phai mờ.

“Khi sang Moskva, tôi còn rất nhỏ và thường được mọi người hỏi rằng mình đến từ đâu. Rất hãnh diện, tôi luôn trả lời: Việt Nam” - ông kể - “Rồi có lần, khi đi học tiểu học, giáo viên hỏi mọi người có biết ai là Chủ tịch Nước của Việt Nam không? Các bạn xung quanh đều trả lời: Hồ Chí Minh - trong khi tôi cứ khăng khăng rằng đó là Bác Hồ, bởi bố mẹ tôi luôn gọi như vậy”.

Vợ chồng nhà báo Wilfred Burchett chụp ảnh cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại Hà Nội vào tháng 5/1966
Vợ chồng nhà báo Wilfred Burchett chụp ảnh cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại Hà Nội vào tháng 5/1966

Phải tới năm 2006, George mới có dịp trở lại Việt Nam lần đầu, rồi tiếp đó là các năm 2010 và 2011. Tất cả đều là những chuyến đi liên quan tới những sự kiện hữu nghị văn hóa - để rồi ông đi tới một quyết định quan trọng: Ở lại Việt Nam - nơi đã là một phần quan trọng trong cuộc đời của cha mình.

“Những gì cha từng làm khiến tôi thêm tin tưởng vào sự nhân văn cần có trong cuộc đời, và cũng là tin tưởng hơn vào bản thân. Ông đến đây trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt để đứng bên cạnh những người Việt trong cuộc chiến tranh vệ quốc. Còn tôi đến với một Việt Nam đang phát triển của hiện tại, và tìm thấy niềm vui từ những dự án nghệ thuật của mình” - George Burchett chia sẻ thêm.

Một trong những dự án đầu tiên của George là việc tham gia tổ chức cuộc triển lãm Wilfred Burchett với Việt Nam. Tại đó, nhân kỷ niệm một thế kỷ ngày sinh nhà báo quốc tế này, 100 bức ảnh chụp Việt Nam của Wilfred đã được trưng bày, trong đó có những bức ảnh chụp Hà Nội.

Như lời George Burchett, cha ông rất yêu Hà Nội. Bên cạnh những trang viết, tình cảm ấy còn hiện rõ qua những góc nhìn vừa lãng mạn, vừa trìu mến trên những bức ảnh chụp thành phố vào giữa thập niên 1960 của mình.

Còn với George? “Hà Nội đẹp, bởi ở đó lịch sử luôn hiện hữu. Quá khứ là một phần của cuộc sống hàng ngày tại đây với những kiến trúc cũ, truyền thống văn hóa và những phong tục còn lưu giữ trong sinh hoạt” - ông trả lời.

2. Và cũng rất thú vị: Sâu xa, tác phẩm đặt tại Phúc Tân của George phần nào bắt đầu từ những ký ức về người cha của mình. Đó là một chú voi phun sơn vàng được tái chế từ sắt phế liệu mang phong cách tạo hình khá giống với cách gấp giấy của trẻ em và có thể đẩy, kéo, quay khi tương tác. Đằng sau chú voi đặc biệt ấy là những hình vẽ ngộ nghĩnh và dòng chữ “làm cho Hà Nội sạch và xanh” bằng 2 thứ tiếng.

“Những chú voi đã xuất hiện trong nhiều tác phẩm của tôi trước đó. Với tôi, đó là loài động vật rất gần gũi với con người, luôn nâng đỡ con người ở những thời điểm khó khăn nhất. Và, chính cha là người đầu tiên dạy cho tôi điều đó” - George nói.

Như lời ông kể, đầu thập niên 1960, khi vượt Trường Sơn vào vùng giải phóng phía Nam, nhà báo Wilfred Burchett vẫn đều đặn viết thư cho gia đình. Như một món quà đặc biệt gửi tới các con, Wilfred kể rất nhiều về rừng rậm và những loại động vật nhiệt đới mà ông gặp trên đường - đặc biệt là voi.

Tác phẩm của George Burchett  tại dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân
Tác phẩm của George Burchett  tại dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân

Một lá thư ấy có đoạn viết: “Cha đã nhận ra nhiều điều thú vị về loài voi. Càng quan sát, cha càng thích chúng. Voi ở đây vô cùng thông minh, nhạy cảm và có những cảm xúc rất gần với con người. Hôm trước, cha có nghe về một chú voi đã bỏ ăn cả tuần rồi chết sau khi chủ nhân mình qua đời... Nếu có những lần bất hòa, giống như giữa bố mẹ hay giữa Annichka và George, voi sẽ bỏ vào rừng. Người ta phải đi theo, thổi một loại nhạc cụ làm từ sừng trâu và nói chuyện để làm hòa với nó...”

Chú voi vàng đặt tại Phúc Tân, theo lời giải thích của George – đã được tính toán để có kích thước phù hợp với sự tương tác của trẻ em. Trông giống như một món đồ chơi thú vị, tác phẩm được đặt quay ra hướng Đông, với những gửi gắm của ông về tương lai cho Hà Nội.

“Voi nhìn về hướng mặt trời mọc, đằng sau nó là hình những cô bé, cậu bé kèm theo thông điệp về một thành phố sạch sẽ và có nhiều cây xanh. Đó có thể là một vấn đề nhỏ trong những gì mà mỗi người phải suy nghĩ mỗi ngày, nhưng lại đủ sức tạo ra thay đổi lớn cho Hà Nội” -
ông kể.

Dừng một lát, Burchett lặng lẽ chia sẻ thêm những suy nghĩ của mình. Ông khá băn khoăn khi những thông tin trong vài năm qua cho thấy số lượng voi hoang dã tại Việt Nam đang suy giảm nghiêm trọng. Thậm chí, những “kỵ binh hạng nặng trong lịch sử”, như cách ông gọi, đang đứng trước khả năng tuyệt chủng. Như thế, những gì mà bom đạn và chất khai quang không làm được trong chiến tranh lại hoàn toàn có thể xảy ra cho đàn voi ở Việt Nam, với các vấn đề về nạn phá rừng, xâm phạm môi trường sống hay săn bắt trái phép.

“Theo một cách nào đó, chú voi vàng của tôi cũng là biểu trưng cho thông điệp về một tương lai của cả Việt Nam” - George nói - “Trong tương lai phải có chỗ cho cả những các loài vật đang sinh sống trong những khu rừng, dãy núi, dòng sông và biển cả trên mảnh đất hình chữ S”.

Hoàng Nguyên

TT&VH Xuân Tân Sửu 2021

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm