Gen Z sắp thành "Gen nợ nần": Thế hệ chật vật tiền nong hơn bao giờ hết

03/04/2023 17:13 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247

“Thế hệ Netflix rất vui khi tham gia vào các chương trình mua ngay trả sau mà không cần suy nghĩ nhiều”.

Đối với nhiều người trong chúng ta, tác động của suy thoái kinh tế và đợt bão giá, lạm phát chi phí sinh hoạt đang thể hiện ngày một rõ ràng. Nhất là đối với Gen Z, nhóm người trẻ tuổi mà phần lớn vừa bước chân vào thị trường lao động, chưa có tài sản tích lũy và thu nhập cao. Thậm chí, họ còn gặp rắc rối lớn hơn, đó là nợ nần. 

Mắc nợ ngày trẻ, khó khăn cả đời 

Theo thống kê tại Anh quốc, vào năm 2023, trung bình Gen Z rời trường đại học với khoản nợ 33.000 bảng (gần 1 tỷ đồng) trước khi họ bước vào thị trường lao động. Với sinh viên mới ra trường, con số nợ này bằng tổng lương nhiều năm làm việc. 

Theo Priscilla Low, Giám đốc Tài chính của thẻ tín dụng Yonder, điều này đã dẫn đến “một thế hệ đã quá quen với việc mắc nợ đến mức họ cảm thấy như đây là trạng thái tự nhiên mà họ nên có”.

Hơn nữa, Low nói với Glamour: “Bởi vì những người trẻ tuổi đã được nói đi nói lại rằng sử dụng thẻ tín dụng là một điều nguy hiểm, họ nhàm chán đến mức mặc kệ vì xung quanh ai cũng vậy. “Thế hệ Netflix” này rất vui khi tham gia vào các chương trình mua ngay trả tiền sau mà không cần suy nghĩ nhiều. Gen Z đã trở nên cực kỳ thoải mái khi thanh toán các khoản thanh toán riêng lẻ bằng đủ các loại thẻ khác nhau thay vì mua sản phẩm trên một thẻ tín dụng, thanh toán hết thẻ đó vào cuối tháng”. Dần dần, mọi người luôn luôn có một khoản nợ và nếu không biết cách kiểm soát, nhiều người dễ rơi vào vòng xoáy, tự tay đặt tương lai tài chính của mình vào rủi ro nghiêm trọng.

Gen Z sắp thành Gen nợ nần: Khủng hoảng kinh tế, lạm phát và tương lai quá bất định đang tạo ra một thế hệ chật vật tài chính hơn bao giờ hết - Ảnh 1.

Ảnh: Pinterest

Dẫu lạm phát tăng cao toàn cầu nhưng nhu cầu mua sắm và tiêu xài của người trẻ tuổi vẫn khó có thể cắt giảm. Họ là thế hệ chi tiêu mạnh nhất hiện tại với đủ thứ nhu cầu đa dạng. Và nợ nần, mua trước trả sau bằng thẻ tín dụng càng khiến nhiều người dễ dàng chi tiêu nhiều hơn mức mình có thể. 

Ở Mỹ, bức tranh cũng tương tự. Mặc dù Gen Z có ít thời gian hơn để trả nợ so với các thế hệ cũ, nhưng nhiều thanh niên Mỹ đã thấy mình rơi vào hố sâu. Một cuộc khảo sát gần đây của GOBankingRates cho thấy 33% người Mỹ từ 18 đến 24 tuổi mắc nợ thẻ tín dụng. May mắn thay, phần lớn dường như có số dư thấp, với 55% người Mỹ trong độ tuổi này mang khoản nợ không thế chấp dưới 5.000 USD. Tuy nhiên, hơn một phần tư (27%) có khoản nợ không thế chấp từ 5.000 đến 20.000 USD.

Khoản nợ ngày trẻ bây giờ có thể trở thành vấn đề lớn hơn sau này. Gen Z có thể có thu nhập thấp hơn những người có nhiều thời gian hơn trong lực lượng lao động, vì vậy họ có thể mất nhiều thời gian hơn để trả hết nợ thẻ tín dụng hiện có. Thật không may cho thế hệ này, càng mất nhiều thời gian để trả nợ, món nợ này càng trở nên cao hơn.

Nợ thẻ tín dụng cũng có thể khiến việc đạt được sự độc lập về tài chính trở thành một thách thức. Một nghiên cứu gần đây cho thấy 54% Gen Z không coi mình độc lập về tài chính. Thật khó để đạt được sự độc lập về tài chính khi bạn có khoản nợ thẻ tín dụng treo lơ lửng trên đầu.

Lời khuyên để ngăn chặn Thế hệ Z trở thành Thế hệ mắc nợ

Bởi vì nợ thẻ tín dụng có thể để lại những hậu quả lâu dài, nên việc thanh toán khoản nợ này phải là ưu tiên hàng đầu của Gen Z. Bước đầu tiên để thanh toán nợ thẻ tín dụng là nắm được số tiền bạn sẽ có và số tiền đã được chi tiêu mỗi tháng. Tiếp theo, hãy tìm cách cắt giảm chi tiêu.

Bất kỳ ai sử dụng thẻ tín dụng cũng nên theo dõi dòng tiền chi tiêu của mình. Thậm chí có những công cụ, ứng dụng còn đưa ra lời khuyên cân đối chi tiêu cho người dùng. 

Gen Z sắp thành Gen nợ nần: Khủng hoảng kinh tế, lạm phát và tương lai quá bất định đang tạo ra một thế hệ chật vật tài chính hơn bao giờ hết - Ảnh 2.

Ảnh: Pinterest

Bên cạnh đó, hãy đảm bảo rằng bạn đang đăng ký các sản phẩm tín dụng mới một cách có trách nhiệm và tránh tích lũy nợ với nhiều nhà cung cấp trên các thẻ khác nhau. Việc thường xuyên đăng ký thẻ tín dụng mới có thể dẫn đến việc bạn rơi vào “danh sách đen” của các nhà cung cấp. Việc này cũng có thể ảnh hưởng đến các đơn đăng ký khoản vay lớn hơn trong tương lai, chẳng hạn như thế chấp.

Mỗi người sẽ có thói quen chi tiêu khác nhau và khoản chi tiêu thiết yếu phải bỏ mỗi tháng. Nhưng nếu bạn quản lý chi tiêu cụ thể và đọc kỹ các giao dịch thẻ tín dụng hay thẻ ghi nợ vào cuối tháng, bạn có thể nhận ra những khoản tốn tiền vô cùng thiếu thiết thực như trả tiền thành viên cho một ứng dụng bạn không còn dùng. Bạn có thể báo cho nhà cung cấp thẻ nếu có bất kỳ điều gì không ổn hay khoản thu không rõ ràng. 

Nguồn: Glamour Magazine, Yahoo

Chi Chi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm