(TT&VH CT) - ĐT.LA đang chạy "ì ạch" ở 7 vòng vừa qua. "Gạch" có truyền thống khởi động chậm, nhưng bước xuất phát của ĐT.LA mùa này dường như có nhiều vấn đề khiến người ta bận tâm hơn. Liệu từ góc nhìn của người trong cuộc, chuyện của ĐT.LA sẽ được "mổ xẻ" như thế nào? TT&VH Cuối tuấn đã trao đổi với ông GĐĐH Phạm Phú Hòa vốn trẻ về tuổi đời nhưng “tuổi nghề” không hề kém các bậc tiền bối.
Không làm được thì con cháu cũng giải tán!
* Ông vẫn được biết đến như người nhà của TGĐ Công ty Gạch Đồng Tâm, Chủ tịch CLB ĐT.LA Võ Quốc Thắng. Điều ấy sẽ có những thuận lợi và khó khăn như thế nào khi ông nắm "ghế điều hành"?
- Nói tôi là người nhà của ông Thắng cũng không sai. Về vai vế, tôi là cháu rể của ông ấy. Nhưng cần phải rành mạch điều này, bởi trong kinh doanh, nếu anh làm không được việc, thì có là con, là cháu cũng… giải tán. Trước khi chuyển qua làm bóng đá, tôi đã là Trưởng phòng kinh doanh xuất nhập khẩu Tổng công ty Gạch Đồng Tâm. Phải có sự tin tưởng, BGĐ mới nhất trí để tôi làm công việc như hiện tại. Tôi đã đứng vững từ hơn nửa thập niên qua, với cương vị GĐĐH đội bóng và đó là câu trả lời rõ nhất.
* Nhiều người làm bóng đá Việt Nam còn khá mơ hồi với khái niệm GĐĐH. Bằng công việc như hiện tại, ông giải thích thế nào về chức danh nghe cũng "oách" này?
- Làm GĐĐH một đội bóng, không khác làm Giám đốc của một Công ty là mấy. Tôi có trách nhiệm hoạch định các chính sách, định hướng, cũng như tạo nguồn HLV và VĐV cho ĐT.LA. Tất nhiên, một mình tôi không thể làm hết những việc này. Tôi cần có đội ngũ các trợ lý, cũng như ý kiến tham khảo từ BHL. Chúng tôi đã công du tới rất nhiều các đội bóng chuyên nghiệp, để học hỏi mô hình của họ. Và “món hời” lớn nhất mà ĐT.LA từng có là cái tên Henrique Calisto. Ông “Tô” đã đóng góp rất nhiều cho chu kỳ thành công của đội bóng, kể từ ngày nó còn phôi thai và chơi ở giải hạng nhất (mùa giải 2002 – PV).
* Đã 6 - 7 năm nay, trên cương vị GĐĐH, ông thuộc diện người “thọ” lâu nhất với nghề trong làng BĐVN. Điều đó đáng để tự hào?
- Về mặt chức danh, thì đúng là như vậy. Nhưng tôi để ý rất nhiều bậc tiền bối như Nguyễn Văn Vinh (HA.GL) hay Nguyễn Hồng Thanh (HN.ACB), cũng đã gắn bó với các đội bóng suốt thời gian dài. Họ nắm nhiều cương vị khác nhau, nhưng về cơ bản, công việc cũng không khác mấy một GĐĐH. Tôi đã học hỏi từ những người đi trước rất nhiều, để cố gắng không phạm sai lầm. Đó là lý do đến bây giờ, tôi vẫn ngồi đây, làm việc và phấn đấu.
GĐĐH Phạm Phú Hòa (ĐT.LA): Sẽ không có chuyện mua ồ ạt “hàng giá cao”
Chất lượng trọng tài đi xuống
* Mùa bóng này, ông nghĩ sao về mặt bằng V-League, cũng như trình độ của các CLB hiện nay?
- So với những năm đầu lên chuyên nghiệp, thì rõ ràng V-League đã có những chuyển biến rất tích cực. Trình độ của cầu thủ nội được nâng lên đáng kể, khi họ được cọ xát với các ngoại binh chất lượng cao. Các đội bóng được đầu tư mạnh hơn và vì thế, chất lượng và tính cạnh tranh của giải đấu cũng cao hơn. Đó là một ghi nhận tích cực của những người làm BĐVN.
* Thế ông nhìn nhận thế nào về vấn đề trọng tài, bởi thực tế cho thấy ĐT.LA luôn là một trong những đội bóng phản ứng dữ nhất với các ông “vua sân cỏ”?
- Sau những tổn thất về đội ngũ trọng tài (cơn bão tiêu cực năm 2005 – PV), BĐVN đã mất đi rất nhiều các trọng tài giỏi. Hiện nay, chúng ta không những bị thiếu hụt về số lượng, mà chất lượng trọng tài cũng đi xuống. Đây là vấn đề của VFF và HĐTT QG. Để có sự phát triển đồng bộ cho cả nền bóng đá, thì chúng ta phải khắc phục được công tác trọng tài. Vẫn còn quá nhiều những sai sót, những lỗi cơ bản ở mắt xích này và nó tác động xấu hệ thống các giải đấu. Chúng tôi từng phải phản ứng gay gắt, bởi thật khó chấp nhận những cái sai rành rành của họ.
* Vậy với sự leo thang về giá của cầu thủ, quan điểm của ông về chuyện này như thế nào ?
- Đó là sự phát triển bắt buộc, là xu hướng chung của bóng đá thế giới, chứ chẳng riêng gì Việt Nam. Nhưng cái gì cũng có hai mặt của nó. Cần phải bình tĩnh, cân-đo-đong-đếm trong sách lược sử dụng người, để không phải tiếp nhận cái giá ảo của cầu thủ. Tôi thấy nhiều CLB ở Việt Nam mải mê chạy theo những đôi chân tiền tỷ, mà quên mất một chiến lược đầu tư mang tính dài hơi. Tất nhiên, họ có cái lý và có cách làm riêng của họ, nhưng ở ĐT.LA sẽ chẳng bao giờ xảy ra chuyện này.
Công Minh vẫn tại vị
"ĐT.LA cũng như phần lớn các CLB VN khác, vẫn sống nhờ “bầu sữa” của Công ty mẹ, từ tiền quảng cáo và tiền bán vé vào sân. Theo tôi, cần phải cải thiện được tiền thu về từ bản quyền truyền hình, như mô hình của nước ngoài, thì các đội bóng mới sống khỏe được. Nhưng muốn thế, thì bản thân các CLB phải tự nâng cấp thể trạng của mình, để các trận đấu diễn ra hay hơn, hút khán giả đến sân đông hơn. Ít nhất thì ở VN, XM.HP đã và đang làm được điều này" - GĐĐH Phạm Phú Hòa. |
* ĐT.LA vừa có sự dịch chuyển trong khu kỹ thuật. Điều đó có nghĩa rằng “Gạch” đã chấp nhận thất bại, với những kỳ vọng quá lớn vào HLV trẻ Trần Công Minh?
- Chúng tôi vừa bổ sung thêm chức danh duy nhất còn khuyết, kể từ khi Henrique Calisto không làm nữa. GĐKT Jose Luis sẽ quán xuyến tất cả các công việc của hệ thống đào tạo trẻ, tham mưu lấy người cho BHL đội 1. Tôi khẳng định vị trí cũng như vai trò của HLV Trần Công Minh vẫn được đảm bảo. Nếu tính kỹ chuỗi 5 trận toàn thắng cuối mùa giải trước và thành tích bất bại ở 6 lượt trận đầu tiên V-League 2009 của ĐT.LA dưới thời Trần Công Minh, thì hoàn toàn không tồi chút nào. Sở dĩ trước đây, ông Calisto với cương vị GĐKT, nhưng lại chủ yếu làm đội 1 của ĐT.LA là bởi chúng tôi có chính sách ưu tiên cho đội bóng chơi ở sân chơi cao nhất. Nhưng bây giờ phải có những điều chỉnh, trong đó đào tạo trẻ phải đặc biệt được quan tâm.
* Ông có thừa nhận rằng hệ thống đào tạo trẻ của ĐT.LA gần như đóng băng, trong những năm qua?
- Có vẻ như thế, nếu đem so sánh với các lò đào tạo khác. Chúng tôi chỉ đôn lên (và sử dụng) rất hạn chế, các cầu thủ trưởng thành từ tuyến trẻ. Phần vì chất lượng của họ chưa đáp ứng được, phần khác là đội hình chính của ĐT.LA đã và đang ổn định từ nhiều năm nay. Bằng rất nhiều những hình thức, như việc để U21 ĐT.LA tham dự giải hạng nhì, hay U19 đá giải hạng 3, chúng tôi muốn tạo ra nhiều sân chơi cho cầu thủ trẻ cọ xát. Hy vọng trong những năm tới, sẽ có nhiều cầu thủ trẻ chơi được ở V-League trong đội hình ĐT.LA.
* Và vì thế ông vẫn tiếp tục chính sách “thắt lưng buộc bụng” như hiện nay, ngay cả khi ĐT.LA sẽ không có thành tích tốt trong giai đoạn 1?
- Chúng tôi xác định rõ tiêu chí đầu tư vào bóng đá. Sẽ không có chuyện mua sắm ồ ạt cầu thủ với giá cao như các CLB khác. Ở ĐT.LA, chúng tôi đầu tư một lượt, để sử dụng trong nhiều năm, chứ không chỉ dùng cầu thủ cho một mùa. Thật khó hiểu khi tốn đến 7 – 8 tỉ đồng để mua Công Vinh, mà không dùng số tiền đó sắm 2 - 3 ngoại binh chất lượng. Đội bóng là một tập thể và cá nhân một cầu thủ, không thể làm nên chiến thắng được. Chúng tôi sẽ có bản tổng kết sau giai đoạn 1, từ các báo cáo của BHL, để có những điều chỉnh trước lượt về. Cùng với đó, tôi đã tiến hành xúc tiến gia hạn hợp đồng với các trụ cột sẽ mãn hạn vào cuối năm nay, như Việt Thắng... Tôi và BGĐ ĐT.LA đã nhất trí rằng, sẽ đáp ứng tất cả những yêu cầu của BHL.
*Xin cảm ơn ông!
TÙY PHONG (thực hiện)