Gặp nghệ sĩ Trần Nghĩa Hiệp: Dựng tuồng, hát cải lương và đóng phim trên đất Pháp

23/03/2022 19:20 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Tại các nước phương Tây nói chung, vì rất nhiều lý do, một người gốc Á rất khó chen chân vào lĩnh vực điện ảnh và sân khấu. Ấy vậy mà, Trần Nghĩa Hiệp (Hiep Tran Nghia), người sinh ra và lớn lên tại tỉnh Tây Ninh, lại liên tục xuất hiện trong nhiều dự án nghệ thuật lớn.

Ngôi sao phim 'Đông Dương' Catherine Deneuve: Huyền thoại ở tuổi 75

Ngôi sao phim 'Đông Dương' Catherine Deneuve: Huyền thoại ở tuổi 75

Huyền thoại người Pháp Catherine Deneuve vừa tròn 75 tuổi hôm qua (22/10). Bà là một trong những nữ diễn viên nổi tiếng nhất của điện ảnh châu Âu và từng để lại dấu ấn qua hàng loạt phim, trong đó có "Đông Dương", bộ phim lấy bối cảnh Việt Nam thập niên 1930.

Gần nhất, Trần Nghĩa Hiệp hóa thân thành người đàn ông Việt sống ở Pháp trong phim ngắn Malabar, được tranh giải César năm 2022. Còn trước nữa, ông đã đóng rất nhiều phim như Bad Buzz, Đông Dương, hoặc chuỗi phim truyền hình nổi tiếng Platane… Qua điện thoại đường dài, nghệ sĩ có cuộc trò chuyện với báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN).

* Ông có thể giới thiệu một chút về mình?

- Tôi sinh ra tại huyện Thái Hiệp Thành, tỉnh Tây Ninh vào năm 1942. Mẹ tôi là một nhà giáo, bạn thân bà bầu Thơ của Đoàn Cải lương Thanh Minh. Ngày nhỏ, ông Năm Nghĩa chồng bầu Thơ thường dạy Thanh Nga và tôi tập hát. Sự rèn luyện ấy đã tạo nền tảng cho Thanh Nga trở thành một ngôi sao sáng chói sau này, còn tôi thì hát cổ nhạc và bolero cũng hay lắm.

Chú thích ảnh
Nghệ sĩ Trần Nghĩa Hiệp

Ông Năm Nghĩa có ý tạo điều kiện cho tôi được hát chung khi hai đứa lớn lên. Tuy nhiên, má tôi không cho tôi theo nghề ca hát, bà muốn tôi tiếp tục đi học. Tôi rất buồn, nhưng không dám cãi lời. Năm 1961, tôi lấy bằng tú tài Pháp. Một năm sau, tôi đậu vào Đại học Phú Thọ, Sài Gòn, chuyên ngành kỹ sư công nghệ. Lúc này, Thanh Nga đã nổi tiếng lắm, còn tôi là anh sinh viên nghèo, lâu lâu ghé qua xem bạn hát.

Năm 1964, tôi sang Pháp du học ngành kỹ sư điện toán. Kể từ đó, tôi hầu như không còn liên lạc với Thanh Nga. Đến năm 1967, đoàn Thanh Minh - Thanh Nga sang Pháp biểu diễn, tôi tình nguyện làm hướng dẫn cho đoàn. Đó là lần sau cùng tôi gặp lại Thanh Nga, vì tôi ở lại Pháp sau du học.

* Một người Việt nhập cư, kể cả người gốc Á sinh ra tại Pháp, thường rất ít có cơ hội dấn thân vào lĩnh vực văn nghệ thuật. Cơ hội ấy đã đến với ông như thế nào?

- Lúc tôi đang học đại học, một đạo diễn Pháp da trắng vào trường tuyển một nam diễn viên gốc Á đóng vai người lính Đông Dương. Nhiều người gốc Trung Quốc, Nhật, Thái Lan và tôi cùng dự tuyển. Cuối cùng tôi được chọn, vì đã có căn bản diễn xuất từ hồi học hát với ông Năm Nghĩa. Tuy nhiên, đó là vai diễn duy nhất của tôi ở thời tuổi trẻ. Ra trường, tôi xin được việc trong vai trò kỹ sư kiêm phó phòng kỹ thuật tại một nhà máy tại tỉnh Laon cách Paris chừng 150km. Tôi làm việc ở đây suốt 10 năm.

Tôi nhập quốc tịch Pháp và bảo lãnh mẹ tôi sang để có dịp phụng dưỡng. Mẹ tôi bệnh, tôi xin nghỉ việc để chăm sóc bà. Để mưu sinh, tôi và vợ mở nhà hàng Việt Nam tên Escale à Saigon, nghĩa là “ghé bến Sài Gòn”. Nhà hàng của chúng tôi rất nổi tiếng và góp phần rất lớn trong truyền bá văn hóa ẩm thực và phong tục tập quán Việt. Tại đây, tôi đã gặp gỡ các đồng hương nghệ sĩ Việt như Hữu Phước, Kiều Lệ Mai, Hà Mỹ Xuân… để hát cải lương. Chúng tôi dựng tuồng tại nhà hàng và hát cải lương tại các sinh hoạt cộng đồng. Tôi luôn được giao vai kép nhì, vì ca và diễn tốt.

Chú thích ảnh
Trần Nghĩa Hiệp và vợ trong vở kịch  “Fraternité” (Huynh đệ)

Đến khi các con trưởng thành, vợ chồng tôi chuyển về Paris sinh sống. Chúng tôi không kinh doanh nữa, nên có nhiều thời gian. Đoàn phim Đông Dương tuyển vai đàn ông trung niên gốc châu Á, tôi tham dự và được chọn. Từ đây, tôi có nghệ danh Hiep Tran Nghia. Tiếp đến, tôi được mời vào vai người lính thợ Trung Hoa trong phim Khi cuộc chiến lùi xa. Lẽ ra, vai này do một người Trung Quốc đảm nhiệm, nhưng do ông ta không nói được tiếng Pháp, thường xảy sự không hiểu ý với đạo diễn, thế là tôi được chọn thế vai.

Tôi bắt đầu có tiếng tăm tại Pháp và châu Âu trong phim Le Bal des actries, tạm dịch là cuộc hội ngộ của những nữ nghệ sĩ. Tôi đóng vai người cha Việt Nam sống trên đất Pháp, nhưng còn giữ rịt quan niệm Á Đông. Ông đã cấm không cho con gái theo nghề diễn, bởi mang nặng cách nghĩ “xướng ca vô loài”. Cha và con đã xảy ra sự xung đột văn hóa, tranh cãi kịch liệt. Sau bộ phim này, tên tôi trở thành ưu tiên trong mắt nhiều đạo diễn Pháp khi muốn chọn nhân vật đàn ông Á châu.

* Năm 2016, ông cùng đoàn kịch Les Hommes Approximatifs trở về sống trong bầu không khí Việt Nam trước khi lên sàn tập vở kịch “Sài Gòn” của nữ đạo diễn Caroline Guiela Nguyen. Cảm giác của ông lúc đó thế nào?

- Chuyến hồi hương ấy cho tôi cảm xúc đặc biệt lắm. Tôi đã quay lại nơi tôi sinh ra và lớn lên. Lúc tôi rời đi, tôi là chàng trai chưa đầy 20, khi quay lại thăm tôi đã là một ông già ngoài 70. Ngoại cảnh và tâm cảnh thay đổi nhiều, nhưng tôi vẫn cảm giác thân quen và ấm áp. Tôi cùng các diễn viên trong đoàn viếng thăm nhiều nơi khác nữa. Nhờ vậy, tôi đã hình dung rõ hơn tâm lý nhân vật Hào lúc về già do tôi thủ diễn trong vở Sài Gòn. Đó cũng là một người đàn ông xa Việt Nam vào năm 1956 lúc còn thanh niên, đến khi trở lại thăm vào những năm 1995, lúc đã trở thành một ông lão. Đó là một vai diễn đầy tâm trạng và giàu cảm xúc nhất của tôi.

Chú thích ảnh
Trần Nghĩa Hiệp trong phim ngắn “Malabar”, tranh giải César 2022

* Tại Việt Nam, nhiều nghệ sĩ lớn tuổi do không tích lũy hồi còn trẻ, nên gặp nhiều khó khăn lúc về già. Cuộc sống của một nghệ sĩ như ông tại Pháp như thế nào?

- Tại Pháp, nghệ sĩ thất nghiệp sẽ được hưởng lương trợ cấp, tùy theo số ngày mình từng làm việc. Riêng tôi, vì đã trên 67 tuổi, nên được lãnh tiền hưu trí và chỉ nhận một nửa tiền nghệ sĩ, nếu thất nghiệp. Do đó, để có cuộc sống đầy đủ, chúng tôi phải làm việc thường xuyên.

* Sau hơn nửa thế kỷ làm nghề, vậy ước nguyện của ông lúc này là gì?

- Thế hệ trẻ người Việt hải ngoại ngày càng rời xa giá trị truyền thống Việt. Vì vậy, chúng tôi tham gia hát cải lương, viết sách, làm phim tài liệu về những phong tục tập quán Việt Nam. Chúng tôi nói với họ về ý nghĩa áo dài, nghi thức đám cưới, đám giỗ và đám tang. Chúng tôi cũng khuyến khích mở ra các lớp học tiếng Việt, với hy vọng rằng thế hệ trẻ Việt Nam tại Pháp và các nước, dù hòa nhập vào nền văn hóa bản địa, nhưng vẫn giữ được hồn cốt Việt của mình.

* Cám ơn ông về cuộc trò chuyện!

“Vẫn có cơ hội làm nghề”

“Hiện tại, chúng tôi đang diễn vở kịch Fraternité (Huynh đệ), cũng của Caroline Guiela Nguyen và công ty của cô. Nội dung câu chuyện là một giả tưởng về thế giới khi xảy ra một buổi nhật thực, phân nửa dân số biến mất. Trong vở này, chỉ có tôi và vợ là người Việt Nam, vào vai cặp vợ chồng mất con khi đi làm tình nguyện viên. Vở diễn này xảy ra trong thời điểm đại dịch Covid-19, khiến cuộc sống đảo lộn, nhưng chúng tôi vẫn có cơ hội làm nghề. Xen kẽ, tôi đi đóng phim cho Pháp, đi hát cho cộng đồng Việt Nam. Sắp tới, tôi sẽ tham gia một phim của Hollywood, vào vai tài xế taxi từ Việt Nam sang Mỹ, bị chới với, hụt hẫng, vì xung đột văn hóa” (Chia sẻ của nghệ sĩ Trần Nghĩa Hiệp).

Nguyễn Huy (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm