Ra sách "Đối mặt với B-52": "Thiên phóng sự" về 12 ngày đêm

05/12/2012 13:14 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Lịch sử thường được ghi chép lại bởi những sự kiện, những con số, những luận điểm... Song với cuốn sách Đối mặt với B-52, thì lịch sử về "12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không" lại cuộn chảy mãnh liệt theo mạch cảm xúc của những nhân chứng. Sự kiện lịch sử đó đã được tiếp cận với văn phong báo chí gần gũi, hấp dẫn.

"Đây không phải là một cuốn chính sử mà là viết về những câu chuyện có thật của lịch sử dưới góc nhìn đậm chất báo chí. Lớp nhà báo trẻ biết trân trọng, gìn giữ và tiếp bước những năm tháng hào hùng của cha anh. Minh chứng cụ thể là cuốn sách Đối mặt với B-52 được biên soạn bởi 4 nhà báo và 3 người trong số họ đều rất trẻ" - nhà báo Chu Chí Thành, nguyên phóng viên ảnh TTXVN chia sẻ.

Thiên phóng sự dài kỳ

Đồng tác giả của cuốn sách, ông Đặng Đức Tuệ chia sẻ với TT&VH, với nhiều nhân chứng đã tiếp cận, nhóm biên soạn nhận thấy việc thực hiện một loạt bài báo dài kỳ e chừng…phí. Nên nhóm biên soạn gồm 4 người: Đào Thanh Huyền, Nguyễn Xuân Mai, Trần Phúc Thái và Đặng Đức Tuệ đã bỏ 2 năm ròng để thực hiện "tuyến bài" dày dặn, công phu tới… 175 trang. Và ngay trong lời giới thiệu về cuốn sách, nhóm biên soạn cũng nhấn mạnh cuốn sách là một "sản phẩm báo chí" với nhân chứng, hình ảnh, tư liệu, bản đồ, ảnh chân dung và ảnh tư liệu.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại sở chỉ huy Quân chủng Phòng không – Không quân ngày 28/12/1972. Ảnh tư liệu

Tại lễ ra mắt, nhân chứng cũng là người thẩm định nội dung, nhà báo Đỗ Phượng, nguyên Tổng GĐ TTXVN nói về việc làm của những đồng nghiệp trẻ: "Ngay khi đọc bản thảo, tôi đã thấy đây là một quyển sách tốt của những người giỏi nghề. Bởi cả quyển sách đã tập hợp nhiều mẩu chuyện của những người thật, việc thật được kể lại liền mạch với văn phong giản dị hấp dẫn".

Nhà báo lão thành như tìm thấy dòng ký ức những năm tháng đặc biệt của nghề báo: "Ngày đó, phóng viên TTXVN hầu hết được bố trí trước ở những nơi B-52 chuẩn bị đánh tới. Khi đi, anh em được dặn dò là phải tìm chỗ trú ẩn, khi bom ngớt mới ra lấy thông tin, chụp hình. Nhưng chẳng ai làm theo, nhất là mấy anh phóng viên ảnh, luôn tìm cách chiếm điểm cao để có những góc chụp đẹp nhất".

Trong câu chuyện về những năm tháng "đẹp nhất của nghề", nhà báo Đỗ Phượng bật mí một tình tiết thú vị: "Hồi đó, anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) có khen "chưa lần nào B-52 xuất kích, các anh báo chậm 2 tiếng". Vì B-52 cất cánh ở các sân bay quân sự đều được các hãng tin nước ngoài đưa tin. TTXVN lập tức dùng nguồn tin này báo về bộ tổng tham mưu. Nên có lần chúng tôi còn báo trước cả 5 tiếng trước khi B-52 tới Hà Nội. Những nguồn tin rất nhạy trong việc báo B-52 cất cánh mà chúng tôi khai thác lúc đó là AFP, AP, BBC, Kyodo… Giới chức Mỹ không biết bị khai thác từ báo chí. Nên sau này, khi sang Mỹ, tôi phát biểu 4 tiếng đồng hồ ở Trung tâm báo chí Mỹ, họ tỏ rõ sự bất ngờ".

"Vì ký ức là rất mong manh"

Ngay khi tiếp cận cuốn sách trong buổi ra mắt, một vài nhân chứng đã chia sẻ với TT&VH về những sơ sót nhỏ của cuốn sách. Cụ thể, cuốn sách đã nhầm một vài tên đơn vị, chức vụ nhân vật…

Nhóm biên soạn cũng đã gửi lời xin lỗi các nhân chứng và độc giả vì những sự cố trên. Có mặt tại buổi lễ, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cũng trao đổi với TT&VH: "Vì là hồi ức của những người đều đã có tuổi nên những "hạt sạn" trên là có thể chấp nhận được. Vì dù nhóm tác giả có đối chiếu nhiều nguồn thì những nhầm lẫn trong ký ức của các nhân chứng ở nhiều địa bàn với nhiều chức phận trong lửa đạn là có thể hiểu được. Phải nhấn mạnh lại, đây không phải là cuốn sách chính sử và những người làm cuốn sách này là những người trẻ. Nên những sai sót nhỏ đó không giảm đi ý nghĩa và giá trị của cuốn sách".

Ký ức của nhân chứng có tầm quan trọng với lịch sử 

"Việc lắng nghe các nhân chứng có tầm quan trọng rất lớn trong việc tiếp cận lịch sử. Vì ngoài nói về các sự kiện quân sự, chính trị, các nhân chứng cũng sẽ cung cấp nhiều chi tiết hơn về cuộc chiến" – TS Pierre Journoud, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Quốc phòng Pháp.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhấn mạnh: "Giá trị cuốn sách ở chỗ, nó đã kể lại lịch sử bằng một dạng rất sinh động. Cuốn sách làm người trẻ hiểu thêm về lịch sử cha anh, làm người đã trải qua sống lại những ký ức mãnh liệt, làm bạn bè năm châu hiểu hơn tại sao người Việt Nam vượt qua được những năm tháng bão bùng đó. Hơn thế, cách bố cục chặt chẽ mà uyển chuyển gợi sự tò mò của nhóm biên soạn rất xuất sắc. Theo tôi, nên đưa những cuốn sách như này làm những cuốn sách tham khảo cho học sinh để gợi cho các em tình yêu với môn sử".

Bà Đào Thanh Huyền, đồng tác giả cũng thể hiện những luyến tiếc: Cuốn sách này được viết bằng ký ức, mà ký ức thì rất mong manh. Trong số gần 120 nhân chứng kể lại những tháng ngày lịch sử trong cuốn sách, có người đã không còn để cầm trên tay sản phẩm. Những nhân chứng, "đồng tác giả" làm nên cuốn sách này không kịp thấy mặt "đứa con tinh thần" khiến chúng tôi rất luyến tiếc. Song cũng bởi sự "mong manh" đó, chúng tôi tự hào vì đã ghi chép kịp những nhân vật lịch sử này".

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm