Gặp lại cô Mai của "Nửa chừng xuân" (Kỳ 3)

08/07/2008 02:49 GMT+7 | Đọc - Xem

Kỳ 3: Cô Mai thời “Nửa chừng xuân”
 
(TT&VH Online) - Trong những câu chuyện về thời xưa cũ với bà Hạc Đính, tôi luôn cố gắng gợi về chuyện làng văn thời trước và muốn biết duyên cớ nào đã đưa đẩy bà đến với sân khấu ngay từ thời còn rất trẻ nhưng rồi lại không tiếp tục về sau. Dưới đây là một số mẩu ghi lại lời kể của bà.

Ông bà Trần Huyền Trân
và con hồi trẻ

“Bố tôi trước là giáo chức (thầy giáo dạy tiểu học), mọi người thường gọi là ông giáo Cường (tức nhà văn Nam Hương Bùi Huy Cường, chuyên viết thơ ngụ ngôn cho thiếu nhi, hiện có tên trong Từ điển văn học - ĐTT). Tôi lúc nhỏ học Trường Lê Ngọc Hân ở phố Lò Đúc, lớn lên đi làm cho một hiệu văn phòng phẩm của nhà in Tô-panh (Taupin). Con mụ giữ két người Tây, không phải Tây “chính hiệu” mà là dân đảo Corse, ấy thế nhưng mụ lại có tư tưởng kỳ thị chủng tộc. Một hôm có một chuyện lời qua tiếng lại với mụ, chưa gì mụ đã chửi tôi là “con An Nam bẩn thỉu”, tôi điên lên: “Tao là con An Nam bẩn thỉu, còn mày là con đàn bà xứ Coóc còn bẩn thỉu hơn tao. Nó túm cổ áo tôi, tức thì tôi tút guốc đánh lại, túm tóc giật nó xuống. Sau cuộc xô xát ấy, ông trưởng phòng cũng thông cảm cho tôi nhưng vẫn bắt tôi xin lỗi nó, thế là tôi bỏ luôn, xin sang làm một cửa hàng mỹ phẩm ở Hàng Khay”.

“Tôi lúc đầu có biết kịch cọt gì đâu. Một hôm đi xem người ta tập vở Nửa chừng xuân (chuyển từ tiểu thuyết cùng tên của Khái Hưng - ĐTT), nhưng mấy đào chuyên nghiệp đóng không đạt, đạo diễn bảo tôi đóng thử. Tôi đã từng đọc Nửa chừng xuân gần như thuộc lòng rồi nên đóng được ngay, lại còn nhắc kịch bản cho các vai khác nữa. Anh Chu Ngọc xem thích quá, sau đó mời tôi đóng Thị Lộ, vở Lệ Chi Viên của Hoàng Cầm. Hoàng Cầm vừa viết kịch bản, vừa đóng vai Lê Thánh Tông. Anh Lan Khai đóng Nguyễn Trãi. Sau Cách mạng tháng Tám, tôi còn diễn vài vở. Vở “19 tháng 8” do Trần Huyền Trân, Thâm Tâm viết ngay sau ngày Cách mạng thành công. Các anh Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng thường xem tập vở. Nhân vật chính là Thiên do tôi đóng. Nguyên mẫu ngoài đời là một phụ nữ tên là Thiên Hương, làm chỉ điểm cho Pháp rồi lại làm chỉ điểm cho Nhật, sau bị Việt Minh trừ khử, ngay chỗ cắt đường Hàm Long bây giờ. Kịch bản mất từ lâu. Anh Trọng Khôi cứ bảo tôi phác thảo lại cốt truyện rồi anh ấy sẽ dựng lại kịch bản, nhưng tôi vẫn chưa làm được”.

“Từ kháng chiến, vì bận nuôi con để ông Trân đi công tác nên ít khi tôi đóng kịch nữa. Sau hoà bình, về Hà Nội, ông ấy được giao nhiệm vụ đi sưu tầm, cải biên chèo cổ. Tôi đi theo ông ấy khắp các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, gặp các cụ “trùm”, nghe các cụ ấy kể rồi biên chép, chỉnh sửa. Hàng loạt vở được “viết lại” thành văn từ độ ấy: Xuý Vân, Tôn Mạnh Tôn Trọng, Quan Âm Thị Kính, Tấm Cám, Phạm Tải Ngọc Hoa,…”.

Ông Trân không biết hát chèo nhưng đánh trống chầu thì giỏi. (Tôi chen ngang: “Thì người ta vẫn có câu Vụng chèo khéo chống mà bác”. Bà cười). “Chả là thời trước Cách mạng, ông ấy đánh trống ả đào thạo lắm. Nghèo thế nhưng thỉnh thoảng vẫn đi hát Khâm Thiên. Cũng là đi nghe hát ả đào nhưng ở Khâm Thiên đắt gấp đôi ở Ngã Tư Sở và những chỗ khác. Có lần thiếu tiền, ông Trân phải “nằm va li” để Nguyễn Bính, Thâm Tâm đi vay tiền chuộc. Vay ở đâu anh biết không? Ông Vũ Đình Long, chủ nhà in Tân Dân, chủ báo Tiểu thuyết thứ bảy. Hồi ấy văn nghệ sỹ hay vay tiền các ông chủ báo lắm. Nghĩa là chịu bán văn với giá rẻ mạt, khi vay thì ký vào biên bản sẽ viết bài trừ nợ”.

Bà Hạc Đính – cô Mai thời “Nửa chừng xuân”

“Lúc ở Đồi Cháy, Bắc Giang, khoảng năm bốn tám, một hôm Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Nam Cao đến chơi. Tôi mua một con vịt thết khách. Ngoài canh măng kiểu miền núi, tôi làm món chả nướng như Hà Nội. Các anh ấy tấm tắc khen ngon. Và rất là cảm động: Ai dè giữa rừng kháng chiến gian khổ mà có bữa tiệc sang đến thế”.

Tôi lặng yên ngồi ngắm bà Hạc Đính, cố tưởng tượng khi bà đóng cô Mai nhu mì hồi Nửa chừng xuân. Rồi người phụ nữ lực điền trồng rau nuôi gà những năm “kháng chiến kiến quốc” trên núi rừng Việt Bắc. Rồi những năm cắp thúng theo chồng đi sưu tầm chèo cổ khắp “tứ trấn” Đông Nam Đoài Bắc. Rồi một bà Trân tần tảo cam chịu những năm chồng nằm liệt trên giường bệnh... “Thiên địa phong trần/ Hồng nhan đa truân” bấy nhiêu năm, thế mà trên gương mặt của bà già gần chín mươi này vẫn ánh lên vẻ tươi tắn, dịu dàng, gần như không một chút âu sầu.

Xin mượn mấy câu thơ mà nhà thơ của chúng ta đã tặng bà năm 1948 để kết thúc bài này: Đò đưa em về nơi xóm núi/ Hôm sớm chim rừng nước suối/ Trồng rau dạy trẻ chăn nuôi/ Còn anh đường vui đồng đội...

Đúng. Người phụ nữ Việt Nam thường nhận hết phần lo toan về mình để chồng vui đồng đội.

Đào Tiến Thi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm