Gặp lại cô Mai của "Nửa chừng xuân" (Kỳ 2)

07/07/2008 19:26 GMT+7 | Văn hoá

Kỳ 2: Người con gái thêu thơ Trần Huyền Trân
 
(TT&VH Online) - Sau cuộc sơ ngộ kể trên, tôi nhanh chóng được bà Hạc Đính coi như người thân quen. Có khi bà gọi đến để cho cho một dúm chè ướp nhài do tự tay bà làm, có khi một chậu lan hạc đính (loài lan bà lấy làm bút danh, một năm chỉ nở hoa một lần), có khi một món quà nhỏ sau chuyến đi du lịch… Chen vào câu chuyện đời thường, thỉnh thoảng nhớ gì về người xưa chuyện cũ, bà lại kể với một trí nhớ và sự minh mẫn lạ thường.

Người con gái thêu thơ bí ẩn

Ông bà Trần Huyền Trân và con
Thời trẻ, tuy nghèo và chẳng có danh vọng gì nhưng nhà thơ Trần Huyền Trân được rất nhiều phụ nữ mến mộ. Có người từ yêu thơ đến yêu người. Có người yêu công khai, có người yêu âm thầm. Có một người yêu thơ đến mức đã kỳ công thêu một số bài thơ lên vải lụa để tặng ông.

Người con gái ấy có tên là Lý Lê - theo lời đề tặng trong một bài thơ của Trần Huyền Trân. Nhưng Lý Lê là ai? Chính Trần Huyền Trân cũng không biết. Các bạn đương thời của ông cũng không biết. Người con gái ấy đã mấy lần tìm đến tận nhà Trần Huyền Trân, nhưng tiếc thay đều không gặp. “Người thêu thơ” chỉ còn biết để lại bài thơ thêu trên lụa. Bà Hạc Đính kể: “Mấy bài thơ ấy còn giữ được đến tận chiến dịch Việt Bắc Thu Đông 1947 thì bị mất do chạy giặc, vào đúng hôm Pháp nhảy dù xuống Bắc Cạn (7/10/1947). Ông Trân lúc ấy đi công tác vắng. Tôi phải bỏ của chạy lấy người. Tôi thấy một điều lạ là trước cách mạng có nhiều nhà thơ tài hoa, đa tình, được độc giả mến mộ, nhưng có ai đã được thêu thơ như ông Trân đâu”.

Nhưng điều may mắn là người con gái này đã để lại dấu ấn trong một số bài thơ của Trần Huyền Trân. Hiện trong tuyển tập Thơ Trần Huyền Trân, do anh Trần Kim Bằng, con trai nhà thơ sưu tầm, tuyển chọn, có 2 bài nói về người yêu thơ đặc biệt này:

Bài Gửi người thêu thơ (I), với lời đề từ Tặng Lý Lê và ghi chú Sơn Nam 1940.

Bài thơ như một câu chuyện tình kỳ ngộ. Một tấm lòng tri âm tri kỷ vô cùng cảm động. Xin chép đầy đủ:

Phải người là xuân nữ
Thơ tôi làm hương đưa
Phải người là cô phụ
Thơ tôi làm trăng Thu.
Là ai mà tâm sự
Gửi kim chỉ đường tơ
Là ai? Mà tình tự
Với tình tôi trong thơ
Người dáng mây theo gió
Như bóng của hình ai
Tội tình hay duyên nợ
Chong đèn thêu thơ tôi.
Mặt nhau chưa từng biết
Tiếng nhau chưa từng nghe
Tôi vừa đi người đến
Tôi vừa về người đi.

Bài Gửi người thêu thơ (II), không có lời đề từ, có ghi chú Sơn Nam 1941 - 1942. Đây là lời tưởng nhớ người thêu thơ (lúc ấy đã đi lấy chồng?):

Biết nhau từ chuyện thêu thơ
Mực đi giấy lại đâu ngờ hóa thân
Có khi lòng đã hẹn thầm
Cất đi sông núi cho gần chiêm bao
Vườn tôi đang thắm sắc đào
Chợt hoa tin cũ, vội chào bướm xa
Nào ngờ người đốt đuốc hoa
Động phòng... bỗng đổi ra là... lãnh cung
Vần thơ thêu đã cuối cùng
Mối tơ thắt lại, mối lòng rách thêm...

Những bài thơ nào được thêu? Bà Hạc Đính còn nhớ đó là các bài Thu, Thư bà, Tương tư (bài này không có bốn câu đầu như trong tuyển tập Thơ Trần Huyền Trần - theo trí nhớ bà Hạc Đính), Sầu chung. Nếu vậy thì những bài thơ thêu không phải là những bài thơ tình lãng mạn kiểu như Thơ không có tên, Mùa không tiếng gọi, Tiễn biệt trong chùm bài về tình yêu của thi sĩ. Đây là những bài chủ yếu nói về nỗi khổ của kiếp người và thân phận của chính tác giả. Cũng có nói đến tình yêu nhưng là một tình yêu đơn phương, xa vời.

Và mối tình của cô gái bán sách

Nhưng rồi một hôm bà Hạc Đính bảo tôi đến để bà kể một câu chuyện quan trọng mà bà chưa kể với ai: chuyện về người yêu cuối cùng của Trần Huyền Trân, trước khi lấy bà.

Thuở ấy, cô Thục là con gái một ông đốc tờ thú y. Ông đốc cho con gái một cửa hàng bán sách và văn phòng phẩm ở phố Huế, gần chợ Hôm, gọi là “Anh Phương thư quán”. Trần Đình Kim - thuở ấy chưa mang bút danh Trần Huyền Trân - và các văn nghệ sĩ thường đến “Anh phương thư quán” mua sách bút, nên quen cô Thục. Hai người từ quý mến nhau mà yêu nhau. Mấy người em cô Thục cũng quý mến Trần Đình Kim và mãi về sau này vẫn nhắc lại. Duy chỉ có ông đốc tờ thì kiên quyết phản đối, vì ông thấy Kim chỉ là một văn sĩ quèn, không xứng đáng với “lá ngọc cành vàng” nhà ông. Chưa kể gia đình Kim lại chẳng “môn đăng hộ đối” chút nào. Cô Thục quen nếp sống gia giáo, không dám trái lệnh cha. Về sau, ông đốc gả cô Thục cho con một nhà buôn giàu có ở phố Hàng Bồ.

Năm 1946, nhà thơ Trần Huyền Trân làm lễ cưới với nghệ sĩ Hạc Đính. Đây có lẽ là một đám cưới “đời sống mới” đầu tiên ở Hà Nội, chỉ có trà thuốc, không cỗ bàn, không đón dâu, thế nhưng cô Thục (lúc ấy có chồng rồi) vẫn tặng người yêu cũ một đôi gối rất đẹp, thêu lồng 2 chữ TĐ (Trân Đính). Bà Hạc Đính bảo: “Tôi còn nhớ chị ấy nói với tôi: Đính có hạnh phúc được làm bạn với anh Kim, còn chị thì bạc phúc”.

Về già, Trần Huyền Trân bị liệt, nằm trên giường bệnh của bệnh viện Việt Xô (những năm 1987 - 1989), bà Thục cũng đến thăm. Bà Đính gợi ý chồng nên tặng bà Thục tập Rau tần mới in, một tập thơ mỏng dính, in giấy rất xấu nhưng hồi ấy được thế đã là quý lắm. Trần Huyền Trân lúc này đã run tay, lại nhờ vợ viết lời đề tặng. “Viết thế nào, ông cứ đọc” - bà Đính bảo. “Bà viết cho tôi rằng: Tặng người yêu thơ Trần Huyền Trân, chỉ cần thế thôi”. Bà Đính đem đến tận nhà bà Thục. Bà Thục khóc. Ông chồng cũng rất cảm động. (Kể đến đây, bà Hạc Đính rơm rớm nước mắt). Bà Đính an ủi bà Thục: “Trước kia chị bảo chị bạc phúc không lấy được anh Trân, nhưng nếu lấy thì bây giờ anh ấy bệnh tật cũng khổ”. Bà Thục bảo: “Không. Khổ hơn thế nữa chị cũng vẫn thấy hạnh phúc”. Về sau, cả hai ông bà đều bị liệt, giống hệt bệnh của Trần Huyền Trân. Ông mất trước, bà mất sau.

Bà Hạc Đính ngồi im lặng. Một thời xa vắng bỗng trở nên gần gũi như hiển hiện trước mắt. Không ngờ người đồng thời với những văn thi sĩ tiền chiến ấy vẫn còn sống đến hôm nay, làm chứng nhân của lịch sử với một sự thông thái, mẫn tiệp lạ lùng.

Bài 3 & hết: Cô Mai thời “nửa chừng xuân”
 
Đào Tiến Thi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm