Nhà thơ Y Phương - Một đời nặng lòng với văn hóa 'người đồng mình'

08/01/2020 19:45 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Có một nhà thơ mang trong mình sứ mệnh đưa văn hóa của “người đồng mình” (người Tày) phổ rộng, giao hòa với những vùng văn hóa khác của Việt Nam như một dấu ấn đầy kiêu hãnh. Đó là nhà thơ Y Phương (Hứa Vĩnh Sước). Đọc Nói với con - bài thơ được đưa vào SGK lớp 9 - hay bất cứ sáng tác nào của Y Phương, ta đều thấy trong đó ít nhiều những giá trị mà nhà thơ một đời nặng lòng.

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa (kỳ 2): 'Làm anh' – 'bài thơ quốc dân' về tình cảm anh em

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa (kỳ 2): 'Làm anh' – 'bài thơ quốc dân' về tình cảm anh em

Như bài kỳ 1 Phan Thị Thanh Nhàn: Nửa thế kỷ … "Hương thầm" thơm mãi bước người đi (TT&VH, số ra ngày 25/12/2019) đã phản ánh, hiếm có tác giả nào lại có nhiều tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa như nữ sĩ này. Bên cạnh Hương thầm là Làm anh (SGK lớp 2), Nàng tiên ốc (SGK lớp 4), Chị Võ Thị Sáu (SGK tập đọc),…

Vào những năm 1980, đất nước rơi vào hoàn cảnh muôn vàn khó khăn. “Cũng giống như một vết thương đang lên da non, trong thời điểm khó khăn như vậy, thường sinh ra kẻ xấu và người tốt, kể cả những người tốt nếu không vững vàng cũng nhầm đường lạc lối…” – ông chậm rãi kể.

“Nói với con” cũng là nói với chính mình

Cho đến hiện tại, khi ngồi nhớ về những cảm xúc gần 40 năm về trước, khi chấp bút viết nên bài thơ Nói với con, nhà thơ Y Phương vẫn giữ nguyên một thái độ, một cảm xúc, ông tâm sự: “Quả thực trong bối cảnh đó, tôi cũng hoang mang, thậm chí bức xúc, không biết bấu víu vào đâu, tôi nghĩ chỉ có bấu bíu vào văn hóa truyền thống. Giấy rách phải giữ lấy lề, văn hóa truyền thống kềm giữ lại để con người không làm những điều xấu xa, khắc phục những khó khăn. Chính vì thế, tôi mới viết bài Nói với con”.

Đặt nhan đề Nói với con hiểu theo mặt chữ nghĩa đúng là lời tâm sự của một người cha với người con. Thế nhưng đó chỉ là cái cớ để nhà thơ nói với chính mình, với tất cả mọi người rằng: Trong những điều kiện khó khăn dễ khiến con người ta tha hóa về mặt bản tính làm người, thì phải vững vàng, giữ niềm tin vào truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.

Chân phải bước tới cha

Chân trái bước tới mẹ

Một bước chạm tiếng nói

Hai bước tới tiếng cười

Người đồng mình yêu lắm con ơi...

(Trích "Nói với con")

Thông qua 28 câu thơ, những dấu ấn văn hóa của người Tày được đặc tả đậm nét như: “Đan lờ cài nan hoa”, “Vách nhà ken câu hát”, “Sống trên đá, sống trong thung”, “Lên thác xuống ghềnh”…

Chú thích ảnh
Nhà thơ Y Phương (tên thật là Hứa Vĩnh Sước)

Đối với nhà thơ Y Phương, việc bài thơ được in trong sách giáo khoa, trước tiên là niềm vui, niềm hạnh phúc. Sau đó là niềm tự hào không của riêng ông mà của cả cộng đồng người Tày khi có tác phẩm nói về dân tộc mình được giảng dạy, như một cách để những thế hệ trẻ tiếp cận, thấu hiểu, thêm trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Cho đến thời điểm hiện tại, bài thơ Nói với con đã sống gần 40 năm với biết bao thế hệ học trò như một bài học ý nghĩa về giá trị sống của một đời người mà cao hơn là giá trị văn hóa của một dân tộc. Dẫu cho những biến thiên về không gian, thời gian, thậm chí là nhận thức thì bài thơ vẫn sẽ sống với vẹn nguyên giá trị văn hóa ẩn tồn trong mình bằng niềm kiêu hãnh của những “người đồng mình”, như nhà Y Phương đã viết: “Người đồng mình thô sơ da thịt/ Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con/ Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương/ Còn quê hương thì làm phong tục”.

“Ghét của nào, trời trao của ấy”

Không chỉ có Nói với con, gia tài của nhà thơ Y Phương còn có nhiều sáng tác khác ghi dấu ấn trên thi đàn như: Đàn then, Tiếng hát tháng Giêng, Mùa hoa, Tên làng… Ấy vậy mà, khi nhà thơ tâm sự rằng: “Trong văn chương, tôi ghét nhất là thơ” hẳn sẽ khiến nhiều người phải bất ngờ.

Bản thân là người dân tộc thiểu số, nhà thơ Y Phương “thích sự rõ ràng, minh bạch, trắng ra trắng, đen ra đen, tròn ra tròn, vuông ra vuông”. Thêm nữa, thời đi học, nhà thơ chỉ thích học Toán, Lý, Hóa bởi những môn học này rất rõ ràng. Chúng trái ngược với một thế giới văn chương mênh mông, bát ngát, không có giới hạn nào.

Thế rồi văn chương với nhà thơ Y Phương hệt như một chữ “duyên” định mệnh. Những ngày học cấp 3, nhà thơ Y Phương được học Văn với một người thầy, là một nhà thơ. Qua những bài giảng đi vào lòng người của thầy, cậu học trò Hứa Vĩnh Sước dần thấu cảm được những thứ đẹp đẽ của văn chương, khiến từ một cậu học trò từng không thích học Văn đã thay đổi suy nghĩ của mình. “Văn chương có cái hay của nó. Một cái hiện thực đời sống trần trụi như thế nhưng trong mắt nhà thơ tự nhiên nó sống động, có số phận, có cuộc đời. Cái hay của văn chương ở chỗ 1+1 không bằng 2 mà 1+1=n. Đấy là cái khám phá đã làm tôi thay đổi” - nhà thơ Y Phương chia sẻ.

Chú thích ảnh
Một trang bài thơ “Nói với con” trong sách giáo khoa Văn lớp 9

Từ việc thay đổi nhận thức cho đến chùm thơ đầu tay đăng trên báo tường khi đi bộ đội chắc chắn là quãng thời gian để nhà thơ Y Phương thấy được rằng: “À! Hóa ra mình cũng làm thơ được à, thơ cũng được”. Đó chính là thời điểm khởi nguồn cho những sáng tạo văn chương mà cụ thể là thơ đã làm nên một cá tính thơ chẳng thể trộn lẫn như ở Y Phương.

Con đường bén duyên với văn chương của nhà thơ Y Phương đơn giản nhưng cũng đầy đặc biệt. Người ta vẫn bảo rằng: “Ghét của nào trời trao của ấy” điều này đúng với nhà thơ Y Phương. Nghiệp văn thơ vận vào đời Y Phương như duyên nợ tiền kiếp bằng sự đón nhận ngẫu nhiên khiến bản thân nhà thơ cho đến hiện tại vẫn lựa chọn cho mình một hướng sáng tác “chẳng giống ai”, “nhẩn nha sống, nhẩn nha thơ”.

Đọc thơ Y Phương có thể người ta chẳng tìm được những vầng thơ trau chuốt, mỹ miều, nhưng lại có thừa sự lãng mạn, bay bổng kết hợp với sự phóng khoáng như sông, như suối, mạnh mẽ như tiếng của rừng. Thế nên có người đã nhận xét rằng: “Thơ Y Phương như tiếng hát của một con đại bàng vẫy vùng giữa trời xanh đại ngàn”. Ấy vậy mà, nhà thơ vẫn chỉ khiêm nhường nhận “thơ tôi chỉ là chim sẻ mà thôi”.

“Bỏ rừng xuống phố”… là một sự hy sinh

Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng viết: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”. Quả vậy, núi rừng, sông suối của người Tày đã hóa vào tâm hồn của nhà thơ Y Phương giống như cây rừng bám gốc nơi đại ngàn. Cho đến ngày hôm nay, sống giữa phố thị hiện đại, chưa bao giờ tâm hồn Y Phương thôi nhớ về quê nhà (Trùng Khánh, Cao Bằng).

Tâm tưởng luôn nghĩ về quê hương quyện với hồn thơ tự nhiên giúp Y Phương mỗi lẫn chấp bút đều thể hiện phảng phất hồn vía người Tày trong từng câu, từng chữ. Để rồi, người ta vẫn coi ông như người có sứ mệnh mang văn hóa, thi ca người Tày hòa quyện với dòng chảy văn hóa thời đại.

Nhà thơ Trần Mạnh Hảo từng nhận xét: “Hóa ra Y Phương có khả năng mang núi non Cao Bằng vời vợi, chông chà vào trong chạn bát nhà mình mà nghiêng ngả tùy thích, để mai núi lại song đôi thành đũa gắp trời, gắp xong cái vô biên nó lại về mâm nhà thơ sóng soài như ngả rạ”.

Với tác giả Nói với con, khi “bỏ rừng xuống phố”, chấp nhận một cuộc sống ở nơi mà ông ví von chỉ là “một cái hộp diêm”, thực sự là một sự chuyển hóa, một sự hy sinh lớn. “Bứng ra khỏi không gian văn hóa của dân tộc mình, nói thật tôi rất buồn và cảm thấy cô đơn giống như cây bị bứng ra khỏi rừng chỉ để làm cảnh, trang trí, không thể ra hoa kết quả. Còn khi tôi ở quê là được sống trong không gian văn hóa truyền thống của dân tộc mình, giống như cây trong rừng đến mùa là nở hoa, kết quả” - nhà thơ Y Phương bộc bạch.

Sự hy sinh của ông khi rời bỏ quê hương để về nơi phố thị chính là tình cảm của một người cha, một người ông nghĩ cho tương lai của con cái mình, cháu chắt mình. Bởi ở thành phố có nhiều điều kiện để con người tiếp xúc với ánh sáng văn minh của nhân loại, để phát triển ngày một hiện đại hơn. Nhắc về điều này, nhà thơ vẫn coi sự hy sinh của mình chỉ là sự hy sinh cảm xúc của cá nhân để mưu cầu những cái khác lớn hơn cho những người xung quanh mình.

Dẫu có những khi “thèm được nghe một điệu hát của dân tộc mình”, có những lúc buồn nhớ quê nhà da diết nhưng với ông, mọi sự đều sẽ thuận theo tự nhiên. Có như thế nào thì vận động theo thế đó. Một lòng dành trọn tâm tư cho quê hương, bởi thế nhà thơ Y Phương vẫn giữ nguyên vẹn cái nhìn “bằng đôi mắt thơ ngây của hoa lá dân tộc mình, rung động bằng trái tim suối nguồn và suy tư bằng sừng sững đá”.

Đã ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm”, với gần 40 năm cầm bút, đời thơ của Y Phương giống như một cuộc dạo chơi với những con chữ, “vượt qua cả kỹ thuật chữ, không in vết tay thợ lành nghề lên trang giấy, như thể người nghệ sĩ thở ra cảm xúc và ngôn từ, hổn hển, tươi rói”. Để rồi những thi phẩm như Nói với con ra đời, sống bền bỉ trong lòng bạn đọc tự bao thế hệ.

(Hỏi đáp quá khứ - hiện tại - tương lai)

“Được sống trong văn hóa dân tộc mình là hạnh phúc lớn nhất”

* Ông có hài lòng với cuộc sống hiện tại không?

- Về vật chất, tôi không quan tâm phải mặc thế nào, ăn thế nào cho sang. Có thế nào thì ăn, mặc thế ấy. Tôi không quá cầu kỳ, ăn đủ no, mặc đủ ấm, ra đường không bị người ta chê ăn mặc cẩu thả, thế là được. Tất nhiên là khi ra đường phải ăn mặc tử tế. Đời sống của tôi giản dị, bình thường.

Còn về đời sống tinh thần, thành phố có nhiều điều kiện thuận lợi để tôi được tiếp xúc với các thông tin về đời sống, về văn chương, về nghệ thuật hằng ngày. Nhưng sâu thẳm trong tôi, được sống trong môi sinh văn hóa của dân tộc mình vẫn là điều hạnh phúc lớn nhất.

* Nếu được quay trở về thời kỳ đỉnh cao, ông sẽ làm gì?

- Nếu được quay trở lại, tôi muốn mình là một anh nông dân cày cuốc trên cánh đồng của mình. Tất nhiên vẫn tiếp tục sáng tác, nhưng sáng tác không phải là nghề. Với tôi, sáng tác khi nào cần, có cảm xúc thì viết, không viết lại trở về cuộc sống bình thường.

* Giờ đây, mong muốn lớn nhất của ông dành cho những sáng tác của mình là gì?

- Tôi bây giờ gần như đã đóng gói lại những tác phẩm đã viết của mình, kể cả kịch, tản văn, thơ, trường ca, giống như đóng gói một chuyến tàu trước khi đi xa, để chuẩn bị một hành trang khác. Tư tưởng của tôi bây giờ là như vậy, không còn ham hố viết những cái dài, dự định này kia. Nhưng khi cảm xúc đến thì vẫn cứ viết.

* Xin cảm ơn ông!

(Còn nữa)

Công Bắc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm