Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa - Đỗ Bích Thúy: 'Nhớ khói là nhớ mẹ, nhớ nhà'

31/05/2023 18:41 GMT+7 | Văn hoá

Nhà văn Đỗ Bích Thúy là người Kinh, sinh ra và lớn lên ở miền núi đá Hà Giang. Vùng đất này đã thấm tháp vào từng tế bào của chị. Vậy nên, từ khi rời thung lũng của mình đến thành thị học tập và làm việc, chị như ngọn khói phiêu lưu trong nỗi nhớ về nơi đã là máu thịt và chị viết về nó. Tản văn Và tôi nhớ khói trong sách Ngữ văn 6, tập 2, bộ Chân trời sáng tạo sẽ đưa học sinh về với một khung trời lãng mạn, một nỗi nhớ đẹp mong manh nhưng quấn quýt mãi.

Độc giả đến với văn chương Đỗ Bích Thúy là đến với các bản làng đẹp đến nao lòng, nơi ấy cũng có những thân phận (đa số là phụ nữ) buồn đến nao lòng.

"Vừa đọc vừa thỏa sức hình dung"

* Tản văn "Và tôi nhớ khói" được viết trong hoàn cảnh nào? Kỷ niệm và cảm xúc khi ấy hẳn vẫn khiến chị còn nhớ rõ?

- Đó là một trong số nhiều bài tản văn tôi viết trong cuốn Tôi đã trở về trên núi cao. Hầu hết những bài tôi viết trong cuốn sách đó đều có chung một cảm xúc là nỗi nhớ nhung vùng đất mà tôi đã rời đi, là những ký ức đẹp đẽ về tuổi thơ mà tôi đã có bên gia đình, cha mẹ, người thân.

Và tôi nhớ khói là bài tôi viết riêng về ngọn khói trong căn bếp của gia đình, cũng là ngọn khói trong đời sống của người miền núi. Nó là hơi ấm, là sự sống, là niềm hạnh phúc giản dị của cuộc sống ở miền núi.

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa - Đỗ Bích Thúy: 'Nhớ khói là nhớ mẹ, nhớ nhà' - Ảnh 1.

Nhà văn Đỗ Bích Thúy

* Đường đi của tản văn này như thế nào kể từ lần đầu tiên ra đời cho đến khi vào sách giáo khoa, thưa chị?

- Thì tôi cũng viết như viết những cuốn sách khác thôi. Chỉ ngẫu nhiên là những người làm sách giáo khoa đã chọn nó thay vì những bài viết khác. Có thể vì đó là bài viết mà những người biên soạn cho rằng sẽ dễ lay động cảm xúc và trí tưởng tượng của họcsinh chăng?

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa - Đỗ Bích Thúy: 'Nhớ khói là nhớ mẹ, nhớ nhà' - Ảnh 2.

* Cảnh sắc, hương vị chị tả là kỷ niệm quen thuộc của nhiều thế hệ, nhưng với thế hệ học sinh hiện nay, có khi lại chỉ có trong thế giới tưởng tượng?

- Chẳng phải mỗi chúng ta khi đọc sách là để cho trí tưởng tượng được thoải mái rong chơi hay sao? Đâu phải mọi điều tác giả viết đều phải gắn liền với sự hiểu biết/đời sống thực tế của người đọc thì mới hấp dẫn. Ví dụ như khi ta đọc về những vùng đất rất xa lạ, hoặc những cuốn giả tưởng chẳng hạn. Mặc dù ta chẳng biết gì về vùng đất ấy, nhưng vừa đọc vừa thỏa sức hình dung, cũng thú vị lắm chứ. Có những cuốn sách như vậy đã đi theo tôi suốt những năm tháng tuổi thơ.

Ví dụ như cuốn Cuộc phiêu lưu của Karik và Valia của Yan Larri, hoặc cuốn tôi cực kỳthích là Chó hoang Dingo của nhà văn Nga Ruvim Isayevich Frayerman... Đó đều là những cuốn sách mà bối cảnh của nó không hề thân thuộc một chút nào với tuổi thơ của tôi, nhưng nó lay động trí tưởng tượng tới nỗi tôi hình dung mình ở trong bối cảnh ấy, có số phận như vậy, thì mình sẽ ra sao. Thậm chí, nó gợi ra, hối thúc tôi ngồi yên và suy nghĩ về việc mình liệu có thể trở thành một nhà văn hay không. Với một đứa bé, điều đó nghiêm túc ghê gớm. Thế nên, tôi không nghĩ là các em sẽ thấy khó khăn khi hình dung đâu.

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa - Đỗ Bích Thúy: 'Nhớ khói là nhớ mẹ, nhớ nhà' - Ảnh 3.

Một trang tản văn "Và tôi nhớ khói" trong sách Ngữ văn 6, tập 2, bộ Chân trời sáng tạo

* Các hình ảnh trong tản văn ấy, đâu là hình ảnh tuổi thơ của "bé Thúy" khi xưa: Em bé chăn trâu, em bé mải chơi quên giờ cơm cho tới khi thấy khói?

- Hầu như mọi em bé trong tản văn của tôi đều ít nhiều có hình ảnh của tôi trong đó, trừ khi tôi viết về những em bé khác. Tản văn là thể loại phi hư cấu. Người đọc thì tưởng tượng, chứ người viết thì không hư cấu đâu.

Tôi nhớ ngọn khói bếp nhà tôi, nhất là những buổi chiều muộn. Khi còn nhỏ, tôi cũng như các bạn cùng lứa chỉ đi học vào buổi sáng, còn buổi chiều ở nhà giúp cha mẹ. Nhà có việc gì thì làm nấy. Nhà tôi ở trong thung lũng, có một khu vườn to trồng cây ăn quả và chăn nuôi gia súc gia cầm. Việc chính của tôi là chiều chiều lên rừng lấy củi, đi cắt cỏ về nuôi cá hoặc chặt chuối rừng về nấu cám chăn mấy con lợn. Tôi cứ lọ mọ ở trong những cánh rừng, trên những ngọn núi, chặt những cành cây khô về, bó lại rồi vác về làm củi đun.

Những buổi chiều như thế, khi mặt trời lặn, bụng đói cồn cào, tôi đứng trên núi với bó củi trên vai và nhìn về nhà, thấy khói bếp xanh xanh bay lên như dải lụa. Đó là khi mẹ đã từ vườn về nhà và nhóm bếp nấu bữa tối. Hình dung mẹ sẽ nấu gì cho cả nhà ăn, bụng đã đói càng đói hơn.

Tôi nhớ ngọn khói ấy chính là nhớ mẹ, nhớ nhà, nhớ cái thung lũng mà tôi đã rời đi.

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa - Đỗ Bích Thúy: 'Nhớ khói là nhớ mẹ, nhớ nhà' - Ảnh 4.

Tập tản văn "Tôi đã trở về trên núi cao"

* Chị có nghĩ rằng những trích đoạn trong "Và tôi nhớ khói" sẽ truyền cảm hứng cho các em tập viết về cảm xúc của mình về những thứ nhỏ nhặt xung quanh?

- Tôi hy vọng là vậy. Khi còn nhỏ tôi là một em bé hay mơ mộng. Tôi nghĩ rằng tôi đã rất hạnh phúc với những mơ mộng và sự tưởng tượng ấy. Và nếu vì đọc tôi mà các em thích viết, thích suy nghĩ, thì thực sự là tôi đã cảm thấy mình làm được nhiều hơn cả mong đợi rồi.

"Những buổi chiều như thế, khi mặt trời lặn, bụng đói cồn cào, tôi đứng trên núi với bó củi trên vai và nhìn về nhà, thấy khói bếp xanh xanh bay lên như dải lụa. Đó là khi mẹ đã từ vườn về nhà và nhóm bếp nấu bữa tối. Hình dung mẹ sẽ nấu gì cho cả nhà ăn, bụng đã đói càng đói hơn. Tôi nhớ ngọn khói ấy chính là nhớ mẹ, nhớ nhà, nhớ cái thung lũng mà tôi đã rời đi" - Đỗ Bích Thúy.

"Đâu phải nhà văn nào cũng muốn gắn liền với một đề tài" 

* Người miền xuôi đặt chân đến Hà Giang rất dễ bị lay động bởi hình ảnh đẹp và buồn; rồi sau này du lịch và mạng xã hội khai thác triệt để. Các hình ảnh kiểu ấy đến nay còn ám ảnh chị nhiều không?

- Tôi đã viết 23 cuốn sách. Phần lớn trong số đó viết về dân tộc thiểu số và miền núi, với bối cảnh là Hà Giang. Phần lớn các nhân vật chính của tôi là phụ nữ. Liệu như thế đã gọi là ám ảnh hay chưa?

Trong quan sát và cảm nhận của tôi, những người phụ nữ miền núi, đặc biệt là phụ nữ Mông, cực kỳ vất vả. Họ có rất ít năm được thảnh thơi, vô lo vô nghĩ, khi còn là một đứa bé. Trước đây, thậm chí bây giờ vẫn còn, bé gái Mông được gả chồng rất sớm. Đơn giản vì gia đình khó khăn, bớt đi một miệng ăn cũng đỡ nặng gánh. Đơn giản vì cái phong tục của họ như vậy. Mẹ còn đang mang bầu có khi đứa bé đã được các ông bố hứa gả cho nhau rồi.

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa - Đỗ Bích Thúy: 'Nhớ khói là nhớ mẹ, nhớ nhà' - Ảnh 6.

Tiểu thuyết "Chúa đất"

Bây giờ thì đỡ hơn chút, vì các em được đến trường, việc học hành mở ra cho các em những khung trời mới, có ước mơ, có khao khát và có nỗ lực phấn đấu. Nhưng nói chung vẫn vô cùng vất vả, lao động quần quật từ sáng sớm đến tối muộn, gánh nặng kinh tế đè trên vai, trách nhiệm với gia đình, dòng họ...

Hạnh phúc của họ là hạnh phúc của người khác, của cha mẹ, chồng, con, cháu. Tôi viết về phụ nữ bằng nỗi thương cảm sâu sắc và niềm hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn với những thế hệ phụ nữ Mông sau này. Ngoài ra, tôi tập trung xây dựng các nhân vật nữ, vì tôi là phụ nữ, tôi nghĩ mình hiểu phụ nữ hơn đàn ông.

* Chị có quan tâm đến việc học và viết văn của các em học sinh vùng cao không?

- Tôi đi vùng cao nhiều. Tôi thân với nhiều cô giáo và cũng thường cùng đồng nghiệp thực hiện các chương trình thiện nguyện, mong giảm bớt phần nào khó khăn đối với học sinh miền núi. Tôi chưa nghĩ đến việc khó hơn thế là hướng dẫn các em học sinh, sinh viên viết văn như bạn nói.Tôi chỉ mong các em được học hết phổ thông, học bất kỳ một nghề nào đó có ích cho bản thân và cộng đồng, như thế đã là một điều lớn lao đối với miền núi của tôi.

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa - Đỗ Bích Thúy: 'Nhớ khói là nhớ mẹ, nhớ nhà' - Ảnh 8.

Tập truyện ngắn "Tiếng đàn môi sau bờ rào đá"

* Chị khai thác đề tài miền núi phía Bắc, Nguyễn Ngọc Tư với miền Tây Nam bộ và Đỗ Phấn miệt mài với Hà Nội từ những điều nhỏ nhất... Theo chị, đó có phải cũng là một "công thức" để làm nên thành công của một nhà văn?

- Tôi không nghĩ là có một thứ gọi là công thức đối với văn chương. Nếu có công thức, tức là bất cứ ai dùng cái công thức đó cũng sẽ trở thành nhà văn. Văn chương đâu phải như vậy. Viết hoặc không viết về đề tài nào đó là quyền lựa chọn của mỗi nhà văn. Viết văn là lao động độc lập và riêng tư, hoàn toàn không phải là việc mà cứ số đông sẽ làm tốt hơn số ít, hoặc ngược lại.

Vả lại, cày xới một vùng đất, một vùng văn hóa, không phải là câu chuyện của ngày một ngày hai. Tôi đã gắn với vùng đất của tôi gần 30 năm, nếu tính từ ngày tôi viết cái truyện ngắn đầu tiên về miền núi, năm 1994. Đâu phải nhà văn nào cũng muốn gắn liền với một đề tài đâu.

* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!

Đỗ Bích Thúy sinh năm 1975 tại Hà Giang, hiện sống và làm việc tại Hà Nội.

Đã cho ra đời 23 tựa sách, gồm 6 tiểu thuyết, số còn lại là truyện ngắn, truyện vừa và tản văn. Tác phẩm của chị chủ yếu có đề tài miền núi phía Bắc.

Các tác phẩm tiêu biểu: Tiếng đàn môi sau bờ rào đá (tập truyện ngắn), Thương nhau như người thân, Than đỏ dưới tro tàn, Tôi đã trở về trên núi cao (các tập tản văn), Bóng của cây sồi, Chúa đất (tiểu thuyết)…

Các giải thưởng: Giải Nhất truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ quân đội năm 1999-2000; giải Nhất tiểu thuyết của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2013; giải Nhất về văn học nghệ thuật Thủ đô năm 2014…

Lâm Hạnh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm