Quạnh quẽ mộ hậu tổ tuồng Đào Tấn

02/08/2014 11:00 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Đành rằng việc tảo mộ, nhang khói phải đúng dịp, đúng kì, nhưng nhân cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên sân khấu tuồng chuyên nghiệp toàn quốc 2014 diễn ra rầm rộ tại Quy Nhơn, mà mộ vị hậu tổ tuồng Đào Tấn (di tích quốc gia từ năm 1998) vẫn quạnh quẽ, đìu hiu thì cũng cảm thấy xót xa.

Viếng thăm mộ Đào Tấn (1845 - 1907) cả trước, trong và ngay sau cuộc thi mà chẳng thấy một lần khói nhang, cờ xí. Khoảng cách từ nơi cuộc thi diễn ra cho đến mộ Đào Tấn chỉ vào khoảng 15 đến 17 km, di chuyển bằng xe ô tô vào tận nơi mất khoảng 25 đến 30 phút.

Trong các thông tin có tính chất định hướng báo chí, BTC xem việc tổ chức cuộc thi này tại Bình Định là ý nghĩa: vì đây được xem là đất của vị hậu tổ tuồng Đào Tấn, với phong cách tuồng đặc trưng. Giá như BTC thực hiện một cuộc viếng thăm, nhang khói nhân cuộc thi đang diễn ra thì hay biết mấy, vì không ít diễn viên trẻ thuộc các nhà hát tuồng ở Đà Nẵng, Huế, Thanh Hóa, TP.HCM, Hà Nội… chưa từng đến đây. Dù các vở nổi tiếng của Đào Tấn như Tam nữ đồ vương, Sơn Hậu (cải biên), Đào Phi Phụng, Quan Công quá quan, Trầm Hương các, Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan, Hộ sanh đàn… thì quá gần gũi với họ.

Mộ xây theo hướng Tây Bắc, lưng dựa núi, nhìn ra cánh đồng, xa xa là nhánh sông Kôn uốn quanh, rất hữu tình. Khu di tích ngày nay được trang hoàng khá giản dị, giống phong cách tối giản của Nhật, ngoài tấm bia chữ Hán, không còn thông tin nào khác về thân thế, sự nghiệp Đào Tấn.

Đào Tấn được coi là hậu tổ hát tuồng (còn gọi hát bộ, hát bội) - là vị tổ thứ 2 trong 3 vị tổ nghề sân khấu cận đại Việt Nam, gồm Phạm Thị Trân, Đào Tấn, Cao Văn Lầu. Ông thuộc dòng dõi tiên tổ sân khấu Đào Duy Từ (1572-1634). Ông để lại khoảng 40 vở tuồng (gồm cả sáng tác chung, cải biên, chỉnh lý), gần 1.000 bài thơ, từ, tản văn, liễn đối, lý luận tuồng… Theo gia phả, ông được vua giao soạn nhiều nhạc chương khúc điệu, nay đã bị thất truyền.

Như Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm