06/07/2013 13:33 GMT+7 | Bóng đá Anh
(Thethaovanhoa.vn) - Một tuyên bố chính thức trên trang chủ CLB West Brom, kèm hình ảnh Nicolas Anelka ngồi nhìn chiếc áo số 39 của anh treo trên giá: “Niềm hy vọng mới sẽ kết thúc sự nghiệp tại The Hawthorns”. Gì vậy, Anelka sẽ dừng lại ư? Đừng ai vội tin điều đó.
West Brom là CLB Premier League thứ 6 của Anelka.
Bởi vì khi đến Thân Hoa Thượng Hải vào tháng 1 năm 2012, đích thân Nicolas Anelka cũng nói ra những điều tương tự như thế: “Tôi sẽ không trở lại Premier League nữa. Nếu một ngày tôi rời Thân Hoa, tôi sẽ giải nghệ”. Anh đã dối trá, nhưng cũng đừng cười chê anh. Gã du mục luôn là như vậy.
Đáng lẽ ra, Anelka đã an phận tại Thân Hoa Thượng Hải, với mức lương lên đến 180 nghìn bảng/tuần ở đây. Nhưng rồi anh đã rời bỏ Trung Quốc, nơi anh được gọi là “Hoàng đế” vì rắc rối liên quan đến tiền bạc. Anelka đi theo tiếng gọi của Juventus, vì mơ được trở lại Champions League. Giấc mơ không đẹp lắm, khi anh chỉ được ra sân 3 trận và không ghi bàn nào. Để giờ, anh về West Brom.
Sự nghiệp của Anelka là một chuỗi những điều bất bình thường như vậy. Anh không bao giờ ngồi yên được một chỗ, và chẳng khi nào chịu sống ổn định trong cái chăn ấm áp. Anh tham vọng, nên khi đạt được điều gì đó, lại muốn nhiều hơn nữa. Khát vọng của cầu thủ theo đạo Hồi này đủ lớn, để anh sẵn đạp đổ những gì đã gây dựng được.
Tháng 8 năm 1998, tức ngay sau khi Anelka giành cú đúp vô địch quốc nội với Arsenal, anh gọi người đồng đội Marc Overmars là “kẻ ích kỷ”: “Tôi không bao giờ được nhận đủ bóng để thi đấu. Tôi sẽ sớm gặp HLV vì Marc Overmars là một kẻ quá ích kỷ”, và sau câu nói này chỉ gần 1 năm sau, anh chuyển đến Real Madrid.
Anelka cứ ngỡ mình sẽ trở thành ông hoàng ở Real Madrid, khi đội bóng bỏ ra tới 22,3 triệu bảng để mua anh (kỷ lục thế giới lúc bấy giờ). Nhưng ngay trận đầu tiên, anh vỡ mộng. Trong phòng thay đồ, không ai nói với Anelka một lời nào, mà chỉ lặng lặng chuẩn bị cho trận đấu, hoặc một nhóm cầu thủ Tây Ban Nha cười đùa với nhau. Mãi về sau, Geremi và Eto’o mới tiến lại để nói với anh: “Người anh em cẩn thận. Họ đang thắc mắc tại sao chủ tịch lại mua cậu, khi đội bóng đã có Morientes”. Kết quả: Anelka rời Real ngay sau chức vô địch Champions League 1999-2000, dù anh ghi 2 bàn trong 2 lượt trận bán kết với Bayern Munich.
Ở đội tuyển Pháp, Anelka cũng chưa từng biết phục tùng ai, và vẫn mang thói quen “thích thì đá” từ CLB lên tuyển. Tháng 11 năm 2002, Anelka từ chối vào sân thi đấu khiến HLV đội Pháp lúc bấy giờ là ông Jacques Santini vô cùng tức giận: “Tôi không cảm nhận được rằng ông ta thực sự muốn chọn tôi. Tôi hy vọng rằng sự vắng mặt của tôi chỉ là tạm thời. Tôi muốn trở lại một ngày nào đó”. Jacques Santini từ đó không gọi Anelka vào tuyển nữa, cho đến khi ông rời đội vào năm 2004.
Sự cố ấy cũng tương tự như vụ Anelka chửi HLV Domenech là “đĩ điếm”, chỉ vì ông này bức xúc vì anh không đá tiền đạo cắm mà lại dạt cánh. Vụ cãi cọ giữa họ sau này làm bùng phát vụ cả đội Pháp bỏ tập ở World Cup 2010, đến giờ vẫn bị coi là nỗi nhục với quốc gia.
Sự nghiệp Anelka là một bức tranh tổng hòa của những xung đột, hân hoan và cô đơn tột cùng, kéo dài 17 năm. Bức tranh ấy có thể không hoàn hảo, nhưng chắc chắn, rất nhiều màu sắc từ cảm xúc bất chợt của Anelka, theo chiều hướng tốt và xấu.
Đ.Hiếu
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất