16/01/2016 12:36 GMT+7 | Thể thao
(Thethaovanhoa.vn)- Formula E, giải đua xe chỉ toàn sử dụng xe chạy điện đầu tiên trên thế giới, có thể không gây nhiều ồn ào và hiện chưa có các xe nhanh như người anh em họ vẫn dùng xe chạy xăng của nó Formula One, nhưng thể loại mới này, đang ở trong mùa giải thứ hai, đã tạo cảm hứng cho cả một thế hệ mới những người yêu tốc độ, nhưng đồng thời cũng yêu môi trường.
Ngân sách khiêm tốn
Những chiếc xe đua F1 là những cỗ máy trong mơ trị giá nhiều triệu đô-la. Mỗi đội chi cả một gia tài để đáp ứng những quy định kỹ thuật do cơ quan quản lý đua xe thể thao, FIA, đặt ra. Bạn phải là một sự kết hợp gần như hoàn hảo, như Mercedes khi họ kết hợp động cơ vượt trội với phần khung xe khí động học tin tế và tay lái ngôi sao Lewis Hamilton, nếu muốn chiến thắng.
Với Formula E, các quy định, giải đấu và cả ngân sách, chặt chẽ hơn nhiều. Một mùa giải tham gia F1 ước tính tiêu tốn tối thiểu 44 triệu USD, và đó là cho những đội nhỏ nhất, trong khi ngân sách của một đội Formula E bị quy định mức trần chính thức là 3,5 triệu USD. Mỗi đội Formula E sử dụng cùng loại pin điện và thiết kế thân xe, nhưng trong mùa thứ hai này, họ được tự do phát triển động cơ xung quanh động cơ điện, bộ đảo lưu và hộp số.
Đội Formula E của Renault, Buemi là người thứ hai từ trái sang
“Formula E đã đảm bảo các quy định kỹ thuật để cuộc chơi được công bằng”, tay lái của đội Renault, Sebastien Buemi, nói. “Quy định mở ra rất chậm. Phần động cơ lắp phía sau và hệ thống nhún được phép chỉnh sửa, nhưng công suất của pin điện là như nhau cho tất cả mọi người, nên khó mà tạo ra khoảng cách lớn trong thành tích của các đội”.
Sự khác biệt lớn nhất giữa các xe đua chạy điện với các cỗ máy F1 có lẽ là tiếng ồn, nhưng Buemi tiết lộ ngoại trừ điều đó, cảm giác ngồi sau tay lái một chiếc Formula E giống kỳ lạ với những cuộc đua F1. “Mọi người muốn biết sự khác biệt, nhưng phải nói là nó không khác nhiều”, Buemi giải thích, anh từng có 3 mùa giải đua F1 với đội Toro Rosso và hiện vẫn là tay đua dự bị của đội Red Bull. “Pin phía sau làm xe nặng hơn và đảo hơn, nhưng không khác gì nhiều so với lái F1, có số, phanh (thắng), một chân ga; tôi khá chắc là trong tương lai gần, sự khác biệt lớn duy nhất chỉ còn là tiếng ồn”.
Đam mê tốc độ
Nếu nói về tốc độ, Formula E còn kém khá xa những cỗ máy F1. Nhà vô địch thế giới F1 hiện nay Hamilton đạt tới vận tốc 362 km/g ở giải gần nhất, Grand Prix Mexico. Còn với các xe điện thì sao?
“Đường đua của Formula E ngắn hơn nhiều so với F1 nên nơi duy nhất chúng ta có thể so sánh là Monaco, vì cả Formula E và F1 sử dụng cùng một đường đua ở đó”, Buemi nói. “Dù Formula E không dùng chính xác đường đua cho Grand Prix Monaco. Chúng ta biết tốc độ cao nhất đạt được ở đó tại ePrix là khoảng 215-220 km/g, và các xe F1 chạy được 280 km/g ở Monaco. Vì thế F1 vẫn nhanh hơn. Nhưng đua xe điện giờ mới đang ở bước khởi đầu và tôi chắc chắn là chúng tôi sẽ tiến gần họ hơn”.
Cuộc đua Formula E diễn ra ngay dưới chân điện Kremlin
Formula E còn xây dựng sự hấp dẫn trên một phương diện khác: khó đoán nhà vô địch hơn nhiều. “Formula E là một trò chơi đoán tên”, BLV Jack Nicholls nói. “Trước mỗi cuộc đua, không ai biết người nào có khả năng vô địch. Các cuộc đua dồn dập cũng khiến các bên không thể kịp thu thập và phân tích dữ liệu, nên mỗi chặng đua luôn vô cùng phấn khích. F1 là cờ vua ở tốc độ 300 km/g, trong khi Formula E là xe điện đụng ở tốc độ 200 km/g”.
Đua trên đường phố
Những thánh đường đua xe thế giới như Monza ở Italy, Silverstone ở Anh và Spa ở Bỉ thường xuyên làm chủ nhà cho các cuộc đua F1, nhưng những đường đua quá dài đòi hỏi tốc độ rất cao này không hợp với những tay đua dùng xe chạy pin. Thay vào đó, Formula E đua ngay trên đường phố ở những trung tâm các siêu đô thị từ Bắc Kinh tới London.
Đường đua ngắn cũng là nơi để phô diễn những chiếc xe điện tốt hơn với giới thị dân là khách hàng chính của xe điện và đưa môn này tới gần người hâm mộ hơn. “Nếu bạn sống ở thành phố, bạn chẳng phải đi đâu xa (để xem đua xe)”, Buemi nói. “Rất dễ tới các đường đua và gần như chạm tay vào xe”.
Nicholls, cũng bình luận cả F1, so sánh trải nghiệm của ông: “Để đi xem xe F1, bạn phải làm cả một cuộc hành hương, bắt xe buýt hay xe lửa rời đô thị cả trăm cây số. Được xem đua xe ngay giữa thành phố với Formula E là một trải nghiệm thật khác biệt. Chạy đua quanh điện Kremlin ở Moscow chẳng hạn, tạo ra bầu không khí thật khó tin. Kết quả là bạn thu hút được đội ngũ khán giả rất đa dạng, chứ không chỉ những fan ruột như F1”.
Năm 2016, F1 sẽ tổ chức tới 21 Grand Prix, một kỷ lục, trong khi hiện đua xe điện mới có 10 điểm đến trên toàn thế giới trong mùa này. Nhưng Formula E cũng vừa bổ sung hai đường ePrix mới ở Paris và Mexico. Mùa thứ ba, họ có tham vọng mở thêm 4 đường đua nữa ở Australia và châu Phi. “Chúng tôi muốn mở rộng, như 21 (như F1) sẽ là quá nhiều”, Tổng giám đốc Formula E, Alejandro Agag, nói. “Có lẽ 16-18 điểm là đủ”.
Luật lệ và tính điểm Những điểm “pit stop”, dừng xe giữa vòng đua để điều chỉnh kỹ thuật, với Formula E thường là đổi xe hơn là thay lốp. Mỗi chiếc xe được sạc pin chạy 30 phút nên các tay đua buộc phải đổi sang một xe khác được sạc đầy điện trong một cuộc đua ePrix thường mất khoảng 50 phút. Các đội không phép được sạc điện cho xe khi đang đua chính thức và vòng loại. Hệ thống tính điểm của Formula E hiện cũng giống F1, với người chiến thắng giành 25 điểm và giảm dần cho tới hạng 10 còn 1 điểm. Formula E tăng thêm phần kịch tính với việc trao thêm 3 điểm nữa cho người về nhất vòng loại và 2 điểm cho ai giành được vòng đua nhanh nhất trong một chặng đua. |
Hải Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất