Iran quyết theo đuổi chương trình hạt nhân

10/11/2011 06:14 GMT+7 | Trong nước

Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad hôm nay tuyên bố quốc gia Hồi giáo sẽ không từ bỏ chương trình hạt nhân, bất chấp bản báo cáo mà Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) vừa đưa ra.



Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad nói trước đám đông tại Shahr-e Kord hôm nay. Ảnh: AFP

"Iran sẽ không đi chệch dù chỉ một phân khỏi con đường mà chúng tôi đã chọn", AFP dẫn lời phát biểu của ông Ahmadinejad nói trước một đám đông ở thành phố miền tây Shahr-e Kord.

Tổng thống Iran cũng có những phát biểu nhằm vào nước Mỹ, quốc gia mà ông cho rằng cung cấp "những chứng cứ rỗng tuếch" đã được đề cập trong bản báo cáo của IAEA.

"Chúng tôi sẽ không chế tạo bom hạt nhân, dù cho các vị có tới 20.000 quả bom như vậy. Chúng tôi sẽ phát triển dựa trên những điều mà các vị không thể nói gì được, đó là đạo đức, nhân tính, đoàn kết và công bằng", ông Ahmadinejad nhấn mạnh. "Các vị nên biết rằng chẳng có kẻ thù nào của nhân dân Iran từng được nếm trải mùi chiến thắng".

Đây là phát biểu chính thức đầu tiên của nhà lãnh đạo Iran sau khi IAEA đưa ra bản báo cáo mới nhất về chương trình hạt nhân của nước này, trong đó cho hay quốc gia Hồi giáo vẫn tiếp tục nghiên cứu vũ khí hạt nhân và chưa bao giờ tiến gần tới việc chế tạo được một quả bom nguyên tử như hiện nay.

Lãnh đạo của các quốc gia trên thế giới cũng đồng loạt đưa ra phản ứng về bản báo cáo của IAEA. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev hôm qua cảnh báo rằng việc Israel đe dọa tấn công Iran là cực kỳ nguy hiểm, và có thể dẫn tới một đại họa. Ông Medvedev kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế và tránh những lời đe dọa lẫn nhau. "Tất cả những căng thẳng hiện nay đều có thể dẫn tới một mâu thuẫn lớn, và đó là một thảm họa đối với Trung Đông", tổng thống Nga nhấn mạnh.

Bộ Ngoại giao Nga thậm chí còn thể hiện sự giận dữ trước bản báo cáo của IAEA, khi khẳng định thất vọng sâu sắc vì báo cáo này đã làm gia tăng tình trạng căng thẳng hiện nay. Moscow cho rằng bản báo cáo của IAEA có nguy cơ phá hỏng cơ hội nối lại đàm phán giữa các cường quốc trên thế giới với Tehran, nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân thông qua ngoại giao.

Trung Quốc hôm nay kêu gọi Iran thể hiện "sự linh hoạt và chân thành" sau khi bản báo cáo của IAEA được đưa ra. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho hay Bắc Kinh vẫn đang xem xét bản báo cáo nói trên, và thúc giục Iran hợp tác một cách nghiêm túc với IAEA. Ông Hồng cũng cho rằng vấn đề hạt nhân Iran nên được giải quyết thông qua đối thoại và hợp tác, đồng thời kêu gọi các thanh sát viên của IAEA thể hiện "sự công bằng và khách quan". Người phát ngôn này còn mong muốn IEAE cam kết làm rõ các vấn đề liên quan.

Ngược lại với phản ứng của Nga và Trung Quốc, hai nước cùng với Iran là thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), các cường quốc khác trên thế giới phản ứng khá mạnh mẽ với Iran sau khi bản báo cáo của IAEA được đưa ra.

Mỹ cảnh báo nước này sẽ gia tăng sức ép và sẵn sàng đưa ra các lệnh cấm vận mới đối với Iran. Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ John Kerry hôm qua kêu gọi việc duy trì sức ép đối với Iran. "Thực tế là bản báo cáo của IAEA cho thấy rõ rằng Iran đã không trung thực về chương trình hạt nhân của nước này", chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ nói.

Bà Ileana Ros-Lehtinen, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, gọi bản báo cáo của IAEA là chứng cứ mới nhất cho thấy Mỹ và các quốc gia có trách nhiệm khác cần phải có những hành động mang tính chất quyết định, nhằm ngăn chặn việc Tehran sở hữu vũ khí hạt nhân.

Pháp cũng đe dọa sẽ có những lệnh cấm vận chưa từng có dành cho Iran. "Nếu Iran từ chối tôn trọng yêu cầu của cộng đồng quốc tế và khước từ việc hợp tác một cách nghiêm túc, chúng tôi sẵn sàng đưa ra những lệnh cấm vận chưa từng có, với sự ủng hộ của nhiều nước khác", Bộ Ngoại giao Pháp khẳng định.

Maja Kocijancic, người phát ngôn cho bà Catherine Ashton, Cao ủy về chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu, nói: "Những phát hiện mới của IAEA chỉ ra một cách rõ ràng sự tồn tại chính thức của chương trình phát triển vũ khí hạt nhân rại Iran".

Vấn đề hạt nhân của Iran luôn là một chủ đề nóng với cộng đồng quốc tế. Các nước phương Tây cho rằng chương trình hạt nhân của quốc gia Hồi giáo hướng tới việc chế tạo ra vũ khí nguyên tử. Tuy nhiên, Tehran luôn bác bỏ các cáo buộc và khẳng định chương trình hạt nhân của nước này chỉ vì mục đích hòa bình, đồng thời vẫn liên tục tiến hành các cuộc thử nghiệm tên lửa trong suốt thời gian qua.

Theo Vnexpress

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm