Federer thắng trên sân đấu, thua trên chính trường: Người Thụy Sĩ không thích đùa

04/12/2011 06:37 GMT+7 | Thế giới Sao

(TT&VH Cuối tuần) - Federer bảo vệ thành công chức vô địch ATP World Tour Finals (WTFs) mà không thua bất cứ trận đấu nào, lập kỷ lục 6 lần vô địch giải đấu cuối cùng trong năm, và lấy lại vị trí thứ ba thế giới từ Murray. Nhưng cùng lúc, Federer thất bại trong cuộc bầu cử ở quê. 

Roger Federer khoe chiếc cúp vừa giành được ở ATP World Tour Finals

ở London - Ảnh Getty

Bộ sưu tập kỷ lục trên sân

Rất dễ để đếm danh hiệu của Federer. Vào tới chung kết WTFs2011 và đánh bại Tsonga với tỉ số 6-3 6-7 và 6-3 để vô địch, đó là trận chung kết thứ 100 và chiếc cúp thứ 70. Anh chưa phải là người có nhiều cúp nhất, nhưng trong số đó, có rất nhiều thành tích vô tiền khoáng hậu, những kỷ lục thực sự đáng giá như 16 danh hiệu Grand Slam, 6 ngôi vô địch WTFs, 3 lần giành được 3 Grand Slam trong 1 năm, 2 năm giành được tối thiểu 11 danh hiệu.

Danh hiệu vừa có ở London là một kết quả được đoán trước, bởi nhiều tay vợt mệt mỏi và chấn thương, nhưng bên cạnh ý nghĩa là anh đã vượt qua được Sampras và Lendl để trở thành người có nhiều cúp WTFs nhất, thì nó còn giúp Federer tìm lại được cảm giác là mình vẫn chiếm ưu thế trước nhiều tay vợt nằm trong Top 10.

Cũng hơi khó để khẳng định Federer sẽ giành Grand Slam trong năm 2012, bởi năm ngoái anh cũng vô địch ở London nhưng trong cả năm 2011 anh chỉ một lần có mặt trong trận chung kết ở Roland Garros (thua Nadal) và thất bại sớm hơn ở ba Grand Slam còn lại.

Nhưng rõ ràng là Federer vẫn nằm trong số những tay vợt xuất sắc nhất thế giới hiện tại, dù anh là người nhiều tuổi nhất trong số các tay vợt top 10 (hơn người "già" thứ hai, Fish đúng 1 tháng).

Thất bại nơi chính trường

Trong khi Federer đi vào lịch sử tennis ở London thì ở Thụy Sỹ, anh thất bại trong cuộc bầu cử hội đồng bang Schwyz.

Tờ New York Times vừa kể câu chuyện Federer suýt trở thành ông nghị: Cách nay gần 2 tháng, hai fan hâm mộ của anh đã lập ra một hội trên mạng xã hội facebook có tên là "Federer trở thành thượng nghị sĩ bang Schwyz". Ở vòng bỏ phiếu đầu tiên diễn ra ba tháng sau đó, Federer nhận được 132 phiếu, dù cho anh không có tên trong danh sách ứng - đề cử và thổ lộ mình chẳng có chút hứng thú nào để trở thành ông nghị.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ báo có trụ sở ở Zurich, Tages Anzeiger, Federer bảo anh chỉ biết đến chiến dịch vận động bầu cử cho anh khi anh được cha đạo thông báo trong một lần anh đến nhà thờ làm lễ rửa tội. Federer còn đùa thêm rằng lỡ nhận được vài phiếu ở vòng một thì anh cũng muốn thắng cử ở vòng hai để giành ghế.

Thế rồi câu chuyện vùi vào quên lãng. Bởi hai ngày sau, Federer giành chiến thắng ở Basel ATP 500, tuần sau nữa anh đăng quang lần đầu tiên ở Paris Masters. Hai chủ nhân của Hội vận động trên facebook cho Federer cũng bỏ mặc cuộc hô hào của mình sau khi đã có 500 người nhấn "Like" - tham gia hội. Và sau khi Federer đăng quang ở London, số phận của cái hội đó không còn mấy ai biết.

Thực ra, cuộc bầu cử ở bang Schwyz, quê hương của Federer vẫn cứ diễn ra trong khi tay vợt huyền thoại ở Paris rồi bay sang London đánh giải. Kết quả sơ bộ của cuộc bầu cử, Federer nhận đâu đó khoảng 207 phiếu trở lại ở vòng hai. Quan chức cuộc bầu cử cho biết có khoảng 207 phiếu ghi tên người nằm ngoài danh sách đề cử, và dường như hầu hết đều là ghi tên Federer. Trong khi đó, người chiến thắng, ông Peter Foehn, 59 tuổi, giành chiếc ghế thứ hai của bang ở Thượng viện với hơn 15000 phiếu. 

Một trong những người bầu cho Federer là Olivia Luginbuehl, đến từ Pfäffikon và cũng tham gia hội vận động trên facebook. Cô gái 21 tuổi này bộc bạch rằng mình cũng là một người nghiêm túc, muốn bỏ phiếu cho ai đó có khát vọng trở thành nghị sĩ, nhưng cô không thấy bất cứ ai xứng đáng. "Bọn họ quá già hoặc đã ngồi trên cái ghế quá lâu rồi", Olivio giãi bày.

Còn lý do cô bầu cho Federer không phải vì cái miệng móm rất duyên, chơi tennis như họa sĩ vẽ tranh mà "anh ấy rất cởi mở","gắn kết với xã hội" và có trách nhiệm.

Federer trên thực tế rời trường học từ năm 16 tuổi (tức là chưa có bằng tú tài), nhưng được người dân Thụy Sĩ tôn trọng bởi sự chín chắn, có sức lôi cuốn đám đông - toàn những phẩm chất cần có của một chính trị gia.  Nhưng xưa nay Federer chưa từng dính líu tới chính trị, dù chỉ là bàn bạc, bày tỏ quan điểm về một vấn đề nào đó chứ chưa nói tới chuyện gia nhập hội, đảng hay phong trào chính trị.

Thụy Sĩ mới đây cũng đã chứng kiến một VĐV thể thao muốn nhảy vào chính trường. đó là cựu vô địch thế giới môn trượt tuyết, Paul Accola chạy đua làm đại diện dân cử của bang Graubünden vào quốc hội nước này nhưng thất bại thảm hại.

Nhưng quanh câu chuyện này, một thành viên của Hội đồng Dân tộc của Thụy Sĩ, Christian Wasserfallen đã nhận định về Federer như sau: "Anh ấy thể hiện khả năng thấu hiểu vấn đề của đất nước và ca thế giới. Anh ấy tham gia từ thiện, còn là đại sứ cho đất nước. Tức là anh ấy có những nền tảng để trở thành chính trị gia".

Chỉ có điều, hàng trăm người đã bỏ phiếu cho Federer ở cuộc bầu cử bang Schwyz hẳn cũng không muốn Federer chuyển nghề ngay lúc này. Với họ, anh vẫn là một tay vợt, vẫn chiến thắng và đem lại cho họ những khoái cảm tennis hẳn sẽ tuyệt vời hơn cả. Như lúc anh vô địch WTFs ở London, nâng cao chiếc cúp dưới ánh sàng đèn lấp lánh hát lên những mảnh giấy nhỏ phủ kín thảm đấu sân O2.

“Hãy còn quá sớm để nói về sự nghiệp trong tuơng lai của Federer, nhưng tôi có thể hình dung là anh ấy có thể trở thành một nhà lãnh đạo tài ba. Cơ hội để trở thành một lãnh đạo, một doanh nhân, hay một chính trị gia đều rất rộng mở. Anh ấy rất lôi cuốn với công chúng và anh ấy biết nói thế nào để mọi người cùng hiểu" - Chính trị gia Christian Wasserfalle.


Phạm Tấn (Pv TTXVN tại Washington DC)


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm