"Cú sốc" ở tứ kết Wimbledon: Federer bị Tsonga loại

30/06/2011 07:01 GMT+7 | Tennis

(TT&VH Online) – 6-3, 7-6 (3), 4-6, 4-6, 4-6. Sau hơn 3h đồng hồ, Federer cúi đầu lặng lẽ rời sân đấu trung tâm sau thất bại trước Tsonga ở tứ kết Wimbledon 2011.

* Tại sao Tsonga chiến thắng?

Federer, buồn ơi, chào mi ! - Ảnh Getty

Khi Federer dẫn trước tới 2-0 sau 2 set thắng mở đầu, rất nhiều người hâm mộ anh đã nghĩ đến một chiến thắng trong 3 set nhưng chắc chắn cũng có không ít khán giả trung lập cảm thấy những sự bất an tiềm ẩn đang lẩn khuất đâu đó như chỉ chực ngăn cản bước tiến của thiên tài. Tsonga của set 2 đã khác nhiều so với chính anh của set 1. Dù để thua Roger trong loạt tie-break nhưng rõ ràng á quân Australia mở rộng 2008 đã chơi ổn định và hiệu quả hơn nhiều so với set đấu thứ nhất. Tay vợt người Pháp bắt đầu chắt chiu tốt hơn những cơ hội anh có được để chiến thắng với những pha xử lý bóng chính xác hơn hẳn.

Nhưng bước ngoặt thực sự của trận đấu chỉ đến sau set 3. Tsonga thắng 6-4 ở set này và anh lặp lại những kết quả tương tự trong 2 set đấu còn lại. Chiến thắng ở set 3 trước Roger mang ý nghĩa bản lề đối với tay vợt thứ 19 thế giới bởi nó tiếp cho anh niềm tin và sự hứng khởi để bước vào set 4. Tương tự như thế, khi đã thắng Federer ở set 4, chắc chắn Tsonga hiểu rằng lịch sử đang đợi anh lật sang trang mới. Ở những set đấu quyết định, tay vợt người Pháp đều bẻ gãy được một game giao bóng của Federer và Tsonga hiểu rằng thành công đó quý như “vàng mười”. Thế nên, anh tập trung tối đa cho những game mình giao bóng. Thành công đầu tiên của tay vợt 26 tuổi là bẻ gãy được game giao bóng của Roger (chẳng hạn như game 3 của set 4 để dẫn trước 2-1 hay game 1 của set 5 để dẫn trước 1-0). Lợi thế ban đầu đó càng củng cố thêm sự tự tin và hưng phấn cho Tsonga.

Thành công tiếp theo của hạt giống số 12 là sau khi đã bẻ gãy được một game Roger cầm giao bóng rồi thì anh lập tức tập trung tối đa cho những game đấu còn lại mình cầm giao bóng trong khi sẵn sàng không bung hết sức trong những game đấu thuộc quyền giao bóng của Roger. Đó là lựa chọn chiến thuật hợp lý vì rõ ràng cơ hội chiến thắng khi cầm giao bóng bao giờ cũng lớn hơn khi phải chống lại game giao bóng của đối phương. Nên Tsonga làm thế để hao tổn nhiều thể lực và dồn sức cho game đấu anh giao bóng. Yếu tố thứ 3 giúp tay vợt Pháp nở nụ cười như mùa thu tỏa nắng chính là những cú quả của anh. Thông thường trước nay Tsonga vốn chơi thiên về thể lực và ít sự biến hóa trong cách đánh.

Nhưng trận này rất khác. Dễ thấy, tay vợt Pháp cực kỳ chú trọng và tập trung ngay từ cú service lần 1 của anh. Bóng thường đi rất nặng và rơi vào góc chữ T. Rất nhiều cú service trong số đó có tốc độ lên tới hơn 200km/h. 18 cú ace Tsonga giành được trong trận này cho thấy anh đã sử dụng vũ khí hủy diệt đó hiệu quả thế nào. Một chiến thuật khác được Tsonga vận dụng là giao bóng và lập tức tràn lưới bắt vô-lê, hoặc tung ra một cú forehand bóng sâu và thường rất nặng. Trong những trường hợp đỡ được cú service của Tsonga, Federer đã không thể trả giao bóng như ý muốn, bóng nếu không mắc lưới thì cũng đi rất lỏng, vồng cao. Những pha trả bóng kiểu ấy là cơ hội tuyệt vời để Tsonga tràn lưới tung ra cú vụt thuận tay rất nặng để ghi điểm.

Một tiến bộ đáng khen nữa của hạt giống số 12 là anh đã khá nhiều lần thực hiện những cú backhand bằng 1 tay hoặc 2 tay rất thành công. Bóng thường đi dọc dây, cách xa vị trí đứng của Federer. Dĩ nhiên, thể lực cũng là nguyên nhân quan trọng nữa khiến Federer bại trận. Ai cũng biết nếu Roger muốn đánh bại đối thủ của anh vào thời điểm này thì anh phải tìm cách kết thúc được trận đấu trong 3 set hay tối đa là 4 set vì nếu để kéo dài sang set thứ 5 hay thậm chí chỉ là set 4 thì thể lực của tay vợt Thụy Sỹ càng bị bào mòn và những cú quả của anh trở nên kém chính xác và thiếu lực hơn nhiều so với lúc đầu trận. Thế nên, khi Tsonga đưa được trận đấu sang set 4, chúng ta đều hiểu là cơ hội chiến thắng cho anh đã xuất hiện và khi anh thắng được Roger ở set 4 thì cơ hội ấy đã lớn hơn rất nhiều. Nhìn Federer đánh mắc lưới hoặc ra ngoài cả backhand lẫn forehand, cả từ cuối sân lẫn khi tràn lưới trong không ít trường hợp ở các set 4 và 5, người ta cảm thấy có gì đó như là niềm tuyệt vọng đã đeo bám tay vợt Thụy Sỹ như bóng với hình. 

* Vệt nắng cuối chiều

Tạm biệt Roger. Wimbledon vắng anh buồn biết mấy. Tay vợt Thụy Sỹ đã không để lệ rơi lúc tiến vào đường hầm khi trận đấu kết thúc. Nhưng những hình ảnh đặc tả của camera vẫn là quá đủ để người ta cảm nhận gương mặt u buồn của một huyền thoại. Gần 3 năm trước cũng trên thảm cỏ xanh của Wimbledon này, anh đã khóc. Những giọt nước mắt cay đắng lã chã rơi sau những nỗ lực đến kiệt cùng những vẫn bị vinh quang từ chối trận ở chung kết không thể nào quên với Nadal.

Lần này, đã không có giọt nước mắt nào như thế. Nhưng nỗi buồn sâu thẳm không ít hơn. 6 giải Grand Slam liền không chiến thắng. Và có thể không bao giờ anh thắng nữa. 8 năm về truớc, mặt cỏ Wimbledon chứng kiến buổi bình minh của một huyền thoại với chiếc cúp vô địch Grand Lam đầu tiên được giơ cao ở đây. 8 năm sau, Wimbledon đã không còn là màu xanh hy vọng nữa. Không có món quà nào cho sinh nhật sớm lần thứ 30 của Roger huyền thoại. Không có nụ cười nào trong một buổi chiều tà. Đỉnh cao và vực sâu như nối liền lại với nhau trong tận cùng nỗi đau của một huyền thoại bất tử.

7 chiếc cúp vô địch Wimbledon của Sampras ở kỷ nguyên mở rộng sẽ một mình lẻ bóng trong kỷ lục vinh quang. Roger không muốn tin nhưng đó là sự thật. Phút huy hoàng sau cuối đã tắt sau trận bán kết lịch sử với Djokovic ở Paris thật rồi sao? Roger đã hứa thật nhiều và…thất hứa thật nhiều. Nhưng người hâm mộ không trách và không thể trách anh. Đơn giản, anh cũng là con người bằng xương bằng thịt. Gần một thập niên qua, thế giới banh nỉ hạnh phúc vì có anh ở đó. Vì nụ cười hiền từ và phong cách lịch lãm của một quý ông. Vì tất cả những kiệt tác trên sân đấu xứng đáng được ghi vào sách giáo khoa quần vợt. Thế nên, trong nỗi buồn bã hôm nay và cả nỗi nhớ về những ngày tháng huy hoàng cũ, hãy nói “cảm ơn, Roger” không chỉ một lần. Anh đã đến với tennis thế giới bằng những bước chân nhẹ nhàng và không bao giờ đi khỏi trái tim người hâm mộ. Buồn ơi, chào mi ! Vệt nắng cuối chiều đã bỏ ta đi. Và có lẽ không bao giờ cháy nữa. Nhưng Federer là bất tử ngay cả trong lời tạ từ vẫn còn dang dở của riêng anh.

Giờ chưa phải là lúc Tsonga có thể bật champagne bởi trước mắt anh là vòng bán kết với ngọn Everest sừng sững mang tên Djokovic. “Sát thủ” trẻ Tomic đã khiến Soderling gục ngã ở London nhưng dù đã chơi với tất cả nguồn năng lượng của tuổi 18 thanh xuân ấy, anh cũng không thể ngăn bước Nole vào bán kết Wimbledon lần thứ 3 trong sự nghiệp. Tay vợt Serbia giành ace nhiều gấp đôi (14-7) và mắc lỗi đánh hỏng ít hơn nhiều so với đối thủ của anh (27-41). Thế là đủ cho một chiến thắng khó khăn (6-2, 3-6, 6-3, 7-5) nhưng xứng đáng. Không có Roger đợi Djokovic ở bán kết như tại Roland Garros nữa. Chỉ có Tsonga đang "thập diện mai phục" để báo thù cho thất bại ở chung kết Australia mở rộng 2008 mà thôi.

HT


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm