02/09/2011 10:58 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Cách đây 10 năm, phóng viên nhiếp ảnh kỳ cựu của hãng thông tấn AP Richard Drew đã có mặt gần khu Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York đúng vào lúc tòa tháp đôi này bị tấn công khủng bố. Tại đây, ông đã chớp được hình ảnh nhiều người nhảy lầu sau khi tòa tháp bắt đầu sụp đổ.
Ngay ngày hôm sau, một trong những bức ảnh của ông - Falling Man - đã xuất hiện dày đặc trên nhiều tờ báo khắp thế giới và trở thành bức ảnh ấn tượng nhất về sự kiện thảm khốc nhất này.
Vào sáng ngày 11/9 cách đây 10 năm, 2 chiếc máy bay của những kẻ khủng bố đã đâm vào Trung tâm Thương mại Thế giới. Khi đó, Drew vừa từ đường ngầm đi lên. Ông nhìn thấy 2 tòa nhà cao 110 tầng trông như 2 ống khói khổng lồ đang nhả khói đen vào bầu trời xanh trong. Ông bắt đầu bấm máy ảnh, hướng lên tầng cao nhất. Nhưng ngay sau đó, Drew nhìn thấy nhiều người mắc kẹt bên trong bắt đầu nhảy xuống trong tuyệt vọng. Đối với họ lúc đó, nhảy lầu quyên sinh còn đỡ khủng khiếp hơn là chết cháy.
Tột cùng tuyệt vọng
Một trong số những người nhảy lầu đó đã trở nên bất tử trong bức ảnh nổi tiếng của Drew - Falling Man. Mặc dù người ta chưa xác nhận được danh tính của người đàn ông trong ảnh, nhưng nhiều người tin rằng đó là Jonathan Briley, một kỹ sư âm thanh, 43 tuổi, làm việc trong một nhà hàng ở tầng trên cùng của Tòa tháp Bắc. Song đối với Drew, người đàn ông trong bức ảnh là một “chiến sĩ vô danh”.
Richard Drew
Ngày 12/9/2001, nhiều tờ báo trên khắp thế giới đã đăng tải bức ảnh này. Tuy nhiên, sự hiện diện dày đặc của bức ảnh đã gây nên cuộc tranh cãi. Nó vấp phải sự chỉ trích của nhiều độc giả khi người ta không muốn thấy lại hình ảnh kinh hoàng đó, nhất là khi họ muốn quên đi những ký ức đau thương về các cuộc tấn công khủng bố này.
“Tôi thực sự kinh ngạc khi thấy tòa tháp sụp đổ nhanh đến vậy. Tôi bắt đầu chụp khi thấy có người nhảy lầu” - Drew nói. Và không giống với bức ảnh đoạt giải Pulitzer năm 1972 của nhiếp ảnh gia Nick Út chụp một bé gái 9 tuổi trần truồng bị bỏng do bom napalm ở Việt Nam hay các bức ảnh nổi tiếng mà Drew chụp Bobby Kennedy đẫm máu đang hấp hối. “Trong bức ảnh không hề có biểu hiện trực tiếp của bạo lực”.
Bức ảnh này đã trở thành đề tài của bộ phim tài liệu 9/11: The Falling Man sản xuất năm 2006, đóng một phần quan trọng trong cuốn sách Extremely Loud and Incredibly Close của Jonathan Safran Foer. Và điều đặc biệt nữa là, được truyền cảm hứng từ bức ảnh này, người hàng xóm lâu năm của Drew tại khu chung cư ở Upper West Side là nhà văn Helen Schulman đã viết cả cuốn tiểu thuyết A Day At The Beach. Nhà văn không hề biết rằng Drew, người hàng xóm của mình chính là tác giả bức ảnh. Được xuất bản năm 2007, cuốn tiểu thuyết kể về một gia đình tìm cách thoát khỏi Manhattan tới Hamptons trong ngày 11/9.
Bàn về ý nghĩa xã hội và văn hóa của bức ảnh, chuyên gia thần học Mark D. Thompson nói rằng “Nếu phải tìm một tác phẩm thể hiện nỗi tuyệt vọng có tác động mạnh mẽ nhất đến thập niên đầu của thế kỷ 21, thì chắc chắn đó không phải là một tác phẩm văn học, âm nhạc, hay hội họa nào, mà chính là bức ảnh này”.
Trải nghiệm không bao giờ quên
Sau khi chứng kiến những cảnh khủng khiếp đó trong ngày 11/9/2001, Drew thực sự không muốn trở lại nơi này. Do vậy ông cũng không tham dự các buổi lễ tưởng niệm được tổ chức hàng năm tại đó.
Tuy nhiên, ông đã trở lại đây vào một ngày giữa tháng 7 năm nay, lần đầu tiên kể từ ngày 11/9/2001, nơi ông đã chứng kiến hàng chục người nhảy lầu chết qua ống kính của chiếc máy ảnh Nikon DCS620. “Bức ảnh này sẽ luôn là một phần của cuộc đời tôi, có lẽ hơn hẳn bất cứ bức ảnh nào khác mà tôi từng chụp” - Drew bày tỏ.
Khi được hỏi giờ ông nghĩ sao về hình ảnh gây “chấn động” của mình? “Tôi nghĩ về nó như một trải nghiệm” - Drew nói. “Tôi đã nghĩ rất nhiều về sự kiện kinh hoàng đó. Tôi nghĩ mình thật may mắn khi hàng ngày vẫn có thể trở về nhà, ở bên gia đình mình. Tôi không phải là một chiến sĩ cứu hỏa quả cảm. Tôi cũng không có người thân yêu nào phải chết trong sự kiện này, nhưng đây là trải nghiệm mà tôi sẽ không bao giờ quên. Cho dù mọi người không muốn nhìn bức ảnh của tôi, thì đối với tôi người đàn ông nhảy từ tòa tháp đôi đó vẫn luôn là một chiến binh vô danh”.
Việt Lâm
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất