Euro Typhoon - “Cuồng phong” ngưng gào thét

20/09/2010 11:05 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Cái chết của một viên phi công Arab Saudi do tai nạn liên quan tới loại máy bay chiến đấu tiên tiến Euro Typhoon, đã khiến giới lãnh đạo không quân Anh, Áo, Tây Ban Nha, Arabia Saudi và Đức đình chỉ vô thời hạn hoạt động của những chiếc chiến đấu cơ này.

Báo chí Anh hôm 19/9 cho biết, toàn bộ các máy bay thuộc phi đội Typhoon (Cuồng phong) của Không quân Hoàng gia (RAF) đã bị đình chỉ hoạt động, theo sau cái chết của một phi công Arabia Saudi.

Theo tin từ Bộ Quốc phòng Tây Ban Nha, tai nạn xảy ra bên ngoài căn cứ không quân Moron đặt tại vùng Sevilla của nước này. Chiếc máy bay kể trên bất ngờ bị rơi, không lâu sau khi rời khỏi căn cứ, buộc các phi công phải sử dụng chế độ thoát hiểm khẩn cấp.


Một chiếc Eurofighter Typhoon của Không quân Anh đang tập luyện ném bom
Sau khi rời khỏi máy bay, dù giảm tốc của ghế phóng chở theo viên thiếu tá Saudi đã không mở, khiến ông rơi thẳng xuống đất và thiệt mạng. Người hướng dẫn nạn nhân, một phi công của không quân Tây Ban Nha, đã thoát nạn và chỉ bị thương tích nhẹ.

Trong lúc chờ phía Tây Ban Nha điều tra nguyên nhân tai nạn, hoạt động của máy bay Typhoon đã bị đình chỉ như một biện pháp đề phòng. Phi công đóng tại các căn cứ không quân Coningsby và Leuchars sẽ không được “sờ” tới những chiếc Typhoon, trừ trong tình huống khẩn cấp khi nước Anh bị tấn công.

Trong khi đó, các đội kỹ thuật đang làm việc 24/24 để sửa những chiếc ghế phi công có giá 1,6 triệu USD, với ưu tiên số một là máy bay thuộc lực lượng phản ứng nhanh và những chiếc đang canh giữ quần đảo Falklands. Hiện Anh quốc có 64 chiếc Typhoon trong trang bị và chúng được xem là một trong những ranh giới phòng vệ quan trọng nhất của nước này.

Ngoài Anh, tuần trước Không quân Đức cũng đã ngưng hoạt động vô thời hạn 55 chiếc Typhoon. Các máy bay tương tự ở Tây Ban Nha, Italia, Australia và Arabia Saudi cũng bị đình chỉ hoạt động trong thời gian chờ kết quả kiểm tra.

Niềm tự hào của châu Âu

Những chiếc Eurofighter Typhoon được hình thành từ Chương trình máy bay chiến đấu châu Âu (EFA) khởi động từ năm 1983, khi Anh, Pháp, Đức, Italia, Tây Ban Nha đồng ý hợp tác một chiến máy bay tiêm kích tiên tiến cho thế kỷ 21. Tuy nhiên, sau đó Pháp đã rời khỏi chương trình và tới năm 1992, Đức suýt nữa cũng rút lui.

Sau nhiều tranh cãi, sóng gió, nỗ lực chung của châu Âu cuối cùng đã dẫn tới sự phát triển thành công của chiếc Eurofighter 2000 và sau đó được đổi tên là Typhoon.

Typhoon được tạo ra để phục vụ chủ yếu cho sứ mạng không chiến. Tuy nhiên, sau những lần nâng cấp, nó đã có thêm khả năng tấn công mục tiêu dưới mặt đất. Được trang bị động cơ tiên tiến và thiết kế cánh tam giác, máy bay này hết sức linh hoạt và có thể cất cánh, hạ cánh trên đường băng ngắn.

Bất chấp việc chi phí tăng cao và sự trì hoãn trong hoạt động sản xuất do các vấn đề chính trị, những chiếc Typhoon đầu tiên vẫn cất cánh vào tháng 3/1994 và lần đầu đi vào trang bị trong Không quân Hoàng gia Anh từ năm 2003. Cho tới nay đã có hơn 500 chiếc Typhoon được đặt mua, gồm 180 chiếc cho Đức, 160 chiếc cho Anh, Italia lấy 121 chiếc và Tây Ban Nha sở hữu 87 chiếc. Áo cũng đặt mua 15 chiếc trong khi Arabia Saudi nhận 72 chiếc.

Xét về mặt tính năng, Typhoon có khả năng bay với vận tốc 2.500km/h và tầm hoạt động khoảng 3.000km. Máy bay được trang bị 1 pháo 27 mm Mauser BK-27; các tên lửa đối không AIM-9 Sidewinder, AIM-132 ASRAAM, AIM-120 AMRAAM, IRIS-T và MBDA Meteor trong tương lai; các tên lửa đối đất AGM-84 Harpoon, AGM-88 HARM, ALARM, Storm Shadow, Brimstone, Taurus, Penguin và AGM Armiger trong tương lai. Nó cũng có thể mang theo bom Paveway 2, Paveway 3, Enhanced Paveway và bom thông minh JDAM.

Không có gì là hoàn hảo

Sự tổng hợp của các tính năng như nhanh nhẹn, khả năng thao diễn, tàng hình và hệ thống điện tử hiện đại khiến Typhoon trở thành một trong những loại máy bay chiến đấu được đánh giá cao nhất hiện nay.

Hồi năm 2004, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ John P. Jumper đã không tiếc lời khen ngợi sau khi lái một chiếc Eurofighter: “Tôi đã bay toàn bộ những chiếc máy bay của không lực. Không chiếc nào trong số đó tốt như Eurofighter”. Cần biết Jumper đã từng cầm lái loại máy bay F-22 Raptor.

Tháng 8 năm nay, tới lượt Eurofighter, công ty sản xuất những chiếc Typhoon lên tiếng nghi ngờ hiệu quả tác chiến của máy bay F-35 Lightning II. Eurofighter khẳng định rằng họ đã tiến hành đánh trận giả trên máy vi tính giữa máy bay Typhoon và F-35 và kết quả là phần lớn các trường hợp máy bay chiến đấu của Mỹ không “chịu được nhiệt” trước sự tấn công của máy bay châu Âu.

Tuy nhiên, không có thứ gì trên đời này là hoàn hảo và vụ tai nạn tại Tây Ban Nha đã chứng minh điều đó. Ngoài việc gây giảm sút danh tiếng của Typhoon, nó còn có thể gây cản trở Anh bỏ 2,8 tỉ bảng mua thêm 40 chiếc máy bay thuộc loại này nữa, trong bối cảnh nước này vẫn đang hô hào cắt giảm tối đa chi phí quốc phòng.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm