Những nẻo đường EURO: Tình yêu trên những khuôn cửa sổ

20/06/2016 09:20 GMT+7 | Euro 2020

(Thethaovanhoa.vn) - Đấy là khung cảnh thật vui ở một phố tại trung tâm Marseille, khi ba chiếc corset phụ nữ trở thành một lá cờ Pháp. Hôm ấy, Pháp đá với Albania ở Marseille và giành chiến thắng. Một thông điệp rất Pháp trong một mùa hè mà trái bóng và rất nhiều thứ cũng tròn đang lăn.

Lá cờ nước Pháp nằm ở đó, trên một ban công ở trung tâm Marseille. Đấy không phải là một lá cờ ba màu bình thường, mà nó được một ai đó đầy sáng tạo và tinh nghịch treo lên: mỗi màu của lá cờ tam tài là một chiếc áo lót phụ nữ ngoại cỡ. Cỡ XL hay XXL? Tôi không rõ, vì tôi không có thói quen đo kích cỡ ai đó chỉ bằng một cái nhìn. Nhưng nhìn “lá cờ” ấy thật thích mắt và thú vị, bởi nó gợi lên rất nhiều điều gây tò mò về người đã tạo ra nó. Bên cạnh đó là một lá cờ khác được tạo thành bởi ba cái váy ngoại cỡ khác. Kết luận một cách giản đơn: người Pháp đã yêu bóng đá và đất nước mình một cách hài hước như thế.


Trong một thế giới hỗn độn và đầy bất trắc, những thông điệp kiểu Pháp như thế rất dễ tạo ra những nụ cười ở phía người chứng kiến. Chợt nhớ đến những câu văn vừa hài hước vừa sâu cay của nhà văn Michel Houellebecq trong những tác phẩm bán chạy của ông, để hiểu rằng, câu trả lời cho những rắc rối mà cuộc đời đem lại trong cái thế giới ngày càng khó kiểm soát này chính là sự trào phúng một cách thông minh nhất, sâu cay nhất. Sau vụ khủng bố 13/11 ở Paris, lá cờ corset như thế đã từng xuất hiện trên một tấm ảnh và hình ảnh ấy đã nhanh chóng truyền đi khắp thế giới. Câu trả lời cho sự thù hận đôi khi chỉ cần đơn giản như thế: các người cứ đe dọa chúng tôi đi, chúng tôi vẫn cứ yêu, yêu mạnh mẽ và ngấu nghiến. Yêu cuộc sống, yêu bản thân chúng tôi bằng xác thịt, tâm hồn và văn hóa kiểu của chúng tôi. Thời của EURO, khi trái bóng lăn trong biết bao nỗi âu lo của cuộc sống đang rình rập, bên cạnh nguy cơ khủng bố đang lơ lửng trên đầu, người ta cũng không được phép quên rằng mình phải sống, phải yêu, phải ngốn ngấu từng ngày ta còn lại trên cõi đời này, như ngày mai là ngày cuối cùng.

Trên những con phố ở bao thành phố và làng mạc Pháp tôi đã qua, những lá cờ bằng corset và những lá cờ thực sự xuất hiện rất nhiều trên các ban công và các cửa sổ. Đấy không chỉ là tình yêu đất nước, vốn được thể hiện khi có một điều gì đó, chẳng hạn một biến cố đoàn kết họ lại và tiếp thêm cho họ sức mạnh của niềm tự hào, mà là sự ủng hộ đối với một đội bóng trên tầm quốc gia đại diện cho tình yêu bóng đá của họ. Đấy là một đội tuyển thể hiện rất rõ đặc tính của nước Pháp thời hiện đại, với nhiều cầu thủ da màu hơn da trắng và số lượng ngày càng đông của họ trong màu Áo Lam thậm chí đã gây ra những cuộc tranh cãi ầm ỹ trên báo chí. Đội tuyển ấy cũng đã luôn thử thách trái tim và sự kiên nhẫn của công chúng bằng những chiến thắng vất vả, ở những phút cuối cùng, bằng bàn thắng từ những cầu thủ không có màu da trắng. Tôi đã thấy những người da đen và da trắng Pháp ôm nhau sau bàn thắng quyết định của Payet vào lưới Albania, đã chứng kiến niềm vui bất tận của những khu dân cư nghèo và chủ yếu là dân nhập cư Bắc Phi ở Marseille, thành phố có 1/3 dân số theo Hồi giáo, khi họ hát bản Marseillaise. Có những người đã hòa nhập vào cuộc sống ở đây, coi đây như đất mẹ. Nhưng cũng có những kẻ không chấp nhận cuộc sống chung ấy. Hoặc họ là những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hoặc những kẻ theo Hồi giáo cực đoan. 


Chiến thắng của nước Pháp bóng đá hàn đã giúp gắn những vết thương lớn lao mà nước Pháp chính trị, tôn giáo và xã hội đang phải đối mặt. Những người bạn Pháp nói với tôi rằng, giải đấu EURO hay World Cup nào cũng thế, những lá cờ xuất hiện ngày càng nhiều trên những khung cửa sổ khi Pháp càng tiến sâu trong giải. Và rồi, sự cuồng nhiệt và hy vọng biến mất mỗi khi đội bóng Áo Lam thất bại và bị loại, để lại hoặc những tiếc nuối sâu sắc cho người hâm mộ, hoặc những cuộc tranh cãi liên miên không có hồi kết. Người ta kì vọng năm nay sẽ giống năm 1998, khi Deschamps-cầu-thủ và các đồng đội của anh đi đến tận trận cuối cùng và đăng quang ở World Cup, để rồi những lá cờ ba màu phấp phới bay trên phố, trên những cánh cửa xe hơi, cửa những căn nhà, gốc cây, khi bản Marseillaise được hát vang khắp nơi với niềm tự hào lớn lao. Hồi ấy, người ta nói rằng, chiến thắng của đội Pháp là biểu tượng của nước Pháp thời hiện đại, thể hiện sự sống chung một cách hòa hợp giữa các sắc tộc và tôn giáo, giữa người bản địa và cộng đồng nhập cư. Nước Pháp đã sống trong suy nghĩ ấy rất nhiều năm.


Nhưng sau chiến thắng ở World Cup 1998 và những cuộc khủng bố trong những năm qua, sự kết dính ấy không còn nữa. Những vấn đề xã hội đã làm mối quan hệ ấy trở nên rạn nứt. Các cuộc khủng bố Hồi giáo quá khích đang nhắm đến việc tạo ra sự thù hận và nghi kị giữa các cộng đồng tôn giáo và sắc tộc, tìm cách biến những ban công đầy hoa, với những song sắt trang trí rất đẹp và nghệ thuật ở Paris, Marseille, Bordeaux và nhiều thành phố khác ở Pháp thành những ban công thờ ơ, lãnh đạm, những cửa sổ đóng kín và ngăn cách mình với thế giới bên ngoài vì sợ hãi và nghi kị. Nhưng niềm tự hào dân tộc lại bùng lên nhờ thể thao, nhờ bóng đá và rugby, những môn thể thao đại chúng lớn nhất trên đất nước này. Những lá cờ lác đác xuất hiện những ngày đầu, lan ra nhiều hơn các ban công và cửa sổ những ngày sau đó, theo từng chiến thắng của đội Pháp. EURO sẽ là một tháng như thế, khi ba màu nước Pháp tung bay ở khắp nơi, theo nhịp chân đi của các cầu thủ từ một quốc gia đã luôn tự hào về những giá trị mà họ đem đến cho thế giới. Đấy không chỉ là về tự do, bình đẳng và bác ái, những giá trị đang bị thách thức, mà còn cả tình yêu cuộc sống và sự hài hước như những chiếc corset ba màu ở Marseille kia, nơi đã gắn bó mật thiết với bản quốc ca Marseillaise, với những lời thơ hào hùng chất chứa gươm đao, máu lửa và lòng yêu tự do.

Điều gì sẽ xảy ra sau khi EURO kết thúc, hoặc đội Pháp không đáp ứng được sự kì vọng của tất cả? Cuộc sống sẽ trở lại bình thường và những rắc rối xã hội hoặc của các cá nhân sẽ trở lại, sau một tháng tất cả gạt những điều đó sang bên. Nhưng những ban công và cửa sổ thì vẫn thế, luôn chứa đựng những thông điệp thú vị đằng sau đó, và không phải ai cũng giải mã được. Một chậu hoa trên bậu cửa, một con mèo đang đứng trầm ngâm ở đó và nghĩ gì không ai biết, những người già chống tay nhìn cuộc sống trôi phía dưới, một đôi uyên ương nào đó đang hôn nhau say đắm. Xa xa, tháp Eiffel vẫn bình thản và ngạo nghễ đứng dưới trời xanh thẳm...

Vài điều về quốc kỳ Pháp

Đấy là một lá cờ của Cách mạng Pháp, là biểu tượng của cuộc cách mạng đã làm thay đổi nước Pháp và thế giới. Nó được sinh ra từ sự thống nhất của nước Pháp thông qua ba mầu: mầu trắng tượng trưng cho Hoàng đế bị kẹp ở giữa hai mầu xanh dương và đỏ tượng trưng cho Vệ binh Quốc gia Paris. Mặc dù vậy, theo cổng thông tin điện tử của điện Elysée, vẫn còn nhiều câu hỏi liên quan đến nguồn gốc xuất xứ của lá cờ vì tính xác thực của những giai thoại được truyền lại tới nay vẫn chưa thể kiểm chứng được.

Theo đài RFI, Hầu tước La Fayette kể lại trong cuốn Hồi ký (Mémoires) của mình rằng, ba ngày sau khi phá ngục Bastille (14/7/1789), ông đã buộc vua Louis XVI tới toà thị chính Paris và đeo phù hiệu ba mầu: mầu trắng tượng trưng cho nền quân chủ, còn các mầu xanh và đỏ là mầu của thành phố Paris. Đây được coi là dấu hiệu của "sự kết hợp tôn nghiêm và vĩnh cửu giữa chế độ quân chủ và dân tộc".

Vào mùa Thu năm 1790, Quốc hội lập hiến quyết định mọi tầu chiến và tầu buôn của Pháp phải treo lá cờ với ba dải mầu theo chiều dọc: mầu đỏ ở cạnh cột buồm, mầu trắng ở giữa và dải mầu trắng phải rộng hơn một chút so với hai dải mầu còn lại, và cuối cùng là mầu xanh nước biển. Quy định cũng ghi rõ là phải treo cờ theo chiều dọc các băng mầu để tránh nhầm với quốc kỳ Hà Lan. Vì từ một thế kỷ, lá cờ của nước này cũng mang ba mầu xanh-trắng-đỏ, nhưng theo chiều ngang, đã tung bay khắp các vùng biển trên thế giới.

Một cô bé mẹ Pháp bố Việt ở Marseille, với lá cờ Pháp trên tay. Ảnh: Anh Ngọc.

Chỉ từ ngày 15/2/1794, quốc kỳ Pháp mới có hình dạng và thứ tự mầu sắc như hiện nay. Bản Công ước Quốc gia quy định quốc kỳ mang ba mầu xanh-trắng-đỏ chạy theo chiều dọc : mầu xanh nước biển sẽ nằm bên cạnh cột cờ, mầu trắng ở giữa và mầu đỏ tung bay trong gió. Theo những giai thoại được lưu lại thì chính họa sĩ Louis David là người lựa chọn trật tự mầu sắc cho lá cờ.

Sự sống còn của quốc kỳ Pháp từng bị đe doạ rất nhiều lần trong lịch sử. Trong những năm 1814 đến 1830, là cờ xanh-trắng-đỏ biến mất hoàn toàn vì nền quân chủ trở lại nắm quyền. Hay vào ngày 25/2/1848, khi tuyên bố nền Cộng hoà, những người nổi dậy muốn một lá cờ chỉ một mầu đỏ. Chính Alphonse de Lamartine (1790-1869), với tư cách là chính trị gia đã hô hào quần chúng và với tư cách là nhà thơ đã biết tìm những lời lẽ thuyết phục để cứu lá cờ ba mầu.

Ông nói: "Lá cờ đã đi vòng quanh thế giới với tên gọi, vinh quang và tự do của tổ quốc. Nếu các bạn giật mất lá cờ ba mầu khỏi tay tôi, thì nên hiểu rằng các bạn giật mất một nửa ngoại lực của nước Pháp, vì Châu Âu chỉ biết đến những thắng lợi của chúng ta qua lá cờ của nền Cộng hoà, của Vương quốc. Khi nhìn thấy lá cờ đỏ, Châu Âu chỉ thấy đó là lá cờ của một đảng phái. Cần phải giương cao quốc kỳ Pháp, lá cờ của những đội quân chiến thắng, lá cờ của khải hoàn. Nước Pháp và quốc kỳ ba mầu, là biểu tượng chung của một luồng tư tưởng, một uy tín và sự sợ hãi cho kẻ thù của chúng ta".


Bài và ảnh: Trương Anh Ngọc (từ Bordeaux, Pháp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm