Những nẻo đường EURO: Có một Paris trong tiếng ca

10/07/2016 09:48 GMT+7 | Euro 2020

(Thethaovanhoa.vn) - Đấy là một Paris mà tôi yêu mến, bởi nó sâu lắng, say mê và tràn đầy lãng mạn. Một Paris không hào nhoáng và tạo ra cảm giác choáng ngợp cho những người mới tới như tháp Eiffel, Cổng khải hoàn, đại lộ Champs-Elysees và những quảng trường rộng mênh mông nhưng nó đẹp đẽ, huyền ảo, lung linh và có vẻ hoài cổ khi đêm xuống. Đấy là Paris của âm nhạc.

Từ Edith Piaf…

Nhiều người nói rằng, cái góc Paris ấy không còn lãng mạn như ngày xưa nữa, vì bây giờ nó nhếch nhác hơn, đông người hơn, ầm ỹ và huyên náo hơn. Nhưng một người thích thực hiện những lộ trình tới các thành phố nghệ thuật như tôi không quan tâm đến điều đó, bởi chỉ cần bước qua cánh cửa gỗ của một quán ăn là tự nhiên cảm thấy mình như lạc vào một thế giới khác. Không gian không lớn, với một quầy bar dài và bài trí kiểu cổ, một dãy bàn ăn kê sát nhau chạy tít đến góc phòng, trên tường là những bức ảnh, áp phích quảng cáo các show ca nhạc của những năm 1940, 1950. Trên một bức ảnh, có hình của Edith Piaf. Giọng ca đã làm cho Paris trở nên tráng lệ và tình tứ hơn rất nhiều bởi các bản tình ca bất hủ của mình được sinh ra ở nơi đây, khu Belleville, hơn một thế kỉ trước, được chôn ở nghĩa trang Cha Lachaise chỉ cách chỗ này chừng một cây số và được tái sinh hàng tối tại đây, trong không gian được gọi là “restaurant musette” (quán nhạc) này.

Poster quảng cáo các đêm nhạc Edith Piaf ở quán Le Vieux Belleville.

“Le Vieux Belleville” là một thế giới của âm nhạc Pháp thời xưa cũ, và cái hồn của nước Pháp ngày đó tồn tại trong không gian nhỏ bé này, sâu lắng và lãng mạn, cách xa cái thế giới ồn ã và đông đúc phía ngoài kia. Ca sĩ Malène, một phụ nữ ở tuổi trên 60 với kiểu đầu và trang phục  giống Edith Piaf trong bức ảnh trên tường đang ca bản “Non, je ne regrette rien” (Không, em không hối tiếc gì nữa). Đấy là một Piaf tái sinh, Piaf tôi đã từng nghe rất nhiều qua các đĩa than cũ kĩ, Piaf tôi từng đọc trên báo chí và sách vở, Piaf của Paris và chữ “r” phát âm rất rõ trong cổ họng. Những thực khách, chủ yếu là những người cao tuổi, say sưa lắng tai nghe và như thể đang tưởng tượng ra Paris của những năm tháng trước kia. Bài hát kết thúc, mọi người lặng đi, và rồi một giai điệu vui hơn, nhanh hơn bắt đầu, cùng với tiếng đàn accordion. “Sân khấu” cho Malène hát rất nhỏ, chỉ vừa đủ kê vài cái ghế. Nhưng như thế cũng là đủ, kể cả sau những bài hát, người ta bắt đầu nhảy với nhau. Còn gì vui và lãng mạn hơn thế nữa, ở Paris của biết bao những niềm vui và lạc thú của đời này?

Một góc khu Belleville, Paris

“Le Vieux Belleville” chỉ là một trong số rất nhiều không gian âm nhạc tại Paris mà những ai muốn kiếm tìm sự thư thái tâm hồn trong lời ca, tiếng hát và nhịp đàn có thể đến và say mê đến mức không muốn về. Những “restaurant musette” ấy trên thực tế là một sự kế thừa của truyền thống các “goguette” (các không gian quán ăn có âm nhạc để bất cứ ai cũng có thể đến hát hoặc tự trình bày các ca khúc mà mình tự sáng tác, nhiều ca từ rất vui nhộn hoặc thậm chí chỉ trích chính quyền). Hình thức ấy ra đời từ thế kỉ 18, cực kì phát triển trong thế kỉ 19 và đến giờ vẫn được những người hoài cổ đến Paris vô cùng yêu thích. Ở Montmartre, một trong những khu đẹp và lãng mạn nhất của Paris, có Limonaire, một quán rượu nổi tiếng với hình thức ấy. Vào lúc 7 giờ tối, khi ăn hoặc uống khai vị, những người đến quán bắt đầu viết lời cho các bản nhạc mà họ sáng tác. Đến 9 giờ, họ bắt đầu lên hát một cách say sưa, trong sự cổ vũ của tất cả. Cuộc vui ấy diễn ra thứ hai hàng tuần, từ biết bao năm nay và là một trong những thứ người ta luôn nhắc tới khi nói về Paris.

… đến jazz Manouche của Django Reinhardt

Ở cái thành phố rộng lớn và nhìn đâu cũng thấy hiện lên chất thơ này, âm nhạc là một món quà mà Thượng đế đã ban tặng cho tất cả. Và vì thế, âm nhạc hiện diện ở mọi nơi, trong một cà phê vỉa hè ở trung tâm Paris đằm thắm với những giai điệu của Dalida, trong một bar rượu đang bật “The long and winding road” của Beatles, hay những điệu guitar rất lạ của Django Reinhardt trong quán Chez Adel. Là một “café a chansons” (cà phê nhạc), quán ở gần kênh Saint-Martin này đã từng quyến rũ biết bao thế hệ người yêu nhạc bởi kiểu guitar được gọi là “manouche” (di gan) của Reinhardt trong những năm 1930. Đấy chính là sự mở đầu cho dòng jazz sinh ra ở Pháp những năm sau đó. Người ta kể rằng, Reinhardt đã mất hai ngón tay sau một vụ cháy lớn và được các bác sĩ khuyên không nên chơi guitar nữa. Nhưng Reinhardt bất chấp tất cả, vì tình yêu lớn lao cho âm nhạc, và chính bàn tay phải mất ngón ấy đã giúp ông tạo ra kiểu nhạc jazz tuyệt vời ấy, tạo ra cả một trào lưu jazz Pháp trong những năm sau Thế chiến II. Reinhardt không còn nữa, nhưng những câu chuyện về ông ở Paris và chất jazz của ông thì vẫn tồn tại một cách ngạo nghễ giữa đời này, trong Chez Adel và rất nhiều quán khác nữa trong lòng Paris này. Hôm tôi đến Chez Adel, ban nhạc đang chơi một bản nhạc bất hủ của Reinhardt, bản “Minor swing”. Một nghệ sĩ trẻ có đủ 5 ngón tay đang mê mải chìm trong những điệu guitar của chính mình. Một người khác đang kéo violin và có lẽ nghĩ mình là Stephae Grappelli, người đã đệm đàn cho Reinhardt trong những năm tháng sôi động nhất cuộc đời ông.

Một buổi tối ở quán Chez Adel

Ở bờ trái của sông Seine, cách không xa nhà thờ Đức Bà Paris, là Caveau de la Huchette, một trong những câu lạc bộ jazz đầu tiên của Paris sau Thế chiến II. Từng được sử dụng như là một tòa án và nhà tù trong thời Cách mạng Pháp, nơi tuyệt vời này là một thiên đường đối với những ai yêu nhạc jazz. Tôi không yêu nhạc jazz đến mức cuồng dại, nhưng tôi thích cái chất ngẫu hứng đặc biệt của nó, và mỗi hành trình dài của tôi như trên đất Pháp này luôn kết thúc theo cách ấy: chọn một bar, quán ăn hoặc các câu lạc bộ jazz để tới thư giãn sau một chuyến đi với hàng nghìn cây số đường trường trong một tháng dài. Caveau de la Huchette là một nơi rất đặc biệt, bởi nơi này, rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng đã từng đến biểu diễn, như Count Basie, Lionel Hampton hay Art Barkley. Bên trong quán không chỉ có âm nhạc, thơ ca, rượu cognac grand cru hảo hạng và một không khí rất “phiêu” mà là một kiến trúc khiến những ai yêu Beatles đều cảm thấy xúc động: người ta bảo rằng, quán Cavern Club ở Liverpool đã lấy cảm hứng từ Caveau de la Huchette để thiết kế nội thất bên trong, với những vòm nhỏ bằng gạch. Đấy chính là nơi Beatles đã biểu diễn trong những năm đầu tiên của họ.

Bên trong quán Caveau de la Huchette

Một Paris lãng mạn và phiêu lãng cứ thế hiện ra trong những nốt nhạc. Không phải chỉ là những bản tình ca của Yves Montand hay Edith Piaf trong những băng đĩa tôi đã nghe trong nhiều năm trước, khi chưa từng tận mắt thấy Paris, không chỉ là những bản nhạc phim tuyệt vời khiến cho Paris thêm hoa lệ trong các phim gần đây như “Thế giới kì diệu của Amélie” hay “Midnight in Paris”, hay liên hoan nhạc jazz đang diễn ra giữa một rừng hoa ở công viên Floral tại Vincennes, ngoại ô Paris, mà là những đêm Paris thật đẹp trong các quán nhạc, những điệu tango được nhảy bên bờ sông Seine, những giai điệu vang lên từ các nghệ sĩ đường phố. Sức sống của một thành phố được thể hiện một phần ở đời sống văn hóa. Và Paris đã sống như thế, mãnh liệt, nhưng lãng mạn và sâu lắng vô cùng. Cũng sẽ không ai phải hối tiếc, nếu đã chân thành yêu Paris.

Một góc Paris

Edith Piaf đã từng ca: “Không, không gì hết/Không, không hối tiếc gì/Kể cả những điều tốt đẹp em đã làm/cả những điều tồi tệ/với em, chúng cũng như nhau thôi/Không, không gì hết/Không, em không hối tiếc điều gì/Vì cuộc đời của em, vì niềm vui nơi em/Hôm nay, em bắt đầu với anh”…

Trương Anh Ngọc (từ Paris, Pháp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm