EURO 2008: Yếu tố con người & dự bị chiến thuật

04/07/2008 18:36 GMT+7 | EURO 2008

(TT&VH Online) - Con người quyết định chiến thuật. Cầu thủ xác định lối chơi. Chân lý này xưa nay vẫn thế. Và sơ đồ 4-5-1 trở nên biến dạng qua từng đội bóng. Và cũng có một chân lý khác, thất bại hay thành công, các cầu thủ có phát huy tối đa khả năng hay lu mờ hơn so với khả năng của anh ta, phụ thuộc rất nhiều vào cách sắp xếp của các ông thày. EURO 2008 là một ví dụ điển hình.

Hà Lan mạnh nhất khi chơi 4-5-1 theo... kiểu 4-2-2-2

Đó là điều nghe tưởng chừng như vô lý, nhưng lại xảy ra trên thực tế. Trận đấu sexy nhất và hiệu quả nhất của đội bóng Da cam ở EURO 2008 là trận họ đại thắng Italia 3-0.

Van Basten đã sáng tạo, hoặc các học trò của ông đã cùng vị HLV 43 tuổi này đã linh hoạt trong cách vận hành sơ đồ chiến thuật 4-5-1 tới mức tạo nên một cuộc khám phá bất ngờ cho những người xem.

Nó vừa giống với cái sơ đồ chiến thuật mà người Brazil đã “chế tạo” ra trong thập kỷ 80 thế kỷ trước, từng đưa họ vô địch thế giới 1994 với một hình huông huyền ảo ở khu vực giữa sân, hình thành bởi 4 tiền vệ. 2 cạnh dưới là Engelaar và Nigel de Jong. 2 cạnh trên là Sneijder và Van de Vaart. Tiền vệ còn lại, De Kuyt chơi như một tiền đạo, xuất hiện khắp các tuyến, nghiêng về một bên. Hướng tấn công biên còn lại khoán trắng cho hậu vệ cánh, Van Bronckhorst.

Có thể nói, cách bố trí này đã tạo nên một Hà Lan có khả năng công phá khủng khiếp mà lại cực kỳ chắc chắn ở khâu phòng ngự, dù về lý thuyết, khi hậu vệ cánh dâng cao sẽ để hở sườn, rất rủi ro.
 
Sneijder, linh hồn trong lối chơi của Hà Lan.

Tiếc là sự sáng tạo kỳ lạ ấy đã không được Van Basten duy trì, khi ông bị đẩy vào tình huống mất Robben (chấn thương) một lần nữa. Trận tứ kết với Nga, Hà Lan chơi với đồ 4-2-3-1 không có bất cứ nét gì khác biệt so với các đội bóng khác. Và ông thất bại. Vì bị bắt bài.

Italia: 4-5-1 kiểu mỳ ống spaghetti

Italia ở giải đấu lần này, nhiều thời điểm chơi với sơ đồ có 3 tiền đạo, 1 trung phong cắm và 2 tiền đạo cánh. Nhưng về cách vận hành lối chơi, nó không khác nhiều với sơ đồ 4-5-1.

Nếu cho rằng, việc Italia bị loại ở tứ kết là bởi Luca Toni không biết ghi bàn, không sai. Có điều, nó không phải là cội rễ của vấn đề. Người Italia cũng sáng tạo, nhưng sự sáng tạo đó lại tạo nên những vấn đề: Pirlo cầu thủ có khả năng tấn công tốt nhất lại là người chơi thấp nhất trên hàng tiền vệ. Hai cầu thủ phòng ngự lại là những người chơi lệch sang 2 cánh: Gattuso và Ambrossini. Ở World Cup 2006, có những trận đấu, Marcello Lippi cũng để Italia chơi với cách bố trí này, nhưng đó là thời điểm mà các cá nhân nói trên không gặp vấn đề về phong độ và họ không được chỉ đạo để bắt phải chơi theo kiểu bóng đá Anh tạt cánh đánh đầu thường xuyên.

Và thật tiếc, khi Donadoni điều chỉnh, khi De Rossi vào sân để đảm bảo nguyên tắc người chơi thấp nhất là cầu thủ thiên về phòng ngự, che chắn cho cặp trung vệ, thì Pirlo lại bị treo giò và họ đụng phải đội bóng chơi linh hoạt nhất, có nhiều cầu thủ sáng tạo nhất là Tây Ban Nha.

Tây Ban Nha: giữa làn ranh 4-1-4-1 và 4-2-3-1

Khi một đội bóng có 2 tiền vệ trung tâm chơi thấp nhất trên hàng tiền vệ, một người cực mạnh trong phòng ngự, một người lại hội tụ đầy đủ các phẩm chất của một tiền vệ tấn công, cái cấu trúc 4-2-3-1 sẽ bị phá vỡ để nó giải phóng sức lao động và tạo nên những khác biệt của một đội bóng.

Chính bởi thế, có thời điểm, Tây Ban Nha thực sự chơi với sơ đồ 4-1-4-1 như nửa cuối hiệp hai của trận thắng Nga với tỉ số 4-1 ở vòng bảng, để đàn áp đối thủ. Và cả khi họ thận trọng hơn thì phẩm chất của các cá nhân nói trên vẫn giúp họ không trở nên xấu xí, mà vẫn lung linh với hàng công có đầy đủ các tiền vệ sẵn sàng chuyền bóng, sẵn sàng ghi bàn.

Tiền vệ thiên về phòng ngự ấy chính là Marcos Senna. Còn tiền vệ sắm vai trò như chiếc bản lề để Tây Ban Nha chuyển từ sơ đồ 4-1-4-1 sang 4-2-3-1 không thể là ai khác ngoài Xavi.

Không hiểu, khi UEFA bầu chọn Xavi cho danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất EURO 2008, có phải những phẩm chất đặc biệt ấy (thể hiện rất rõ trong trận chung kết) đã giúp anh giành chiến thắng? Nên nhớ, tại giải đấu này, trong 5 trận đấu Xavi hiện diện, anh chỉ chơi trọn vẹn đúng 1 trận đấu. Tức là Xavi là cầu thủ giúp Tây Ban Nha có thể thay đổi các phương án chiến thuật khác nhau ngay cả khi HLV Aragones không cần phải thay người.

Sự thay đổi cách nhìn về cầu thủ dự bị

Một HLV giỏi là người biết phát huy tối đa khả năng của các cầu thủ, kể cả qua cách ông ta sử dụng cầu thủ đó như một người dự bị bình thường, hay dự bị chiến thuật, hay trong vai trò một cầu thủ đá xuất phát.

Có 2 cầu thủ có thể trở thành ví dụ điển hình và phần nào đó là nguyên nhân dẫn tới thành công và thất bại của Aragones và Donadoni; Fabregas và Del Piero.

Cả 2 cùng là những cầu thủ chơi đặc biệt xuất sắc ở CLB của họ (Arsenal và Juventus) mùa giải vừa qua, đều được kỳ vọng ở EURO lần này với các mức độ khác nhau. Nhưng rốt cục thì chỉ có 1 cầu thủ tỏa sáng, chỉ có 1 đội tuyển thành công và chỉ có 1 HLV được tôn vinh.

Cơ sở làm nên sự khác biệt chính là việc Aragnes “phát hiện” ngôi sao của Arsenal chỉ có thể thích hợp và có giá trị khi xuất phát từ băng ghế dự bị và kiên định với cách dùng này cho tới khi ông không thể không thay đổi: để Fabregas đá từ đâu khi chân sút David Villa bị chấn thương. Còn Donadoni, ông hoặc đã không chịu nổi sức ép từ báo chí hoặc không có đủ sự kiên nhẫn nên đã tung ngôi sao của Juventus vào sân từ đầu ngay trong trận thứ hai, và ngôi sao tắt ngúm. Cần nhớ, trận đầu tiên, Del Piero chỉ vào sân trong hiệp hai, và anh chơi cực hay.

Vấn đề không phải là họ không có khả năng, cũng không phải là họ không đủ thể lực và càng không phải là không quen đá chính (họ luôn đá chính ở CLB), nhưng nó là vấn đề của tâm lý (thuộc về cá nhân cầu thủ) và vấn đề cấu trúc đội bóng và phương án chiến thuật.

Cũng may là Tây Ban Nha chỉ mất Villa trong trận chung kết. Nếu không, chưa biết chừng Fabregas giờ đây đã là cầu thủ đáng quên trong một đội hình gồm toàn những cá nhân đáng nhớ của đội bóng thuộc bán đảo Iberia.
 
Schweinsteiger là con bài dự bị chiến thuật của HLV Joachim Loew.

Hay một ví dụ khác nữa, khi ĐT Đức thất bại ở trận chung kết, cũng không ai nghĩ Joachim Loew là 1 HLV tồi, vì ông đã biết sử dụng Bastian Schweinsteiger như một quân bài dự bị chiến thuật. Trận đấu ấn tượng nhất mà ĐT Đức làm được ở giải đấu này là ở vòng tứ kết khi vượt qua Bồ Đào Nha với tỉ số 3-2. Và chính “số 7” là người tạo nên sự khác biệt với một bàn thắng kinh điển: Di chuyển từ cánh phải, qua quãng đường gần 50m rồi cắt mặt dứt điểm trong vòng cấm. Bồ Đào Nha, Paolo Ferreira và cáo giá Scolari đã bị đánh gục chính là bởi thứ ám khí ấy.

Chính nhờ những chiến thắng kiểu này, chiến thắng của chất xám HLV, của các cầu thủ là những kỹ thuật gia và có tư duy bóng đá siêu việt, và khi người ta tìm được vị Vua có những phẩm chất đặc biệt, sau một kỳ EURO 2004 nghèo nàn và thô kệch, EURO 2008 đã thực sự là đỉnh cao của thế giới bóng đá.
 
Trần Diệu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm