(TT&VH Cuối tuần) - Thật bất ngờ, sau 3 vòng đấu, dẫn đầu bảng xếp hạng Premier League là cái tên chẳng hề được trông đợi: Manchester City. Càng bất ngờ hơn khi Man Xanh chứ không phải Man Đỏ, Chelsea, Liverpool hay Arsenal là đội duy nhất bất bại tại Premier League. 9 điểm sau 3 trận toàn thắng là sự khởi đầu mà có lẽ trong mơ các fan Man Xanh cũng không dám nghĩ đến. Một lần nữa, một bộ phận công chúng nước Anh lại đang hát vang tên của Sven Goran Eriksson...
Hy vọng nhỏ làm nên chuyện lớn
Cách đây gần 6 năm, khi ĐT Anh phá huỷ cỗ xe tăng Đức bằng 5 “phát đại bác” tại Munich, Eriksson cảm nhận được lòng biết ơn vô hạn của các fan xứ sương mù. Cuối tuần trước, tại SVĐ City of Manchester, các CĐV đội chủ nhà đã dành cho vị HLV người Thuỵ Điển sự kính trọng như thế. Nhưng lần này, Eriksson hy vọng sự nghiệp của ông sẽ không tụt dốc như ở ĐT Anh.
Tuy bị áp đảo bởi người láng giềng hùng mạnh, nhưng Man City có niềm khát khao chiến thắng, những trái tim dũng cảm và tinh thần chiến đấu hết mình. Họ đã đổ cả máu (từ khuôn mặt đội trưởng Dunne) để bảo vệ bàn thắng từ cú sút của Geovanni. Dư âm trận derby thứ 137 thành Manchester chắc chắn sẽ còn vang vọng trong trái tim các fan Man City cho dù nó có thể không có nhiều ý nghĩa trong mùa giải rất dài. Từ những nhân viên phục vụ cho đến các cậu bé nhặt bóng, bất kỳ ai trong chiếc áo màu xanh dường như tìm được động lực mới.
Man City – “CLB Liên Hợp Quốc” Eriksson nói được 4 ngôn ngữ (tiếng Thuỵ Điển, tiếng Anh, tiếng Italia và tiếng BĐN), nhưng ông vẫn cần phải học thêm ngoại ngữ bởi ở Man City có sự hiện diện của các cầu thủ mang 17 quốc tịch. Cụ thể: Bỉ (Mpenza), Brazil (Elano, Geovanni), Bulgaria (Bojinov, Petrov), Trung Quốc (Sun Jihai), Croatia (Corluka), Đan Mạch (Schmeichel), Anh (Ball, Joe Hart, Johnson, Marc Laird, Logan, Miller, Mills, Onuoha, Richards, Sturridge, Vassell, Williams), Pháp (Dabo), Đức (Hamann), Hy Lạp (Samaras), Italia (Bianchi, Corradi), Ấn Độ (Hussein), CH Ailen (Dunne, Stephen Ireland), Scotland (Dickov), TBN (Garrido), Thuỵ Điển (Isaksson), Thuỵ Sỹ (Gelson).
Đội hình ưa thích của Eriksson (4-4-1-1): Kasper Schmeichel -Vedran Corluka, Micah Richards, Richard Dunne, Javier Garrido -Geovani, Diemar Hamann, Michael Johnson, Martin Petrov - Elano -Rolando Bianchi |
Nếu Eriksson rút ra được một bài học từ trải nghiệm trước đây với bóng đá Anh, đó chính là việc một niềm hy vọng nhỏ cũng có thể làm nên chuyện lớn. Nhà cầm quân người Thụy Điển vẫn tỏ ra vụng về bên đường biên và cũng như mọi khi, khó có thể khẳng định liệu may mắn đến mức kỳ quặc hay tài năng phi thường đang duy trì sự tồn tại của Eriksson.
3 trận, 9 điểm, chưa để thủng lưới. Ánh mắt Eriksson hấp háy khi nghĩ đến những người từng gọi ông là “gã lang băm”. Ông nói: "Nếu người ta có thể giành điểm nhờ kiểm soát bóng và sút cầu môn nhiều hơn thì chúng tôi đã thua. Nhưng chúng tôi ghi được một bàn, còn họ thì không. Đây là thử thách lớn và bây giờ chúng tôi biết có thể đương đầu được với các nhà VĐ cho dù chúng tôi còn phải đi một con đường dài để trở thành một đội bóng hàng đầu”.
Đến lúc này nhiều người Anh lại giật mình. Có lẽ người đàn ông này cũng hiểu biết về bóng đá thật! Eriksson nhận nhiệm vụ tái thiết Manchester City không chỉ với túi tiền của Thaksin mà còn với lòng dũng cảm. Và chỉ trong 1 tháng, ông đã đem lại cho Man Xanh một diện mạo khác hẳn. Những kết quả trên sân cỏ và cả những may mắn Man City đang tận hưởng có thể được xem là phần thưởng cho nỗ lực của Eriksson.
Hơn 1 năm trôi qua kể từ khi chia tay ĐT Anh sau World Cup 2006, Eriksson dường như đang trở lại với bóng đá CLB một cách đầy tự tin và ông khẳng định không sợ gánh nặng của sự kỳ vọng đưa Man City trở thành một “Ông lớn” ở Premier League.
Một nụ cười thoáng qua khuôn mặt của Eriksson khi biết Ferguson dè bỉu ông đến Man City vì tiền: “Tôi thậm chí không muốn bàn đến những chuyện vớ vẩn như thế. Tôi nhận nhiệm vụ này vì trước hết, đây là Premier League, thứ hai, Man City là một CLB lớn, và thứ ba, đây là dự án lớn. Đó là lý do vì sao tôi ở đây”.
Sau khi đến Man City, những mối quan hệ rộng rãi trong thế giới bóng đá giúp Eriksson đưa về 6 cầu thủ ngoại có chất lượng. Những buổi tập được kéo dài thêm để tạo sự gắn kết và kết quả khiến ngay cả Eriksson cũng phải bất ngờ. “Trận thắng West Ham đem lại cho tôi sự ngạc nhiên thú vị bởi đó là trận đầu tiên. Tôi phải cảm ơn các cầu thủ vì đã chơi thứ bóng đá rất hấp dẫn”.
Một lần nữa người Anh lại ngạc nhiên bởi thứ bóng đá ấy hoàn toàn tương phản với lối chơi thiếu sáng tạo của ĐT Anh dưới thời Eriksson. Tại sao lại có sự khác biệt ấy? Eriksson lẩn tránh chủ đề này, nhưng tiết lộ đủ để người ta hiểu rằng đó là do sự hiểu biết về kỹ thuật và chiến thuật của các cầu thủ.
Ở ĐT Anh, Eriksson chỉ có thể làm việc với những gì ông có, còn tại Man City, Eriksson có thể mua được một tiền vệ thông minh như Elano (8 triệu bảng từ Shakhtar Donetsk) để kết hợp và hỗ trợ trung phong mạnh mẽ Bianchi (8,8 triệu bảng từ Reggina). Có lẽ quan trọng nhất, ĐT Anh không có một cầu thủ thuận chân trái bẩm sinh như Martin Petrov (4,7 triệu bảng từ Atletico Madrid) để cân bằng hàng công.
Được lựa chọn những cầu thủ mình thích, Eriksson ra nước ngoài mua sắm. Lý do đầu tiên, rất đơn giản, giá các cầu thủ Anh quá đắt. “Tôi mong muốn có thể mua Rooney hay Gerrard, nhưng tôi thậm chí không dám mơ. Rooney đáng giá bao nhiêu? Rất nhiều tiền. Tôi không biết tại sao giá các cầu thủ Anh quá cao như vậy”.
Lý do thứ hai cũng quan trọng không kém: những cầu thủ đến từ lục địa già luôn có sự linh hoạt giúp họ thích nghi tốt hơn với nhiều sơ đồ chiến thuật và lối chơi đa dạng. Trong khi các cầu thủ Anh luôn tỏ ra lúng túng mỗi khi đội bóng của họ từ bỏ sơ đồ 4-4-2 cứng nhắc, các cầu thủ người Brazil, Bulgaria, Croatia và Italia dễ dàng thích nghi với sơ đồ cơ bản 4-4-1-1 của Eriksson và sẵn sàng chuyển sang 4-2-3-1, 4-3-3 hay 4-5-1 mỗi khi cần thiết.
Giờ đây, sau khi đã vượt qua MU, thử thách tiếp theo là trận gặp Arsenal trên sân Emirates. “Kết quả trận tới sẽ cho thấy chúng tôi tiến bộ thế nào”, Eriksson tự tin.
Hoàng Tuấn