Duyên dáng Việt Nam 28: 'Chết míc' Hà Hồ vẫn nhảy sung, hát khỏe

12/12/2016 11:43 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Tối 11/12, đêm diễn mở màn chương trình Duyên dáng Việt Nam 28 với chủ đề Xuân đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội với sự tham gia của cả một dàn sao từ ca sĩ đến hoa hậu, người mẫu, như: ca sĩ Mỹ Linh, Hồng Nhung, Hà Hồ, Mỹ Tâm, Lệ Quyên, Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh, Hoa hậu Thùy Dung, Á hậu Thanh Tú, Á hậu Huyền My…

Duyên dáng Việt Nam 28 với chủ đề Xuân có sự tham gia của khoảng 500 nghệ sĩ, chưa kể khâu hậu cần với các thiết bị âm thanh ánh sáng đầu tư lên đến con số vài tỉ. Các tiêt mục biểu diễn hầu hết đều có dàn múa minh họa.

Như ông Nguyễn Công Khế dẫn lời thì Duyên dáng Việt Nam đã từng đặt chân đến các nước như Úc, Anh, Singapore và được đánh giá là một bữa tiệc nghệ thuật tầm cỡ, có khả năng quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Với một chương trình lớn như vậy, việc “chạy” thông suốt trong 3 tiếng 30 phút mà không gặp phải "sự cố" nào là một nỗ lực của nhà tổ chức. Và một cách khách quan, diễn ở sân khấu Hà Nội, với sự "khó tính" trong gu thưởng thức của người Bắc, chương trình dễ nhận không ít phàn nàn.

Trong một chương trình hội tụ nhiều ca sĩ hai miền Nam – Bắc nhưng không có phần giới thiệu ca sĩ khiến nhiều khán giả không biết mình đang nghe ai hát. Ngoại trừ, có Lệ Quyên là tự giới thiệu về mình.

Việc dàn dựng múa cho hầu hết các tiết mục là một sự “tham lam” không cần thiết của đạo diễn. Thậm chí, nhiều tiết mục minh họa không ăn nhập. 

Chương trình có đến 3 người dẫn chuyện: MC Phan Anh, Phan Lê Ái Phương, Huỳnh Giao và hai khách mời: NSND Lê Khanh, nhạc sĩ Phú Quang, nhưng chương trình không tạo được mạch dẫn giữa các phần.

Đặc biệt là khâu âm thanh đã không đảm bảo chất lượng cho toàn bộ đêm diễn. Điển hình là phần trình diễn kém may mắn của “nữ hoàng giải trí” Hồ Ngọc Hà khi cô là ca sĩ duy nhất trong đêm nhạc bị “mất tiếng” do sự cố âm thanh trong 2/3 tiết mục của mình. Tất nhiên, với bản lĩnh sân khấu, Hà Hồ vẫn nhảy, vẫn hát như không có chuyện gi xảy ra. Rất ít khán giả ngồi ở khu vực VIP vẫn còn nghe được cô hát “chay”.


Dù 'chết míc' giữa "đường" nhưng Hà Hồ vẫn nhảy sung, hát khỏe với "Sài gòn đẹp lắm"

Song, nói như thế không có nghĩa là đêm nhạc chẳng có dư âm gì.

Trước khi diễn ra, tổng đạo diễn Đinh Anh Dũng từng chia sẻ, mong muốn của ông khi thực hiện chương trình này, là “dù hay dù dở”, chỉ cần xem xong, mỗi người đều có dư âm, đều cảm thấy đọng lại trong mỗi người những cảm xúc, vậy là ông đã thành công.

Thực tế, khi đem cả một vườn sen, những con đò, những “chợ nổi”, những phố cổ... với sự hỗ trợ của màn hình led đã đem đến một không gian sống động trên sân khấu của Duyên dáng Việt Nam. Phong vị mà mỗi mùa Xuân của Duyên dáng Việt Nam mang đến là cái se lạnh của miền Bắc, là sự hồ hởi, tươi vui, ấm áp của miền Nam. Điều này không chỉ được “sáng tỏ” về hình ảnh mà còn ở những ca khúc được lựa chọn trong chương trình. 

Nhưng điểm nhấn dễ thấy đi vào lòng khán giả nhất của Duyên dáng Việt Nam 28 có lẽ chính là chương 3 của chương trình: Những mùa Xuân không thể nào quên.

Xuân của thời bình khác với Xuân của thời chiến. Khơi gợi lại một mùa Xuân đau thương năm 1972, chương trình đã nói lời xin lỗi trước với khán giả. Song, sự tái hiện hình ảnh trên màn hình, âm thanh của tiếng bom nổ vang cả khán phòng Trung tâm Hội nghị Quốc gia cho đến khi nhạc sĩ Phú Quang – vị khách mời đặc biệt của chương trình xuất hiện, kể lại về một thời đạn bom của gia đình ông khi có ngôi nhà ở Khâm Thiên – nơi bị đánh bom nặng nhất vào năm 1972, đã “chạm” vào cảm xúc của không ít khán giả.

Nhạc sĩ Phú Quang kể, dù đã trải qua thời gian gấp 3 lần so với thời điểm mà ông chứng kiến nỗi đau này, nhưng đến nay, nỗi đau ấy chưa bao giờ thực sự chấm dứt trong ông. Cứ nghĩ đến là thấy đau.

“Cả một khu phố toàn người dân lao động bị bỏ bom, chết mà không biết làm sao. Tôi chứng kiến một gia đình, có đến hơn hai mươi người chết, chỉ còn một người sống. Khi người ta khiêng những người chết ra ngoài, người sống chỉ biết đứng... lặng thinh., không nói, không khóc câu nào. Những hình ảnh đó, ám ảnh tôi suốt”.

Tuy nhiên, từ câu chuyện đó, nhạc sĩ Phú Quang dẫn khán giả đến sự ra đời của Em ơi, Hà Nội phố. Chắc hẳn, với những ai yêu nhạc Phú Quang, yêu Hà Nội khi được nghe những gì nhạc sĩ tâm sự trong đêm nhạc này, sẽ càng hiểu hơn về ca khúc của ông cũng như đón nhận Em ơi Hà Nội phố một cách sâu sắc hơn.

Cũng vì lịch sử có một mùa Xuân không thể nào quên, nên trong âm nhạc, mới có những khúc ca như Dấu chân địa đàng, Xin cho tôi ược thể hiện ấn tượng với hòa tấu: Trần Mạnh Tuấn, Lê Quang, Tuấn Mạnh, Khắc Triệu hay các ca khúc Ngủ đi con, Ca dao mẹ do Hồng Nhung, Đức Tuấn thể hiện.

Một số hình ảnh trong Duyên dáng Việt Nam 28:


Chương trình mở màn với "Tình ca" qua bộ tứ:Đức Tuấn, Tấn Minh, Hồ Trung Dũng, Trọng Bắc


Tái hiện Xuân trên vùng cao qua tác phẩm "Bướm mơ" do Thu Hằng, Pha Lê thể hiện


"Mưa Xuân nồng nàn" với Mỹ Linh


"Chiều phủ Tây Hồ" với Tấn Minh - Khánh Linh


Thu Minh và "Gái Xuân"


Thu Phương với "Hoa Xuân"


Quang Linh đậm chất Huế trong "Về Huế chiều Xuân"

Nghe ca khúc Nếu xuân này vắng anh do Lệ Quyên thể hiện:


Yến Thảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm